Có một thời để nhớ, có một thời đẹp hơn mọi lời ca, một thời mà cả nước lên đường phơi phới bước chân trong cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước vĩ đại. Trường Sơn ơi, rầm rập bước quân hành. Hình ảnh các cô gái thanh niên xung phong trên tuyến đầu lửa đạn đã trở thành đề tài văn học. Mảnh trăng cuối rừng - Nguyễn Minh Châu, Lá đỏ - Nguyễn Đình Thi, Khoảng trời hố bom - Lâm Thị Mỹ Dạ... đã khắc họa vẻ đẹp kiêu hùng của thời đại. Lê Minh Khuê, một nhà văn nữ trưởng thành trong chiến tranh đã đóng góp cho nền văn học Việt Nam truyện ngắn Những ngôi sao xa xôi đã tạo nét duyên dáng của cây bút trẻ. Truyện đã phản ánh thành công khốc liệt của chiến tranh đồng thời ánh lên vẻ đẹp tâm hồn như những vì sao lung linh ngời sáng của những cô gái thanh niên xung phong trên tuyến lửa Trường Sơn.
Bước vào tác phẩm ta thấy Lê Minh
Khuê đã phác họa khung cảnh và không khí trọng điểm trên tuyến đường Trường Sơn
chỉ bằng một vài nét chấm phá miêu tả hiện thực cô đọng nhưng cũng đủ khái quát
khốc liệt chiến tranh. Và có lẽ thành công của tác phẩm là nghệ thuật miêu tả
tâm lí nhân vật và ngôn ngữ trần thuật. Với sự lựa chọn cách trần thuật ở ngôi
thứ nhất, Phương Định là người kể cũng là nhân vật chính của truyện. Nhà văn Lê
Minh Khuê đã miêu tả rất cụ thể thế giới nội tâm, những cảm xúc và suy nghĩ của
ba cô gái thanh niên xung phong. Truyện viết về đề tài chiến tranh nên có nhiều
chi tiết về bom đạn, chiến đấu, hi sinh nhưng chủ yếu là hướng vào thế giới nội
tâm, làm hiện lên vẻ đẹp tâm hồn của con người trong hoàn cảnh khốc liệt. Có được
sự thành công đó phần lớn là nhờ vào cách lựa chọn ngôi kể phù hợp của tác giả.
Truyện ngắn Những ngôi xa xôi
của Lê Minh Khuê có cốt truyện khá đơn giản. Truyện kể về ba cô thanh niên xung
phong tên là Thao, Nho và Phương Định. Họ làm thành một tổ trinh sát mặt đường
trên cao điểm tại một vùng trọng điểm trên tuyến đường Trường Sơn. Đây là nơi tập
trung nhiều bom đạn và sự nguy hiểm, ác liệt. Hoàn cảnh sống và chiến đấu của
ba cô gái đặc biệt gian khổ nguy hiểm và công việc của họ cũng đầy nguy hiểm hi
sinh. Ngay giữa ban ngày, họ phải phơi mình ra giữa vùng trọng điểm đánh phá của
máy bay địch. Sau mỗi trận bom họ phải lao ra trọng điểm, đo ước tính khối lượng
đất đá lấp hố bom địch đào xới, đếm bom chưa nổ và phá bom. Đây là một công việc
hết sức mạo hiểm, luôn phải đối mặt với cái chết, luôn căng thẳng thần kinh,
đòi hỏi họ phải hết sức dũng cảm và bình tĩnh. Nhưng với họ công việc nguy hiểm
ấy đã trở thành quen thuộc, bình thường: “Có nơi đâu như thế này không: đất
bốc khói, không khí bàng hoàng, máy bay ầm ì xa dần. Thần kinh căng như dây
chão, tim đập bất kể nhịp điệu, chân chạy mà vẫn biết rằng khắp chung quanh có
nhiều quả bom chưa nổ. Có thể nổ bây giờ, có thể chốc nữa. Nhưng nhất định sẽ nổ...
Rồi khi xong việc, quay lại nhìn cảnh đoạn đường một lần nữa, thở phào chạy về
hang.”
Những cô gái làm trinh sát mặt đường ấy,
có cùng xuất thân là những cô gái Hà Nội, có cá tính và hoàn cảnh riêng khác
nhau nhưng ba cô đều có phẩm chất chung của thanh niên xung phong ở chiến trường
là có tinh thần trách nhiệm cao với nhiệm vụ, không sợ hy sinh, có tình đồng đội
gắn bó. Đó là mẫu người sẵn sàng “Đi bất cứ nơi đâu khi Tổ quốc đang cần”.
Ngoài ra, họ còn có những nét tính cách chung của các cô gái trẻ là dễ xúc cảm,
nhiều ước mơ, hay mơ mộng, dễ vui mà cũng dễ trầm tư và thích làm đẹp cho cuộc
sống của mình dù đang sống ở chiến trường. Cụ thể là chị Thao rất thích chép
bài hát, chép cả lời hát bịa của Phương Định. Còn Nho thích thêu thùa và Phương
Định, những lúc rảnh rỗi lại thích ngắm mình trong gương hay ngồi bó gối mơ
màng. Đó là nét đẹp lãng mạn trong khói lửa chiến tranh, là sức sống dâng tràn
mặc mưa bom bão đạn như Bùi Minh Quốc cũng từng viết:
“Trong một góc vườn cháy khét lửa
napan
Em sửng sốt gặp một nhành hoa cúc
Và em gọi đó là hạnh phúc.”
(Bài thơ về hạnh phúc)
Nho, Thao, Phương Định sống trong một
tập thể, họ hết sức gắn bó yêu thương nhau nhưng ba cô gái vẫn có những nét
tính cách riêng không ai giống ai. Chị Thao thì ít nhiều từng trải hơn, không dễ
dàng hồn nhiên, mơ mộng và dự tính tương lai có vẻ thiết thực hơn nhưng cũng
không thiếu những khát khao và rung động của tuổi trẻ. Chị chiến đấu rất dũng cảm,
bình tĩnh nhưng lại rất sợ khi nhìn thấy máu chảy và sợ cả vắt nữa. Còn Nho là
người nhỏ tuổi nhất, tính cô lại càng trẻ con. Nho thích mút kẹo. Hàng ngày cô
được cưng chiều và luôn nhận phần việc nhẹ hơn. Nhưng không phải vì thế mà cô ỷ
lại công việc cho Thao và Phương Định. Cô vẫn dũng cảm, cứng rắn hoàn thành xuất
sắc nhiệm vụ của mình.
Phương Định là nhân vật chính của
truyện được Lê Minh Khuê tập trung ngòi bút để miêu tả. Cô vốn là con gái Hà Nội
vào chiến trường. Cô có thời học sinh hồn nhiên vô tư bên người mẹ. Cô có một
căn buồng nhỏ ở một đường phố yên tĩnh của thủ đô trong những ngày thanh
bình trước chiến tranh. Những kỉ niệm ấy, luôn sống trong lòng cô ngay giữa chiến
trường dữ dội. Nó vừa là niềm khát khao, vừa là dòng suối làm dịu mát tâm hồn
cô trong hoàn cảnh căng thẳng, khốc liệt của chiến tranh.
Nói về ngoại hình, Lê Minh Khuê
không hề miêu tả chi tiết mà tác giả rất tinh tế khi để cho nhân vật tự đánh
giá mình: “Tôi là con gái Hà Nội. Nói một cách khiêm tốn, tôi là một cô gái
khá. Hai bím tóc dày, tương đối mềm, một cái cổ cao, kiêu hãnh như đài hoa kèn.
Còn mắt tôi thì các anh lái xe bảo: “Cô có cái nhìn sao mà xa xăm!”. Chính
đôi mắt cô đẹp như một ánh sao giữa bầu trời vừa gần mà lại vừa xa đã tạo cảm
xúc bao anh lính lái xe qua cung đường Trường Sơn khói lửa. Cô thấy vui và tự
hào về điều đó nhưng cô chưa dành riêng tình cảm cho một ai. Vậy cũng đủ cho ta
nhận thấy Phương Định là một cô gái đẹp.
Bên cạnh vẻ đẹp về hình thức, Phương
Định lôi cuốn người đọc bởi vẻ đẹp hồn nhiên, trong trẻo của tâm hồn. Vào chiến
trường đã ba năm, đã quen với những thử thách nguy hiểm, giáp mặt hàng ngày với
cái chết nhưng Phương Định cũng như đồng đội của cô không mất đi sự hồn nhiên
trong sáng và những mơ ước về tương lai. Cô là người nhạy cảm hồn nhiên hay mơ
mộng và thích hát. Cô đã kể rằng “Tôi thích nhiều bài hát. Những bài hành
khúc bộ đội hay hát trên những ngả đường mặt trận. Tôi thích dân ca quan họ mềm
mại, dịu dàng. Thích Ca-chiu-sa của hồng quân Liên Xô. Thích ngồi bó gối mơ
màng: “Về đây khi mái tóc còn xanh xanh ...”. Đó là dân ca Ý trữ tình
giàu có, phải lấy giọng thật trầm. Thích nhiều”. Thấy mưa đá rơi ngoài hang
cô vui thích cuống cuồng như trẻ con, đem cục đá vào cho Nho rồi lại chạy ra.
Cơn mưa đá tan đi nhanh chóng, cô thẫn thờ không phải vì tiếc những viên đá mà
vì cô nhớ đến mẹ, đến cái cửa sổ, đến những ngôi sao to trên bầu trời thành phố...
Là người nhạy cảm, nhưng cô lại không
hay biểu lộ tình cảm của mình mà luôn tỏ ra kín đáo giữa đám đông. Người ngoài
nhìn vào tưởng là kiêu kỳ nhưng kì thực cô lại là người rất giàu tình cảm. Cô
yêu mến những người đồng đội trong tổ trinh sát mặt đường của mình và cả đơn vị
nữa. Khi Nho bị thương vì sức ép của bom, Phương Định đã tiêm và chăm sóc cho
Nho hết sức chu đáo. Đặc biệt Phương Định còn dành tình yêu và niềm cảm phục của
mình cho tất cả những người chiến sĩ mà cô gặp hằng đêm trên trọng điểm của con
đường vào mặt trận. Cô đã bộc bạch lòng mình: “Thực tình trong suy nghĩ của
tôi, những người đẹp nhất, thông minh can đảm và cao thượng nhất là những người
mặc quân phục, có ngôi sao trên mũ”.
Phương Định còn là người giàu lòng tự
trọng, có tinh thần dũng cảm trong chiến đấu và là người có tinh thần trách nhiệm
cao với công việc, không ngại gian khổ hy sinh. Phẩm chất đó của Phương Định đã
được thể hiện rõ qua từng cảm giác, ý nghĩa dù chỉ thoáng qua của Phương Định
trong một lần phá bom. Mặc dù đã rất quen với công việc nguy hiểm này, một ngày
cô có thể phá đến năm quả bom, nhưng mỗi lần phá bom vẫn là một thử thách với
thần kinh, cảm giác của Phương Định. Mỗi lần phá bom Phương Định lại có cảm
giác là “Các anh cao xạ” ở trên kia đang dõi theo từng động tác, cử chỉ
của cô. Cô hiểu các anh “không thích cái kiểu đi khom khi có thể cứ đàng
hoàng mà bước tới”. Và lòng tự trọng đã kích thích lòng dũng cảm của cô
giúp cố lấy được tư thế “tôi không sợ nữa. Tôi sẽ không đi khom..”.
Ở bên quả bom, kề sát với cái chết im lìm và bất ngờ, từng cảm giác của cô cũng
trở nên sắc nhọn hơn: “Thỉnh thoảng lưỡi xẻng chạm vào quả bom. Một tiếng động
sắc đến gai người cứa vào thịt tôi. Tôi rùng mình và bỗng thấy tại sao mình làm
quá chậm. Nhanh lên một tí! Vỏ quả bom nóng. Một dấu hiệu chẳng lành”. Sau
khi đã đặt mìn cạnh quả bom chạy về nơi ẩn nấp cô căng thẳng chờ quả bom nổ “Liệu
mìn có nổ, bom có nổ không? Không thì làm cách nào để châm mìn lần thứ hai?”.
Qua sự miêu tả chân thật, Phương Định hiện lên với vẻ đẹp nội tâm phong phú,
tâm hồn trong sáng, sống có lí tưởng và trách nhiệm. Một vẻ đẹp đầy cao thượng.
Lê Minh Khuê đã miêu tả rất chi tiết,
cụ thể, tinh tế đến từng cảm giác, ý nghĩ. Mỗi lần phá bom là một thử thách với
thần kinh. Ở bên quả bom, kề sát với cái chết im lìm và bất ngờ, từng cảm giác
con của con người như cũng trở nên sắc nhọn hơn.
“Trường Sơn đông nắng tây mưa
Ai chưa qua đó như chưa hiểu mình.”
(Tố Hữu)
Lãng mạn là nét đẹp của những chàng
trai, cô gái trên cung đường Trường Sơn khốc liệt, là chủ nghĩa anh hùng ca
cách mạng, là đỉnh cao của một thời kỳ văn học. Mối tình đầy lãng mạn, đầy lý
tưởng của Nguyệt, cô gái thanh niên xung phong và Lãm, anh bộ đội lái xe trong Mảnh
trăng cuối rừng của Nguyễn Minh Châu hay tấm gương hy sinh của những cô gái
thanh niên xung phong trong Khoảng trời – hố bom của Lâm Thị Mỹ Dạ:
“Em đã lấy tình yêu Tổ quốc
của mình thắp lên ngọn lửa
Đánh lạc hướng thù hứng lấy luồng bom.”
Nhiều và còn biết bao nhiêu nữa những
tấm gương hy sinh của những cô gái ở Ngã ba Đồng Lộc... đã góp phần cho “Tổ
quốc bay lên bát ngát mùa xuân” (Lê Anh Xuân).
Bằng ngòi bút miêu tả tâm lí nhân vật
sinh động, chân thực và cách lựa chọn ngôi kể, giọng điệu trần thuật phù hợp với
nhân vật kể tạo cho chuyện có giọng tự nhiên, thoải mái, trẻ trung và có chất nữ
tính. Lời kể thường dùng những câu ngắn, nhịp nhanh, tạo được không khí khẩn
trương trong hoàn cảnh chiến trường. Ở những đoạn hồi tưởng, nhịp kể chậm lại,
gợi nhớ những kỉ niệm tuổi niên thiếu hồn nhiên, nhạy cảm của một cô học sinh
thành phố thích mơ mộng. Truyện viết về chiến tranh, có những chi tiết, sự việc
về bom đạn, chiến tranh, hi sinh, nhưng chủ yếu vẫn hướng vào thế giới nội tâm,
làm hiện lên vẻ đẹp tâm hồn của con người trong chiến tranh. Lê Minh Khuê đã
làm nổi bật lên vẻ đẹp tâm hồn, tư tưởng và những phẩm chất tốt đẹp của các cô
gái thanh niên xung phong trên tuyến đường Trường Sơn. Đó cũng chính là hình ảnh
tiêu biểu về thế hệ trẻ Việt Nam thời chống Mĩ cứu nước đầy gian khổ hy sinh
nhưng vẻ vang oai hùng.
Nguồn: Thạc sĩ Hồ Thị Giáng Thu (giáo
viên trường THCS Phan Bội Châu, quận Tân Phú)