Từ xưa, bốn mùa luân
chuyển xuân hạ thu đông luôn là ngọn nguồn sáng tác cho các thi nhân. Mùa thu
luôn khiến thi nhân phải động lòng thương yêu bởi đó là mùa của những gì nhẹ
nhàng và dịu êm nhất, mùa của sự tĩnh lặng và những rung động sâu sắc nhất. Mùa
thu đi vào thơ Nguyễn Khuyến bình dị, gần gũi; đi vào thơ Nguyễn Đình Thi là tiếng
vọng từ đất nước ngàn đời. Còn mùa thu của Hữu Thỉnh qua bài thơ “Sang thu” thật
đẹp, thật nên thơ và trữ tình, và tấm lòng của nhà thơ cũng thật duyên. Sang
thu đã thể hiện được tâm trạng xuyến xang, bâng khuâng của nhà thơ trước những
biến chuyển tinh tế của đất trời cũng như bức tranh thiên nhiên nơi đồng bằng Bắc
Bộ lúc giao mùa.
Nhà thơ là người trải nghiệm, đi nhiều và viết nhiều. Ông có
nhiều sáng tác đặc sắc về cuộc sống thôn quê. Với hồn thơ dân dã, dung dị, nhẹ
nhàng, đằm thắm mà đầy chất trữ tình, các bài thơ của Hữu Thỉnh luôn được bạn đọc
yêu mến và đánh giá cao. Bài thơ Sang thu được tác giả sáng tác năm 1977 rất
dung dị, nhẹ nhàng, giàu ý nghĩa như chính phong cách sáng tác của nhà thơ. Bài
thơ Sang thu cho thấy vẻ đẹp của mùa thu có lẽ là cảm hứng bất tận cho những
người nghệ sĩ. Nhà thơ đã cảm nhận cái thời khắc sang thu bằng cả một hệ thống
hình ảnh thiên nhiên qua nhiều yếu tố và bằng nhiều giác quan với sự rung động
thật tinh tế. Chính là sự cảm nhận tinh tế của ông đối với từng hiện tượng
thiên nhiên lúc giao mùa mà những rung động ấy đã lan truyền sang ta như một tiếng
nói đồng điệu.
Thiên nhiên nơi miền
quê Bắc Bộ được cảm nhận từ những điều vô hình. Bức tranh thiên nhiên đẹp ấy đã
được người thi nhân cảm nhận phác họa một cách tinh tế và sinh động, giàu sức
biểu cảm qua xúc giác, khứu giác và thị giác. Những tín hiệu sang thu nhẹ nhàng
khi đất trời giao mình chuyển mùa trong một không gian nên thơ nhẹ nhàng:
Bỗng nhận ra hương ổi
Phả vào trong gió se
Sương chùng chình
qua ngõ
Hình như thu đã về.
Thiên nhiên được cảm nhận
từ những gì vô hình (hương, gió), mờ ảo (sương chùng chình), nhỏ hẹp và gần
(ngõ). Đó là những cảm nhận rất riêng của nhà thơ. Đầu tiên là sự cảm nhận về
hương vị. Cái hương ổi chín thường khó đọng lại trong những cơn gió nồm nam thổi
mạnh của mùa hè, giờ đây bỗng “phả vào trong gió se”, đem đến hương vị dịu
ngọt, đằm thắm của mùa thu khiến nhà thơ ngạc nhiên đến ngỡ ngàng trước sự thay
đổi của thiên nhiên. Động từ “bỗng” đặt đầu câu như một sự ngạc nhiên kỳ
lạ của nhà thơ về thời khắc giao mùa đầy xao xuyến này của tác giả. Từ “phả”
là động từ mạnh diễn tả dư vị nồng nàn, đậm đà mùi hương ổi đang lan tỏa trong.
Gió se là gió nhẹ, khô và hơi lạnh – gió của mùa thu, gió báo hiệu mùa thu đã đến.
Gió se mang theo hương ổi của đồng quê. Chính làn gió này đã mang hương ổi đi
xa hòa quyện với không gian cùng đất trời tạo nên vẻ đẹp của bài thơ. Nhận ra
trong gió có hương ổi là cảm nhận tinh tế của một người sống giữa đồng quê và
nhà thơ đã đem đến cho ta một tín hiệu mùa thu quen thuộc dân dã mà thi vị, ông
đã phát hiện ra một nét đẹp thật đáng yêu của mùa thu vùng nông thôn đồng bằng
Bắc Bộ. Cảm nhận được dư vị của trái ổi thơm phả trong gió, còn có sương thu. Nhưng
không phải là “sương thu man mác đầu ghềnh” của Tản Đà mà là: “Sương
chùng chình qua ngõ”- một hình ảnh lung linh huyền ảo. Không còn là những hạt
sương mà đã là một màn sương mỏng nhẹ trôi, đang chuyển động chầm chậm nơi đường
thôn ngõ xóm. “Chùng chình” là từ láy gợi hình diễn tả hành động chậm chạp
như là cố ý chậm lại, làn sương nhẹ nhàng mỏng manh e ấp như nàng thiếu nữ đôi
mươi xao xuyến trước những rung động. Màn sương được nhân hóa trở nên có hồn,
tinh tế đầy sinh động. Sương qua ngõ chùng chình – Ngõ ở đây vừa mang ý hiện thực
là ngõ nhỏ nơi thôn xóm lại như là ẩn dụ với cửa ngõ của thời gian đang từ từ
bước qua ranh giới giữa hạ và thu. Hình ảnh sương về qua ngõ với nhịp điều
chùng chình, là cảm nhận của tác giả với những xúc cảm xốn xang… Nhà thơ đã thổi
hồn vào câu thơ khiến cho màn sương thu chứa đầy tâm trạng, như người đi còn
vương vấn, ngập ngừng khi qua ngõ nhà ai…… Đã cảm nhận được thu sang qua “hương
ổi”, “gió se”, “sương chùng chình”, mà thi nhân vẫn cảm thấy ngỡ ngàng,
bâng khuâng:
Hình như thu đã về.
Thu đã về thật rồi sao,
lại còn phải ngẩn ngơ? Phải chăng bấy lâu nay ta đã thờ ơ với nó để đến giờ ta
cảm thấy lạc lõng khó có thể khẳng định được thu đã sang hay chưa. Cả đoạn thơ
không chỉ đặc sắc ở tả cảnh mà còn là sự rung rinh cảm nhận trước một cái gì đó
mơ hồ,như có, như không. Cảm nhận phút giao mùa sang thu là sự ngỡ ngàng. Do ngỡ
ngàng nên cả khứu giác, cả xúc giác và thị giác đều như mách bảo thu về mà vẫn
chưa thể tin, chưa dám chắc. “Hình như” là sự phỏng đoán nửa tin, nửa ngờ,
là cái ngỡ ngàng, ngạc nhiên trong cái cảm xúc bâng khuâng, xao xuyến của thi
sĩ. Mở đầu bằng một sự tình cờ “bỗng" và khép lại khổ thơ bằng cái
"hình như”, Hữu Thỉnh gửi vào lòng người đọc sự thoáng chốc, bất giác về
tiết lập thu cũng như cảm nhận, mơ hồ mong manh trong tâm thế về sự trở về của
mùa thu. Qua đó, ta hiểu tâm hồn nhà thơ nhạy cảm, yêu thiên nhiên, yêu hương
thu với tình yêu tha thiết.
Từ một phản xạ tự
nhiên, nhà thơ đã định thần trở lại để ngắm nhìn thu sang. Thu sang với những
hình ảnh quen thuộc tiếp tục được nhà thơ phát hiện:
Sông được lúc dềnh
dàng
Chim bắt đầu vội vã.
Có đám mây mùa hạ
Vắt nửa mình sang
thu.
Nếu như ở khổ đầu không
gian bị bó hẹp, thì đến đây không gian đã rộng mở hơn, từ tầm cao cũng như tầm
xa. Sự vận động của thiên nhiên trong thời khắc chuyển mùa được cụ thể hoá bằng
những đổi thay của vạn vật. Từ láy “dềnh dàng” “vội vã” đã phần nào thể hiện
sinh động nhịp thở của đất trời khi sang thu. Sông lúc sang thu được nhân hóa
trở nên có hồn không còn cuộn chảy dữ dội như những ngày hè mưa lũ, mà êm ả dềnh
dàng như đang lắng lại, đang trầm xuống, lắng lại để rồi lững lỡ trôi. Một chữ “dềnh
dàng” mà nói lên được cái dáng vẻ khoan thai, thong thả của con sông mùa
thu, ngỡ như nó được nghỉ ngơi thoải mái khi mùa nước lũ cuồn cuộn đã đi qua. Ta
như nhận thấy dòng sông cũng dùng dằng và ngập ngừng níu kéo nhịp thở của mùa hạ.
Đối lập với hình ảnh đó là hình ảnh đàn chim bắt đầu “vội vã” bay về tổ
lúc hoàng hôn. Hẳn là đàn chim đã bắt đầu cảm nhận được chút se lạnh của tiết
trời. Từ “bắt đầu” trong ý thơ được dùng rất độc đáo “bắt đầu vội vã”
chứ không phải là “đang vội vã”. Phải tinh tế lắm, yêu và gần gũi với
thiên nhiên lắm mới nhận ra được sự bắt đầu trong những cánh chim bay. Nghệ thuật
đăng đối vô cùng điêu luyện của tác giả đã giúp cho hình ảnh thơ trở nên giàu
chất tạo hình, đẹp hơn và thơ mộng hơn.
Cánh chim trời vội vã
bay đi, “có đám mây mùa hạ” còn vương lại. Và mây lưu luyến bắc chiếc cầu:
Vắt nửa mình sang thu. Hành động được nhân hóa này mang ý diễn tả sự vận
động của thời gian. Không gian thơ cũng như trở nên rộng mở hơn, bao la hơn với
hình ảnh đầy chất tạo hình này. Hình ảnh đám mây mềm mại như một tấm lụa nhẹ
nhàng vắt ngang bầu trời. Đây là một hình ảnh rất giàu tính tưởng tượng. Một
liên tưởng thú vị, một hình ảnh đầy chất thơ. Người ta thường nói: khăn vắt
vai, con đường mòn vắt ngang sườn núi... Hữu Thỉnh điểm vào bức tranh thu của
mình một hình ảnh mới mẻ, gợi cảm: hai nửa của một đám mây thuộc về hai mùa.
Cảnh vật như trở nên vừa hư vừa thực. Mây trời cũng giống như người chỉ qua nhột
từ “vắt” như giao thoa giữa hai mùa cũng chỉ ngắn ngủi trong khoảnh khắc. Phải
chăng, cái ranh giới giữa mùa hạ và mùa thu mong manh lắm chỉ trong gang tấc,
cái trôi lững thững của mây hạ đã dạt nửa mình sang thu. Không phải vẻ đẹp của
mùa hạ cũng chưa hẳn là vẻ đẹp của mùa thu mà đó là vẻ đẹp của thời khắc giao
mùa được sáng tạo từ một hồn thơ tinh tế và nhạy cảm đang say thời khắc giao
mùa này. Hữu Thỉnh hẳn phải là người có tâm hồn tinh tế cùng với tình yêu tha
thiết với thiên nhiên và đất nước mới có thể sáng tạo nên những vần thơ đặc sắc
này. Ngòi bút tài năng này đã khiến chúng ta không thể không cảm phục.
Từ những rung động mãnh
liệt và xúc cảm xuyến xang khi đất trời vào thu, nhà thơ chuyển sang giọng điệu
chiêm nghiệm và suy ngẫm sâu xa:
Vẫn còn bao nhiêu nắng
Đã vơi dần cơn mưa
Sấm cũng bớt bất ngờ
Trên hàng cây đứng
tuổi.
Những biến chuyển của nắng,
mưa, sấm trong lúc giao mùa với những nhận xét tinh tế của môt người am hiểu tường
tận các hiện tượng thời tiết này. Là sấm, là mưa, nắng, là những hiện tượng điển
hình của mùa hạ nhưng đã có sự thay đổi mức độ trong cái khoảnh khắc giao mùa. Cái
nắng chói chang của những ngày hạ đã dần nhạt màu, những cơn mưa rào vội vã
cũng đã vơi dần. Lại thêm một sự đối lập: nắng vẫn còn nhưng mưa đã vơi dần.
Mùa thu nắng sẽ nhạt dần, nhưng lúc giao mùa, nắng cuối hạ vẫn còn nồng, còn
sáng. Những ngày sang thu, đã ít đi những cơn mưa rào ào ạt và cũng bớt đi những
tiếng sấm bất ngờ thường chỉ có trong mùa hạ. Các từ ngữ: “Vẫn còn” “vơi dần”
“cũng bớt bất ngờ” đã diễn tả mức độ giảm dần của hiện tượng khi đất
trời sang thu. Tất cả đã đi vào chừng mực, vào thế ổn định mang nét đặc trưng của
mưa nắng phút giao mùa sang thu. Những câu thơ vừa tả cảnh, vừa kín đáo bộc lộ
cảm xúc giao mùa của lòng người trong mối luyến giao thấm quyện với thiên
nhiên. Nhịp thơ nhịp nhàng khiến cho ta tưởng các câu mang ý nghĩa tương đương
nhau nhưng không phải. Rõ ràng sự tăng cấp được sử dụng thật khéo léo trong cả
ba câu thơ. Cuối cùng, chúng trở thành đòn bẩy để tôn lên vẻ trầm mặc im lìm
trên những hàng cây đứng tuổi.
Trên hàng cây đứng
tuổi
Lấy động tả tĩnh chính
là một biện pháp nghệ thuật được sử dụng thành công trong bài thơ. Việc này khiến
cho người đọc hình dung được rằng sự thét gào dữ dội hay chính mùa hạ đang mát
dần và thu đậm nét hơn trước mắt bao người. Từ thu của thiên nhiên, thu của đất
trời mà ở đây ta cũng có thể hiểu là thu của đất nước Việt Nam. Có nơi nào mang
sắc thu vàng mộng mơ, lãng mạn như Việt Nam. Hữu Thỉnh không nói thu cụ thể ở
nơi nào nhưng ông đã ngầm đem đến cho ta cái ngọt ngào của thu Việt Nam, thu Bắc
Hà, thu Hà Nội. Mùa thu quá đẹp chắc tại lòng người yêu quê hương lắm hay sao?
Ngẫm lại cho kỹ, hình
như bài thơ còn có một ẩn ý khác. Thu thiên nhiên, thu đất nước và cũng là thu
của lòng người. Đơn cử hai câu kết bài thơ:
Sấm cũng bớt bất ngờ
Trên hàng cây đứng tuổi.
Không đơn thuần tả cảnh,
đôi câu thơ kết lại bao suy ngẫm sâu sắc. Sấm chớp hay chính là tác động của
ngoại cảnh, những vạng động, biến cố bất thường trong cuộc đời. Hình ảnh ẩn dụ
độc đáo“hàng cây đứng tuổi” vừa gợi lên hình ảnh những hàng cây sang thu (những
cành cây xum xuê, lâu năm, rễ đã cắm sâu dưới lòng đất rất chắc chắn. Những mùa
mưa giông qua đi đã tôi luyện sự dẻo dai bền bỉ của những hàng cây.) vừa gợi tả
những con người từng trải đã từng vượt qua những khó khăn, những thăng trầm biến
động của cuộc đời. Từ những thay đổi của mùa thu thiên nhiên, liên tưởng đến những
đổi thay của mùa thu đời người, để rồi ta thấu hiểu ra rằng: “Hãy biết chấp
nhận, bình tĩnh sống với niềm tin. Hãy mở rộng lòng mình để yêu thiên nhiên, đất
nước, con người.” Bài thơ kết thúc, nhưng dư vị vẫn còn để người đọc tiếp tục
nghĩ suy thêm về cái điều nhà thơ tâm sự. Chúng khâm phục sự cảm nhận tinh tế của
tác giả cũng như những chiêm nghiệm và suy ngẫm sâu sắc.
Với giọng thơ êm ái, chậm
rãi và nhẹ nhàng, bài thơ đã đưa người đọc vào thế giới tâm hồn nhạy cảm của
thi sĩ. Đắm mình trong âm điệu, trong từng chữ, từng câu lắng lại với các hình ảnh
thân thuộc, người đọc nhận ra những rung cảm tinh tế của nhà thơ về sự biến đổi
nhẹ nhàng mà rõ rệt của đất trời, của tuổi đời những con người từng trải. Đó là
biểu hiện của một tâm hồn yêu sống, một tâm hồn không già theo năm tháng, một
niềm tin vào cuộc đời, một hồn thơ, một nguồn thi cảm không bao giờ vơi cạn trước
thiên nhiên.
Từng trải tạo nên bản
lĩnh. Có nhà văn nước ngoài đã đặt tên cuốn hồi kí đời mình: Tôi thú nhận là
tôi đã sống. Cái tên nặng chắc những từng trải chất chứa của đời người. Sang
thu hoá ra không chỉ tả cảnh mà còn là bài thơ chính luận thế sự, kín đáo thuyết
phục chúng ta tìm sức mạnh chủ động ngay trong tình thế đã “sang thu” của năm
tháng đời người. Thế là tử tâm trạng thiên nhiên để tả cảnh chuyển mùa, bài thơ
đã hạ trại vào tâm trạng con người mà bàn luận cách ứng xử việc đời. Gấp lại những
vần thơ thu của Hữu Thỉnh, người đọc như thấy vương vấn trong tâm hồn, đánh thức
tình cảm của mỗi người về tình yêu quê hương đất nước và suy ngẫm về cuộc đời.
Nguồn : ST &