Thứ Ba, 27 tháng 12, 2022

Chiếc lược ngà - khúc ca đẹp về tình cha con thiêng liêng

 

Cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước là một trong những trang hào hùng trong lịch sử giữ nước của dân tộc. Tuy nhiên, ẩn sau những chiến thắng vang dội là sự đánh đổi của biết bao mồ hôi, nước mắt và cả tính mạng con người, thậm chí hy sinh tình cảm cá nhân, gác lại nỗi trăn trở về gia đình để lên đường đi đánh giặc. Bằng sự trải nghiệm của cuộc đời người lính, nhà văn Nguyễn Quang Sáng đã gạt vơi những dòng nước mắt đau thương, khép lại những màn kịch đen tối của chiến tranh, đưa người đọc về với mái ấm của tình cảm gia đình qua tình phụ tử thiêng liêng cao cả qua một trong những tác phẩm xuất sắc của mình là Chiếc lược ngà. Truyện khắc họa khéo léo và bộc lộ sâu sắc tình phụ tử giữa ông Sáu và bé Thu, thứ tình cảm thiêng liêng mà không một thế lực nào có thể ngăn cản, thậm chí cả chiến tranh.

Theo chân Chiếc lược ngà, độc giả đến với gia đình ông Sáu ở miền Đông Nam Bộ những năm đầu 60 thế kỉ XX, khi cuộc chiến “giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước” đang bùng nổ. Ông Sáu lúc ấy phải “thoát ly đi kháng chiến đầu năm 1946, sau khi tỉnh nhà bị chiếm” và đứa con duy nhất cũng chưa đầy một tuổi, bản thân chỉ có thể nhìn mặt con mình qua tấm ảnh nhỏ. Sau bao ngày mong nhớ, ông Sáu được về nhà, khát khao gặp lại con gái nhưng cay đắng thay khi bé Thu không nhận ra ba của mình. Chỉ đến những giây phút cuối cùng lúc chia tay, ông mới được hưởng hạnh phúc làm cha khi bé Thu bất ngờ gọi to ông Sáu một tiếng ‘ba’ như xé toạc bầu không khí. Tiếc rằng, phút giây hạnh phúc ngắn ngủi, vì nhiệm vụ ông lại phải từ biệt đứa con gái yêu dấu của mình để lên đường. Vào khu căn cứ, nhớ lời con, ông Sáu đã làm một chiếc lược bằng ngà voi để tặng con nhưng cuối cùng, ông hy sinh trong một trận càn của địch khi chưa kịp gặp cô con gái thêm một lần nữa. Giữa cái ác liệt, mất mát, hy sinh của chiến tranh, câu chuyện như một khúc ca đẹp về tình cha con thiêng liêng.

Chiếc lược ngà được viết trong khoảng những năm sáu mươi của thế kỉ XX, khi nhân dân ra sức “giải phóng miền Nam”. Chiến tranh vì vậy xuất hiện như một chìa khóa then chốt, giải mã toàn bộ khúc mắc được tác giả tạo dựng. Hiện thực khốc liệt được nhà văn Nguyễn Quang Sáng thể hiện trực tiếp qua lời văn miêu tả cuộc sống sinh hoạt thường ngày lẫn nơi chiến khu đánh giặc của ông Sáu và gia đình. “Suốt mấy năm kháng chiến, chị Sáu có đến thăm anh mấy lần. Lần nào anh cũng bảo chị đưa con đến. Nhưng cái cảnh đi thăm chồng ở chiến trường miền Đông không đơn giản. Chị không dám đưa con qua rừng…Về công việc và đời sống ở trong rừng, tôi có thể kể cho đến sáng, có đêm bị biệt kích vây bắt đến ba lần, có ngày không gạo ăn, ăn toàn là bắp…”. Độc giả có thể bắt gặp hình ảnh chiến tranh đang ẩn mình trong từng ngóc ngách tác phẩm. Sự hiện diện của nó như bóng tối bao trùm toàn bộ nhưng vẫn le lói thứ ánh sáng kì diệu từ tình cảm đồng đội, gia đình. Hơn thế, chiến tranh tàn khốc còn được khắc họa gián tiếp qua hình ảnh vết thẹo. Nó xuất hiện như một kí hiệu cho lòng can đảm của người lính nhưng cũng là nguyên nhân khiến con gái không nhận ra ba mình. Chỉ là một vết thẹo bên má phải nhưng đằng sau đó là cả một hiện thực khốc liệt đầy khói bụi, sự hy sinh không biết nuối tiếc của tấm gương yêu nước nồng nàn. Vết thẹo ấy có thể khiến ông Sáu không thể cảm nhận trọn vẹn tình cảm bé Thu dành cho mình nhưng nó lại là minh chứng sống động cho tấm lòng quả cảm “đi đánh Tây bị Tây bắn bị thương”.

Tình phụ tử là thứ tình cảm thiêng liêng, sâu sắc tồn tại giữa ba và con. Không một thế lực nào trên trái đất có thể chia cắt đi sợi dây gắn bó diệu kỳ đó, ngay cả chiến tranh, “kẻ hủy diệt mọi thứ”. Chiến tranh có thể phá hoại vật chất, ăn mòn tinh thần con người nhưng tuyệt nhiên không thể cắt đứt sợi dây liên kết giữa cả hai. Chiếc lược ngà đã chứng minh cho độc giả sức sống mãnh liệt của thứ tình cảm thiêng liêng ấy.

Mở đầu tác phẩm, với lời kể ngôi thứ ba của nhân vật tôi, hình ảnh ông Sáu hiện lên trước mắt độc giả với khát khao được gặp cô con gái bé bỏng, vốn từ lâu chỉ thấy qua tấm ảnh nhỏ.“Suốt mấy năm kháng chiến, chị Sáu có đến thăm anh mấy lần. Lần nào anh cũng bảo chị đưa con đến.” Khát khao gặp con tuy mãnh liệt nhưng lại không thể thực hiện bởi bom đạn chiến tranh. Ông xa con tám năm, “chỉ được ngắm con qua tấm ảnh nhỏ” nên khi được về thăm nhà mấy ngày, “cái tình người cha cứ nôn nao trong người anh”. Người cha được về thăm nhà sau bao nhiêu năm ở chiến khu. Khao khát đốt lòng ông là được gặp con, là được nghe con gọi tiếng ba, để được sống trong tình cảm cha con, mà lâu nay ông chưa từng được sống, bấy lâu ông mong đợi. Lúc về đến nhà, “không thể chờ xuồng cặp lại bến, anh nhún chân nhảy thót lên, xô chiếc xuồng tạt ra”. Ông Sáu không thể kìm lại sự nôn nóng đang rạo rực bên trong mình khi chỉ mới nhìn thấy con. Tình yêu thương của ông Sáu dành cho bé Thu là không thể đong đếm. Xa cách tám năm nên lúc gặp mặt con, ông không thể chờ đợi thêm phút giây nào mà “bước vội vàng với những bước dài”. Nhà văn Nguyễn Quang Sáng đã khắc họa hình ảnh một người cha yêu thương con thật bản năng, vồ vập. Tiếng kêu “Thu! Con” cất lên từ giọng nói chứa đầy sự hồi hộp, kìm nén mà ngay bản thân ông Sáu cũng khó phát hiện. Ông Sáu gặp con, mong muốn “con sẽ chạy xô vào lòng anh, sẽ ôm chặt lấy cổ anh”. Vì nghĩ vậy, muốn vậy nên ông “vừa bước, vừa khom người đưa tay đón chờ con”. Và không ghìm nổi xúc động, người đàn ông ấy chầm chậm bước về phía trước. Bản thân là một chiến sĩ can trường nhưng giờ đây lại “giọng lặp bặp run run: “Ba đây con! Ba đây con!”. Tiếng kêu “Ba đây con!” mà ông Sáu lặp lại hai lần đã thể hiện rõ sự vỡ òa cảm xúc trong lần đầu tiên được gặp bé Thu và gọi một tiếng “con” trực tiếp. Tuy nhiên, đáp lại những phấn khích và rạo rực của “cái tình cha” bên trong ông Sáu thì bé Thu “giật mình, tròn mắt nhìn” rồi “nó ngơ ngác, lạ lùng” trước người đàn ông xa lạ với vết thẹo trước mặt. “Con bé thấy lạ quá, nó chớp mắt nhìn tôi như muốn hỏi đó là ai, mặt nó bỗng tái đi, rồi vụt chạy và kêu thét lên: Má! Má!.” Ông Sáu bất ngờ trước thái độ sợ hãi của con gái, cú sốc lớn này đã làm trái tim của người ba bị tổn thương và rỉ máu. Ông chuyển từ xúc động sang đau đớn, cuối cùng chỉ còn lại thất vọng.Anh đứng sững lại đó, nhìn theo con, nỗi đau đớn khiến mặt anh sầm lại trông thật đáng thương và hai tay buông thõng như bị gãy.” Từ xa cách tới xa lạ là một khoảng cách rất gần, ông mong muốn con gái sẽ sà vào lòng mình, ôm lấy mình và gọi một tiếng ba. Tuy nhiên, tất cả những khát khao ấy đã chìm vào khoảng không, chỉ còn lại sự im lặng.

Trong ba ngày ngắn ngủi được về thăm nhà, ông Sáu luôn cố gắng làm mọi việc để gắn kết tình cảm cha con, bản thân thì “suốt ngày anh chẳng đi đâu xa, lúc nào cũng vỗ về con”.  Tuy nhiên, ông Sáu càng cố gắng bao nhiêu thì khoảng cách giữa ông và bé Thu lại càng xa cách bấy nhiêu. Chỉ một tiếng gọi “ba” cũng thật khó khăn với người chiến sĩ ấy, mâu thuẫn câu chuyện vì thế cứ tăng dần. Lúc bé Thu gọi ông Sáu vào ăn cơm với giọng điệu của một người xa lạ “Vô ăn cơm!”, ông vẫn “ngồi im, giả vờ không nghe” mà chờ được nghe câu nói “Ba vô ăn cơm” như một hy vọng. Khi má bảo Thu kêu ba vô ăn cơm, dọa đánh để cô bé gọi ba một tiếng. Thu nói trống không: “Con kêu rồi người ta không nghe”. Hai từ “người ta” mà Thu kêu làm ông đau lòng, khổ tâm. Nó cũng chẳng nhờ chắt nước cơm giùm. Ông Sáu buồn quá đến nỗi không khóc được nên cuối cùng ông phải cười mà không nỡ giận con. Quả thật, ông là người cha chịu nhiều thiệt thòi nhưng giàu lòng nhân hậu vị tha. Tới khi ăn cơm, tuy biết bé Thu xem mình là “người ta” nhưng ông Sáu vẫn không kìm lòng mà quan tâm, “gắp một cái trứng cá to vàng để vào chén nó”. Ông tưởng con sẽ đón nhận vậy mà nó bất thần hất cái trứng cá ra khỏi chén. Nỗi đau khổ trong ba ngày nén chịu trào lên, ông giận quá đánh con đã làm mất tia hy vọng cuối cùng về tình phụ tử. Lúc đó ông đau đớn vô cùng. Lòng ông như sa mạc khô cháy mong chờ giọt nước mát lạnh của tình yêu thương nơi đứa con sống với ông vẫn chỉ là khao khát bởi bé Thu bỏ sang ngoại không một lời xin lỗi. Tình cảm người cha ấy dành cho con gái diễn ra trong âm thầm và lặng lẽ.

Đặc biệt, ở những phút giây chia tay cuối cùng, tuy người cha xa cách tám năm “muốn ôm con, hôn con” nhưng lo nghĩ bé Thu sẽ ái ngại, “nó giẫy lên lại bỏ chạy” nên ông Sáu đã không thực hiện mong ước của mình. Cái khát khao được gần gũi với con là mong ước mãnh liệt nhất của ông Sáu trong ba ngày về thăm nhà. Vậy mà khi chia tay, ông vẫn kìm lòng, vẫn suy nghĩ đến cảm xúc bé Thu mà “chỉ đừng nhìn nó”. “Anh nhìn với đôi mắt trìu mến lẫn buồn rầu.” Tưởng chừng ông Sáu không thể nhận được sự đáp lại của con gái trong những ngày về thăm nhà ngắn ngủi nhưng may mắn thay, tình cha con bỗng nhiên trở lại vào đúng thời khắc ngắn ngủi mà nghẹn ngào nhất. Bé Thu cuối cùng cũng gọi ông Sáu là “ba”, chạy đến “hôn ba nó cùng khắp”. Trong lúc đó, ông cũng không kìm được xúc động mà khóc, “một tay ôm con, một tay rút khăn lau nước mắt, rồi hôn lên mái tóc con”. Một người lính không sợ hãi trước bom đạn kẻ thù, chưa từng rơi lệ trước cảnh đổ lửa của chiến tranh mà khi đứng trước gia đình, trước đứa con gái bé bỏng, ông vẫn không ngăn được phút giây yếu đuối của bản thân mình. Đó không chỉ là giọt nước mắt chia ly mà còn là sự giải tỏa cho nỗi nhớ mong bị kìm nén suốt tám năm ròng rã, bị phong tỏa khi bản thân đang trong cuộc chiến tranh đẫm máu tại miền Nam.

Sau khi chia tay gia đình trở về căn cứ, ông Sáu nhớ con khôn nguôi. Người cha ấy cứ mãi day dứt và ám ảnh việc “sao mình lại đánh con” trong lúc nóng giận khi thấy nó hất cái trứng cá, “cơm văng tung tóe cả mâm”.Lúc nhớ con anh cứ ân hận sao mình lại đánh con. Nỗi khổ tâm đó cứ giày vò anh.”Ông Sáu luôn nhớ kỹ lời dặn của bé Thu trong lúc mếu máo chia tay ba “Ba về! Ba mua cho con cây lược nghe ba!”. Tình cảm yêu quý và thương nhớ con đã thúc đẩy ông tìm khúc ngà voi để làm chiếc lược tặng con gái. Khi ông Sáu tìm được khúc ngà thì tâm trạng như thể vỡ òa, “từ con đường mòn chạy lẫn trong rừng sâu, anh hớt hải chạy về, tay cầm khúc ngà đưa lên khoe với tôi. Mặt anh hớn hở như một đứa trẻ được quà”. Nụ cười hớn hở như một đứa trẻ xuất hiện trên khuôn mặt chai sạn vì bom lửa chiến tranh của người chiến sĩ đã khắc họa rõ nét về tình yêu thương con vô bờ bến của ông Sáu. Người lính ấy đã dồn tâm trí vào việc làm chiếc lược ngà cho con gái khi tự mình “lấy vỏ đạn hai mươi li của Mỹ, đập mỏng làm thành một cây cưa nhỏ, cưa khúc ngà thành từng miếng nhỏ”. Ông Sáu làm chiếc lược cho bé Thu với thái độ “cẩn trọng, tỉ mỉ và cố công như người thợ bạc… Trên sống lưng lược có khắc một hàng chữ nhỏ mà ông gò lưng, tẩm mần khắc từng nét: Yêu nhớ tặng Thu con của ba”. Sự chăm chút của ông Sáu trong lúc làm lược và dòng chữ “Yêu nhớ tặng Thu con của ba” là những hành động ẩn chứa bao trìu mến, yêu thương từ người ba dành tặng cô con gái bé bỏng nơi xa. Làm chiếc lược ngà là điều duy nhất ông có thể làm cho con gái, nó đã trở thành vật quý giá để mỗi khi nhớ con, “anh lấy cây lược ra ngắm nghía rồi cài lên mái tóc cho cây lược thêm bóng”, nỗi nhớ nhung cũng được xoa dịu phần nào. Tác giả không miêu tả rõ nhưng người đọc vẫn hình dung được cái kỉ vật nhỏ bé mà thiêng liêng ấy. Đó cũng là biểu tượng trắng trong, quý giá, bất diệt của tình cha con giữa ông Sáu và bé Thu. Do đó, trước lúc hi sinh, không đủ sức nói một lời trăng trối, ông vẫn nhớ tới chiếc lược và chuyển giao nó cho người bạn như một cử chỉ chuyển giao sự sống, một ước nguyện gìn giữ muôn đời tình cha con ruột thịt. Điều đó đúng như ông Ba đã nói: “Có lẽ chỉ có tình cha con là không thể chết được”.

Tình cảm ông Sáu dành cho con sầu nặng bao nhiêu, tình cảm Thu đành cho ba cũng nồng nàn bùng cháy bấy nhiêu. Nếu ông Sáu chỉ có thể nhìn bé Thu lớn lên từng ngày qua tấm ảnh nhỏ thì trong những tháng ngày thơ ấu của Thu, em cũng mới được ngắm người ba đi bộ đội của mình qua “cái hình ba chụp với má”.

Ở đầu tác phẩm, độc giả thấy một cô bé Thu thật cá tính khi em nhất định không chịu gọi ông Sáu là ba, thậm chí nhìn người đàn ông ấy với cặp mắt “ngơ ngác, lạ lùng”, đầy cảnh giác. Mặc cho người thân khuyên nhủ hay bị buộc vào tình thế nguy cấp “chắt nước nồi cơm” nhưng Thu vẫn không chịu gọi ông Sáu bằng một tiếng ba mà em chỉ “nói trổng” như một người xa lạ. Rồi đến khi bé Thu rơi vào tình thế bắt buộc phải gọi ông Sáu là ba, nếu không má về “thế nào cũng bị đòn”. Vậy mà Thu vẫn cố chấp không gọi, tự xử lý mọi việc chứ nhất quyết không chịu xưng hô ba – con với ông. Đỉnh điểm là lúc bé Thu bị ông Sáu “vung tay đánh vào mông nó và hét lên: Sao mày cứng đầu quá vậy, hả?” khi Thu hất miếng trứng cá ông gắp vào bát chén nó, làm “cơm văng tung tóe cả mâm”. Ai cũng nghĩ rằng “con bé sẽ lăn ra khóc, sẽ giẫy, sẽ đạp đổ cả mâm cơm hoặc chạy vụt đi” nhưng nó chỉ ngồi im, “gắp cái trứng cá để vào chén, rồi lặng lẽ đứng dậy, bước ra khỏi mâm” và sang “mét với bà ngoại”. Tại sao cô bé Thu nhất quyết không nhận cha. Cô bé không nhận ba bởi cô hiểu nhầm về vết thẹo trên mặt ba. Bức ảnh cha cô mà cô khắc ghi bây lâu trong tâm khảm không có vết thẹo trên mặt như ông Sáu - người cứ nhận mình là cha bé! Và vì thế, Thu càng phản đối quyết liệt con người ấy bao nhiêu càng thể hiện cô bé yêu ba mình bấy nhiêu. Cái tình yêu ấy thật sâu sắc: nó chỉ có một, không thể chia sẻ cho bất kì ai khác, ngay cả khi đó là người được tất cầ mọi người thừa nhận là ba của nó, là người yêu thương và quan tâm đến nó rất chân thành.

Thật kì lạ, khi đến lúc chia tay ông Sáu trở về căn cứ bộ đội, bé Thu lại “có gì đó hơi khác”. Cô bé im lặng, đứng một góc trong nhà “như bị bỏ rơi” với đôi mắt xôn xao mà trong trẻo.“Con bé như bị bỏ rơi, lúc đứng vào góc nhà, lúc đứng tựa cửa và nhìn mọi người đang vây quanh ba nó. Vẻ mặt nó sầm lại buồn rầu, cái vẻ buồn trên gương mặt ngây thơ của con bé trông rất dễ thương. Với đôi mi dài uốn cong, và như không bao giờ chớp, đôi mắt nó như to hơn, cái nhìn của nó không ngơ ngác, không lạ lùng, nó nhìn với vẻ nghĩ ngợi sâu xa.” Mọi người, kể cả ông Sáu đều nghĩ rằng “con bé sẽ đứng yên đó thôi” nhưng tình cha con trong thời khắc biệt ly lại trỗi dậy, làm dậy sóng tâm can của nhân vật trong tác phẩm cũng như những độc giả. Bé Thu “bỗng kêu thét lên: Ba… a… a… ba!”, tiếng kêu ấy như vết nứt lòng, “xé sự im lặng và xé cả ruột gan mọi người”. Nó được thốt lên từ bao năm kìm nén, “vỡ tung từ đáy lòng” của một đứa trẻ chưa bao giờ gặp ba ngoài đời. “Đó là tiếng “ba” mà nó cố đè nén trong bao nhiêu năm nay, tiếng “ba” như vỡ tung ra từ đáy lòng nó, nó vừa kêu vừa chạy xô tới, nhanh như một con sóc, nó chạy thót lên và dang hai tay ôm chặt lấy cổ ba nó.” Sự gấp gáp trong cách thể hiện tình cảm qua hành động “vừa kêu vừa chạy xô tới” và cái ôm chặt lấy cổ ba đã bộc lộ tình yêu thương cha sâu nặng của một cô bé tám tuổi. Giây phút chia ly như được kéo giãn thật dài trong những cái nhìn mờ nhòe giọt lệ. Đó là sự nức nở của ông Ba lẫn người trong cuộc, bé Thu khóc và ông Sáu cũng không kìm được nước mắt. Thái độ của bé Thu với ba bây giờ trái ngược trong những ngày đầu khi ông Sáu về thăm nhà. Song, trái ngược mà vẫn nhất quán. Vì quá yêu ba, quá khao khát được có ba nên khi nhận định không phải ba nó thì nó nhất định không chịu nhận, nhất định không gọi "ba" lấy một tiếng. Cho nên, khi tiếng gọi như xé kia cất lên ta thấy nó thiêng liêng vô cùng. Tiếng gọi ấy càng trở nên thiêng liêng, quý giá bởi đón chờ nó là cả tấm lòng cao đẹp, thương yêu con vô hạn của người cha.

Hóa ra, vết sẹo bên má là “vật cản đường” khiến hai cha con không thể nhận ra nhau sau tám năm cách trở. Bé Thu vì bảo vệ người ba trong bức ảnh mà quyết không chịu gọi ông Sáu bằng tiếng “ba” được cất giấu từ trong đáy lòng. Nguyễn Quang Sáng với ngòi bút miêu tả tâm lí nhân vật đặc sắc và tài xây dựng tình huống truyện tài hoa đã khắc họa rõ nét buổi sáng chia ly đắng cay nhưng cũng ngọt ngào giữa ông Sáu lẫn bé Thu. Giây phút hai cha con ôm xiết lấy nhau lần cuối trong đời hẳn khiến không ít người rơi lệ... Tình cảm gia đình là vậy. Đó là sợi dây thiêng liêng mỏng manh mà bền chặt. Bom đạn chiến trường có thể phá vỡ những toà nhà, huỷ diệt những thành phố; gian khổ có thể hành hạ, có thể bào mòn từng tế bào, từng mạch máu nhưng chúng không thể phá huỷ dù chỉ là xây xước sợi dây long lanh kì diệu kia.

Với văn phong đậm thanh điệu của người dân vùng Nam Bộ, Nguyễn Quang Sáng đã tạo nên sức hấp dẫn của tác phẩm qua cách xây dựng cốt truyện chặt chẽ, nhiều yếu tố xuất hiện bất ngờ nhưng hợp lý. Ngòi bút miêu tả tâm lý đặc sắc, đặc biệt là trẻ em và nghệ thuật xây dựng tính cách nhân vật của tác giả cũng là một trong những yếu tố làm nên thành công cho Chiếc lược ngà. Người nghệ sĩ đã khéo léo lựa chọn góc nhìn thích hợp để thể hiện rõ nét “linh hồn” tác phẩm, ông Ba. Ông không chỉ là người chứng kiến và kể lại toàn bộ câu chuyện mà còn bày tỏ sự đồng cảm với các nhân vật. Với góc nhìn của người ngoài cuộc, khách quan nhưng thấm đẫm cảm xúc, độc giả khi đến với tác phẩm sẽ hiểu rõ hơn những suy nghĩ, hành động từ nhân vật, làm tăng thêm sức thuyết phục của tác phẩm.

Chiếc lược ngà” của Nguyễn Quang Sáng đi vào lòng người trước hết không phải vì những biện pháp nghệ thuật đặc sắc, tinh tế mà bời sự giản dị, mộc mạc và rất chân thật, tự nhiên của tình phụ tử. Cảm nhận sâu sắc tư tưởng của thiên truyện, ta đã hiểu thêm những điều thiêng liêng, cảm động trong đời sống tình cảm của những gia đình Việt Nam trong chiến tranh hiểm nguy và gian khổ. Đời sống tình cảm những gia đình Việt Nam trong chiến tranh phải chịu nhiều thử thách, hiểm nguy nhưng vẫn ấm áp, nồng nàn và cảm động. Điều đó khiến người đọc biết phải nâng niu hơn hạnh phúc gia đình mình đang có...

 

 

 

 

 

 

Thứ Ba, 7 tháng 6, 2022

ĐỀ LUYỆN TẬP TỔNG HỢP 2021 – 2022_7

 


Chủ đề:  VẺ ĐẸP TÂM HỒN

Câu 1. Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:

Mỗi ngày qua đi, đất Sài Gòn lại có quá nhiều câu chuyện để kể về cái bản ngã “tánh kỳ” của mình. Giữa mùa dịch bệnh, khắp các con đường, hẻm nhỏ ở Sài Gòn, đâu đâu cũng thấy ấm áp tình người qua từng bao gạo, hộp cơm, ly nước miễn phí… Người Sài Gòn luôn dang tay, ôm nhau vào lòng, dìu nhau đi qua hoạn nạn. 

Có ai "rảnh rỗi" như người Sài Gòn! Thấy người nghèo, người lang thang, bán vé số không thể có bữa cơm đàng hoàng trong mùa dịch, cái thấy nóng ruột, ngồi không yên nên mở cửa quán nấu nướng, kịp gửi đi những phần cơm nghĩa tình.

Cũng trong những ngày này, cái biển “Hoa hồng 15 nghìn/chục” tràn ngập mấy tiệm bán hoa ở Sài Gòn. Dịch bệnh, những người trồng hoa ở Đà Lạt cũng chịu ảnh hưởng về kinh tế. Không hội họp, mọi hoạt động kinh tế lớn phải tạm dừng, đâu ai còn tâm trạng để thưởng hoa. Hàng ngàn bông hoa hồng trôi dạt về những nẻo đường khác nhau với giá rẻ hơn ngày thường rất nhiều. Không chỉ dưa hấu, thanh long hay xoài, giữa lòng Sài Gòn, trong những ngày kinh tế đóng cửa, cũng khó lòng từ chối một cuộc giải cứu hoa hồng cho người Đà Lạt.

Sài Gòn là vậy, dù là ngày bình thường hay trong bão giông, Sài Gòn vẫn bao dung, vẫn mở lòng ôm ấp bao mảnh đời còn khó khăn, cơ cực. Sài Gòn, trong cuộc phong bế, vẫn lao tâm lao lực cho một mảnh đời còn trúc trắc ngoài kia, cho một phận người, một ai đó không có nhà để về, để họ “ở yên trong nhà” mùa dịch. Thành phố nào đó có thể đóng cửa nhưng Sài Gòn thì khó có thể. Lòng người Sài Gòn lúc nào cũng mở.

(Theo Đi qua mùa dịch: Người Sài Gòn đúng thật “tánh kỳ”, Báo Pháp luật)

a. Theo tác giả, Người Sài Gòn “rảnh rỗi” như thế nào?

b. Phân tích phép liên kết được sử dụng trong đoạn in đậm.

c. Em hiểu nhận định thế nào về nhận định: Thành phố nào đó có thể đóng cửa nhưng Sài Gòn thì khó có thể. Lòng người Sài Gòn lúc nào cũng mở.

d. Theo em, đâu là đặc điểm nổi bật nhất của người Sài Gòn? Vì sao?(Trình bày khoảng 4-6 dòng)

Câu 2. Đại dịch Covid cũng như những cuộc chiến tranh, nó mang đến khổ đau, bệnh tật nhưng qua đó, ta thấm thía hơn giá trị của lòng nhân ái. Có yêu thương, ta mới sống trách nhiệm, biết quan tâm người khác; có yêu thương, ta mới sống kỷ luật, hơn.

Em hãy viết bài văn ngắn (khoảng 500 chữ) trình bày suy nghĩ về nhận định: Khi biết cách yêu thương bản thân, ta mới sống kỷ luật hơn.

Câu 3. Học sinh được chọn 1 trong 2 đề sau:

Đề 1.

Đọc bài thơ “Đồng chí” của Chính Hữu, chúng ta cảm nhận được hiện thực nơi núi rừng biên giới đầy khắc nghiệt nhưng thấm đẫm tình đồng chí đồng đội của người lính thời kì đầu chống Pháp. Hãy chọn phân tích 01 đoạn bài thơ “Đồng chí” để làm rõ điều đó.

Đề 2.

Thả mình vào một cuốn sách văn học, đặc biệt là thể loại viễn tưởng, sẽ giúp bạn dễ cảm thông với người khác hơn. Đọc sách sẽ giúp bạn hiểu hơn về thế giới xung quanh, để biết cảm thông, chia sẻ với đồng loại, biết yêu thương và san sẻ khó khăn với người khác.

Từ những gợi ý trên và từ những trải nghiệm trong quá trình đọc tác phẩm văn học, hãy viết bài văn với nhan đề: “Văn chương giúp bồi bổ tâm hồn.”

 

 

 

ĐỀ LUYỆN TẬP TỔNG HỢP 2021 – 2022_6

 


Chủ đề:  KẾT NỐI

Câu 1. Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:

Ngày nay, nhiều bạn trẻ không tiếc tiền đầu tư học đủ thứ môn thời thượng, từ kỹ năng sống, kỹ năng mềm, kỹ năng giao tiếp, ngoại ngữ... nhưng dường như ít ai để ý đến lời ăn tiếng nói của mình trên mạng xã hội.

Mỗi người đều có một quan điểm sống khác nhau. Nhưng cứ mỗi khi lên mạng, vào những trang hay diễn đàn có nhiều người theo dõi sẽ dễ dàng nhận ra nhiều bạn trẻ nói năng bạt mạng, văng tục không biết ghê và mạt sát người khác không tiếc lời dù hình ảnh đại diện và “lý lịch” trên mạng khá đẹp đẽ.

Nói năng, không chỉ là chuyện phát âm cho tròn vành rõ chữ, câu cú chỉn chu, không cắt ngang lời người khác đang nói mà còn là nói năng sao cho tử tế, giọng nói nhẹ nhàng, không cục cằn, thô lỗ, ngôn từ đúng mực, không gây tổn thương hay xúc phạm người nghe, hạn chế nói những lời không cần thiết nếu không thể nói những lời dễ nghe...

Giao tiếp, nói năng, cách ứng xử phải nhã nhặn, biết tiết chế khi giao tiếp trên các mạng xã hội bởi đó cũng là một cách “nói”, ít nhiều thể hiện nhân cách của một người.

(Theo thanhnien.vn)

a. Theo tác giả, nhiều bạn trẻ không tiếc tiền đầu tư học nhiều thứ nhưng ít để ý điều gì?

b. Cách nói năng bạt mạng, văng tục không biết ghê và mạt sát người khác không tiếc lời của nhiều bạn trẻ vi phạm phương châm hội thoại gì? Theo em nguyên nhân do đâu?

c. Nêu nội dung chính của văn bản.

d. Em có đồng ý với nhận định: Giao tiếp trên các mạng cũng là một cách “nói”, ít nhiều thể hiện nhân cách của một người không? Vì sao? (Trình bày khoảng 4-6 dòng)

Câu 2.  Cư xử trên MXH luôn không thể thiếu thái độ tôn trọng người khác, biết quan tâm, lắng nghe, chia sẻ, thông cảm. Mọi lời nhận xét, comment phải khách quan và tế nhị, tỏ thái độ, cảm giác phù hợp, không nói không tốt, kéo bè cánh nhằm hạ thấp danh dự, nhân phẩm của người khác.

Em hãy viết bài văn ngắn (khoảng 500 chữ) trả lời câu hỏi: Vì sao học sinh cần rèn luyện kỹ năng ứng xử trên các trang mạng xã hội?

Câu 3. Học sinh được chọn 1 trong 2 đề sau:

Đề 1.

Đọc bài thơ “Viếng lăng Bác” của Viễn Phương, chúng ta cảm nhận được muôn vạn nỗi niềm dồn nén, tinh kết tình cảm chân thành thương nhớ Bác của tác giả, của nhân dân Miền Nam. Hãy chọn phân tích 01 đoạn bài thơ “Viếng lăng Bác” để làm rõ điều đó.

Đề 2.

Khi các nhân vật học cách giải quyết và vượt qua những trở ngại, họ chia sẻ những kinh nghiệm đó với chúng ta. Vì vậy, khi chúng ta đối mặt với những thử thách tương tự trong cuộc sống, chúng ta biết làm cách nào vượt lên trên những thử thách này.

Từ những gợi ý trên và từ những trải nghiệm trong quá trình đọc tác phẩm văn học, hãy viết bài văn với nhan đề: “Sách văn học giúp ta học cách giải quyết những trở ngại.”

 

 

 

Chủ Nhật, 5 tháng 6, 2022

ĐỀ LUYỆN TẬP TỔNG HỢP 2021 – 2022_5

 


Chủ đề:  Cầu nối tri thức

Câu 1. Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:

Trong bài nói chuyện tại hội nghị chuyên đề sinh viên quốc tế họp tại Việt Nam ngày 1 tháng 9 năm 1961, Hồ Chủ tịch đã tâm sự: “Về văn hoá tôi chỉ học hết tiểu học. Về hiểu biết phổ thông: 17 tuổi tôi mới nhìn thấy ngọn đèn điện lần đầu tiên, 20 tuổi mới nghe rađio lần đầu.”  Vậy mà Người đã có một trí tuệ phi thường, một sự hiểu biết đáng khâm phục, đúng như nhà nghiên cứu Vasiliep đã nhận xét: “Hiếm có chính khách nào của thế kỷ XX có thể sánh được với Hồ Chí Minh về trình độ học vấn, tầm hiểu biết rộng lớn và sự thông minh trong cuộc đời”.

Đạt được tầm hiểu biết ấy là nhờ Hồ Chủ tịch đã không ngừng học tập,  nói đúng hơn là không ngừng tự học. Khi nói chuyện với các đảng viên hoạt động lâu năm (Vào ngày 9 tháng 12 năm 1961), Hồ Chủ tịch đã tâm sự: “Tôi năm nay 71 tuổi, ngày nào cũng phải học… Không học thì không theo kịp, công việc nó sẽ gạt mình lại phía sau”. Và với Bác, nguyên lý và phương thức học được khái quát trong mấy câu sau: “Học ở trường, học trong sách vở, học lẫn nhau và học dân”.

[..] Với Người, sách chính là “thuốc chữa tội ngu” và là một trong nguồn quan trọng có thể đưa ra lời giải đáp cho câu hỏi tự do, bình đẳng, bác ái là gì? Từ những thắc mắc đầu tiên ấy về sau cũng chính nhờ sách báo Bác đã tìm ra con đường cứu nước cứu dân và hình ảnh “Lệ Bác Hồ rơi trên chữ Lênin” đã đi vào lịch sử.

[…]Hồ Chủ tịch luôn rất chú trọng đem ứng dụng các điều đã thu lượm được qua sách báo. Người đã từng nói: “Siêng xem sách và xem được nhiều sách là quí” nhưng Người đã nhấn mạnh: “Dù xem được hàng ngàn quyển lý luận nếu không biết đem ra thực hành, thì khác nào cái hòm đựng sách.”. Nếu như trong học tập Hồ Chủ tịch luôn nhấn mạnh đến chữ hành thì trong đọc sách Người luôn quan tâm đến vấn đề áp dụng. Và phải biết áp dụng dụng một cách sáng tạo vào hoàn cảnh của thực tiễn. Người rất ghét lối đọc chỉ để mà đọc.

(Theo http://vuthuvien.bvhttdl.gov.vn/chu-tich-ho-chi-minh-voi-doc-sach-va-tu-hoc/)

a. Theo tác giả, Hồ Chủ tịch luôn quan tâm, chú ý đến điều gì trong việc học tập và đọc sách?

b. Phân tích phép liên kết hình thức được sử dụng trong đoạn văn in đậm.

c. Em hiểu như thế nào câu sau: Với Người, sách chính là “thuốc chữa tội ngu” và là một trong nguồn quan trọng có thể đưa ra lời giải đáp cho câu hỏi tự do, bình đẳng, bác ái là gì?

d. Thông điệp nào của văn bản có ý nghĩa nhất với em? Vì sao? (Trả lời khoảng 4-6 dòng)

Câu 2. Ngày nay, theo đòi hỏi của giáo dục hiện đại, người học buộc phải tăng tính chủ động, khả năng tự định hướng các kiến thức mình cần và xây dựng lộ trình học tập riêng theo đòi hỏi của từng cá nhân.

 Từ gợi ý trên, em hãy viết bài văn ngắn (khoảng 500 chữ) trình bày suy nghĩ về nhận định: Tự học - kỹ năng học tập cần thiết đối với mỗi học sinh.

Câu 3. Học sinh được chọn 1 trong 2 đề sau:

Đề 1.

Đọc bài thơ “Nói với con” của Y Phương, chúng ta cảm nhận được mong muốn mãnh liệt của người cha đầy yêu thương và trách nhiệm muốn vun đắp cho con một hành trang quý những bài học đường đời. Hãy chọn phân tích 01 đoạn bài thơ “Nói với con” để làm rõ điều đó.

Đề 2.

Văn học là tấm gương phản ánh cuộc sống, là cuốn bách khoa toàn thư về cuộc sống. Qua văn học con người có được những hiểu biết sâu sắc hơn về tự nhiên, về xã hội, về chính bản thân mình. Văn học là để giáo dục và hoàn thiện mỗi con người, mỗi trang sách làm nên bước ngoặt trong cuộc đời con người.

Từ những trải nghiệm trong quá trình đọc tác phẩm văn chương, em hãy viết bài văn với nhan đề: Trang sách làm nên bước ngoặt trong cuộc đời em.

 

 

 

Thứ Năm, 2 tháng 6, 2022

ĐỀ LUYỆN TẬP TỔNG HỢP 2021 – 2022_4_Chủ đề: Những điều không hoàn hảo

 


Chủ đề: Những điều không hoàn hảo

Câu 1. Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:

Lắng nghe và thông cảm cho người khác, hiểu cho những gì họ trải qua, dành cho nhau những cái ôm ấm áp và tình yêu thương sẽ giúp cho những mối quan hệ giữa con người trở nên bền chặt và ý nghĩa hơn.

Tôi nghĩ yêu thương thật sự là tình yêu thương bất chấp, khi bạn có thể bao dung tất cả những gì thuộc về đối phương, cả những điểm bạn vừa lòng lẫn những điểm không vừa lòng bạn, thì khi ấy cảm xúc của bạn dành cho đối phương đã trở thành tình yêu thương thực sự.

Trên thế gian này sẽ có những người yêu thương chính sự tồn tại của bạn, cũng sẽ có những người yêu lời nói, hành động, thành quả của bạn. Những người yêu thương sự tồn tại của bạn sẽ không bao giờ thay lòng đổi dạ dù bạn có mắc lỗi hay thất bại đi chăng nữa, họ chính là gia đình thật sự. Mong rằng, tất cả chúng ta đều sẽ trở thành những người biết yêu thương sự tồn tại của nhau.

Vì trong mỗi chúng ta đều có những tổn thương nên ta mới có thể ôm ấp vỗ về những tổn thương của người khác.Vì chính bản thân ta từng thiếu sót và ngay lúc này đây ta vẫn còn thiếu sót nên ta mới có thể tha thứ và bao dung cho những sai lầm của người khác. Mong cho những thương tổn trong mỗi chúng ta sẽ trở thành hạt giống từ bi hướng về những người khác…

(Theo Yêu những điều không hoàn hảo, Hae Min)

a. Theo tác giả, thế nào là yêu thương thực sự?

b. Phân tích phép tu từ nghệ thuật được sử dụng trong đoạn văn in đậm.

c. Em hiểu như thế nào câu sau: Trên thế gian này sẽ có những người yêu thương chính sự tồn tại của bạn, cũng sẽ có những người yêu lời nói, hành động, thành quả của bạn?

d. Thông điệp nào của văn bản có ý nghĩa nhất với em? Vì sao? (Trả lời khoảng 4-6 dòng)

Câu 2. Nếu bạn yêu thương ai đó, đừng làm những việc mà bạn cảm thấy cần thiết cho họ, hãy làm những việc chính bản thân người ấy muốn. Khi làm những việc mà bạn nghĩ rằng cần thiết cho người khác dù chỉ là một chút thôi, nhưng có thể trong lòng bạn đang có suy nghĩ muốn điều khiển họ theo ý mình đấy.

 Từ gợi ý trên, em hãy viết bài văn ngắn (khoảng 500 chữ) với trả lời câu hỏi: Tại sao yêu thương cần sự bao dung, tôn trọng sự khác biệt?

Câu 3. Học sinh được chọn 1 trong 2 đề sau:

Đề 1.

Đọc đoạn trích “Kiều ở lầu Ngưng Bích” thuộc Truyện Kiều của Nguyễn Du, chúng ta cảm nhận được cảnh ngộ đầy bi kịch cũng như tâm trạng nhiều cung bậc của Thuý Kiều. Hãy chọn phân tích 01 đoạn trong đoạn trích “Kiều ở lầu Ngưng Bích” để làm rõ điều đó.

Đề 2.

Văn học nói chung và thơ ca nói riêng là tiếng nói hướng về con người, đặc biệt là thân phận con người ở những chiều sâu, những góc khuất mà không phải ai cũng dễ dàng thấy được. Từ đó đem đến cho người đọc niềm thương cảm sâu sắc.

Từ những trải nghiệm trong quá trình đọc tác phẩm văn chương, em hãy viết bài văn với nhan đề: Văn chương giúp khả năng thấu hiểu và đồng cảm với con người sâu sắc hơn.

ĐỀ LUYỆN TẬP TỔNG HỢP 2021 – 2022_3_Chủ đề: Danh dự

 


Chủ đề: Danh dự

Câu 1. Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:

Mẹ dạy tôi: “Con đừng ăn cơm cháy mà học dốt”. Mẹ dạy tôi: “Con đừng uống nước trong bóng tối mà học dốt”. Suốt một thời tuổi nhỏ, tôi cứ cười mẹ tôi mê tín. Lớn lên tôi mới hiểu mẹ không mê tín. […] Mẹ “doạ” tôi biết lo sợ trước dốt nát, bởi chỉ tri thức mới có thể đánh thức trong con người ý thức về danh dự, và từ đó, biết sống đàng hoàng.

Cha mẹ cho ta làm người. Cha mẹ đặt tên cho ta, đó là danh. Danh ấy có thành danh tốt hay không, phụ thuộc vào phẩm chất của danh, đó là danh dự. […] Danh dự giống như con ngươi trong mắt, nó không thể chịu đựng được tí dơ bẩn nào mà không bị hư hỏng; […] danh dự như que diêm, chỉ cháy một lần là hết; […] danh dự là điều gì quý giá lắm đối với mỗi con người, không có danh dự thì cũng chẳng nên thân người.

[…] Có danh dự cá nhân và danh dự cộng đồng. Bao nhiêu bạn bè ta đang chịu cực khổ để học hành. Bao nhiêu bạn bè ta đang chịu đói chịu rét, phải làm lụng vất vả ở xứ người để du học, để tìm tri thức, để có đủ danh dự và tư cách công dân hạng nhất. Đất nước mình chỉ có thể to đẹp khi đó là đất nước của những công dân đàng hoàng. Một công dân đàng hoàng là một công dân có danh dự.

(Trích Danh dự công dân, danh dự quốc gia, Đoàn Công Lê Huy, theo  “Tôi muốn hỏi em: Về sau thế nào?”, NXB Kim Đồng, 2018, trang 26-30)

a. Qua văn bản, em hiểu thế nào là danh dự của mỗi người và danh dự có ý nghĩa  gì với mỗi chúng ta?

b. Phân tích 01 phép tu từ nghệ thuật được sử dụng trong đoạn văn cuối.

c. Em hiểu như thế nào về quan niệm: “danh dự như que diêm, chỉ cháy một lần là hết”?

d. Theo tác giả, làm thế nào để có được danh dự của mỗi người? Em có đồng ý với ý kiến đó không, vì sao? (Trả lời khoảng 4-6 dòng)

Câu 2. Đã bao giờ bạn chia sẻ một quan điểm trên Facebook nhưng bị hàng loạt người không quen biết vào 'ném đá', công kích, kết tội? Nhiều người sử dụng mạng xã hội một cách thiếu văn minh, sử dụng chúng như một công cụ để công kích, "vạch trần" người khác gây tổn thương đến danh dự và nhân phẩm của người khác.

 Từ gợi ý trên, em hãy viết bài văn ngắn (khoảng 500 chữ) trình bày suy nghĩ về:Vấn nạn làm nhục trên mạng xã hội

Câu 3. Học sinh được chọn 1 trong 2 đề sau:

Đề 1.

Đọc truyện ngắn “Làng” của Kim Lân, chúng ta cảm nhận được về tình yêu làng, yêu nước hòa nhập làm một trong tâm hồn ông Hai - người nông dân chất phác và trọng danh dự. Hãy phân tích cuộc đấu tranh nội tâm gay gắt của ông Hai khi nghe tin làng chợ Dầu theo tây trong truyện ngắn “Làng” để làm rõ điều đó.

Đề 2.

Mỗi nhà văn nhà thơ khám phá quê hương ở những điểm nhìn khác nhau với cá tính sáng tạo riêng biệt nên hình ảnh quê hương hiện ra với những nét đẹp riêng rất đa dạng.

Từ những trải nghiệm trong quá trình đọc tác phẩm văn chương, em hãy viết bài văn với nhan đề: Văn chương đã làm cho tình yêu quê hương đất nước sẵn có trong ta thêm phong phú và sâu sắc.

 

Thứ Tư, 1 tháng 6, 2022

ĐỀ LUYỆN TẬP TỔNG HỢP 2021 – 2022_2_Chủ đề: TRƯỞNG THÀNH

 


Chủ đề: TRƯỞNG THÀNH

“Trưởng thành là khi bạn nhận ra…”

Câu 1. Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:

Lớn lên về thể chất là giấc mơ có thật của những thế hệ sinh ra trong rơm rạ đói nghèo,(…). Nhưng khi lớn lên về thể chất cũng là khi tôi dần biết về một giấc mơ khác nữa. Giấc mơ con người sẽ trưởng thành về nhân cách tâm hồn.

Khi ta lớn, ta có thể chỉ biết về quyền của mình. Khi ta thực sự trưởng thành, ta mới biết về trách nhiệm của bản thân. Ta biết cho đi hơn là nhận lại. Ta biết đi tình nguyện thực ra là để chính ta trưởng thành lên. Ta biết rằng yêu thương người khác cũng chính là vỗ về tâm hồn của chính mình.

Thử thách của tuổi mới lớn có thể chỉ đơn giản là một cú vật tay xem ai cơ bắp dẻo dai hơn. Em hãy thử đi xa hơn, bước tới những thử thách rằng ai cống hiến nhiều hơn cho cộng đồng. Ai truyền đi những năng lượng tích cực mạnh mẽ hơn. Ai biết sống vì người khác, vì bạn bè còn gian khó, vì làng quê còn nghèo nàn, vì đất nước còn lạc hậu, vì dân tộc còn tụt lại phía sau.

Mỗi ngày hãy nhìn thẳng vào phía Mặt Trời thiêu đốt và vạch những vạch đinh hằn mốc đánh dấu trưởng thành của mình theo cách cao thượng: cách trưởng thành khi em biết nghĩ về những điều dài rộng và biết sống vì người khác.

(Trích Bút kí Sống như cây rừng, Hà Nhân, NXB Văn học, 2016, tr. 191)

a. Tác giả muốn các bạn tuổi mới lớn tìm các thử thách như thế nào?

b. Chỉ ra và gọi tên phép liên kết được sử dụng trong đoạn văn in đậm.

c. Em hiểu như thế nào về cụm từ “trưởng thành về nhân cách tâm hồn”?

d. Thông điệp nào của đoạn trích trên có ý nghĩa nhất đối với em? Vì sao? (Trả lời khoảng 4-6 dòng)

Câu 2. Trưởng thành là khi ta sống không chỉ vì mình mà còn vì người ta yêu thương. Trưởng thành chính là khi bạn có thể hiểu những điều bố mẹ chưa nói ra, là khi bạn nhận ra đằng sau sự hà khắc là cả một tấm lòng hi sinh vì con cái

        Từ gợi ý trên, em hãy viết bài văn ngắn (khoảng 500 chữ) với nhan đề: Trưởng thành là biết sống vì người khác.

Câu 3. Học sinh được chọn 1 trong 2 đề sau:

Đề 1.

Đọc bài thơ “Bếp lửa” của Bằng Viêt, chúng ta cảm nhận được sự trưởng thành của người cháu thông qua sự thấu hiểu, suy ngẫm về cuộc đời bà, về lẽ sống giản dị và cao quý. Hãy chọn và phân tích 01 đoạn thơ trong bài thơ “Bếp lửa” để làm rõ điều đó.

Đề 2.

 Văn học làm cho con người thêm phong phú, tạo khả năng cho con người lớn lên, hiểu được con người nhiều hơn.” (M.L.Kalinine)

Từ những trải nghiệm trong quá trình đọc tác phẩm văn chương, em hãy viết bài văn với nhan đề: Văn chương làm cho người lớn lên.

 

Chủ Nhật, 29 tháng 5, 2022

ĐỀ LUYỆN TẬP TỔNG HỢP 2021 – 2022_1_Chủ đề: TUỔI TRẺ

 

Chủ đề: TUỔI TRẺ

Câu 1. Đọc  văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:

Những người trẻ tuổi thời nay thật may mắn, có sức khỏe, có tuổi trẻ, nhờ thời đại thay đổi mà quan niệm, phong tục cởi mở hơn, khoa học công nghệ phát triển hơn, điều kiện tốt hơn. Và bọn họ cũng có đủ tự tin để "bay" lên cao hơn."

Nhưng thực tế thì thế nào?

Có rất nhiều bạn trẻ ngay cả "nhảy cao" còn chưa được chứ đừng nhắc đến "bay", giờ họ còn đang đứng tại chỗ trên mặt đất kia kìa.

Bởi vì thời đại thay đổi, dù điều kiện có tốt lên thật, nhưng đi kèm nó cũng là áp lực vô cùng to lớn. Mà đối với những người trẻ chưa có kinh nghiệm, chưa có vốn sống mà nói, thật sự rất khó!

[…]

Thế nhưng bạn tôi ơi, đừng quên một điều rằng: Cảm giác an toàn nhất trên thế gian này là tự mình cho mình, đừng hi vọng hay trông chờ vào người khác.

Bất cứ lúc nào cũng nên nhớ, chỉ cần bạn sống thật với chính mình, bạn có đủ niềm tin và nghị lực, bạn dám nghĩ dám làm, ông trời nhất định không bỏ rơi bạn, mà chính bạn cũng nhất định trở thành thần may mắn cho chính cuộc đời mình.

(Theo Thiên Tuyết,Trí Thức Trẻ)

a. Theo lời tâm sự của tác giả, thời đại thay đổi mang lại gì?

b. Chỉ ra thành phần khởi ngữ được sử dụng trong đoạn văn in đậm.

c. Vì sao tác giả cho rằng: “Cảm giác an toàn nhất trên thế gian này là tự mình cho mình, đừng hi vọng hay trông chờ vào người khác”?

d. Em có đồng ý với suy nghĩ của bạn trẻ: “chỉ cần bạn sống thật với chính mình, bạn có đủ niềm tin và nghị lực, bạn dám nghĩ dám làm, ông trời nhất định không bỏ rơi bạn” không? Vì sao? (Trả lời khoảng 4-6 dòng)

Câu 2. Hãy làm toàn dân tộc mình ưu tư những vấn đề mà mình ưu tư. Hãy làm dân tộc mình có khát vọng như chính khát vọng của tuổi trẻ vậy. Đó là tuổi trẻ.

Em hãy viết bài văn ngắn (khoảng 500 chữ) để trả lời câu hỏi: Phải chăng điều đáng sợ nhất của tuổi trẻ là sự hời hợt?

Câu 3. Học sinh được chọn 1 trong 2 đề sau:

Đề 1.

Đọc “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” của Phạm Tiến Duật, chúng ta tự hào biết bao về dân tộc anh hùng, tuổi trẻ anh hùng; từ đó cho ta thêm nhiều niềm tin, nghị lực để bảo vệ sự trường tồn của Tổ quốc. Hãy chọn và phân tích 01 đoạn thơ trong“Bài thơ về tiểu đội xe không kính”để làm rõ điều đó.

Đề 2.

Trong thời đại nhiều thay đổi như hiện nay, tác phẩm văn chương có ý nghĩa nâng đỡ tâm hồn con người như thế nào?

Từ những trải nghiệm trong quá trình đọc tác phẩm văn chương, em hãy viết bài văn trả lời cho câu hỏi trên.

 

Chủ Nhật, 22 tháng 5, 2022

ĐỀ LUYỆN TẬP ĐỌC HIỂU VÀ NLXH_18_Chủ đề: Tuổi trẻ - kỷ niệm đẹp và đáng nhớ

 


Câu 1. Em hãy đọc hai văn bản sau và trả lời các câu hỏi bên dưới

Văn bản 1

Năm 1995, trung tâm thương mại Sampoong (Hàn Quốc) sụp đổ và cướp đi sinh mạng cùa hơn 1.400 người. Phải đến ngày thứ mười bảy kể từ thời điểm tòa nhà sụp đồ đội cứu hộ mới cứu được cô bé Seung Hyun, mười chín tuồi.

Sau này, một phóng viên đã hỏi Seung Hyun làm thể nào để có thể chống chọi trong khoảng thời gian khó khăn ấy. Seung Hyun trả lời rằng sức mạnh khiến em có thể chống chọi được là những ki niệm hạnh phúc khi còn nhỏ. Em đã vượt qua nỗi sợ cái chết bằng cách mở hòm rương ký ức nhìn lại những chuyến du lịch cùng gia đình, từng khoảnh khăc hạnh phúc một. Nhờ đó, dù sợ hãi tột độ, Seung Hyun chưa bao giờ lừ bỏ hy vọng được cứu sống dù chỉ một phút giây.

(Theo Choi Kwanghyun, Hai mặt cùa gia đình, NXB Thanh niên, 2020)

Văn bản 2

Kỷ niệm là món quà của trí nhớ, để ta đừng quên mình. Còn kỷ niệm là còn tâm hồn, còn nhớ, và còn biết thương chính mình, để sống còn niềm tin vào cái đẹp. Điều quan trọng nhất là bạn biết giữ những kỷ niệm đó như thế nào để cho nó trở thành những giá trị sống quanh mỗi người.

Hãy trân trọng những kỷ niệm vui các bạn ơi, giữ gìn một cách cẩn thận. Như là các bạn học sinh có kỷ niệm thời thời thơ ấu còn ngồi trên ghế nhà trường cùng với bạn bè thầy cô. Bởi vì trong cuộc đời mỗi người chúng ta có những kỷ niệm vui khó lắm. Trân trọng kỷ niệm đẹp, nghĩa là chúng ta đang trân trọng bản thân mình.

Hãy ghi nhớ những kỷ niệm buồn biết cách chuyển hóa nó để mình có thể vững chãi trong cuộc sống. Để từ đó chúng ta biết sống hoàn thiện hơn về bản thân mình để xứng đáng với những gì mà người thân, người gần gũi mình trao tặng cho mình.

Hãy cảm ơn những ai đã trao tặng cho bạn những kỷ niệm đẹp, bởi như thế bạn sẽ không bao giờ thấy lẻ loi trong cuộc sống, luôn cảm thấy ấm áp và hạnh phúc và đã được sẻ chia. Và cũng nên cảm ơn những ai cho bạn những kỷ niệm chưa đẹp vì đó chính mình cần phải rèn luyện thêm và sửa đổi bản thân hơn cho hoàn thiện.

Vì thế trong mỗi chúng ta hãy tạo cho bản thân mình có những kỷ niệm đẹp và đáng nhớ nhất để có thể lưu giữ lại trong cuộc sống cho riêng bản thân của mình.

 (Theo Tường Vy)

a.  Phân tích 01 biện pháp tu từ nổi bật được sử dụng văn bản 2.

b. Theo tác giả văn bản 2, điều quan trọng nhất trong việc biết giữ những kỉ niệm là gì?

c.  Xác định 01 điểm chung và 01 điểm riêng về nội dung của hai văn bản trên.

d.   Em có đồng ý với nhận định: “Trân trọng kỷ niệm đẹp, nghĩa là chúng ta đang trân trọng bản thân mình” không? Vì sao? (Trả lời trong khoảng 4 - 6 câu)

Câu 2. Viết bài văn khoảng 500 chữ trả lời câu hỏi: Tuổi trẻ cần tạo cho bản thân mình có những kỷ niệm đẹp và đáng nhớ?

Gợi ý:

Câu 1.

a. Biện pháp tu từ: Điệp ngữ: Hãy

Tác dụng: Tạo nhịp điệu, tăng tính thuyết phục cho lập luận đồng thời nhấn mạnh thông điệp tác giả muốn truyền tải là chúng ta phải biết trân trọng, ghi nhớ những kỉ niệm vui buồn và cảm ơn những người tạo ra chúng từ đó biết cách tạo ra cho mình những kỉ niệm đẹp.

b.  Theo tác giả văn bản 2, điều quan trọng nhất trong việc biết giữ những kỉ niệm là biết giữ những kỷ niệm đó như thế nào để cho nó trở thành những giá trị sống quanh mỗi người.

c. Điểm chung: 2 văn bản điều chì ra những giá trị tốt đẹp, sức mạnh của kí ức là mang lại hi vọng và niềm tin vào cuộc sống.

Điểm khác:

+ Văn bản 1: Seung Hyun làm thể nào để có thể vượt nỗi sợ cái chết chết bằng cách mở hòm rương ký ức nhìn lại những chuyến du lịch cùng gia đình, từng khoảnh khắc hạnh phúc một.

+ Văn bản 2: Tác giả đưa ra những lời khuyên chúng ta phải biết gìn giữ những kỉ niệm biến nó thành những giá trị sống của mình và hãy tạo cho mình những kỉ niệm đẹp và đáng nhớ.

d. Đồng ý:

+ Kỷ niệm đẹp giúp chúng ta sẽ hiểu bản thân mình trân quý điều gì mà cố gắng gặt hái trong tương lai

+  Khi nhớ về những ký ức hạnh phúc, não bộ sẽ giải phóng các hợp chất giúp cơ thể và tinh thần thư giãn, nhờ đó giúp ta bình tĩnh và can đảm hơn.

+ Kỷ niệm đẹp để thấy cuộc đời này dẫu còn nhiều khó khăn nhưng vẫn có những điều tốt đẹp.Và nó giúp ta sống ý nghĩa hơn, với chính mình và với đời.

Câu 2. Viết bài văn khoảng 500  chữ trả lời câu hỏi: Tuổi trẻ cần tạo cho bản thân mình có những kỷ niệm đẹp và đáng nhớ?

1. Mở bài

Mỗi thời khắc trôi qua là mỗi kỉ niệm khác nhau, buồn vui lẫn lộn nhưng chỉ cần chúng ta biết trân trọng thì những kỉ niệm đó vẫn còn mãi. Vì thế trong mỗi chúng ta, nhất là các bạn trẻ, hãy tạo cho bản thân mình có những kỷ niệm đẹp và đáng nhớ nhất để có thể lưu giữ lại trong cuộc sống cho riêng bản thân của mình.

2. Thân bài

* Giải thích

- Tuổi trẻ là tuổi thanh xuân, là giai đoạn con người sung mãn nhất cả về thể xác, trí tuệ lẫn tâm hồn. Tuổi trẻ là quãng thời gian quý báu đối với mỗi người, chúng ta cần trân trọng và phát huy hết quãng thời gian này.

- Kỷ niệm đẹp đáng nhớ là những khoảnh khắc trong kí ức hoặc hiện tại mà người ta không thể nào quên được, thường đánh dấu những sự kiện quan trọng như là đám cưới, lễ tốt nghiệp, sinh nhật hay các cột mốc sự nghiệp.

+ Ai cũng có những kỉ niệm riêng, mang lại cho chúng ta những bài học đầu đời, những dấu ấn khó phai, nó đi theo ta cả đoạn đường đời, dạy cho chúng ta nhiều bài học quý giá.

=> Tuổi thanh xuân hãy cố gắng tạo ra và những kí ức tốt đẹp nhất cho mình.

* Biểu hiện

- biết bao kỉ niệm đẹp khi chúng ta còn trẻ, vô lo vô nghĩ, hồn nhiên vui chơi tinh nghịch với bạn bè, với những người thương yêu như những ngày đi chơi cùng bạn bè, những lần tủi thân khi bị bố mẹ mắng…

- Đó là những hành động, những câu chuyện của cá nhân mà chúng ta trân trọng, mang theo suốt cuộc đời góp phần giúp chúng ta trưởng thành hơn, yêu cuộc sống hơn.

* Phân tích

- Vì sao tuổi trẻ cần tạo cho bản thân mình có những kỷ niệm đẹp và đáng nhớ?

+ Những kỉ niệm đẹp sẽ theo chúng ta đến suốt cuộc đời, góp phần làm hoàn thiện tính cách, lối sống của bản thân sau này; là những nhân tố ghép thành cuộc sống đã qua của ta. Kỉ niệm đẹp là nguồn gốc làm nên tâm hồn, giúp chúng ta biết yêu thương, trân trọng cuộc sống này hơn.

+ Kỷ niệm đẹp là những minh chứng cho cuộc sống tươi đẹp từng có là nền tảng vững chắc cho hiện tại, tương lai; là bằng chứng cho cách sống, cách làm người, cách chúng ta vươn lên; là nền tảng cho tin yêu, và một tương lai rộng mở.

+ Kỷ niệm là góc nhỏ bình yên, cho những cảm xúc đong đầy ở lại. Kỷ niệm chính là một phần của cuộc sống, thứ viết nên những yêu thương không bao giờ bị phá vỡ. Người không không có kí ức đẹp là những người có tâm hồn nghèo nàn, sau này khi nhìn lại không có gì đáng nhớ tạo ra sự trống rỗng.

 

- Còn kỷ niệm là còn tâm hồn, còn nhớ, và còn biết thương chính mình, để sống còn niềm tin vào cái đẹp. Điều quan trọng nhất là bạn biết giữ những kỷ niệm đó như thế nào để cho nó trở thành những giá trị sống quanh mỗi người. Từng khoảng thời gian trôi qua là có mỗi khoảnh khắc khác nhau, nếu như chúng ta biết nắm bắt cơ hội để trân trọng cái khoảnh khắc ấy thì sẽ không bao giờ nuối tiếc dù chỉ là một điều nhỏ nhặt.

* Phê phán

- Tuy nhiên, thật đáng buồn, đáng trách biết bao khi có những thanh niên đang lãng phí, thiêu rụi tuổi trẻ của mình vào những thú vui vô bổ, vào những tệ nạn xã hội. Những kỷ niệm mà bản thân sẽ thấy ăn năn hối hận. Nó là vết thương lớn theo ta đến suốt đời.

- Lại có những người thu mình trong một góc từ nhỏ, ít giao lưu, những người này sẽ có ít kí ức để nhớ về. Những hoàn cảnh này thật đáng thương xót.

* Bài học/Liên hệ

- Tuổi trẻ chúng ta hãy quyết tâm trải nghiệm thật nhiều, học hỏi thật nhiều, tạo cho mình thật nhiều phút giây, kỉ niệm đẹp để sau này lúc nhìn lại mới thấy mình đã sống hết mình.

- Phải luôn biết trân trọng những cái người mà ở bên cạnh mình, lúc nào cũng đồng hành và đứng ở sau ủng hộ bạn để bạn có được những cái động lực và thành công được như ngày hôm nay đó chính là gia đình, bạn bè và những người thân ở bên cạnh của bạn.

+ Chúng ta cần trân trọng và phát huy hết giá trị của tuổi tre, cần không ngừng cố gắng rèn luyện, cống hiến để những năm tháng thanh xuân trở thành quãng thời gian tuyệt diệu nhất trong cuộc đời của mình.

3. Kết bài

Thời gian trôi đi nhưng những nỗi nhớ những hoài niệm vẫn còn ở mãi trong tâm hồn mỗi người, những lúc nhớ về những kỷ niệm đẹp trong quá khứ đã khích lệ tinh thần, đã tạo nên lòng tự tin và giúp chúng ta lạc quan hơn.