Chủ Nhật, 5 tháng 6, 2022

ĐỀ LUYỆN TẬP TỔNG HỢP 2021 – 2022_5

 


Chủ đề:  Cầu nối tri thức

Câu 1. Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:

Trong bài nói chuyện tại hội nghị chuyên đề sinh viên quốc tế họp tại Việt Nam ngày 1 tháng 9 năm 1961, Hồ Chủ tịch đã tâm sự: “Về văn hoá tôi chỉ học hết tiểu học. Về hiểu biết phổ thông: 17 tuổi tôi mới nhìn thấy ngọn đèn điện lần đầu tiên, 20 tuổi mới nghe rađio lần đầu.”  Vậy mà Người đã có một trí tuệ phi thường, một sự hiểu biết đáng khâm phục, đúng như nhà nghiên cứu Vasiliep đã nhận xét: “Hiếm có chính khách nào của thế kỷ XX có thể sánh được với Hồ Chí Minh về trình độ học vấn, tầm hiểu biết rộng lớn và sự thông minh trong cuộc đời”.

Đạt được tầm hiểu biết ấy là nhờ Hồ Chủ tịch đã không ngừng học tập,  nói đúng hơn là không ngừng tự học. Khi nói chuyện với các đảng viên hoạt động lâu năm (Vào ngày 9 tháng 12 năm 1961), Hồ Chủ tịch đã tâm sự: “Tôi năm nay 71 tuổi, ngày nào cũng phải học… Không học thì không theo kịp, công việc nó sẽ gạt mình lại phía sau”. Và với Bác, nguyên lý và phương thức học được khái quát trong mấy câu sau: “Học ở trường, học trong sách vở, học lẫn nhau và học dân”.

[..] Với Người, sách chính là “thuốc chữa tội ngu” và là một trong nguồn quan trọng có thể đưa ra lời giải đáp cho câu hỏi tự do, bình đẳng, bác ái là gì? Từ những thắc mắc đầu tiên ấy về sau cũng chính nhờ sách báo Bác đã tìm ra con đường cứu nước cứu dân và hình ảnh “Lệ Bác Hồ rơi trên chữ Lênin” đã đi vào lịch sử.

[…]Hồ Chủ tịch luôn rất chú trọng đem ứng dụng các điều đã thu lượm được qua sách báo. Người đã từng nói: “Siêng xem sách và xem được nhiều sách là quí” nhưng Người đã nhấn mạnh: “Dù xem được hàng ngàn quyển lý luận nếu không biết đem ra thực hành, thì khác nào cái hòm đựng sách.”. Nếu như trong học tập Hồ Chủ tịch luôn nhấn mạnh đến chữ hành thì trong đọc sách Người luôn quan tâm đến vấn đề áp dụng. Và phải biết áp dụng dụng một cách sáng tạo vào hoàn cảnh của thực tiễn. Người rất ghét lối đọc chỉ để mà đọc.

(Theo http://vuthuvien.bvhttdl.gov.vn/chu-tich-ho-chi-minh-voi-doc-sach-va-tu-hoc/)

a. Theo tác giả, Hồ Chủ tịch luôn quan tâm, chú ý đến điều gì trong việc học tập và đọc sách?

b. Phân tích phép liên kết hình thức được sử dụng trong đoạn văn in đậm.

c. Em hiểu như thế nào câu sau: Với Người, sách chính là “thuốc chữa tội ngu” và là một trong nguồn quan trọng có thể đưa ra lời giải đáp cho câu hỏi tự do, bình đẳng, bác ái là gì?

d. Thông điệp nào của văn bản có ý nghĩa nhất với em? Vì sao? (Trả lời khoảng 4-6 dòng)

Câu 2. Ngày nay, theo đòi hỏi của giáo dục hiện đại, người học buộc phải tăng tính chủ động, khả năng tự định hướng các kiến thức mình cần và xây dựng lộ trình học tập riêng theo đòi hỏi của từng cá nhân.

 Từ gợi ý trên, em hãy viết bài văn ngắn (khoảng 500 chữ) trình bày suy nghĩ về nhận định: Tự học - kỹ năng học tập cần thiết đối với mỗi học sinh.

Câu 3. Học sinh được chọn 1 trong 2 đề sau:

Đề 1.

Đọc bài thơ “Nói với con” của Y Phương, chúng ta cảm nhận được mong muốn mãnh liệt của người cha đầy yêu thương và trách nhiệm muốn vun đắp cho con một hành trang quý những bài học đường đời. Hãy chọn phân tích 01 đoạn bài thơ “Nói với con” để làm rõ điều đó.

Đề 2.

Văn học là tấm gương phản ánh cuộc sống, là cuốn bách khoa toàn thư về cuộc sống. Qua văn học con người có được những hiểu biết sâu sắc hơn về tự nhiên, về xã hội, về chính bản thân mình. Văn học là để giáo dục và hoàn thiện mỗi con người, mỗi trang sách làm nên bước ngoặt trong cuộc đời con người.

Từ những trải nghiệm trong quá trình đọc tác phẩm văn chương, em hãy viết bài văn với nhan đề: Trang sách làm nên bước ngoặt trong cuộc đời em.