Thứ Ba, 7 tháng 6, 2022

ĐỀ LUYỆN TẬP TỔNG HỢP 2021 – 2022_7

 


Chủ đề:  VẺ ĐẸP TÂM HỒN

Câu 1. Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:

Mỗi ngày qua đi, đất Sài Gòn lại có quá nhiều câu chuyện để kể về cái bản ngã “tánh kỳ” của mình. Giữa mùa dịch bệnh, khắp các con đường, hẻm nhỏ ở Sài Gòn, đâu đâu cũng thấy ấm áp tình người qua từng bao gạo, hộp cơm, ly nước miễn phí… Người Sài Gòn luôn dang tay, ôm nhau vào lòng, dìu nhau đi qua hoạn nạn. 

Có ai "rảnh rỗi" như người Sài Gòn! Thấy người nghèo, người lang thang, bán vé số không thể có bữa cơm đàng hoàng trong mùa dịch, cái thấy nóng ruột, ngồi không yên nên mở cửa quán nấu nướng, kịp gửi đi những phần cơm nghĩa tình.

Cũng trong những ngày này, cái biển “Hoa hồng 15 nghìn/chục” tràn ngập mấy tiệm bán hoa ở Sài Gòn. Dịch bệnh, những người trồng hoa ở Đà Lạt cũng chịu ảnh hưởng về kinh tế. Không hội họp, mọi hoạt động kinh tế lớn phải tạm dừng, đâu ai còn tâm trạng để thưởng hoa. Hàng ngàn bông hoa hồng trôi dạt về những nẻo đường khác nhau với giá rẻ hơn ngày thường rất nhiều. Không chỉ dưa hấu, thanh long hay xoài, giữa lòng Sài Gòn, trong những ngày kinh tế đóng cửa, cũng khó lòng từ chối một cuộc giải cứu hoa hồng cho người Đà Lạt.

Sài Gòn là vậy, dù là ngày bình thường hay trong bão giông, Sài Gòn vẫn bao dung, vẫn mở lòng ôm ấp bao mảnh đời còn khó khăn, cơ cực. Sài Gòn, trong cuộc phong bế, vẫn lao tâm lao lực cho một mảnh đời còn trúc trắc ngoài kia, cho một phận người, một ai đó không có nhà để về, để họ “ở yên trong nhà” mùa dịch. Thành phố nào đó có thể đóng cửa nhưng Sài Gòn thì khó có thể. Lòng người Sài Gòn lúc nào cũng mở.

(Theo Đi qua mùa dịch: Người Sài Gòn đúng thật “tánh kỳ”, Báo Pháp luật)

a. Theo tác giả, Người Sài Gòn “rảnh rỗi” như thế nào?

b. Phân tích phép liên kết được sử dụng trong đoạn in đậm.

c. Em hiểu nhận định thế nào về nhận định: Thành phố nào đó có thể đóng cửa nhưng Sài Gòn thì khó có thể. Lòng người Sài Gòn lúc nào cũng mở.

d. Theo em, đâu là đặc điểm nổi bật nhất của người Sài Gòn? Vì sao?(Trình bày khoảng 4-6 dòng)

Câu 2. Đại dịch Covid cũng như những cuộc chiến tranh, nó mang đến khổ đau, bệnh tật nhưng qua đó, ta thấm thía hơn giá trị của lòng nhân ái. Có yêu thương, ta mới sống trách nhiệm, biết quan tâm người khác; có yêu thương, ta mới sống kỷ luật, hơn.

Em hãy viết bài văn ngắn (khoảng 500 chữ) trình bày suy nghĩ về nhận định: Khi biết cách yêu thương bản thân, ta mới sống kỷ luật hơn.

Câu 3. Học sinh được chọn 1 trong 2 đề sau:

Đề 1.

Đọc bài thơ “Đồng chí” của Chính Hữu, chúng ta cảm nhận được hiện thực nơi núi rừng biên giới đầy khắc nghiệt nhưng thấm đẫm tình đồng chí đồng đội của người lính thời kì đầu chống Pháp. Hãy chọn phân tích 01 đoạn bài thơ “Đồng chí” để làm rõ điều đó.

Đề 2.

Thả mình vào một cuốn sách văn học, đặc biệt là thể loại viễn tưởng, sẽ giúp bạn dễ cảm thông với người khác hơn. Đọc sách sẽ giúp bạn hiểu hơn về thế giới xung quanh, để biết cảm thông, chia sẻ với đồng loại, biết yêu thương và san sẻ khó khăn với người khác.

Từ những gợi ý trên và từ những trải nghiệm trong quá trình đọc tác phẩm văn học, hãy viết bài văn với nhan đề: “Văn chương giúp bồi bổ tâm hồn.”