Thứ Tư, 8 tháng 7, 2020

Đại dịch Covid-19 nhắc nhở chúng ta cẩn thận về vấn nạn tin giả

Đại dịch Covid-19 nhắc nhở chúng ta cẩn thận về vấn nạn tin giả

-    Giải thích:

+ Tin giả (fake news) là thông tin không dựa trên sự thật - thông tin giả mạo, do nguồn phát thông tin cố tình ngụy tạo, được thể hiện dưới hình thức tin tức thật.

+ Tin giả dựa trên nội dung ngụy tạo (phóng to, thổi phồng và nhấn mạnh chi tiết không đúng bản chất, cắt chi tiết có thật, thay đổi cấu trúc nội dung làm méo mó nội dung thông tin...) và nội dung bịa đặt (dựng lên những nội dung không có thật, chẳng hạn các tin bịa đặt về việc phun thuốc khử khuẩn trên bầu trời Việt Nam để ngừa Covid-19, tin phong tỏa thành phố...).

- Thực trạng

+ Lực lượng công an các tỉnh, thành đã xử phạt nhiều trường hợp tung tin thất thiệt về virus Corona. Cùng với đó rất nhiều thông tin về số người nhiễm, số người chết vì dịch virus Corona tạo nên luồng thông tin hỗn loạn trên mạng xã hội và tác động ngược tới đời sống thật.

+ Theo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu báo chí Reuters, 88% lượng thông tin liên quan tới dịch Covid-19 trên mạng xã hội là tin sai lệch.

- Nguyên nhân:

+ Thực tế cho thấy, mục đích của những người tung tin thất thiệt thường là để thỏa mãn tính háo danh. Có người lợi dụng sự nhẹ dạ của nhiều người đã đưa tin giả, nhằm câu like, view để họ bán được mặt hàng nào đó.

+  Một bộ phận không nhỏ người tham gia sử dụng mạng xã hội do thiếu thông tin, thiếu hiểu biết hoặc vô tình cung cấp thông tin sai lệch, xuyên tạc khi chưa xác minh hay kiểm chứng nguồn tin.

+ Công nghệ số và các nền tảng công nghệ cho truyền thông xã hội phát triển quá nhanh tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ thể sản xuất và phát tán tin giả, tin nguy hại sử dụng công nghệ và các nền tảng này.

+ Lợi dụng khả năng ẩn danh trên mạng xã hội, một số người không ngần ngại đăng tải thông tin bịa đặt, ác ý về tình hình dịch bệnh.

- Tác hại:

+ Những thông tin sai sự thật mang đến đó là làm nhiễu loạn thông tin, gây tâm lý hoang mang trong dư luận. Người dân lẫn lộn giữa tin đúng và tin thất thiệt, tiềm ẩn những nguy cơ gây bất ổn trong cộng đồng dân cư.

+ Khi xúc động, bất an, căng thẳng, lo lắng là lúc chúng ta dễ thành nạn nhân của tin giả. Động cơ của người phát tán những loại tin này chủ yếu là để trục lợi - lợi ích kinh tế, trực tiếp hoặc gián tiếp.

+ Sự sợ hãi và bất an còn trở thành mảnh đất màu mỡ giúp những tư tưởng và định kiến kì thị, phân biệt chủng tộc có cơ hội lan xa. Ví như một du khách Trung Quốc trở về từ bệnh viện đã bị khách sạn đuổi ra đường giữa đêm hôm khuya khoắt, một ứng xử thiếu tình người nhưng lại được không ít cư dân mạng ủng hộ với lý do “để bảo vệ nhân viên và khách khác không bị nhiễm bệnh”!

+ Tiếp nhận và lan truyền thông tin trên mạng xã hội như một trào lưu mà không  có ý thức và có thể bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự...

- Giải pháp:

+ Cần phải ý thực rõ về quyền - trách nhiệm, hiểu rõ chuẩn mực văn hóa ứng xử, chuẩn mực đạo đức, từ đó điều chỉnh hành vi trên môi trường truyền thông xã hội, trong không gian số.

+ Xây dựng và thực thi chuẩn mực văn hóa ứng xử trên mạng xã hội của các cơ quan, tổ chức nói riêng và cộng đồng nói chung có ý nghĩa quan trọng trong việc ngăn chặn tin giả, tin xấu độc.

+ Lựa chọn thông tin đăng tải, chia sẻ từ những trang mạng xã hội nên tiếp cận các luồng thông tin chính thống; không tham gia đăng tải, chia sẻ, bình luận thông tin sai sự thật, hình ảnh phản cảm, trái với thuần phong mỹ tục và văn hóa của dân tộc

* Bài học của bản thân

+ Kiểm tra xuất xứ thông tin, kiểm tra tựa bài có khớp với nội dung, kiểm tra thời gian thông tin, xem xét nguồn tin trong bài, xem xét độ phủ sóng và xem xét chủ quan bản thân.

+ Tìm đọc chỉ dẫn của các chuyên gia nghiên cứu về tin giả có uy tín để tự mình nhận diện tin thật - tin giả,

+ Tỉnh táo trong tiếp cận thông tin để tránh tránh việc vì thiếu kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm mà bị lợi dụng, vô tình tiếp tay lan truyền tin giả.

 

 


Chủ Nhật, 5 tháng 7, 2020

Đại dịch Covid-19 nhắc nhở bài học về ý thức trách nhiệm với cộng đồng

Đại dịch Covid-19 nhắc nhở bài học về ý thức trách nhiệm với cộng đồng

-    Giải thích:

+ Ý thức trách nhiệm cộng đồng là nhận thức về các giá trị chung, theo chuẩn mực đạo đức, mà mọi người có trách nhiệm tuân thủ, hướng đến một xã hội văn minh tốt đẹp.

+ Ý thức trách nhiệm cộng đồng còn là khả năng hạ thấp cái "tôi" cá nhân, hòa nhập với tập thể, hy sinh lợi ích cá nhân vì cộng đồng, vì một mục tiêu chung đưa tập thể phát triển đi lên.

=> Đại dịch Covid-19 nhắc nhở nhân loại về những giá trị cộng đồng mà mọi thành viên phải tôn trọng.

- Biểu hiện

+ Người có ý thức trách nhiệm cộng đồng, biết hướng đến cái chung, lợi ích chung của tập thể là người có hiểu biết và có văn hóa.

+ Có thể thấy rõ ý thức trách nhiệm cộng đồng trong mùa dịch hiện nay là hầu hết mọi người đã chủ động đeo khẩu trang khi đến những nơi tập trung đông người như chợ, bệnh viện, các điểm giao dịch.

+ Đó là hình ảnh những vị bác sĩ in hằn vết đồ bảo hộ, mồ hôi ướt sũng, kính nhòe đi, cả ngày không dám đi vệ sinh nhưng vẫn kiên cường chống đỡ. Đó là hình ảnh doanh nghiệp hay cô ca sĩ nọ quyên góp một số tiền lớn cho đất nước chống đại dịch. Đó là hình ảnh những thùng mì tôm, những chai nước suối được trao đi vào khu cách ly. Đó là hình ảnh những em nhỏ đóng góp tất cả tiền mừng tuổi của mình để quyên tặng khẩu trang cho người chưa có.

=> Trong đại dịch Covid-19, có trách nhiệm với cộng đồng là phương pháp đúng đắn nhất để bảo vệ sức khỏe, tính mạng cá nhân.

- Phân tích:

+ Tất cả những vấn đề trong xã hội hiện nay, thì ý thức của cá nhân có vai trò đặc biệt quan trọng, quyết định đến sự thành công tập thể. Mọi ứng xử của cá nhân đều có tác động rất lớn tới cộng đồng, và ngược lại, mối nguy cơ của cộng đồng cũng ràng buộc trực tiếp tới nguy cơ của cá nhân.

+  Một quốc gia thực chất là một gia đình mà bạn là thành viên trong đó. Ứng xử của quốc gia đôi khi được quyết định bởi một số thành viên có vai trò trong một khoảng thời gian nào đó. Đó là một thử thách và cần một sự đồng lòng, hiệp lực từ bạn. Hãy thử suy nghĩ ở vai trò của một bác sỹ, một y tá hay ở vị trí của một người già, một người không được khỏe và một bệnh nhân… Bạn sẽ thấu hiểu và biết rằng mình cần làm gì, như thế nào để tốt cho cộng đồng và bản thân.

+ Trong hoàn cảnh dịch bệnh, việc có ứng xử văn minh, trách nhiệm, tuân thủ các quy định về phòng, chống dịch của Đảng, Nhà nước và cơ quan chức năng, sẵn sàng chia sẻ và cảm thông với hoàn cảnh còn khó khăn của đất nước, địa phương... sẽ là những tiêu chí quan trọng thể hiện ý thức, trách nhiệm công dân của mỗi người.

+ Việc hình thành thói quen, hành vi tự bảo vệ mình, không làm phương hại đến cộng đồng cũng là trách nhiệm của mỗi công dân trong xã hội

+ Vì lợi ích cá nhân, sự ích kỷ của bản thân mà không màng đến ý thức, trách nhiệm cộng đồng là một điều không thể chấp nhận được. Vì có những lúc bản thân cảm thấy đó là việc bình thường, nhưng nó có thể gây những hậu quả khôn lường không chỉ ảnh hưởng đến mình mà còn ảnh hưởng đến rất nhiều người

- Phê phán:

+ Tuy nhiên, có một thực tế đáng phải suy ngẫm và lên án. Ðó là còn một bộ phận người lơ là, thờ ơ với dịch vẫn đang diễn ra. Ðây là hành động thiếu trách nhiệm với cộng đồng, cần được chấn chỉnh và xử lý kịp thời.

+ Nhiều người phản ứng bất hợp tác, không chấp hành nghiêm những khuyến cáo của ngành y tế; cố tình vi phạm khai báo y tế, trốn cách ly, tụ tập đông người.

- Bài học nhận thức và hành động:

+ Một trong những điều đáng lo ngại nhất khi tình hình dịch bệnh không biết bao giờ mới ổn định.

+ Trách nhiệm đơn giản nhất, là phải tự giác chủ động tìm hiểu thông tin dịch bệnh, thông tin về cách phòng tránh cho bản thân và mọi người.

+ Các bạn học sinh cần hiểu được trách nhiệm của công dân là phải biết chia sẻ với mọi người để cùng vượt qua khó khăn, biết hỗ trợ, đồng hành... phải biết bỏ qua lợi ích cá nhân, hẹp hòi, ích kỷ vì lợi ích chung của cộng đồng, của dân tộc

* Bài học của bản thân

+ Cá nhân em bằng những việc làm phù hợp với khả năng, điều kiện của mình chung tay, góp sức cùng xã hội trong cuộc chiến phòng, chống dịch Covid-19.

+ Tự nâng cao ý thức phòng, chống dịch, hợp tác, chung tay hỗ trợ với chính quyền và các lực lượng chức năng, tham gia các hoạt động thiện nguyện,…

+ Tranh thủ thời gian để tự học, tự rèn luyện


Thứ Bảy, 4 tháng 7, 2020

Đại dịch Covid-19 đã và đang đòi hỏi học sinh phải có kĩ năng tự học chủ động

Đại dịch Covid-19 đã và đang đòi hỏi học sinh phải có kĩ năng tự học chủ động.

-    Giải thích:

+ Kỹ năng học và tự học là quá trình tự trau dồi kiến thức không chỉ từ sách vở mà còn từ các trải nghiệm trong cuộc sống.

+ Hình thành kỹ năng tự học tức là  hình thành  khả năng tự giải quyết vấn đề cũng như năng tự đánh giá để biết rõ hạn chế cần khắc phục và rèn luyện cũng như tìm hiểu thông tin bổ sung.

=> Kỹ năng tự học không phải là đòi hỏi nhất thời trong thời gian dịch bệnh mà đó là một trong những năng lực tiên quyết của công dân toàn cầu và công dân thời đại số.

- Biểu hiện

+ Tự học cũng có nhiều hình thức: có khi là tự mày mò tìm hiểu hoặc có sự chỉ bảo, hướng dẫn của thầy cô giáo …Dù ở hình thức nào thì sự chủ động tiếp nhận tri thức của người học vẫn là quan trọng nhất bởi nó luôn giúp con người có được kiến thức vững vàng sâu sắc.

+ Có rất nhiều những danh nhân đã thành nhân tài của đất nước từ việc họ tự học như: Lương Thế Vinh, Mạc Đinh Chi, Hồ Chí Minh…

=> Tự học thì kiến thức sẽ sâu hơn, bền hơn và thực chất hơn.

- Phân tích:

+ Dù cho bạn là một người học hành chăm chỉ, cần mẫn trên lớp thì lượng kiến thức bạn tiếp thu được cũng không nhiều. Nếu muốn giỏi và giỏi hơn nữa, bạn phải có kỹ năng học và tự học bất cứ lúc nào.

+  Tạo lập thói quen và sở thích tự học sẽ ươm mầm lòng ham học, ham hiểu biết, khát khao vươn tới những đỉnh cao của tri thữ, sống có hoài  bão, ước mơ, để dần hoàn thiện nhân cách và năng lực.

+ Tự học với sự nỗ lực, tư duy sáng tạo đã tạo điều kiện cho việc tìm hiểu tri thức một cách sâu sắc, hiểu rõ bản chất của chân lý. Trong quá trình tự học, học sinh sẽ gặp nhiều vấn đề mới và việc đi tìm giải đáp cho những vấn đề ấy là cách tốt nhất để kích thích hoạt động trí tuệ cho học sinh.

+ Tự học rèn luyện cho học sinh thói quen độc lập suy nghĩ, độc lập giải quyết vấn đề khó khăn trong học tập, trong cuộc sống, giúp cho họ tự tin hơn trong việc cuộc sống riêng mình.

+ Tự học giúp cho ta có thể chủ động học tập suốt đời, học tập để khẳng định năng lực phẩm chất và để thành công.

+ Tự học giúp ta thích ứng với mọi biến cố của sự phát triển kinh tế - xã hội. Ta sẽ không cảm thấy bị lạc hậu so với thời cuộc, thích ứng và bắt nhịp nhanh với những tình huống mới lạ mà cuộc sống hiện đại mang đến.

+ Nếu thiếu đi sự nỗ lực tự học của bản thân học sinh thì kết quả  học tập không thể cao cho dù có điều kiện ngoại cảnh thuận lợi đến mấy (thầy giỏi, tài liệu hay).

- Phê phán:

+ Trong thực tế ta có thể thấy vẫn còn rất nhiều người học tủ, học vẹt một cách ép buộc để đối phó với kiểm tra thi cử. Cách học này chỉ đem lại hiệu quả tức thời nhưng không mấy ai nghĩ đến hậu quả lâu dài của nó.

+ Người không biết tự học không những luôn phụ thuộc vào sách vở, thầy cô mà kiến thức cũng hạn hẹp, suy nghĩ nông cạn, thiếu sáng tạo và khó làm được những việc lớn lao.

- Bài học nhận thức và hành động:

+ Học và tự học là cách duy nhất để mỗi chúng ta trau dồi kiến thức cho bản thân.

+ Hãy luyện cho mình tính kỷ luật khi học trên lớp cũng như lúc tự học. Bạn không thể vừa học, vừa nói chuyện, vừa học vừa chơi game hay làm một việc khác.

+ Đừng vội chán nản, lo lắng khi đã bỏ ra quá nhiều thời gian nhưng kết quả thu lại không được bao nhiêu. Hãy thay đổi phương pháp học nếu phương pháp đang áp dụng không mang lại hiệu quả, bởi học không phải là ngày một ngày hai mà là “học nữa, học mãi”.

* Bài học của bản thân

+ Rèn tinh thần tự giác học tập mọi lúc, mọi nơi.

+ Lên cho mình một kế hoạch học tập thật khoa học, xác định được khối kiến thức cần phải trau dồi, phân bổ thời gian cho từng loại kiến thức cụ thể.

+ Tìm ra phương pháp phù hợp với bản thân để việc học không gây khó khăn và chán nản.

 


Đại dịch Covid-19 đã và đang nhấn mạnh sự cần thiết của một kỹ năng sống còn trong thời đại mới: kỹ năng thích ứng với sự thay đổi.

Đại dịch Covid-19 đã và đang nhấn mạnh sự cần thiết của một kỹ năng sống còn trong thời đại mới: kỹ năng thích ứng với sự thay đổi.

-    Giải thích

+ Thay đổi trong tiếng anh là Change, tức là một hiện tượng, một quá trình không lặp lại hiện tượng, quá trình trước đó. Mỗi con người phải có những thay đổi phù hợp với môi trường sống, điều kiện sống xung quanh để tiến bộ, tốt đẹp hơn.

+ Thích nghi là tinh thần sẵn sàng học hỏi, phạm sai lầm và học hỏi hơn nữa. Thích nghi là khả năng thu thập đủ lượng phản hồi cần thiết để thực hiện những chỉnh sửa hoặc thay đổi hành vi của bản thân, nhằm tạo ra kết quả tích cực và hiệu quả.

+ Tốc độ thích nghi nhanh với biến động thời đại là yếu tố chọn lọc những người thành công, đặc biệt là khi thế giới xung quanh chúng ta đang thay đổi mỗi ngày.

- Biểu hiện

+ Con thỏ rèn cho mình kĩ năng chạy nhanh để trốn thoát sự truy đuổi của kẻ thù; con hổ phải rèn cho mình những kĩ năng cơ bản để có thể bắt mồi;… nếu chúng không có những kĩ năng ấy tất yếu sẽ bị triệt tiêu. Con người cũng không nằm ngoài vòng sinh tồn ấy.

+ Những người có khả năng thích nghi cao là những người có thể hình dung ra được nhiều viễn cảnh đa dạng và biết suy nghĩ về phương án đối phó. Họ luôn ở trong tư thế sẵn sàng và nắm lấy quyền chủ động xử lý nhanh chóng khi có bất kỳ thay đổi nào ập tới.

=> Cuộc sống luôn luôn thay đổi không ngừng. Mỗi người phải lựa chọn cho mình cuộc sống riêng để thích nghi với môi trường. Khi mình năng động, dấn thân và chủ động học hỏi thì sẽ nắm bắt được những cơ hội quý giá và trau dồi bản thân thành một cá nhân nổi bật.

- Phân tích

+ Phải thay đổi để thích nghi với môi trường là một lẽ tất yếu, là một quy luật không thể phủ nhận hay né tránh của bất kì một sinh thể nào trong vũ trụ. Stephen Hawking là chuỗi ngày chiến đấu thay đổi bản thân thích nghi với căn bệnh hiểr nghèo, những loài chim di cư nương mình theo chiều gió để tiết kiệm sức bay, những cây xương rồng tự biến lá mình thành gai nhọn để chống chọi với sa mạc khắc nghiệt …

+Trong tự nhiên, nếu không có sự thay đổi thỉ khó có thể có tồn tại lâu dài được. Con người cũng vậy! Làm mới bản thân, tạo ra cơ hội phát triển bản thân vào con đường trải nghiệm những điều mới mẻ của cuộc sống … Trong quá trình thay đổi để thích nghi, bạn không tránh khỏi thất bại một đôi lần, có thể mất đi một vài thứ tốt đẹp nhưng nhất định bạn sẽ nhận lại được những thứ còn tốt đẹp hơn.

+ Bạn có năng lực vượt trội nhưng lại không hòa hợp được với những người còn lại trong tập thể thì sớm muộn gì bạn cũng thất bại hoặc sẽ không ai đồng thuận, hợp tác với bạn.

+ Các loài vật phải thay đổi bản thân nó cho phù hợp với hoàn cảnh sống nhưng chỉ có con người mới có khả năng thay đổi hoàn cảnh sống để phù hợp với mình.Nhiều khi “thay đổi” còn có thể ảnh hưởng đến biết bao người khác, có thể quyết định đến vận mệnh của một xã hội, một đất nước. Không gì là không thể.

 + Thay đổi không nhất thiết là bạn mất đi những nét tính cách đặc biệt và đáng quý của mình…Thay đổi một cách thông minh hoàn toàn không phải là cách thay đổi tùy tiện, bừa bãi. Không có gì ngu ngốc bằng cố chấp và bào thủ, nhưng cũng không có gì nguy hiểm bằng tự phá bỏ bản sắc của chính mình.

- Phê phán:

+ Đại bộ phận hiện nay ý thức được việc thay đổi bản thân phù hợp với hoàn cảnh. Họ thiếu tự tin, thiếu chủ động khi cuộc sống nảy sinh những vấn đề phức tạp.

+ Bộ phận nhỏ chưa ý thức được điều này hoặc thay đổi theo hướng tiêu cực gây nên những hậu quả khó lường.

- Bài học nhận thức và hành động

+ Cần có thái độ chủ động đón nhận những khám phá mới. Hãy dùng cách nhìn của những người khác để đón nhận sự việc, thay vì chỉ ôm khư khư quan điểm của mình. Bạn không cần phải thay đổi ý kiến cá nhân, nhưng bạn cần tôn trọng và tiếp nhận rằng những người khác sẽ có suy nghĩ khác bạn.

+ Khả năng thích nghi thể hiện phẩm chất trí tuệ của con người. Thực tế chứng minh rằng những người có mức độ thích nghi cao luôn có nhiều cơ hội thành công hơn.

* Bài học của bản thân

+ Bên cạnh tích lũy kiến thức hàn lâm từ nhà trường, sách vở,… ta cần thường xuyên trau dồi, rèn luyện, bồi dưỡng kĩ năng sống – kĩ năng mềm để dễ dàng thích nghi với cuộc sống hiện đại.

+ Luôn quan sát những gì xảy ra xung quanh, tự rút ra cho bản thân những bài học, những kinh nghiệm. Không ngừng thử nghiệm những cái mới, không sợ khó khăn gian khổ, trải nghiệm sẽ giúp học sinh chúng ta hình thành kĩ năng thích nghi.


Thứ Sáu, 3 tháng 7, 2020

Hình tượng người phụ nữ qua nhân vật Vũ Nương trong tác phẩm “Chuyện người con gái Nam Xương” của Nguyễn Dữ

Phân tích vẻ đẹp nhân vật Vũ Nương trong tác phẩm “Chuyện người con gái Nam Xương” của Nguyễn Dữ

Hình tượng người phụ nữ là một hình tượng xuyên suốt trong suốt chiều dài văn học. Từ văn học dân gian

Thân em như tấm lụa đào

Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai. (ca dao)

Cho đến văn học viết. Người đọc thường để ý đến nhưng tác phẩm thơ ca mà quên đi bên cạnh thơ ca còn có các sáng tác bằng văn xuôi. Không chỉ có Truyện Kiều của Nguyễn Du, Cung oán ngâm của Nguyễn Gia Thiều, Chinh phụ ngâm của Đặng Trần Côn, mà còn có Chuyện người con gái Nam Xương của Nguyễn Dữ. Qua câu chuyện của Vũ Nương, Chuyện người con gái Nam Xương nói lên một cách sâu sắc những bi kịch cùng vẻ đẹp và những khát vọng chân chính về hạnh phúc gia đình của người phụ nữ. Vẻ đẹp con người và số phận bi kịch của Vũ Nương có sức khái quát lớn. Đây không chỉ là câu chuyện về số phận thương tâm của một người phụ nữ mà còn là tấm lòng yêu thương trân trọng của tác giả dành cho những người phụ nữ có phẩm chất tốt đẹp trong xã hội phong kiến bấy giờ.

"Chuyện người con gái Nam Xương" có nguồn gốc từ chuyện kể dân gian: Vợ chàng Trương, là thiên thứ 16 trong tổng số 20 truyện của "Truyền kì mạn lục". Nhân vật chính trong tác phẩm là Vũ Nương, một người phụ nữ trung trinh, tiết hạnh, đẹp người, đẹp nết nhưng lại bị chồng nghi oan thất tiết. Do không có cơ hội để minh oan, giãi bầy, Vũ Nương đành phải nhảy sông tự vẫn để chứng minh sự trong sạch của mình. Kết thúc truyện là hình ảnh Vũ Nương hiện về thấp thoáng lúc ẩn, lúc hiện giữa lòng sông nói lời tạ từ rồi biến mất. Đó là bi kịch của rất nhiều những người phụ nữ bất hạnh khi mà hạnh phúc gia đình chính là chỗ dựa vững chắc cho họ, giờ đây đã tan thành mây khói, mất đi chỗ dựa cuộc sống, họ lâm vào bi kịch và cái chết là con đường giải thoát duy nhất để họ kết thúc bi kịch của chính mình. Vì thế, truyện không đơn thuần dừng lại ở sự phản ánh hiện thực mà còn tố cáo hiện thực, dóng lên niềm khao khát hạnh phúc của người phụ nữ trong một xã hội công bằng, văn minh.

Những thông tin về tên tuổi, quê quán được nêu ra ngay từ đầu tác phẩm đã tạo cho người đọc cảm giác tin cậy, tăng độ tin cậy cho câu chuyện. Đây cũng là một thủ pháp quen thuộc của văn học trung đại. Không chỉ giới thiệu về tên tuổi, quê quán của Vũ Nương, Nguyễn Dữ ngay từ đầu đã khẳng định nàng là một người con gái đẹp người, đẹp nết, đại diện cho vẻ đẹp của người phụ nữ thời kì phong kiến: "tính đã thùy mị nết na, lại thêm tư dung tốt đẹp". Chính vì đức hạnh của nàng mà Trương Sinh đã nhờ người làm mối và lấy Vũ Nương làm vợ. Chi tiết ấy vừa làm nổi bật được đức hạnh của Vũ Nương, vừa nâng cao phẩm hạnh sáng ngời của nàng. Bởi nàng được cưới hỏi một cách đàng hoàng tử tế, được trân trọng không vì gia cảnh vẻ ngoài mà chính bởi phẩm chất của nàng.

Sau đó, nhà văn tập trung làm nổi bật vẻ đẹp đức hạnh của nàng, bằng việc đặt Vũ Nương vào rất nhiều hoàn cảnh, tình huống và các mối quan hệ xung quanh như với chồng, với mẹ chồng và với đứa con trai tên là Đản.

Nguyễn Dữ đã dành những lời lẽ đẹp đẽ ca ngợi phẩm chất tốt đẹp và tấm lòng trung trinh của người phụ nữ. Trước hết, ở nhân vật Vũ Nương ta nhận thấy, nàng là một người vợ hết mực thương chồng, sống trọn đạo vợ chồng. Lúc còn ở bên nhau, nàng toan lo mọi bề, tất cả đều chu toàn, cặn kẽ. Biết tính chồng hay ghen, thế nên, trong cuộc sống vợ chồng, nàng hết mực “giữ gìn khuôn phép, không để lúc nào vợ chồng phải thất hòa”. Vũ Nương đã cư xử khéo léo, đúng mực, nhường nhịn và giữ đúng khuôn phép, không bao giờ để xảy ra nỗi bất hòa trong gia đình. Vì thế, chúng ta có thể thấy, nàng là người phụ nữ hiểu chồng, biết mình và rất đức hạnh. Nhưng với tính tình đa nghi, độc đoán, đổi với vợ phòng ngừa quá sức của Trương Sinh tiềm ẩn những nguy cơ gây đổ vỡ hạnh phúc gia đình, dự báo bi kịch về sau mà nhân vật sẽ gây ra cho Vũ Nương.

Cuộc sống hạnh phúc êm ấm lại không kéo dài được bao lâu. Chiến tranh xảy ra, triều đình chiêu mộ binh lính. Trương Sinh tuy giàu có nhưng lại là kẻ thất học nên chàng bắt buộc phải tòng quân đánh giặc. Đây có thể xem là cơ hội để Trương Sinh lập công danh. Nhưng với Vũ Nương, công danh ấy không quan trọng bằng sự bình yên của chồng. Lời nàng dặn chồng trước lúc chàng ra đi khiến ta không khỏi xúc động: “Chàng đi chuyến này, thiếp cũng chẳng dám mong được đeo ấn phong hầu, hay mặc áo gấm trở về quê, chỉ xin ngày chàng về mang theo được hai chữ bình yên, như thế là đủ rồi”. Tấm lòng của nàng vẫn luôn hướng về an nguy của chồng. Tấm lòng ấy không thay đổi dù là khi gia đình ấm êm hạnh phúc hay là khi chàng Trương phải đi lính. Bởi lẽ, nhắc đến chốn chiến trận nơi biên ải xa xôi ai cũng nghĩ đến “một chắc sa trường rằng chữ hạnh” cũng như “cổ lai chinh chiến kỉ nhân hồi”. Vì thế mà với Vũ Nương, nguyện vọng duy nhất của nàng là chàng Trương được bình an. Đó là mong ước hết sức bình thường của một người vợ, một người phụ nữ khao khát cuộc sống gia đình bình yên.Tình thương chồng của nàng còn thể hiện qua sự chia sẻ trước những nỗi vất vả, gian lao mà chồng sẽ phải chịu đựng cũng như niềm cảm thông cho cả nỗi niềm của bà mẹ xa con.

Trong những năm tháng xa chồng, nàng luôn nhớ Trương Sinh tha thiết, thậm chí nàng còn trỏ bóng mình trên tường vừa để dỗ con vừa để vơi bớt nỗi nhớ chồng. Nỗi buồn nhớ của nàng khắc khoải triền miên, dài theo năm tháng: “Ngày qua tháng lại, thoắt đã nửa năm, mỗi khỉ thấy bướm lượn đầy vườn, mây che kín núi,thì nỗi buồn góc bể chân trời không thế nào ngăn được.”.Nỗi nhớ chồng khôn nguôi nhưng cũng chính vì thế mà nàng hết lòng giữ trọn đạo nghĩa vợ chồng.

Ngay cả khi bị Trương Sinh nghi oan thất tiết thì tình yêu, sự thủy chung của vẫn được thể hiện qua những lời phân trần hết sức tha thiết, mong tìm cách hàn gắn lại hạnh phúc gia đình. Vũ Nương đã ra sức phân trần để cho chồng hiểu. Nàng khẳng định nàng bị oan: "cách biệt ba năm, giữ trọn một tiết. Tô son điểm phấn từng đã nguôi lòng, ngõ liễu tường hoa chưa hề bén gót...". Nàng nói lên thân phận của mình, nhắc tới tình nghĩa phu thê và khẳng định một lòng nhất mực thủy chung, son sắt với chồng.Thậm chí, nàng còn cầu xin chồng "đừng nghi oan cho thiếp". Vũ Nương đang ra sức giữ gìn, hàn gắn hạnh phúc gia đình đang có nguy cơ tan vỡ. Điều đó cho thấy nàng thực sự rất trân trọng hạnh phúc gia đình mà mình đang có và càng làm nổi bật lên niềm khát khát hướng tới hạnh phúc gia đình ấm êm của người phụ nữ Vũ Nương.

Nhưng mọi cố gắng của nàng đều đã không được đền đáp, dù phải tìm đến cái chết để chứng minh tấm lòng của mình. Bị dồn đẩy đến bước đường cùng, nàng đã mất tất cả, đành phải chấp nhận số phận sau mọi cố gắng không thành. Tuyệt vọng không cùng, Vũ Nương đành mượn dòng nước con sông Hoàng Giang sâu thẳm để rửa sạch tiếng nhơ oan ức. Lời thề trước khi chết của nàng khiến ta không khỏi cảm thông “thiếp nếu đoan trang giữ tiết trinh bạch gìn lòng vào nước xin làm ngọc Mị Nương, hay xuống đất xin làm cỏ Ngu Mĩ. Nhược bằng lòng chim dạ cá lừa chồng dối con, thì dưới xin làm mồi cho cá tôm, trên xin làm cơm cho diều quạ và xin khắp mọi người đều phỉ nhổ”. Đến phút cuối cuộc đời nàng vẫn khẳng định tấm lòng thủy chung son sắt ấy… Vũ Nương thật là người vợ giàu lòng tự trọng.

 Ở thủy cung nàng vẫn không hề oán hận, vẫn mong ngóng ngày về để đoàn tụ với gia đình. Thẳm sâu trong tâm khảm của nàng vẫn là ước muốn được đoàn viên, được quay trở về dù chỉ một lần với chồng con, với cuộc sống gia đình hạnh phúc ngày xưa. . Khi Trương Sinh lập đàn giải oan, Vũ Nương chỉ trở về nói lời đa tạ rồi từ biệt. Nàng không hề trách móc, oán hận Trương Sinh, điều đó đã giúp chồng vơi bớt nỗi lòng, nỗi ân hận. Người phụ nữ nào cũng mong muốn được hưởng cuộc sống hạnh phúc từ hơi ấm gia đình, Vũ Nương cũng không phải trường hợp ngoại lệ, nhưng nàng không thể trở về.

Vũ Nương còn là một con dâu hiếu thuận, lễ nghĩa hết sức chu toànngười mẹ hiền, nàng một mình chu đáo nuôi con nhỏ. Chồng đi ra chiến trận, nàng đã thay chồng gánh vác việc nhà, trọn đạo dâu con, tận tình chăm sóc mẹ già. Sau đó ít lâu, nàng đã hạ sinh bé Đản.Nàng vừa một mình làm cha một mình làm mẹ. Sợ con buồn khi thiếu vắng cha, nàng đã chỉ bóng mình trên vách để nói với con đó là cha. Thế nhưng mọi việc đều được nàng chu tất lo lắng. Tác giả không miêu tả trực tiếp nhưng ta có thể hiểu được Vũ Nương đã vất vả thế nào khi một mình quán xuyến mọi việc trong gia đình. Tuy vất vả cực nhọc là thế nhưng nàng vẫn chưa bao giờ oán than một lần. Đặc biệt, đối với mẹ chồng, nàng không hề ghét bỏ như người ta thường nói về mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu. Nàng hết lòng chăm sóc phụng dưỡng mẹ chồng. Khi mẹ ốm, nàng cũng hết sức lo lắng khôn khéo lựa lời khuyên lơn. Chính tấm lòng của Vũ Nương đã cảm động mẹ chồng. Ta có thể thấy câu nói của mẹ chồng Vũ Nương dành cho nàng “Sau này trời xét lòng lành ban cho phúc đức giống giòng tươi tốt, rồi con cháu đông đàn, xanh kia quyết chẳng phụ con như con đã chẳng phụ mẹ”. Câu nói ấy là minh chứng rõ nét và thuyết phục nhất về phẩm chất của Vũ Nương. Mẹ chồng đã dành cho nàng những lời có cánh. Trước khi mất bà không lo lắng cho con trai cũng không oán trách số phận mà nói lời cảm ơn đến nàng dâu của mình. Việc đặt lời khen vào mẹ chồng đã tăng thêm tính chân thực và khách quan cho câu chuyện. Vũ Nương không chỉ quan tâm chăm sóc mẹ chồng khi mẹ chồng đau ốm mà khi mẹ chồng mất đi “nàng hết lời thương xót, phàm việc ma chay tế lễ lo liệu như đối với cha mẹ đẻ của mình”. Tấm lòng ấy của nàng thật khiến ta cảm động. Vũ Nương là hình ảnh tiêu biểu cho người phụ nữ Việt Nam, mang trong mình vẻ đẹp phẩm chất rất đáng trân trọng, ngợi ca.

Một người phụ nữ đẹp người, đẹp nết đảm đang, hiếu thảo, nhất mực thủy chung và hết lòng vun vén, trân trọng hạnh phúc gia đình như thế, đáng lẽ ra phải được hưởng hạnh phúc trọn vẹn.Nhưng thật éo le và nghịch lí thay nàng lại phải chịu một cuộc sống gia đình bất hạnh và phải chết trong đau đớn, xót xa, đầy nước mắt.

Bi kịch bắt đầu từ câu nói ngây thơ của trẻ con. Thật ra để dỗ con, Vũ Nương hay chỉ vào cái bóng của mình trên vách mà bảo rằng đó là cha của Đản. Bé Đản ngây thơ nói với Trương Sinh. Đản cũng như chính Vũ Nương không ngờ rằng chỉ một cái bóng ấy lại gây ra bi kịch cho gia đình nàng. Trương Sinh vốn tính đã đa nghi nghe lời con đã vội khẳng định chắc nịch là vợ đã thất tiết. Vừa gia trưởng đa nghi lại vừa cố chấp, Trương Sinh khước từ mọi cơ hội giải thích của Vũ Nương. Nàng hết lòng kêu oan nhưng trương Sinh không nghe không nói cho nàng rõ sự tình mà cứ nhất mực đánh đuổi nàng đi. Đến những người hàng xóm bênh vực nàng cũng chẳng thể làm Trương Sinh động lòng. Nhân phẩm trong trắng và tấm lòng trinh bạch của nàng dành cho chồng. Cũng bởi vậy mà cuối cùng nàng đành lựa chọn cái chết để khẳng định sự trinh bạch. Bởi lẽ với nàng khi trinh tiết đã bị nghi ngờ thì mạng sống này còn đáng giá gì. Nếu sống nàng chỉ có thể sống trong nhục nhã ê chề. Nên chỉ đành dùng cái chết để chứng minh. Những lời nói cuối cùng của nàng thâu tóm tất cả những ngang trái của một đời phụ nữ: công lao nuôi con, chờ chồng thành vô ích; hạnh phúc gia đình (thú vui nghi gia nghi thất) tan vỡ, tình cảm vợ chồng không còn (bình rơi trâm gãy, mây tạnh mưa tan, sen rũ trong ao, liễu tàn trước gió), cả nỗi đau khổ chờ chồng đến thành hóa đá trước đây cũng không còn có thể làm lại được nữa.

Tấm lòng trinh bạch của nàng đã được người đời hiểu thấu, mối oan ức nhục nhã ấy đã được hóa giải. Những tưởng một kết thúc có hậu cho câu chuyện nhưng Vũ Nương lại lựa chọn cách xa lánh cuộc đời không hội ngộ sống chung cùng chàng Trương. Vũ Nương không thể trở lại trần gian, thực ra đâu phải chỉ vì cái nghĩa với Linh Phi và trần thế không còn chỗ nào cho người như nàng nương tựa. Đàn giải oan chỉ có thể khôi phục danh dự cho nàng chứ không thể làm sống lại tình xưa. Giữa Vũ Nương và Trương Sinh, dòng sông là nơi giải oan, nơi tái ngộ, nhưng không thể vượt qua.

Cái kết của Vũ Nương càng khiến cho người đọc day dứt và qua đó lên án tố cáo xã hội phong kiến. Những người phụ nữ chung thủy son sắt nhưng lại không được tôn trọng trong xã hội phụ quyền trọng nam khinh nữ. Họ là nạn nhân của chế độ phong kiến với những điều luật hà khắc, bất công với nữ nhi. "Phận đàn bà" trong xã hội phong kiến cũ đau đớn, bạc mệnh, tủi nhục không kể xiết. Lễ giáo phong kiến khắt khe như sợi dây oan nghiệt trói chặt người phụ nữ. Và cũng như Vũ Nương, người phụ nữ trong xã hội suy tàn ngày ấy luôn tìm đến cái chết để bảo vệ nhân phẩm của mình.Vũ Nương chết đi mang theo nỗi oan tột cùng, nhưng người gây ra tất cả những bi kịch trên là Trương Sinh lại không bị xã hội lên án và cũng không mặc cảm với bản thân. Ngay cả khi nỗi oan ức ấy đã được giải thoát, Trương Sinh cũng không bị lương tâm cắn rứt, coi đó là việc đã qua rồi, không còn đáng nhắc lại làm gì nữa. Xã hội phong kiến đã dung túng cho những kẻ như Trương Sinh, để người phụ nữ phải chịu những đau khổ không gì sánh được.

Người đọc cũng nhận ra không chỉ dừng lại ở đó tác phẩm còn gián tiếp lên tiếng tố cáo chiến tranh phi nghĩa. Chính chiến tranh phi nghĩa đã làm tan nát biết bao gia đình đang hạnh phúc êm ấm. Nếu Trương Sinh không đi lính, nếu chàng không rời xa gia đình khi Vũ Nương sinh bé Đản thì có lẽ họ vẫn là một gia đình hạnh phúc ấm êm trọn vẹn bên nhau. Nhưng cái hạnh phúc ấy lại quá đỗi mong manh bị định kiến xã hội bóp nát. Trương Sinh mất vợ, Bé Đản mất mẹ còn Vũ Nương mất cả một đời. Bi kịch lại chồng chất nối tiếp bi kịch.

Tính bi kịch của truyện vẫn tiềm ẩn ngay trong cái lung linh ki ảo, sắc thái bi đát vẫn nằm sau hình ảnh rực rỡ của truyền kì. Điều đó một lần nữa khẳng định niềm cảm thương của tác giả đối với số phận bi thảm của người phụ nữ trong chế độ phong kiến. Nguyễn Dữ thêm vào đoạn kết, đem lại cho tác phẩm sức hấp dẫn và những giá trị mới. Phần này hoàn toàn là những tình tiết kì ảo, thể hiện tính chất truyền kì của truyện và tạo nên những giá trị thẩm mĩ mới mà truyện cổ tích chưa có.

Với sự sáng tạo cao về khắc họa nhân vật, cách kể chuyện, xây dựng kết thúc, kết hợp cùng việc khai thác vốn văn học dân gian và sử dụng tinh tế những yếu tố kì ảo, Chuyện người con gái Nam Xương của Nguyễn Dữ đã bày tỏ sự cảm thương cho số phận nhỏ nhoi, đầy tính bi kịch của người phụ nữ Việt Nam dưới chế độ phong kiến. Hơn hết, truyện truyền kì trung đại này cũng đã khẳng định nét đẹp tâm hồn của họ, cất lên tiếng nói cho bao mơ ước về một cuộc sống tốt đẹp, công bằng mà họ hằng hi vọng

Ngợi ca phẩm chất tốt đẹp và bệnh vực người phụ nữ không chỉ có Chuyện người con gái Nam Xương của Nguyễn Dữ mà nhiều nhà văn, nhà thơ khắc cũng đã đồng thời lên tiếng. Với tác phẩm Truyện Kiều, Nguyễn Du đã ngợi ca, trân trọng nhan sắc, tài năng, phẩm hạnh của chị em Thúy Kiều như là những chuẩn mực, hình mẫu lí tưởng cho vẻ đẹp của con người mọi thời đại (Chị em Thúy Kiều). Nơi lầu xanh, tác giả đã khắc họa nỗi nhớ của Thúy Kiều đi liền với tình thương – một biểu hiện rất đáng trân trọng của đức hi sinh, lòng vị tha, chung thủy (Kiều ở lầu Ngưng Bích). Thiên tài Nguyễn Du cũng không quên gây ấn tượng cho người đọc với hình ảnh Thúy Kiều sống sâu nặng ân tình, sắc sảo, kiên quyết nhưng vẫn đầy khoan dung, độ lượng (Kiền hảo ân báo oán).

Bếp lửa của Bằng Việt lại xây dựng đầy cảm động hình ảnh người bà với tấm lòng đôn hậu, tình thương bao la, sự chăm chút, thái độ bình tĩnh, vững lòng. Người bà đã trở thành chỗ dựa tinh thần vững chắc cho cháu vượt qua mọi thử thách khốc liệt của chiến tranh.

Người phụ nữ đi qua chiến tranh được khắc họa trong Những ngôi sao xa xôi lại càng đẹp hơn trong hình ảnh các cô thanh niên xung phong sống có tinh thần trách nhiệm cao, quyết tâm hoàn thành tốt mọi công việc được giao; anh dũng không sợ gian khổ, hi sinh; luôn trẻ trung, yêu đời; sống chan hòa, yêu thương nhau và luôn tin tưởng, lạc quan về thắng lợi cuối cùng của cách mạng. Có lẽ vì vậy là không thể bỏ qua Những ngôi sao xa xôi của Lê Minh Khuê trong những tác phẩm ngợi ca phẩm chất tốt đẹp của người phụ nữ. Những tác phẩm trên đã giúp người đọc nhận thức sâu sắc hơn về giá trị nội dung tư tưởng của tác phẩm, cũng như thấm thìa hơn tình cảm của tác giả thể hiện trong từng nhân vật.

Với nội dung sâu sắc ấy, Chuyện người con gái Nam Xương đã đi vào quỹ đạo nhân văn chung của văn học dân tộc, tạo được sự cộng hưởng với nhiều tác phẩm viết về người phụ nữ cũng như kết nối bền chặt cùng tâm hồn người đọc bao thế hệ. Tác phẩm đã kết thúc nhưng vẫn để lại cho người đọc nhiều suy nghĩ. Có lẽ tất cả chúng ta đều tiếc nuối đau xót cho Vũ Nương người con gái với tấm lòng trinh bạch nhưng lại bất lực trước xã hội đầy định kiến. Chuyện người con gái Nam Xương đã để lại nhiều nghĩ suy, day dứt, đầy thương cảm cho thân phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến.

 

 


Thứ Năm, 2 tháng 7, 2020

Đại dịch COVID-19 đã gửi đến chúng ta nhiều thông điệp

Đại dịch COVID-19 đã gửi đến chúng ta nhiều thông điệp:

-     Thông điệp về mối quan hệ giữa con người và thế giới tự nhiên;

-     Thông điệp về tình đoàn kết, yêu thưong để cùng vượt qua khó khăn;

-     Thông điệp về vai trò của nghiên cứu y học với cuộc sống.

Em hãy viết bài văn (khoảng 01 trang giấy thi) trình bày suy nghĩ về 1 trong 3 thông điệp trên.

Gợi ý:

-     Thông điệp về tình đoàn kết, yêu thưong để cùng vượt qua khó khăn

Gần 4 tỷ người, tức 1/2 nhân loại không được bước ra khỏi đường vì một loại virus nhỏ bé, vô hình. “Cơn sóng thần” COVID-19 khiến toàn cầu chao đảo, tình trạng khẩn cấp như thời chiến với những mối đe dọa về sức khỏe, tính mạng và gây nên khủng hoảng đời sống, kinh tế toàn cầu nghiêm trọng. vậy lúc này con người rất cần yêu thương và tinh thần đoàn kết để cùng vượt qua khó khăn.

Đoàn kết là gì? Là sự gắn bó mật thiết với nhau, cùng chung tay làm một việc vì một lợi ích nào đó. Tinh thần đoàn kết vốn là một truyền thống tốt đẹp của nhân dân ta. Yêu thương đó là sự sẻ chia mà mỗi người dành cho nhau, một thứ tình cảm thiêng liêng xuất phát từ nơi con tim. Đó chính là sự đồng cảm, và một tinh thần đồng loại mà con người dành cho con người. Tinh thần đoàn kết và yêu thương thể hiện qua sự tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau bằng những hành động cụ thể. Nhất là những khi gặp hoạn nạn, khó khăn.

Sự xuất hiện của những tấm gương sáng - những người dân bình dị sẵn sàng bỏ tiền của, công sức để sản xuất, chế tạo và phát miễn phí khẩu trang, nước khử trùng cho người dân. Những hành động nhỏ nhưng có ý nghĩa lớn, đầy ắp nghĩa tình của không ít người, từ em nhỏ đến người nổi tiếng đã không chỉ đóng góp một phần công sức bé nhỏ, chia sẻ cùng đồng bào, đồng loại, mà còn tạo ra hiệu ứng tích cực - nhen lên ngọn lửa yêu thương trong cộng đồng, vì mục đích: cùng chung tay đẩy lùi dịch bệnh. Những hành động thiện nguyện của các tổ chức, cá nhân đã phần nào làm vơi bớt khó khăn của người dân nghèo, để không ai bị bỏ lại phía sau trong cuộc chiến cam go chống đại dịch Covid-19.

Nhờ biết đoàn kết tương trợ lẫn nhau, dân tộc ta đã vượt qua biết bao gian nan, thử thách, chiến thắng biết bao kẻ thù hùng mạnh để giữ vững đất nước, xây dựng cuộc sống yên bình, trù phú và tươi đẹp như thế này. Và điều đó càng thể hiện rõ trong cuộc chiến cam go chống đại dịch Covid-19 hiện nay. Việt Nam đã đạt được những thành quả rất đáng ghi nhận để giúp người dân vẫn giữ được cuộc sống ít đảo lộn nhất có thể dù rằng như nhiều người ví von có lẽ trong cuộc đời đây là một cái Tết dài nhất mà họ có.

Đoàn kết sẽ tạo điều kiện cho mỗi cá nhân phát huy hết khả năng tiềm tàng của mình, tạo nên một sức mạnh tổng hợp không ai địch nổi. Đoàn kết đã và đang tạo nên sức mạnh lớn đưa Việt Nam từng bước chiến thắng đại dịch COVID-19. Người người, nhà nhà không chỉ rất ý thức đồng lòng tuân thủ phòng chống dịch mà còn nghĩ đến khó khăn của người khác trong mùa dịch. Đó là những người nghèo, người bán vé số, người già neo đơn. Tinh thần đoàn kết, tương trợ của người dân Việt Nam luôn là một sức mạnh to lớn, tiềm tàng và luôn được phát huy vào những thời khắc khó khăn nhất.

Việt Nam không phải đất nước phát triển nhất thế giới nhưng chắc chắn là một trong những quốc gia nhân ái nhất. Những cây “ATM gạo” của Việt Nam hơn cả lương thực, những chiếc máy này đang cho đi sự tử tế, lan tỏa lòng tốt của người Việt ra thế giới. Mùa dịch giúp xóa khoảng cách và kéo mọi người gần nhau hơn. Mọi người đồng lòng và cùng chung mục tiêu chiến thắng dịch bệnh. Các hoạt động thiện nguyện một phần xuất phát từ tinh thần trách nhiệm xã hội, và sâu thẳm tận đáy lòng của mọi người là tinh thần "máu chảy ruột mềm", vì tình dân tộc và nghĩa đồng bào. Lớn thì có "ATM gạo", phát cơm miễn phí, hỗ trợ doanh nghiệp... Nhỏ thì tự may khẩu trang mang tặng đồng bào. Những việc làm này cũng thể hiện rõ truyền thống tốt đẹp “lá lành đùm lá rách” từ ngàn đời nay của dân tộc ta; tiếp thêm sức mạnh để toàn dân chung sức, chung lòng quyết tâm vượt qua hoạn nạn, để người nghèo được hỗ trợ, tự vươn lên trong cuộc sống.

Tuy nhiên, lợi dụng tình hình cả cộng đồng lo lắng, bất an, người dân đổ xô đi mua khẩu trang y tế, dung dịch sát khuẩn, khử trùng, nhiều cá nhân, tổ chức đã găm hàng, tăng giá và có những hành xử thiếu tình người. Bên cạnh đó là những tin giả (fake news) xuất hiện tràn lan trên internet và mạng xã hội gây hoang mang, lo lắng, bi quan cho không ít người. Những thông tin xấu, tin giả với mục đích “câu view”, xuyên tạc, bịa đặt cũng được coi là một loại "dịch bệnh xã hội" mà đôi khi tác hại của nó còn nguy hiểm hơn virus. Những hành đọng đó thật đáng lên án.

Tinh thần cộng đồng, tương thân tương ái, yêu thương san sẻ, đùm bọc lẫn nhau là những đức tính được hun đúc, hình thành xuyên suốt truyền thống lịch sử cần được mỗi chúng ta  tiếp nối và phát huy. Đoàn kết chính là nguồn cội tạo nên sức mạnh ở mỗi con người. Không đoàn kết thì sẽ sống cô lập, tách biệt với mọi người. Không biết tương trợ lẫn nhau thì cũng không được ai quan tâm hay giúp đỡ.

Để tiến bộ và thành công trong học tập và lao động, em cần phải luôn rèn luyện mình để trở thành người biết đoàn kết, nhân ái. Rèn luyện lối sống thân ái, giúp đỡ bạn bè, mọi người xung quanh khi họ gặp khó khăn không chỉ là hành động mà còn là phẩm chất của con người. Giúp đỡ lẫn nhau, chia sẻ niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống để tình cảm con người trở nên khăng khít, bền chặt và lâu dài.

Dù dịch bệnh Covid-19 vẫn đã và đang là mối đe dọa gây nguy hại to lớn về nhiều mặt đối với xã hội và nhiều người, cả dân tộc, triệu con tim chung nhịp đập quyết tâm, đồng hành vượt khó khăn, lan tỏa giá trị nhân văn, bồi đắp tình nhân ái, thì chắc chắn dịch bệnh sẽ bị đẩy lùi, đất nước sẽ tiếp tục đi lên.

 

-     Thông điệp về mối quan hệ giữa con người và thế giới tự nhiên

Thời đại hiện nay, bên cạnh những thành tựu kỳ diệu của con người trong việc chinh phục giới tự nhiên thì con người cũng phải đương đầu với hàng loạt vấn đề mà tự nhiên đang rình rập “báo thù” con người. Đại dịch COVID-19 là một lời cảnh báo lớn cho con người. Vì vậy, nhu cầu bảo vệ môi trường, đảm bảo mối quan hệ hài hòa giữa con người và tự nhiên ngày càng trở nên cấp bách.

Thiên nhiên theo nghĩa rộng là tất cả những gì đang tồn tại khách quan – toàn thế giới với tất cả các hình thức biểu hiện muôn màu, muôn vẻ của nó. Con người và xã hội loài người chỉ là một bộ phận đặc biệt của thiên nhiên mà thôi. Giới tự nhiên là hiện thực đầu tiên của thế giới, thiên nhiên có trước con người, con người được sinh ra từ thiên nhiên.

Mối liên hệ giữa con người và thiên nhiên là một điều hiển hiện có thể thấy được ngay trong đời sống thường ngày. Con người được sinh ra từ thiên nhiên, thiên nhiên quyết định cuộc sống của con người và con người quyết định số phận của thiên nhiên.Con người vừa là sản phẩm vừa là chủ thể của tài nguyên và môi trường. Vì con người tồn tại được là cần có các tài nguyên của môi trường cung cấp; bên cạnh đó con người trong hoạt động của mình có tác động mạnh mẽ trở lại và làm thay đổi môi trường.

Con người nhận ở môi trường tự nhiên: Thức ăn, nước uống, khí thở, cảnh đẹp để duy trì cuộc sống và giải trí. Con người cũng nhận ở môi trường các loại tài nguyên thiên nhiên: Kim loại, mỏ quặng các loại, than đá, khí đốt, gỗ rừng, gió, sức nước, sợi vải, cây trái … để đưa vào sản xuất chế biến phục vụ đời sống con người và phát triển xã hội.Con người cho vào môi trường tự nhiên: Rác thải sinh hoạt, rác công nghiệp, y tế, … nếu không xử lý rác thì môi trường sẽ bị ô nhiễm trầm trọng. Khai thác tài nguyên không có kế hoạch thì sẽ bị cạn kiệt, cây rừng, muông thú sẽ bị tuyệt chủng…

Thiên nhiên mang đến cho chúng ta bao nhiêu là lợi ích. Thế nhưng con người chúng ta lại không biết tôn trọng, bảo vệ và giữ gìn chúng. Chúng ta khai thác tài nguyên thiên nhiên một cách vô tội vạ. Chúng ta làm ô nhiễm tài nguyên nước cũng như không khí bằng các chất thải độc hại từ các nhà máy, xí nghiệp, các phương tiện giao thông thường ngày. Tất cả các khu rừng đều bị chúng ta tàn phá, chúng ta đốt rừng, chặt phá cây cối để tìm kiếm lợi nhuận riêng cho chính bản thân mình mà không nghĩ đến người khác.

 

Những nguồn lợi từ thiên nhiên mang đến cho cuộc sống chúng ta tưởng chừng như vô tận, nhưng nếu chúng ta không biết bảo tồn và gìn giữ sẽ dẫn đến việc tài nguyên bị cạn kiệt, môi trường bị ô nhiễm sẽ làm thủng tầng ô zôn, trái đất bị nóng lên cũng như nguy cơ hạn hán, lũ lụt càng nhiều. Chính chúng ta đã góp phần tạo nên những tác động nguy hại đến đời sống của bản thân chúng ta.

Thiên nhiên có vai trò rất quan trọng đối với tất cả con người cũng như tất cả những sinh vật sống trên trái đất. Chính vì thế chúng ta phải biết khai thác, sử dụng hợp lí cũng như bảo tồn, giữ gìn thiên nhiên để thiên nhiên trở thành một trong những tài sản quý giá nhất của con người chúng ta.

Thông qua các phương tiện truyền thông đã giúp cho chúng ta có nhiều thông tin về hiện trạng môi trường thiên nhiên ngày càng ô nhiễm, vỏ trái đất đang nóng dần lên, thiên tai nhiều hơn, nhân loại đang phải đối mặt với sự biến đổi khí hậu toàn cầu.Sự thay đổi của môi trường thiên nhiên ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của con người, dịch bệnh ngày càng nhiều hơn. Đời sống con người đang xa dần với môi trường thiên nhiên do chịu ảnh hưởngcủa hiện trạng đô thị hóa của xã hội.

Thiên nhiên là một người bạn của con người, điều đó không cần phải bàn luận gì thêm nữa, và vì thế nó không chịu được thái độ dã man đối với nó. Sử dụng một cách hợp lí, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, có thái độ quan tâm và chí tình đối với thiên nhiên là điều kiện không thể thiếu được của tiến bộ khoa học kỹ thuật và của tiến bộ xã hội nói chung.

Em cần nhận thức đúng đắn hơn về tầm quan trọng của môi trường đối với đời sống của con người. Cùng chung tay bảo vệ môi trường và với các hoạt động trong và ngoài nhà trường về bảo vệ môi trường. Thường xuyên sử dụng các sản phẩm từ thiên nhiên để bảo vệ sức khỏe cũng như sắc đẹp của mình.

Nếu không có thiên nhiên thì con người sẽ không thể tồn tại, thế nhưng nếu không có con người thì thiên nhiên vẫn sinh sôi, nảy nở ra các hệ sinh thái. Do vậy, chuyện con người phải dựa vào thiên nhiên là điều dễ hiểu. Nếu con người biết bảo vệ và nuôi sống cây cỏ, thiên nhiên sẽ tồn tại mãi mãi để là nguồn tài nguyên nuôi sống con người.