Thứ Ba, 7 tháng 6, 2022

ĐỀ LUYỆN TẬP TỔNG HỢP 2021 – 2022_7

 


Chủ đề:  VẺ ĐẸP TÂM HỒN

Câu 1. Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:

Mỗi ngày qua đi, đất Sài Gòn lại có quá nhiều câu chuyện để kể về cái bản ngã “tánh kỳ” của mình. Giữa mùa dịch bệnh, khắp các con đường, hẻm nhỏ ở Sài Gòn, đâu đâu cũng thấy ấm áp tình người qua từng bao gạo, hộp cơm, ly nước miễn phí… Người Sài Gòn luôn dang tay, ôm nhau vào lòng, dìu nhau đi qua hoạn nạn. 

Có ai "rảnh rỗi" như người Sài Gòn! Thấy người nghèo, người lang thang, bán vé số không thể có bữa cơm đàng hoàng trong mùa dịch, cái thấy nóng ruột, ngồi không yên nên mở cửa quán nấu nướng, kịp gửi đi những phần cơm nghĩa tình.

Cũng trong những ngày này, cái biển “Hoa hồng 15 nghìn/chục” tràn ngập mấy tiệm bán hoa ở Sài Gòn. Dịch bệnh, những người trồng hoa ở Đà Lạt cũng chịu ảnh hưởng về kinh tế. Không hội họp, mọi hoạt động kinh tế lớn phải tạm dừng, đâu ai còn tâm trạng để thưởng hoa. Hàng ngàn bông hoa hồng trôi dạt về những nẻo đường khác nhau với giá rẻ hơn ngày thường rất nhiều. Không chỉ dưa hấu, thanh long hay xoài, giữa lòng Sài Gòn, trong những ngày kinh tế đóng cửa, cũng khó lòng từ chối một cuộc giải cứu hoa hồng cho người Đà Lạt.

Sài Gòn là vậy, dù là ngày bình thường hay trong bão giông, Sài Gòn vẫn bao dung, vẫn mở lòng ôm ấp bao mảnh đời còn khó khăn, cơ cực. Sài Gòn, trong cuộc phong bế, vẫn lao tâm lao lực cho một mảnh đời còn trúc trắc ngoài kia, cho một phận người, một ai đó không có nhà để về, để họ “ở yên trong nhà” mùa dịch. Thành phố nào đó có thể đóng cửa nhưng Sài Gòn thì khó có thể. Lòng người Sài Gòn lúc nào cũng mở.

(Theo Đi qua mùa dịch: Người Sài Gòn đúng thật “tánh kỳ”, Báo Pháp luật)

a. Theo tác giả, Người Sài Gòn “rảnh rỗi” như thế nào?

b. Phân tích phép liên kết được sử dụng trong đoạn in đậm.

c. Em hiểu nhận định thế nào về nhận định: Thành phố nào đó có thể đóng cửa nhưng Sài Gòn thì khó có thể. Lòng người Sài Gòn lúc nào cũng mở.

d. Theo em, đâu là đặc điểm nổi bật nhất của người Sài Gòn? Vì sao?(Trình bày khoảng 4-6 dòng)

Câu 2. Đại dịch Covid cũng như những cuộc chiến tranh, nó mang đến khổ đau, bệnh tật nhưng qua đó, ta thấm thía hơn giá trị của lòng nhân ái. Có yêu thương, ta mới sống trách nhiệm, biết quan tâm người khác; có yêu thương, ta mới sống kỷ luật, hơn.

Em hãy viết bài văn ngắn (khoảng 500 chữ) trình bày suy nghĩ về nhận định: Khi biết cách yêu thương bản thân, ta mới sống kỷ luật hơn.

Câu 3. Học sinh được chọn 1 trong 2 đề sau:

Đề 1.

Đọc bài thơ “Đồng chí” của Chính Hữu, chúng ta cảm nhận được hiện thực nơi núi rừng biên giới đầy khắc nghiệt nhưng thấm đẫm tình đồng chí đồng đội của người lính thời kì đầu chống Pháp. Hãy chọn phân tích 01 đoạn bài thơ “Đồng chí” để làm rõ điều đó.

Đề 2.

Thả mình vào một cuốn sách văn học, đặc biệt là thể loại viễn tưởng, sẽ giúp bạn dễ cảm thông với người khác hơn. Đọc sách sẽ giúp bạn hiểu hơn về thế giới xung quanh, để biết cảm thông, chia sẻ với đồng loại, biết yêu thương và san sẻ khó khăn với người khác.

Từ những gợi ý trên và từ những trải nghiệm trong quá trình đọc tác phẩm văn học, hãy viết bài văn với nhan đề: “Văn chương giúp bồi bổ tâm hồn.”

 

 

 

ĐỀ LUYỆN TẬP TỔNG HỢP 2021 – 2022_6

 


Chủ đề:  KẾT NỐI

Câu 1. Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:

Ngày nay, nhiều bạn trẻ không tiếc tiền đầu tư học đủ thứ môn thời thượng, từ kỹ năng sống, kỹ năng mềm, kỹ năng giao tiếp, ngoại ngữ... nhưng dường như ít ai để ý đến lời ăn tiếng nói của mình trên mạng xã hội.

Mỗi người đều có một quan điểm sống khác nhau. Nhưng cứ mỗi khi lên mạng, vào những trang hay diễn đàn có nhiều người theo dõi sẽ dễ dàng nhận ra nhiều bạn trẻ nói năng bạt mạng, văng tục không biết ghê và mạt sát người khác không tiếc lời dù hình ảnh đại diện và “lý lịch” trên mạng khá đẹp đẽ.

Nói năng, không chỉ là chuyện phát âm cho tròn vành rõ chữ, câu cú chỉn chu, không cắt ngang lời người khác đang nói mà còn là nói năng sao cho tử tế, giọng nói nhẹ nhàng, không cục cằn, thô lỗ, ngôn từ đúng mực, không gây tổn thương hay xúc phạm người nghe, hạn chế nói những lời không cần thiết nếu không thể nói những lời dễ nghe...

Giao tiếp, nói năng, cách ứng xử phải nhã nhặn, biết tiết chế khi giao tiếp trên các mạng xã hội bởi đó cũng là một cách “nói”, ít nhiều thể hiện nhân cách của một người.

(Theo thanhnien.vn)

a. Theo tác giả, nhiều bạn trẻ không tiếc tiền đầu tư học nhiều thứ nhưng ít để ý điều gì?

b. Cách nói năng bạt mạng, văng tục không biết ghê và mạt sát người khác không tiếc lời của nhiều bạn trẻ vi phạm phương châm hội thoại gì? Theo em nguyên nhân do đâu?

c. Nêu nội dung chính của văn bản.

d. Em có đồng ý với nhận định: Giao tiếp trên các mạng cũng là một cách “nói”, ít nhiều thể hiện nhân cách của một người không? Vì sao? (Trình bày khoảng 4-6 dòng)

Câu 2.  Cư xử trên MXH luôn không thể thiếu thái độ tôn trọng người khác, biết quan tâm, lắng nghe, chia sẻ, thông cảm. Mọi lời nhận xét, comment phải khách quan và tế nhị, tỏ thái độ, cảm giác phù hợp, không nói không tốt, kéo bè cánh nhằm hạ thấp danh dự, nhân phẩm của người khác.

Em hãy viết bài văn ngắn (khoảng 500 chữ) trả lời câu hỏi: Vì sao học sinh cần rèn luyện kỹ năng ứng xử trên các trang mạng xã hội?

Câu 3. Học sinh được chọn 1 trong 2 đề sau:

Đề 1.

Đọc bài thơ “Viếng lăng Bác” của Viễn Phương, chúng ta cảm nhận được muôn vạn nỗi niềm dồn nén, tinh kết tình cảm chân thành thương nhớ Bác của tác giả, của nhân dân Miền Nam. Hãy chọn phân tích 01 đoạn bài thơ “Viếng lăng Bác” để làm rõ điều đó.

Đề 2.

Khi các nhân vật học cách giải quyết và vượt qua những trở ngại, họ chia sẻ những kinh nghiệm đó với chúng ta. Vì vậy, khi chúng ta đối mặt với những thử thách tương tự trong cuộc sống, chúng ta biết làm cách nào vượt lên trên những thử thách này.

Từ những gợi ý trên và từ những trải nghiệm trong quá trình đọc tác phẩm văn học, hãy viết bài văn với nhan đề: “Sách văn học giúp ta học cách giải quyết những trở ngại.”

 

 

 

Chủ Nhật, 5 tháng 6, 2022

ĐỀ LUYỆN TẬP TỔNG HỢP 2021 – 2022_5

 


Chủ đề:  Cầu nối tri thức

Câu 1. Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:

Trong bài nói chuyện tại hội nghị chuyên đề sinh viên quốc tế họp tại Việt Nam ngày 1 tháng 9 năm 1961, Hồ Chủ tịch đã tâm sự: “Về văn hoá tôi chỉ học hết tiểu học. Về hiểu biết phổ thông: 17 tuổi tôi mới nhìn thấy ngọn đèn điện lần đầu tiên, 20 tuổi mới nghe rađio lần đầu.”  Vậy mà Người đã có một trí tuệ phi thường, một sự hiểu biết đáng khâm phục, đúng như nhà nghiên cứu Vasiliep đã nhận xét: “Hiếm có chính khách nào của thế kỷ XX có thể sánh được với Hồ Chí Minh về trình độ học vấn, tầm hiểu biết rộng lớn và sự thông minh trong cuộc đời”.

Đạt được tầm hiểu biết ấy là nhờ Hồ Chủ tịch đã không ngừng học tập,  nói đúng hơn là không ngừng tự học. Khi nói chuyện với các đảng viên hoạt động lâu năm (Vào ngày 9 tháng 12 năm 1961), Hồ Chủ tịch đã tâm sự: “Tôi năm nay 71 tuổi, ngày nào cũng phải học… Không học thì không theo kịp, công việc nó sẽ gạt mình lại phía sau”. Và với Bác, nguyên lý và phương thức học được khái quát trong mấy câu sau: “Học ở trường, học trong sách vở, học lẫn nhau và học dân”.

[..] Với Người, sách chính là “thuốc chữa tội ngu” và là một trong nguồn quan trọng có thể đưa ra lời giải đáp cho câu hỏi tự do, bình đẳng, bác ái là gì? Từ những thắc mắc đầu tiên ấy về sau cũng chính nhờ sách báo Bác đã tìm ra con đường cứu nước cứu dân và hình ảnh “Lệ Bác Hồ rơi trên chữ Lênin” đã đi vào lịch sử.

[…]Hồ Chủ tịch luôn rất chú trọng đem ứng dụng các điều đã thu lượm được qua sách báo. Người đã từng nói: “Siêng xem sách và xem được nhiều sách là quí” nhưng Người đã nhấn mạnh: “Dù xem được hàng ngàn quyển lý luận nếu không biết đem ra thực hành, thì khác nào cái hòm đựng sách.”. Nếu như trong học tập Hồ Chủ tịch luôn nhấn mạnh đến chữ hành thì trong đọc sách Người luôn quan tâm đến vấn đề áp dụng. Và phải biết áp dụng dụng một cách sáng tạo vào hoàn cảnh của thực tiễn. Người rất ghét lối đọc chỉ để mà đọc.

(Theo http://vuthuvien.bvhttdl.gov.vn/chu-tich-ho-chi-minh-voi-doc-sach-va-tu-hoc/)

a. Theo tác giả, Hồ Chủ tịch luôn quan tâm, chú ý đến điều gì trong việc học tập và đọc sách?

b. Phân tích phép liên kết hình thức được sử dụng trong đoạn văn in đậm.

c. Em hiểu như thế nào câu sau: Với Người, sách chính là “thuốc chữa tội ngu” và là một trong nguồn quan trọng có thể đưa ra lời giải đáp cho câu hỏi tự do, bình đẳng, bác ái là gì?

d. Thông điệp nào của văn bản có ý nghĩa nhất với em? Vì sao? (Trả lời khoảng 4-6 dòng)

Câu 2. Ngày nay, theo đòi hỏi của giáo dục hiện đại, người học buộc phải tăng tính chủ động, khả năng tự định hướng các kiến thức mình cần và xây dựng lộ trình học tập riêng theo đòi hỏi của từng cá nhân.

 Từ gợi ý trên, em hãy viết bài văn ngắn (khoảng 500 chữ) trình bày suy nghĩ về nhận định: Tự học - kỹ năng học tập cần thiết đối với mỗi học sinh.

Câu 3. Học sinh được chọn 1 trong 2 đề sau:

Đề 1.

Đọc bài thơ “Nói với con” của Y Phương, chúng ta cảm nhận được mong muốn mãnh liệt của người cha đầy yêu thương và trách nhiệm muốn vun đắp cho con một hành trang quý những bài học đường đời. Hãy chọn phân tích 01 đoạn bài thơ “Nói với con” để làm rõ điều đó.

Đề 2.

Văn học là tấm gương phản ánh cuộc sống, là cuốn bách khoa toàn thư về cuộc sống. Qua văn học con người có được những hiểu biết sâu sắc hơn về tự nhiên, về xã hội, về chính bản thân mình. Văn học là để giáo dục và hoàn thiện mỗi con người, mỗi trang sách làm nên bước ngoặt trong cuộc đời con người.

Từ những trải nghiệm trong quá trình đọc tác phẩm văn chương, em hãy viết bài văn với nhan đề: Trang sách làm nên bước ngoặt trong cuộc đời em.

 

 

 

Thứ Năm, 2 tháng 6, 2022

ĐỀ LUYỆN TẬP TỔNG HỢP 2021 – 2022_4_Chủ đề: Những điều không hoàn hảo

 


Chủ đề: Những điều không hoàn hảo

Câu 1. Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:

Lắng nghe và thông cảm cho người khác, hiểu cho những gì họ trải qua, dành cho nhau những cái ôm ấm áp và tình yêu thương sẽ giúp cho những mối quan hệ giữa con người trở nên bền chặt và ý nghĩa hơn.

Tôi nghĩ yêu thương thật sự là tình yêu thương bất chấp, khi bạn có thể bao dung tất cả những gì thuộc về đối phương, cả những điểm bạn vừa lòng lẫn những điểm không vừa lòng bạn, thì khi ấy cảm xúc của bạn dành cho đối phương đã trở thành tình yêu thương thực sự.

Trên thế gian này sẽ có những người yêu thương chính sự tồn tại của bạn, cũng sẽ có những người yêu lời nói, hành động, thành quả của bạn. Những người yêu thương sự tồn tại của bạn sẽ không bao giờ thay lòng đổi dạ dù bạn có mắc lỗi hay thất bại đi chăng nữa, họ chính là gia đình thật sự. Mong rằng, tất cả chúng ta đều sẽ trở thành những người biết yêu thương sự tồn tại của nhau.

Vì trong mỗi chúng ta đều có những tổn thương nên ta mới có thể ôm ấp vỗ về những tổn thương của người khác.Vì chính bản thân ta từng thiếu sót và ngay lúc này đây ta vẫn còn thiếu sót nên ta mới có thể tha thứ và bao dung cho những sai lầm của người khác. Mong cho những thương tổn trong mỗi chúng ta sẽ trở thành hạt giống từ bi hướng về những người khác…

(Theo Yêu những điều không hoàn hảo, Hae Min)

a. Theo tác giả, thế nào là yêu thương thực sự?

b. Phân tích phép tu từ nghệ thuật được sử dụng trong đoạn văn in đậm.

c. Em hiểu như thế nào câu sau: Trên thế gian này sẽ có những người yêu thương chính sự tồn tại của bạn, cũng sẽ có những người yêu lời nói, hành động, thành quả của bạn?

d. Thông điệp nào của văn bản có ý nghĩa nhất với em? Vì sao? (Trả lời khoảng 4-6 dòng)

Câu 2. Nếu bạn yêu thương ai đó, đừng làm những việc mà bạn cảm thấy cần thiết cho họ, hãy làm những việc chính bản thân người ấy muốn. Khi làm những việc mà bạn nghĩ rằng cần thiết cho người khác dù chỉ là một chút thôi, nhưng có thể trong lòng bạn đang có suy nghĩ muốn điều khiển họ theo ý mình đấy.

 Từ gợi ý trên, em hãy viết bài văn ngắn (khoảng 500 chữ) với trả lời câu hỏi: Tại sao yêu thương cần sự bao dung, tôn trọng sự khác biệt?

Câu 3. Học sinh được chọn 1 trong 2 đề sau:

Đề 1.

Đọc đoạn trích “Kiều ở lầu Ngưng Bích” thuộc Truyện Kiều của Nguyễn Du, chúng ta cảm nhận được cảnh ngộ đầy bi kịch cũng như tâm trạng nhiều cung bậc của Thuý Kiều. Hãy chọn phân tích 01 đoạn trong đoạn trích “Kiều ở lầu Ngưng Bích” để làm rõ điều đó.

Đề 2.

Văn học nói chung và thơ ca nói riêng là tiếng nói hướng về con người, đặc biệt là thân phận con người ở những chiều sâu, những góc khuất mà không phải ai cũng dễ dàng thấy được. Từ đó đem đến cho người đọc niềm thương cảm sâu sắc.

Từ những trải nghiệm trong quá trình đọc tác phẩm văn chương, em hãy viết bài văn với nhan đề: Văn chương giúp khả năng thấu hiểu và đồng cảm với con người sâu sắc hơn.

ĐỀ LUYỆN TẬP TỔNG HỢP 2021 – 2022_3_Chủ đề: Danh dự

 


Chủ đề: Danh dự

Câu 1. Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:

Mẹ dạy tôi: “Con đừng ăn cơm cháy mà học dốt”. Mẹ dạy tôi: “Con đừng uống nước trong bóng tối mà học dốt”. Suốt một thời tuổi nhỏ, tôi cứ cười mẹ tôi mê tín. Lớn lên tôi mới hiểu mẹ không mê tín. […] Mẹ “doạ” tôi biết lo sợ trước dốt nát, bởi chỉ tri thức mới có thể đánh thức trong con người ý thức về danh dự, và từ đó, biết sống đàng hoàng.

Cha mẹ cho ta làm người. Cha mẹ đặt tên cho ta, đó là danh. Danh ấy có thành danh tốt hay không, phụ thuộc vào phẩm chất của danh, đó là danh dự. […] Danh dự giống như con ngươi trong mắt, nó không thể chịu đựng được tí dơ bẩn nào mà không bị hư hỏng; […] danh dự như que diêm, chỉ cháy một lần là hết; […] danh dự là điều gì quý giá lắm đối với mỗi con người, không có danh dự thì cũng chẳng nên thân người.

[…] Có danh dự cá nhân và danh dự cộng đồng. Bao nhiêu bạn bè ta đang chịu cực khổ để học hành. Bao nhiêu bạn bè ta đang chịu đói chịu rét, phải làm lụng vất vả ở xứ người để du học, để tìm tri thức, để có đủ danh dự và tư cách công dân hạng nhất. Đất nước mình chỉ có thể to đẹp khi đó là đất nước của những công dân đàng hoàng. Một công dân đàng hoàng là một công dân có danh dự.

(Trích Danh dự công dân, danh dự quốc gia, Đoàn Công Lê Huy, theo  “Tôi muốn hỏi em: Về sau thế nào?”, NXB Kim Đồng, 2018, trang 26-30)

a. Qua văn bản, em hiểu thế nào là danh dự của mỗi người và danh dự có ý nghĩa  gì với mỗi chúng ta?

b. Phân tích 01 phép tu từ nghệ thuật được sử dụng trong đoạn văn cuối.

c. Em hiểu như thế nào về quan niệm: “danh dự như que diêm, chỉ cháy một lần là hết”?

d. Theo tác giả, làm thế nào để có được danh dự của mỗi người? Em có đồng ý với ý kiến đó không, vì sao? (Trả lời khoảng 4-6 dòng)

Câu 2. Đã bao giờ bạn chia sẻ một quan điểm trên Facebook nhưng bị hàng loạt người không quen biết vào 'ném đá', công kích, kết tội? Nhiều người sử dụng mạng xã hội một cách thiếu văn minh, sử dụng chúng như một công cụ để công kích, "vạch trần" người khác gây tổn thương đến danh dự và nhân phẩm của người khác.

 Từ gợi ý trên, em hãy viết bài văn ngắn (khoảng 500 chữ) trình bày suy nghĩ về:Vấn nạn làm nhục trên mạng xã hội

Câu 3. Học sinh được chọn 1 trong 2 đề sau:

Đề 1.

Đọc truyện ngắn “Làng” của Kim Lân, chúng ta cảm nhận được về tình yêu làng, yêu nước hòa nhập làm một trong tâm hồn ông Hai - người nông dân chất phác và trọng danh dự. Hãy phân tích cuộc đấu tranh nội tâm gay gắt của ông Hai khi nghe tin làng chợ Dầu theo tây trong truyện ngắn “Làng” để làm rõ điều đó.

Đề 2.

Mỗi nhà văn nhà thơ khám phá quê hương ở những điểm nhìn khác nhau với cá tính sáng tạo riêng biệt nên hình ảnh quê hương hiện ra với những nét đẹp riêng rất đa dạng.

Từ những trải nghiệm trong quá trình đọc tác phẩm văn chương, em hãy viết bài văn với nhan đề: Văn chương đã làm cho tình yêu quê hương đất nước sẵn có trong ta thêm phong phú và sâu sắc.

 

Thứ Tư, 1 tháng 6, 2022

ĐỀ LUYỆN TẬP TỔNG HỢP 2021 – 2022_2_Chủ đề: TRƯỞNG THÀNH

 


Chủ đề: TRƯỞNG THÀNH

“Trưởng thành là khi bạn nhận ra…”

Câu 1. Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:

Lớn lên về thể chất là giấc mơ có thật của những thế hệ sinh ra trong rơm rạ đói nghèo,(…). Nhưng khi lớn lên về thể chất cũng là khi tôi dần biết về một giấc mơ khác nữa. Giấc mơ con người sẽ trưởng thành về nhân cách tâm hồn.

Khi ta lớn, ta có thể chỉ biết về quyền của mình. Khi ta thực sự trưởng thành, ta mới biết về trách nhiệm của bản thân. Ta biết cho đi hơn là nhận lại. Ta biết đi tình nguyện thực ra là để chính ta trưởng thành lên. Ta biết rằng yêu thương người khác cũng chính là vỗ về tâm hồn của chính mình.

Thử thách của tuổi mới lớn có thể chỉ đơn giản là một cú vật tay xem ai cơ bắp dẻo dai hơn. Em hãy thử đi xa hơn, bước tới những thử thách rằng ai cống hiến nhiều hơn cho cộng đồng. Ai truyền đi những năng lượng tích cực mạnh mẽ hơn. Ai biết sống vì người khác, vì bạn bè còn gian khó, vì làng quê còn nghèo nàn, vì đất nước còn lạc hậu, vì dân tộc còn tụt lại phía sau.

Mỗi ngày hãy nhìn thẳng vào phía Mặt Trời thiêu đốt và vạch những vạch đinh hằn mốc đánh dấu trưởng thành của mình theo cách cao thượng: cách trưởng thành khi em biết nghĩ về những điều dài rộng và biết sống vì người khác.

(Trích Bút kí Sống như cây rừng, Hà Nhân, NXB Văn học, 2016, tr. 191)

a. Tác giả muốn các bạn tuổi mới lớn tìm các thử thách như thế nào?

b. Chỉ ra và gọi tên phép liên kết được sử dụng trong đoạn văn in đậm.

c. Em hiểu như thế nào về cụm từ “trưởng thành về nhân cách tâm hồn”?

d. Thông điệp nào của đoạn trích trên có ý nghĩa nhất đối với em? Vì sao? (Trả lời khoảng 4-6 dòng)

Câu 2. Trưởng thành là khi ta sống không chỉ vì mình mà còn vì người ta yêu thương. Trưởng thành chính là khi bạn có thể hiểu những điều bố mẹ chưa nói ra, là khi bạn nhận ra đằng sau sự hà khắc là cả một tấm lòng hi sinh vì con cái

        Từ gợi ý trên, em hãy viết bài văn ngắn (khoảng 500 chữ) với nhan đề: Trưởng thành là biết sống vì người khác.

Câu 3. Học sinh được chọn 1 trong 2 đề sau:

Đề 1.

Đọc bài thơ “Bếp lửa” của Bằng Viêt, chúng ta cảm nhận được sự trưởng thành của người cháu thông qua sự thấu hiểu, suy ngẫm về cuộc đời bà, về lẽ sống giản dị và cao quý. Hãy chọn và phân tích 01 đoạn thơ trong bài thơ “Bếp lửa” để làm rõ điều đó.

Đề 2.

 Văn học làm cho con người thêm phong phú, tạo khả năng cho con người lớn lên, hiểu được con người nhiều hơn.” (M.L.Kalinine)

Từ những trải nghiệm trong quá trình đọc tác phẩm văn chương, em hãy viết bài văn với nhan đề: Văn chương làm cho người lớn lên.