Thứ Sáu, 13 tháng 11, 2020

Kỹ năng lắng nghe – Nâng bước thành công

 

Kỹ năng lắng nghe – Nâng bước thành công

                        Nguyễn Thị Nga                                                                   
           

Ngày nay, để thành công trong công việc và cuộc sống không thể thiếu kỹ năng mềm vì thực tế cho thấy người thành đạt chỉ có 25% là do kiến thức chuyên môn và 75% còn lại được quyết định bởi những kỹ năng mềm được trang bị. Và trong số các kỹ năng mềm được các nhà nghiên cứu chỉ ra, chúng ta không thể không nhắc tới kỹ năng lắng nghe. Đây là kỹ năng tối cần thiết trong nghệ thuật giao tiếp để tạo mối bang giao và thu phục lòng người. Đồng thời nó cũng là phương thức hữu hiệu để chúng ta học hỏi, tiếp nhận tri thức, kinh nghiệm trong công việc, cuộc sống.

            1. Thế nào là nghe và lắng nghe

            Hàng ngày chúng ta tiếp nhận rất nhiều âm thanh, thông tin từ con người, từ các phương tiện truyền thông… bằng đôi tai của mình giúp chúng ta có kiến thức, hiểu biết, nhìn nhận và đánh giá vấn đề. Theo tác giải Nguyễn Lân: “Nghe là nhận được tiếng bằng tai, là sự cảm nhận được bằng tai ý người nói”. Hay nói cách khác, nghe là quá trình sóng âm đập vào màng nhĩ và chuyển lên não, là hình thức tiếp nhận thông tin qua thính giác. Vì vậy, hàng ngày chúng ta nghe rất nhiều âm thanh, tiếng nói xung quanh mình nhưng nhiều khi không lưu tâm, đôi khi không nhất thiết phải hiểu. Và theo kết quả của các công trình nghiên cứu thì nghe có năm cấp độ: nghe phớt lờ, nghe giả vờ, nghe chọn lọc, nghe chú tâm, nghe thấu cảm.

            Nghe phớt lờ hay không nghe gì cả tức lúc này khách thể giao tiếp hoàn toàn để ngoài tai những gì chủ thể đang nói. Anh ta nói chuyện trong lớp học, trong cuộc họp, nhìn lơ đãng không tập trung hay chăm chú làm việc riêng. Có thể nói rằng đây là biểu hiện tồi tệ nhất của việc nghe, thể hiện sự thiếu tôn trong người đối diện và thiếu tôn trọng bản thân.

            Giả vờ nghe là lúc này người nghe có suy nghĩ những gì mình đang nghe là không cần thiết hay trái với suy nghĩ, mong muốn của mình nên không muốn nghe. Nhưng có thể vì sợ, vì phép lịch sự nên tỏ ra đang lắng nghe nhưng thực tế không nghe gì cả.

            Nghe chọn lọc là kiểu nghe có sự lựa chọn thông tin tiếp nhận tức chỉ nghe những gì cho là thích, là có ích hay đúng với suy nghĩ của bản thân. Ngược lại, những gì cảm thấy không phù hợp, không thích thì cho phép bản thân bỏ nghe và suy nghĩ việc khác.

            Nghe chăm chú là một trong những cấp độ cao của việc nghe, bản thân người nghe sẽ tập trung sự chú ý và sức lực để nắm bắt các thông tin, nội dung của người nói để hiểu và lưu giữ thông tin đó.

            Nghe thấu cảm là cấp độ cao nhất của việc nghe, lúc này người nghe không chỉ tiếp nhận thông tin bằng thính giác mà còn bằng cả trái tim để lắng nghe cả những thông tin không nói thành lời. Họ đang đặt mình vào vị trí của người nói để cảm nhận được tình cảm, nội tâm, suy nghĩ của người nói, họ đang nghe một cách tích cực và chân thành. Và chỉ khi ta nghe ở cấp độ thấu cảm thì nó mới trở thành kỹ năng, nghệ thuật lắng nghe.

            Như vậy, nghe sẽ có nhiều cấp độ, là phản xạ tự nhiên của con người nhưng lắng nghe là kỹ năng, là nghệ thuật nên chỉ có nghe chăm chú, nghe thấu cảm mới được coi là lắng nghe.

            Để lắng nghe thì trước tiên ta hãy để tâm mình tĩnh lại, lắng xuống trước bởi có thế ta mới tiếp nhận lời nói của người khác bằng cả trái tim, bằng sự đồng cảm chân thành nhất mà không có sự đánh giá, phán xét. Vì vậy mà ta có chữ “lắng” đứng trước chữ “nghe” và trở thành từ ghép “lắng nghe” vô cùng ý nghĩa.

            Với người trung Quốc, chữ “thính - gồm 5 bộ vương, nhĩ, nhãn, tâm, nhất để nói lên nghệ thuật của việc nghe.

            Vương (vua): Tôn trọng người nói, hãy xem họ là thượng đế

            Nhĩ (tai): Hãy tập trung cao độ, vểnh tai lên để lắng nghe

            Nhãn (mắt): Để thấu hiểu người khác thì nghe bằng tai thôi chưa đủ, ta còn “nghe” bằng mắt, phải có sự tương tác với đối phương bằng mắt để hiểu cả điều họ không nói bằng lời.

            Tâm (tim, tấm lòng): Phải để tâm tới đối phương, để tâm tới lời nói của họ, có như thế những nội dung ta tiếp nhận mới được “chuyển hóa” về tim một cách trọn vẹn

            Nhất (một): Tất cả những điều trên phải kết hợp một cách đồng nhất thì lúc này hiệu quả của việc nghe mới phát huy tối đa.

            Như vậy, lắng nghe là quá trình người nghe tập trung cao độ vào tất cả những gì được thể hiện ở người nói để nắm bắt và hiểu nội dung thông tin, đồng thời qua đó còn thấu hiểu được suy nghĩ, tâm tư, tình cảm, mong muốn của người nói.

            Và nếu như nghe là phản xạ tự nhiên của con người bởi thính giác là một trong năm giác quan thì lắng nghe lại là một nghệ thuật.

            2. Tầm quan trọng của việc lắng nghe

            Lắng nghe luôn được đánh giá là kỹ năng quan trọng bậc nhất và cũng khó nhất trong quá trình truyền thông vì thế mới có câu: “Mất hai năm để học nói nhưng mất cả đời để học lắng nghe”. Hay “Nói là bạc, im lặng là vàng, lắng nghe là kim cương” để thấy được tầm quan trọng của lắng nghe đối với tất cả chúng ta - không phân biệt tuổi tác, giới tính, nghề nghiệp… Lắng nghe đóng vai trò quan trọng trong nghệ thuật giao tiếp, là một trong những phương thức thu phục lòng người, là cách thức để rút ngắn con đường tới thành công.

            Đầu tiên, lắng nghe thể hiện sự tôn trọng đối phương: Theo nghiên cứu của Maxlaw thì con người có 7 bậc nhu cầu được xếp theo thứ tự như sau: vật chất, an toàn, tình cảm, công nhận, tôn trọng, cống hiến và thẩm mỹ. Như vậy, được tôn trọng là một trong những nhu cầu luôn tồn tại trong bản thân mỗi người, không phân biệt giàu nghèo, chức vụ, nghề nghiệp, tuổi tác, giới tính bởi mọi người đều có cảm nhận, lòng tự ái và sự tự tôn bản thân nhất định. Nên khi ta lắng nghe đối phương nói bằng cả đôi tai, ánh mắt, bằng thái độ chân thành là cách chúng ta làm thỏa mãn nhu cầu được tôn trọng, đáp ứng sở nguyện được người khác lắng nghe mình nói của đối phương. Mặt khác, muốn có tài ăn nói thì phải biết lắng nghe, muốn được người khác quan tâm thì trước tiên bản thân phải học được cách tôn trọng, quan tâm người khác vì “ trong cuộc sống, không thể trao đi một cục đá lạnh lại đòi về những tình cảm yêu thương, ấm áp”.

            Không những thế, lắng nghe còn giúp chúng ta gắn kết, tạo lập các mối quan hệ. Chúng ta nhận ra rằng trong cuộc sống để tạo lập được một mối quan hệ đã khó và để duy trì nó luôn bền vững, tốt đẹp còn khó hơn. Và một trong những mấu chốt quan trọng lại nằm ở việc lắng nghe vì tất cả mọi người đều có nhu cầu được tôn trọng, được sẻ chia và quan tâm. Vì vậy, khi người khác trò chuyện chúng ta hãy lắng nghe với một tâm hồn tĩnh lặng, sáng suốt, một thái độ tâm trung và biết khuyến khích họ nói về chính họ về thành công của họ. Có câu nói:“Lắng nghe trọn vẹn đôi lúc còn có giá trị hơn cả những lời an ủi bâng quơ, bởi cảm giác được trút hết nỗi lòng mình ra cho một người thành thực để tâm đã là quá đủ nhẹ nhõm”. Đặc biệt, trong sự vận động hối hả của thời gian, giữa bộn bề lo toan của cuộc sống, con người lại càng có nhiều nỗi lòng mong được chia sẻ để nhận sự thấu cảm của người khác. Và chính sự lắng nghe trọn vẹn là cử chỉ của trái tim chân thành đem lại sự hàn gắn hay thấu hiểu nhau hơn. Để làm được điều này thì chúng ta phải ghi nhớ một nguyên tắc trong quản lý con người: “Mọi người thường không quan tâm đến bạn hay công việc của bạn cho đến khi họ biết bạn quan tâm thực sự đến những vấn đề của họ”. Và khi trò chuyện với ai đó, chúng ta hãy nhớ rằng “mỗi người sinh ra chỉ có một cái miệng nhưng có hai cái tai” và miệng được xem là vũ khí sắc bén, nó có thể làm tổn thương, làm đau lòng, thẫm chí là “giết” chết người vì vậy ta hãy “nói ít lại, nhìn và lắng nghe nhiều hơn”.

            lắng nghe không chỉ giúp chúng ta tạo lập, xây dựng được các mối quan tốt đẹp hơn mà còn là biện pháp hữu hiệu để giải quyết xung đột, mâu thuận. Bởi khi ta thực sự chú tâm và lắng nghe một cách chân thành thì chính sự thành tâm sẽ biến thành dòng nước mát xoa dịu cơn tức giận của đối phương. Đồng thời họ cảm thấy được tôn trọng nên cởi mở hơn trong việc giải quyết các vấn đề khúc mắc giữa hai bên.

            Đồng thời, biết lắng nghe sẽ giúp chúng ta tiếp cận nhanh hơn tới sự thành công. Và điều này đã được chứng minh bởi thực tiễn từ những nhân vật kiệt xuất, doanh nhân, nhà quản trị thành công trên khắp thế giới. Với họ, thời gian lắng nghe nhiều hơn thời gian nói, viết và đọc, mặt khác họ cũng thích người nghe giỏi hơn người nói giỏi. Theo kết quả điều tra của Mỹ thì trong quá trình làm việc các nhà quan trị dành 32,7% thời gian cho việc lắng nghe, 25,8% thời gian cho việc nói, 22,6 % cho việc viết và chỉ dành 18,8% cho việc đọc. Và tất cả họ đều cho rằng lắng nghe là vấn đề mấu chốt giúp họ thành công trong công việc. Đồng thời từ thực tế, khi chúng ta biết lắng nghe sẽ tiếp thu tri thức tốt hơn, học hỏi được kinh nghiệm nhiều hơn, có cái nhìn thấu đáo hơn, được mọi người đánh giá phẩm chất chúng ta tốt hơn, có nhiều mối quan hệ tốt đẹp, bền vững hơn. Và chỉ bấy nhiêu thôi cũng đủ chúng ta thành công hơn, trưởng thành hơn trong công việc, cuộc sống nên có câu nói: “Hãy học cách lắng nghe, cơ hội có thể gõ chửa rất khẽ khàng”.

            Và với sinh viên, tới lớp chăm chú lắng nghe kiến thức thầy cô truyền đạt, tích cực thảo luận nội dung bài học là phương thức các bạn học bài nhanh nhất, nhớ kiến thức được sâu nhất. Vì thế về nhà các bạn không cần bỏ nhiều thời gian để xem lại nội dung bài vở trên lớp, thay vào đó các bạn có thể đọc thêm sách, tìm hiểu thêm tri thức khác, hay có thể sắp xếp tốt thời gian để đi làm thêm nhằm tích lũy kinh nghiệm và thêm thu nhập. Nhờ đó, khi rời ghế nhà trường các bạn dễ dàng vận dụng kiến thức vào thực tiễn nhằm nâng cao hiệu quả công việc. Mặt khác, chính ý thức thái độ học tập của học sinh, vinh viên được thể hiện ở sự lắng nghe một cách nhiệt thành, trao đổi, thảo luận bài sôi nổi sẽ tiếp thêm ngọn lửa yêu nghề, cảm hứng truyền đạt kiến thức của thầy cô.

Như vậy, lắng nghe là chìa khóa của thành công; là phương tiện để gắn kết, tạo lập mối quan hệ; là cách thức để chúng ta thể hiện sự tôn trọng người khác trước khi muốn nhận được sự tôn trọng, tình yêu mến, sự tin tưởng của mọi người dành cho mình.

            3. Rào cản của việc lắng nghe

            Lắng nghe là kỹ năng quan trọng trong giao tiếp giúp chúng ta có được tình yêu mến của mọi người, tiếp nhận tri thức nâng cao sự hiểu biết, thể hiện là người lịch sự, luôn tôn trọng người khác, đồng thời nó cũng là chìa khóa giúp chúng ta thành công trong công việc, cuộc sống. Tuy nhiên không phải ai cũng thấu hiểu điều này và tất nhiên có người hiểu được tầm quan trọng của lắng nghe nhưng lại không thể làm chủ được kỹ năng này. Vậy đâu là rào cản của việc lắng nghe?

            Nguyên nhân dẫn đến tình trạng không chú ý lắng nghe hay nghe một cách không trọn vẹn có nhiều nguyên nhân bao gồm cả nguyên nhân chủ quan và khách quan.

            Nguyên nhân khách quan là do các yếu tố bên ngoài tác động vào quá trình lắng nghe, khiến chúng ta mất tập trung nên làm cho việc lắng nghe bị gián đoạn.

            Đó có thể là do tiếng ồn, nó chính là “thủ phạm” làm cho cả người nói và người nghe mất tập trung. Ví như những học sinh, sinh viên nói chuyện trong lớp học không chỉ thể hiện sự thiếu tôn trọng với thầy cô đứng lớp, không tiếp thu được bài học mà còn gây ảnh hưởng tới hoạt động lắng nghe của các bạn khác.

            thời gian diễn ra quá trình giao tiếp không phù hợp cũng là yếu tố ảnh hưởng tới khả năng lắng nghe. Như tiết học thứ 5 của buổi sáng, tiết 10 của buổi chiều thì khả năng nghe của sinh viên giảm đi rõ rệt. Bởi lúc này, bộ não để tiếp nhận thông tin của sinh viên đã phải làm việc suốt 4 tiết học trước là tương đối căng thẳng, cộng với cảm giác mệt và đói lại thêm tâm lý chờ đợi giờ tan trường nên mức độ tập trung không cao đã ảnh hưởng tới khả năng lắng nghe.

            Bên cạnh đó chất lượng các phương tiện hỗ trợ cho người nói như micro, máy chiếu… cũng đóng một vai trò khá quan trọng. Nếu như các phương tiện đảm bảo chất lượng sẽ giúp khả năng truyền đạt của người nói tốt hơn nhờ đó quá trình nghe của chúng ta không bị gián đoạn. Nhưng ngược lại chất lượng micro kém sẽ ảnh tới khả năng truyền tải thông tin và khả năng lắng nghe.

            Đặc biệt trong các yếu tố khách quan thì khả năng truyền đạt của người nói đóng vai trò quan trọng nhất trong việc lắng nghe. Người nói với giọng điệu đều đều, trình bày không rõ ràng, không lưu loát hay khó hiểu, nói nhanh, nói nhỏ, nói khó nghe… sẽ làm ảnh hưởng tới khả năng lắng nghe của chúng ta.

            Có nhiều yếu tố khách quan tác động tới việc lắng nghe, tuy nhiên rào cản lớn nhất của vấn đề này vẫn thuộc về các yếu tố chủ quan. Đó là các yếu tố của chính bản thân người nghe như thể chất, tinh thần, nhận thức, tính cách… đã ảnh hưởng tới khả năng lắng nghe.

            Thể trạng mệt mỏi, khả năng nghe kém: Chúng ta nghe trong tình trạng cơ thể mệt mỏi, bị bệnh hay khả năng nghe kém thì hiệu quả lắng nghe cũng sẽ thấp.

            Mức độ tập trung, chú ý thấp: Để lắng nghe có hiệu quả đòi hỏi tinh thần tập trung cao độ với một tâm hồn tĩnh lặng với đôi tai, đôi mắt luôn hướng về người nói. Nhưng ngược lại nghe với trạng thái mơ màng, suy nghĩ tới những vấn đề khác thì hiệu quả sẽ không cao. Hay nhiều người có thói quen làm việc riêng khi nghe cũng làm cho lắng nghe kém hiệu quả.

            Thiếu sự kiên nhẫn khi nghe: Kiên nhẫn là tố chất quan trọng trong lắng nghe bởi đôi khi các cuộc giao tiếp diễn ra hàng giờ liền. Đồng thời để nghe và để hiểu hết ý của người nói ta không chỉ lắng nghe phần nội dung đơn giản hay mình cho là thú vị mà đòi hỏi nghe cả phần nội dung khô khan, thông tin khó hiểu. Vì vậy nếu thiếu sự kiên nhẫn, người nghe sẽ nhanh chóng cho bản thân mình buông bỏ việc nghe và chuyển hướng suy nghĩ những việc khác.

            Khả năng tư duy chậm: Lắng nghe là để hiểu vì vậy người nghe cần phải tích cực tư duy và cần có khả năng tư duy tốt. Dó đó nếu người nghe với khả năng tự duy chậm nhiều khi không kịp hiểu nội dung thông tin mình mới tiếp nhận thì người nói đã chuyện sang nội dung khác làm người nghe không theo kịp vấn đề. Và khi không hiểu thì người nghe sẽ có cảm giác nản và bỏ việc nghe giữa chừng.

            Thiên kiến: Đây là một trong những rào cản phổ biến và khó vượt qua nhất khi lắng nghe. Thông thường trong cuộc sống, trong công việc mỗi người sẽ có ý kiến, quan niệm, quan điểm riêng và nó có thể trái ngược với quan điểm của người khác. Và trong trường hợp khi chúng ta nghe ai đó trình bày những ý kiến, quan điểm khác mình nếu chúng ta lập tức suy nghĩ đưa ra các luận điểm để phản bác ý kiến của người nói nhằm bảo vệ quan điểm của mình sẽ làm kết quả lắng nghe của chúng ta không cao.

            Và đối với sinh viên, nguyên nhân chủ quan của việc lắng nghe kém hiệu quả là do có nhiều thói quen xấu ảnh hưởng đến khả năng lắng nghe như: không tập trung, thích nghe chọn lọc, nghe máy móc, không xác định mục tiêu, không có động lực trong học tập.

            Có thể nói rằng mục tiêu cao nhất của các bạn sinh viên tới trường là tiếp nhận tri thức, đặc biệt là kiến thức chuyên môn làm hành trang để sau khi ra trường có cơ hội lựa chọn công việc phù hợp, đúng nguyện vọng bản thân. Vì vậy những sinh viên nào xác định được mục tiêu, động lực trong học tập, các bạn sẽ lên lớp với tinh thần phấn chấn, mong muốn được khám phá, chinh phục từng nức thang tri thức. Với bộ phận sinh viên này, các bạn có ý thức, thái độ học tập rất tốt, say mê học tập, lắng nghe bài giảng một cách tích cực và chủ động tham gia xây dựng bài. Tuy nhiên tỷ lệ nhóm sinh viên này lại không cao. Theo kết quả điều tra thì tỷ lệ này chỉ chiếm 25 % và rơi vào sinh viên có kết quả học tập cao. Và có 15% các bạn sinh viên chỉ lắng nghe một cách chọn lọc, tức chăm chú nghe những môn học, những phần nội dung bản thân cho là hấp dẫn. Và chính vì chỉ nghe một phần thông tin, một phần nội dung bài giảng nên phần tri thức tiếp nhận được không hệ thống, không sâu mà ngược lại chỉ mang máng nên không thể đạt kết quả cao như mong muốn. Và một tỷ lệ cao hơn rất nhiều là có tới 60% sinh viên không thích lắng nghe, đây là những bạn không xem trọng việc học, không có động lực trong học tập nên chỉ xem việc lên lớp như là một nhiệm vụ bắt buộc cho có. Vì vậy, chúng ta không khó để bắt gặp tình trạng “cô nói cứ nói, trò ngủ cứ ngủ” thẫm chí là ngủ say sưa không biết trống tan trường, hay không ngủ thì nói chuyện thao thao bất tuyệt trong lớp. Và phần lớn những đối tượng sinh viên này không đặt ra mục tiêu trong học tập và cuộc sống, học chỉ mong vừa điểm qua môn hay có thi lại, học lại vẫn không phải là vấn đề đáng lo. Và với tinh thần, thái độ học tập như trên thì không thể nào cải thiện được khả năng lắng nghe.

            Như vậy, có rất yếu tố cả khách quan và chủ quan ảnh hưởng tới khả năng lắng nghe của bản thân vì vậy không ngừng nỗ lực vượt qua các rào cản để có quá trình lắng nghe trọn vẹn nhất.

            4. Một số phương pháp nâng cao hiệu quả lắng nghe

            Ở phần trên, chúng ta đã chỉ ra nhiều yếu tố khách quan và chủ quan ảnh hưởng tới việc lắng nghe. Tuy nhiên hiệu quả của việc lắng nghe vẫn chịu sự chi phối bởi các yếu tố chủ quan. Vì vậy, các yếu tố khách quan nếu không thuận lợi như chúng ta mong muốn nhưng với tinh thần lắng nghe một cách chân thành, cầu thị thì vẫn sẽ đạt được kết quả. Và sau đây là một số phương pháp nhằm cải thiện khả năng nghe giúp chúng ta có trong tay kỹ năng lắng nghe hiệu quả.

            Hãy đặt mình vào vị trí của người nói và dành cho họ sự tôn trọng: Có thể nói rằng đây là bước đầu tiên để chúng ta có thể triển khai một quá trình lắng nghe hiệu quả. Bởi chỉ khi ta thể hiện một thái độ tích cực đối với việc lắng nghe là đặt mình vào vị trí của người nói để thấu hiểu mong muốn, cảm xúc của họ chúng ta sẽ không cho phép bản thân mình lơ là việc lắng nghe. Vì biết rằng, khi chúng ta hứng thú lắng nghe sẽ là sự cổ vũ tinh thần rất lớn cho người nói, để họ cảm thấy mình được tôn trọng và nếu làm ngược lại ta khiến họ bị tổn thương, khiến họ nghĩ rằng bản thân không được đánh giá cao.

            Hãy nghĩ tới lợi ích của việc lắng nghe: Khi chúng ta không đặt ra mục tiêu, không xác định được mục đích, không thấy được lợi ích của việc mình sẽ làm thì không tìm thấy đường đi, không có động lực. Vì vậy nếu không thấy lợi ích của việc lắng nghe bản thân ta dễ dàng cho phép mình bỏ việc nghe giữa chừng. Do đó nếu khi có suy nghĩ không thích việc lắng nghe thì hãy nhớ rằng bản thân sẽ luôn học được một điều gì đó hay làm được gì đó từ việc lắng nghe như: sẽ có kiến thức, thông tin đang chờ ta đón nhận, chinh phục, lắng nghe để hiểu người và có mối quan hệ tốt đẹp hơn hay đơn giản là chia sẻ những ưu tư với người nói để lòng họ được nhẹ nhàng… Ví như nhiều bạn sinh viên khi lên lớp không muốn lắng nghe vì nghĩ rằng kiến thức này mình đã biết thì lúc này các bạn hãy nhớ rằng kiến thức là vô biên, lắng nghe không bao giờ là thừa bởi giáo viên không chỉ cung cấp kiến thức riêng của môn học đó mà còn đề cập tới nhiều thông tin về các lĩnh vực trong xã hội, liên hệ các vấn đề thực tiễn nên rất bổ ích cho các bạn sau khi tốt nghiệp ra trường và đi làm.

            Hãy tập trung cao độ: Để làm được điều này thì khi nghe người khác nói chúng ta hãy gác tất cả các việc khác qua một bên bởi không tập trung có thể bỏ qua nhiều kiến thức, thông tin quý giá. Mặt khác do tiếp nhận thông tin không đầy đủ có thể hiểu nhầm, hiểu sai lệch vấn đề. Vì vậy hãy tập trung cao độ để lắng nghe, lắng nghe không chỉ bằng đôi tai mà còn nghe bằng trái tim và ánh mắt bởi nghe không chỉ thu thập thông tin mà còn để chia sẻ, cảm thông.

            Thể hiện sự tương tác để khuyến khích người nói: Lắng nghe không có nghĩa chúng ta ngồi im chỉ để nghe mà nên “hòa nhịp” cùng người nói để họ biết rằng chúng ta đang ở đây, đang lắng nghe một cách hào hứng và chân thành. Đó có thể là những khuyến khích bằng lời hay bằng đôi mắt hướng về họ, bằng cái gật đầu, cái mỉm cười tán thành. Và đây thực sự là nguồn động viên vô cùng lớn đối với người nói, giúp họ tự tin, nhiệt tình trong diễn giảng, cởi mở trong trò chuyện.

            Hãy ghi chép: Ghi chép ở đây không có nghĩa là chúng ta cắm cúi ghi tất cả những gì người nói trình bày. Ghi ở đây là để nắm bắt được các ý chính mà người nói muốn truyền đạt. Việc ghi chép sẽ giúp chúng ta nhớ lâu hơn và không bỏ sót các vấn đề quan trọng.

            Hãy phản hồi: Chính là hồi đáp lại những nội dung kiến thức, thông tin mà mình lĩnh hội được. Việc hồi đáp phù hợp thể hiện chúng ta là người lắng nghe một cách tích cực và hiểu vấn đề, đồng thời giúp chúng ta kiểm tra lại kiến thức để biết được thông tin chúng ta tiếp nhận không bị sai lệch. Mặt khác nếu có vấn đề chưa hiểu rõ, người nói có thể giải đáp luôn để chúng ta hiểu vấn đề sâu hơn.

            Hãy kiểm soát cảm xúc của bản thân: cảm xúc là yếu tố không chỉ chi phối tới hiệu quả lắng nghe mà còn có thể ảnh hưởng tới mối quan hệ, đến khả năng giải quyết các vấn đề. Vì vậy chúng ta cần biết kiểm soát cảm xúc của bản thân, đó là nhận thức rõ cảm xúc của mình trong tình huống nào đó và hiểu được ảnh hưởng của cảm xúc đến bản thân cũng như người khác thế nào để điều chỉnh và thể hiện cảm xúc một cách phù hợp. Và khi chúng ta biết kiểm soát cảm xúc sẽ giúp quá trình lắng nghe nói riêng và giao tiếp nói chung đạt hiệu quả, giúp giải quyết mâu thuận một cách hài hòa.

            Để thành công không thể không biết cách lắng nghe vì vậy bản thân cần trau dồi các phương pháp và hãy cố gắng để đầu óc cởi mở đón nhận thông tin dựa trên tinh thần hiểu biết và tôn trọng nhau, điều này giúp chúng ta hoàn thiện kỹ năng lắng nghe mỗi ngày.

            5. Kết luận

            Lắng nghe giúp chúng ta tạo nên sự liên kết và duy trì mối quan hệ tốt đẹp hơn, là cách chúng ta trao cho người khác trái tim chân thành, sự cảm thông, thấu hiểu và tôn trọng để được nhận lại sự tin tưởng, uy tín, tình yêu mến của mọi người. Đồng thời, lắng nghe giúp mọi người chinh phục từng nức thang tri thức cũng như học hỏi kinh nghiệm một cách hiệu quả nhất. Vì vậy, lắng nghe là một trong những kỹ năng mềm không thể thiếu trong bước tiến thành công của mỗi người. Nhưng để có thể lắng nghe một cách chăm chú, lắng nghe một cách thấu cảm lại không đơn giản nên mọi người cần nỗ lực vượt qua những rào cản làm ảnh hưởng tới quá trình nghe và luôn nhớ rằng “nói là gieo, nghe là giặt” để nhắc nhở bản thân phải tập trung lắng nghe một cách tích cực nhất.

            TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Nguyễn Văn Đính (2002), Tâm lý và nghệ thuật giao tiếp, ứng xử trong kinh doanh du lịch, Nxb Thống Kê Hà Nội

2. Chu Văn Đức (2005), Giáo trình kỹ năng giao tiếp, Nxb Hà Nội

3. Nguyễn Bá Minh (2013), Giáo trình nhập môn giao tiếp, Nxb Đại học Sư phạm Tp. HCM

4. Huỳnh Văn Sơn (2011), Giáo trình Tâm lý học giao tiếp, Nxb Đại học Sư phạm Tp. HCM

                                                                                                                                                                                                           

 

Thứ Hai, 2 tháng 11, 2020

Thay lời người lính kể lại nội dung bài thơ Đồng chí

 

Đề. Thay lời người lính kể lại nội dung bài thơ Đồng chí

I. Mở bài:

“Chín năm làm một Điện Biên

Nên vành hoa đỏ nên thiên sử vàng”

Mỗi lần đọc lại câu thơ ấy của Tố Hữu, trong tôi lại ùa về biết bao kỉ niệm của những năm tháng kháng chiến gian khổ nhưng hào hùng. Tôi nhớ những ngày hành quân ra trận, nhớ những hôm liên hoan cùng bà con đồng bào.

- Nhưng có lẽ, để lại dấu ấn rõ nét hơn cả là những người đồng đội đã cùng tôi kề vai sát cánh. Tình đồng đội tình đồng chí keo sơn gắn bó đối với tôi là những kỉ niệm đầy giá trị và quý báu, chẳng thể phai nhòa trong ký ức.

II.Thân bài

a. Giới thiệu về bản thân:Xuất thân, lý do vào lính…(kết hợp biểu cảm, miêu tả nội tâm)

- Nghe theo Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Bác, tôi cùng nhiều người khác hăm hở lên đường đi đánh giặc. Vốn xuất thân là nông dân, hành trang của tôi chẳng có gì ngoài lòng nồng nàn yêu nước và căm thù giặc sâu sắc.

- Có khá nhiều người có xuất thân và hoàn cảnh giống tôi. Sau buổi đầu với bao bỡ ngỡ, xa lạ, chúng tôi nhanh chóng làm quen và trở thành thân thiết. Điều đầu tiên chúng tôi trao đổi là về miền quê của mỗi người.

+ Quê hương anh là một vùng chiêm trũng ven biển khó cấy cày làm ăn.

+ Tôi sinh ra ở vùng trung du miền núi “chó ăn đá gà ăn sỏi, đất đai cằn cỗi; khốn khó trăm bề.

+ Phải chăng cùng xuất thân từ những miền quê nghèo khó đã giúp chúng tôi xích lại gần nhau hơn? Giữa bọn tôi tồn tại một sợi dây cảm thông kì lạ mặc dù chỉ vừa mới quen biết.

- Chúng tôi đến đây vì ước mơ giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và hi vọng cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho muôn nhà, muôn nơi.

+ Chúng tôi - những người nông dân vốn xưa nay chỉ quen tay cấy tay cày giờ phải cầm súng chiến đấu để bảo vệ ruộng nương nhà cửa, những người thân yêu và miền quê yêu dấu.

+ Nói chúng tôi ra đi mà không lưu luyến là nói dối, nhưng vận nước đang lâm nguy, chẳng một ai có thể ngồi yên chờ đợi. Tôi cùng đồng đội đành phải gác lại tất cả, quyết chí hy sinh vì Tổ quốc.

- Những đêm cạnh nhau, chúng tôi tâm sự, chia sẻ mọi nỗi bận lòng hay những suy nghĩ thầm kín

+ Anh tâm sự: Căn nhà không trống tuếch trồng toàng giờ đây lại thiếu vắng trụ cột gia đình nên càng trống vắng hơn giờ hết. Nhưng anh vẫn dứt khoát ra đi. Còn nước là còn nhà.

+ Tất cả người lính chúng tôi đều có chung suy nghĩ như vậy. Vào lính nhưng chúng tôi vẫn nặng nỗi nhớ quê hương, vẫn bận lòng về mẹ già, vợ trẻ, con thơ.

+ Chúng tôi kể nhau nghe những câu chuyện riêng tư rất chân thật và đầy sự cảm thông.

=> Mỗi ngày trôi đi, tôi lại càng hiểu về anh nhiều hơn, mối quan hệ của chúng tôi vì thế ngày một thắm thiết.

b. Cuộc sống người lính với bao gian khổ, hi sinh và mất mát. (kết hợp miêu tả, biểu cảm, miêu tả nội tâm)

Nhớ lại những tháng ngày đấu tranh nghiệt ngã với bệnh tật với thiên nhiên lòng tôi lại đau xót đến nhói lòng.

- Cơm ăn không đủ no, đi nhiều hơn ngủ; hành quân liên tục. Lương thực và thuốc men thì không kịp chi viện cho quân đội.

- Những cơn sốt rét rừng vẫn còn ám ảnh tôi tới tận bây giờ, khi nghĩ lại vẫn thấy rùng mình ớn lạnh. Ai trải qua rồi mới biết cái cảm giác bên trong thì lạnh buốt, bên ngoài thì nóng toát mồ hôi nó như thế nào.

- Khí hậu khắc nghiệt; địa hình hiểm trở như những con quỷ chỉ chực nuốt trọn những tấm thân gầy gò, xanh xao, bệnh tật ấy. Thực tế, số đồng đội tôi chết vì sốt rét còn nhiều hơn cả hy sinh ngoài trận mạc. Các anh nằm lại rải rác trên cung đường hành quân, được đắp vội tấm chiếu và tấm lòng thương tiếc của người ở lại.

- Khi ấy, có một chiếc chăn đơn mà tận hai người đắp chung,cùng nhường nhau bát cháo loãng húp vội.

- Những ngày thiếu thốn quân trang quân bị, nhìn cái áo rách vai, cái quần có vài mảnh vá, chúng tôi chỉ biết cười, nắm tay nhau để cùng vượt qua khó khăn.

- Thế nhưng, chính cái thiếu thốn, gian khổ: “bát cơm sẻ nửa chăn sui đắp cùng” ấy đã khiến chúng tôi dễ dàng cảm thông và thấu hiểu nhau nhiều hơn.

c. Hai tiếng “Đồng chí” với tôi chứa biết bao ân tình bao nghĩa nặng cao cả. (kết hợp miêu tả, biểu cảm, miêu tả nội tâm)

- Những người lính xa lạ từ mọi miền quê hương qua sự thử thách của đất trời, của khó khăn đã hun đúc nên tình cảm tri kỉ đáng giá.

- Đặc trưng của người lính chúng tôi là những cái nắm tay. Nắm tay để động viên nhau cùng cố gắng; nắm tay để kéo nhau đứng dậy, sải bước tiếp trên con đường cách mạng đầy trắc trở.

- Cuộc sống người lính giản dị mà ý nghĩa là thế đó. Người lính không biết nói những câu hoa mĩ, người lính chỉ biết nói cho thực cái bụng của mình, chỉ biết dùng những hành động để thể hiện ý chí và tấm lòng son sắt.

d. Bên cạnh những khó khăn, gian khổ thường thấy, đời lính cũng không hiếm những phút giây lãng mạn. (kết hợp nghị luận, biểu cảm, miêu tả nội tâm)

- Tôi còn nhớ mãi những đêm canh gác giữa rừng hoang giá buốt năm ấy. Trời thì lạnh buốt; gió cứ từng cơn ào ào; hối hả xả vào mặt tê tái nhưng chúng tôi vẫn thực hiện mọi nhiệm vụ canh gác như thường.

-  Ánh trăng đêm đó lên cao qúa, sáng quá. Ánh trăng lan tỏa khắp không gian; treo trên mũi súng người lính. Tôi nghĩ đến ánh trăng hòa bình, có lẽ ánh trăng hòa bình sẽ còn đẹp và tròn vành hơn nhiều.

- Hình ảnh đấy thật đẹp thật lãng mạn; in sâu trong tâm trí tôi những đêm dài chiến đấu, phục kích và cho đến tận bây giờ…Chính nó cho tôi niềm tin để chắc them tay súng.

3. Kết bài

- Đất nước độc lập, thống nhất, chúng tôi trở về quê nhà, có những người lính người đồng đội đã mãi mãi hi sinh đã nằm xuống nhưng tình đồng chí của chúng tôi vẫn mãi vẹn nguyên và đậm đà như thế.

- Tôi mong rằng máu sương của chúng tôi sẽ được thế hệ sau trân trọng và phát triển để dựng xây đất nước ngày càng phát triển và giàu đẹp hơn nữa.

Thay lời ông Hai kể lại truyện ngắn Làng của Kim Lân

 

Đề. Thay lời ông Hai kể lại truyện ngắn Làng của Kim Lân

1. Mở bài:

- “Quê hương” – hai tiếng ấy mới thiêng liêng làm sao! Dẫu rằng tôi chỉ người nông dân chân lấm tay bùn, ngày ngày đầu tắt mặt tối, bán mặt cho đất bán lưng cho trời thì chúng tôi cũng có quê hương của mình và rất yêu nó.

- Sau Cách mạng tháng Tám, tình yêu quê hương của chúng tôi còn được mở rộng ra, gắn kết, gắn liền với tình yêu nước, tinh thần kháng chiến. Tôi cũng không ngoại lệ.

- Ấy vậy mà có một lần, tình yêu làng, yêu nước của tôi đã bị đặt vào trong một thử thách làm tôi mất ăn mất ngủ suốt mấy ngày liền.

2.Thân bài

a. Giới thiệu về bản thân:

- Mọi người thường gọi tôi là ông Hai nhưng tên thật của tôi là Nguyễn Hai Thu.

- Làng tôi chính là làng Chợ Dầu thuộc huyện Từ Sơn tỉnh Bắc Ninh đấy!Làng tôi có tinh thần kháng chiến lắm.

- Do cái chân của tôi đau nhức quá, hơn nữa nhà tôi còn có một đàn con nheo nhóc, nên gia đình tôi buộc phải đi tản cư ở vùng đất Thắng theo chính sách của cụ Hồ: tản cư là yêu nước.

b. Tuy tản cư nhưng “tôi” luôn hướng về làng Chợ Dầu, rất mực yêu làng mình.

- Cứ mỗi khi nằm vật xuống giường, tôi lại vắt tay lên trán nghĩ về làng rồi lại tự tưởng tượng về những công việc kháng chiến của làng: đào đường, đắp ụ, xẻ hào, khuân đá,…

- Chỉ nghĩ đến thôi là tôi cảm thấy mình như tràn trề sinh lực, phảng phất như tất cả mệt mỏi đều tan biến hết. Chắc tối nay tôi sẽ lại sang nhà bác Thứ để khoe về làng mất! Ôi, làng của tôi mới đáng tự hào làm sao!

- Công việc ưa thích của tôi ở đây là xuống phòng thông tin nghe lỏm tin tức mà người ta đọc trên báo. Bao nhiêu là tin hay…(SGK)

c. Khi nghe tin làng theo giặc (kết hợp nghị luận, biểu cảm, miêu tả nội tâm)

- Ngồi trong quán nước, bất ngờ một người đàn bà cho con bú lại nói cho tôi một tin dữ: cả làng Chợ Dầu của tôi theo Tây.-> “tôi” rơi vào trạng thái bẽ bàng, đau đớn: Cổ nghẹn ắng, da mặt tê rân rân,... (SGK)

- Đắng ngắt! Bây giờ tôi chỉ có một ý nghĩ muốn về nhà trốn tránh hết thảy. Tôi vội đứng dậy trả tiền trà, rồi vờ như không thèm để ý, vươn vai nói to rồi chuồn thẳng. -> “tôi” xấu hổ, tủi thân vì vốn rất tự hào vì làng.

- Khi về nhà, toàn thân tôi như bị rút cạn sức lực, nằm vật ra giường, đưa mắt nhìn lũ trẻ nhà mình bị người ta gán cho cái mác trẻ con làng Việt gian cơ chứ. Khốn nạn, ….(SGK). Đau đớn, tủi hổ làm sao?

- Tức giận, tôi mắng ra lời luôn cho bõ tức. Mắng xong rồi tôi mới ngờ ngợ như lời mình có gì đó không đúng. Nhưng không có lửa làm sao có khói, người ta không có thù oán …(SGK)

- Ba bốn ngày sau đó tôi luôn cảm thấy bất an lo sợ, không dám bước chân ra khỏi nhà nửa bước dù chỉ là sang nhà bác Thứ. -> Tôi xấu hổ, đau đớn luôn đeo đẳng, nơm nớp lo sợ.

- Thỉnh thoảng mụ lại chạy sang nói bóng nói gió, đâm chọt, chế giễu, dọa nạt gia đình tôi một hồi. Hình như mụ ta lấy điều làm cho vợ chồng tôi khổ ngấm khổ ngầm là mụ thích.

- Đấu tranh nội tâm giữa tình yêu làng quê và tình yêu đất nước: “Hay là quay về làng…” vừa mới chớm nghĩ như vậy, tôi lập tức phản đối ngay, … (SGK)

- Cuối cùng, phải gian nan lắm tôi mới ra được quyết định: Làng thì yêu thật, nhưng làng theo Tây mất rồi thì phải thù.

- Quyết định thì như vậy nhưng đâu phải bảo thù là tôi thù ngay được, tôi tìm trò chuyện với thằng Húc để giải khuây. Tâm sự của nó cũng là tâm sự của tôi, nói với nó cũng là tôi đang tự giải tỏa lòng mình, như để mình lại minh oan cho mình nữa.

d. Khi nghe tin cải chính làng không theo giặc: Sung sướng, hồ hởi, đi khoe khắp nơi... khoe cả cái tin nhà tôi bị Tây đốt mất.

- Mặc dù đối với người nông dân chúng tôi cái nhà là quan trọng nhất nhưng tôi không ức chế nổi sự sung sướng của mình. Chỉ là một căn nhà thôi, sau này chiến tranh kết thúc quay về xây dựng lại cũng được, chứ nếu danh dự của làng bị mất thì đó sẽ là một vết nhơ mà kể cả qua bao nhiêu năm cũng không xóa nhòa đi nổi.

3. Kết bài

- Khẳng định tình cảm của “ tôi”: Tình yêu làng gắn liền với tình yêu quê hương, đất nước.

- Cuộc sống ngày hôm nay của chúng ta đang ngày càng trở nên tốt hơn, tất cả là nhờ có Cách mạng. Chính vì vậy chúng ta càng phải cố gắng đem hết sức mình cống hiến cho đất nước, cho quê hương để đất nước hết giặc, cuộc sống của người nông dân sẽ được đổi mới hoàn toàn.

Trong vai Vũ Nương kể lại nỗi oan khuất của mình.

 

Đề. Trong vai Vũ Nương kể lại nỗi oan khuất của mình.

1. Mở bài: 

Vũ Nương dẫn dắt vào câu chuyện (Đã được một năm từ khi được giải oan, tôi đã chấp nhận cuộc sống dưới thủy cung. Thế nhưng tôi vẫn nhớ trần thế, nhớ quê hương, nhớ cuộc sống gia đình hạnh phúc trước kia, đặc biệt là con trai.)

2.Thân bài

a. Giới thiệu bản thân và việc cưới Trương Sinh

- Tôi nhớ lại cái ngày tôi còn là một thiếu nữ, trước mắt tôi cuộc sống toàn màu hồng, nhiều ước mơ khát vọng

- Trong làng ai cũng khen tôi- Vũ Thị Thiết- hiểu mọi lễ nghĩa, biết cư xử đúng mực. Nhiều đám xin cưới hỏi nhưng bố mẹ tôi chưa đồng ý.

- Một hôm, Trương Sinh đến xin cưới hỏi. Bố mẹ tôi đã đồng ý. Họ cầu mong cho tôi sẽ lấy được một người chồng xứng đáng và được hưởng hạnh phúc.

- Tôi thành vợ  với chàng Trương. Chàng rất mực yêu thương tôi, nhưng lại cũng rất đa nghi. Biết vậy, tôi cố gắng từ lời ăn tiếng nói cho đến hành động đều giữ đúng khuôn phép nên gia đình luôn được êm ấm.

b. Nghe tin chồng đi lính: (biểu cảm, miêu tả nội tâm)

- Biết tin phải xa chồng, tôi hoang mang, lo lắng vì đang có mang. Tôi không biết phải nuôi con ra sao nếu không có chồng. Liệu chồng có vât vả khi đi lính không?

- Buổi tiễn chồng ra biên ải, lòng tôi trĩu nặng lo âu, phiền muộn. Nghĩ chàng phải đi vào nơi gió cát nghìn trùng xa cách, đói rét, bệnh tật, việc quân khó liệu, thế giặc khôn lường, lòng tôi thương chàng vô hạn.

- Tôi không mong chàng lập công để được ấn phong hầu mà chỉ mong chàng bình an trở về là tôi đã thoả nguyện.

- Giờ phút chia tay đã hết. Chàng dứt áo ra đi, tôi thẫn thờ dõi theo bóng chàng, mắt nhoà lệ, lòng tái tê chua xót.

c. Chồng đi xa, (kết hợp biểu cảm, miêu tả nội tâm)

-  Trải qua nhiều vất vả, gian lao cũng đến ngày tôi sinh con.Tôi đặt tên con là Đản. Con tôi mặt rất kháu khỉnh bụ bẫm. Giá như có chồng tôi ở đây thì cùng chia sẻ niềm hạnh phúc này.

- Ngày tháng khắc khoải trôi qua. Dù mùa xuân tươi vui bướm lượn đầy vườn  hay mùa đông giá băng ảm đạm, mây che kín núi cũng nỗi nhớ chồng luôn đằng đẵng, thường trực trong lòng tôi.

- Mẹ chồng tôi, vì nhớ thương con mà ốm đau mòn mỏi. Tôi đã hết lòng thuốc thang, động viên nhưng vì bệnh tình trầm trọng, cụ đã qua đời. Cảm động trước tình mẫu tử thiêng liêng mẹ dành cho chồng tôi, xót thương mẹ vô hạn, tôi đã lo ma chay chu tất cho mẹ.

- Tôi nhớ mãi câu nói trước khi mẹ ra đi …

d. Sau bao ngày mong mỏi, chờ đợi, chồng tôi cũng cũng trở về. (kết hợp nghị luận, biểu cảm, miêu tả nội tâm)

-  Tôi mừng vui, nghĩ mình sẽ có nhưng ngày hạnh phúc bên chồng con.

- Chàng về tới nhà, biết mẹ đã qua đời liền bế con đi viếng mộ mẹ.

- Lúc trở về, chàng bỗng dưng nổi giận la mắng om sòm. Chàng cho rằng tôi đã phản bội chàng, không giữ tình yêu chung thuỷ với chàng. Tôi bàng hoàng sửng sốt. Nước mắt tôi ứa ra. Tôi vừa khóc thổn thức vừa giải thích, xin chồng hãy tin mình, đừng nghi oan cho mình mà tội nghiệp.

- Nhưng bao nhiêu lời nói chân thành, tha thiết cũng không làm chàng Trương tin. Hàng xóm thương tôi cũng bênh vực và biện bạch giúp nhưng rốt cuộc chẳng có kết quả gì. Chàng mắng nhiếc tôi thậm tệ rồi đánh đuổi tôi đi. Lòng tôi đau đớn, xót xa, cay đắng đến tuyệt vọng.

- Tôi thấy mình bị xúc phạm một cách ghê gớm, bị coi thường, khinh khi, (Đấu tranh tư tưởng: Tôi đã nương dựa vào chàng những mong có một gia đình đầm ấm, hoà thuận, hạnh phúc. Nhưng giờ đây, trâm gãy bình tan, tình cảm vợ chồng sứt mẻ. Dù vẫn thương chồng, thương con tha thiết, nhưng tôi đâu còn mặt mũi nào mà sống ở trên đời này thêm nữa.)

- Tôi gieo mình xuống sông tự vẫn sau khi cầu khấn thần linh.

e. Cuộc sống dưới thủy cung và được minh oan(kết hợp nghị luận, biểu cảm, miêu tả nội tâm)

- Thần linh thấu hiểu và thương tình đã cho các nàng tiên dưới thuỷ cung cứu vớt, cho tôi nương nhờ trong cung điện của Linh Phi.

- Cuộc sống trôi qua trong thủy cung an nhàn, không vất vả. Nhưng tôi vẫn buồn vì nhớ đến bố mẹ, chồng con. Không biết con có khóc khi tôi không ở bên? Giá như Trương Sinh không làm thế với tôi.

- Một hôm, tôi gặp Phan Lang - người cùng làng. Khi Phan Lang trở lại trần gian, tôi bèn gửi cho Trương Sinh một chiếc hoa vàng và nhắn chàng xin lập một đàn giải oan ở bến sông, tôi sẽ về.

Trương Sinh liền làm theo. Nhìn chàng và nghe tiếng chàng gọi, lòng tôi bồi hồi, xót xa khôn xiết. Nhưng giữa chúng tôi đã có một khoảng cách không sao hàn gắn được. Tôi cũng đã thề với đức Linh Phi nên không thể trở về nhân gian được nữa.

- Biết được Trương Sinh đã lập đàn giải oan. Tôi ngồi trên kiệu hoa về gặp chàng. Thấy tôi, chàng vội gọi.

-  Tôi đã khóc khi nhìn thấy chồng con bên kia sông. Có lẽ thần linh đang trừng phạt Trương Sinh, khiến chàng phải sống trong nỗi xa vợ. Tôi tạ ơn chàng đã lập đàn giải oan rồi quay lại thuỷ cung dù trong lòng còn bao lưu luyến cõi trần.

- Tôi không thể trở về trần gian  vì có thể khi sống ở trong xã hội phong kiến, không biết tôi sẽ phải chịu nỗi oan nào nữa?

3. Kết bài

- Giờ đây dù sống nhàn hạ dưới thủy cung nhưng không lúc nào tôi không nhớ về gia đình

- Bài học: Hãy biết trân trọng, gìn giữ hạnh phúc của mình. Đừng để tuột mất rồi mới hối hận.

Đóng vai Trương Sinh để kể lại truyện Chuyện người con gái Nam Xương

 

Đề. Đóng vai Trương Sinh để kể lại truyện Chuyện người con gái Nam Xương (theo vndoc)

1. Mở bài

Trương Sinh dẫn dắt vào câu chuyện (Có một câu chuyện làm tôi ân hận suốt đời, dù có chết tôi cũng không tha thứ cho bản thân).

2. Thân bài

a. Giới thiệu bản thân và việc cưới Vũ Nương

- Là con trai duy nhất của một gia đình khá giả, được cha mẹ yêu thương, cưng chiều.

- Phải lòng một cô gái có dung nhan xinh đẹp và phẩm chất đoan trang, đầy đủ công dung ngôn hạnh.

- Sau khi lập gia đình tôi có một cuộc sống hạnh phúc, viên mãn được nhiều người ngưỡng mộ và mơ ước.

b. Khi đi lính (biểu cảm, miêu tả nội tâm)

- Thành thân không bao lâu thì tôi lại nhận lệnh phải đi lính.

- Bị gọi đi lính, tôi biết mình chẳng học hành gì nên không có cách chối từ.Tôi không nỡ nào bỏ lại mẹ già ốm yếu và người vợ mà tôi hết mực yêu thương.

- Tôi chia tay vợ trong niềm lưu luyến, nhớ thương. Khi nghe những lời dặn dò đầy yêu thương của vợ thì đã vô cùng cảm động và yên tâm ra đi đánh giặc.

- Ở chiến trường. tôi quyết nghe theo lời dặn của hai người, không ham danh lợi để quay trở về được bình an.

- Tôi vẫn luôn sống trong nỗi nhớ thương và lo lắng về mẹ và vợ.

c. Khi đi lính về (kết hợp biểu cảm, miêu tả nội tâm)

- Khi trở về nghe tin mẹ đã qua đời thì vô cùng đau lòng. Bế con đi thăm mộ người mẹ và khi đứng trước ngôi mộ của mẹ, tôi không kìm nổi nước mắt.

- Đang đứng trầm ngâm nhớ về mẹ thì con quấy khóc. Tôi cố gắng vỗ về nó thì nó không nhận mình là cha và nói rằng cha nó thường xuyên đến thăm nó khi đêm về.

-  Quá nóng vội và để nỗi ghen tuông điều khiển mọi tâm trí lẫn hành động, tôi đùng đùng trở về nhà, không nói không rằng, mắng nhiếc nàng và đánh đuổi nàng đi.

- Tôi đã bỏ ngoài tai mọi lời phân trần, giải thích của nàng và kể cả những lời khuyên ngăn của bà con làng xóm.

- Nghe tin Vũ Nương chết nhưng tôi chỉ cảm thấy một chút tiếc thương, và vẫn cho rằng mình đúng.

d. Phát hiện và Tâm trạng ăn năn, hối lỗi (kết hợp nghị luận, biểu cảm, miêu tả nội tâm)

- Một buổi tối, khi tôi thắp ngọn đèn dầu thấy cái bóng của mình, con trai tôi reo lên và chỉ đấy là bố nó mà đêm nào cũng đến như nó đã kể. → Sự thật được phơi bày và cảm thấy ăn năn, hối hận vì đã không nghe vợ giải thích mà ra sức nhiếc móc và đuổi vợ đi.

- Tôi quyết định đi hỏi cặn kẽ từng người thân, hàng xóm và cuối cùng lại phải ân hận đến tận xương tủy khi biết thêm nhiều điều về nàng trong thời gian tôi đi lính…

- Vợ tôi ngày ngày chờ mong tôi quay về trong nỗi buồn tủi mà khó ai thấu hiểu được. Nàng luôn giữ lòng chung thủy, một mình nuôi dạy con, chăm sóc mẹ tôi và lo toan mọi việc trong gia đình…

- Hằng đêm, nàng đã mượn bóng mình trên vách để giải đáp cho con về cha nó – cũng như tôi đang dối nó bây giờ.

- Nỗi buồn đau, tâm trạng nặng nề ngày này qua ngày khác.

- Một thời gian sau, người trong làng tên là Phan Lang đến kể với tôi về chuyện của nàng, về cuộc sống hiện tại của nàng ở nơi thủy cung rằng nàng tự vẫn nhưng được cứu về đó và sống yên bình. Tôi không tin nhưng Phan Lang đưa cho tôi kỉ vật của nàng thì tôi giật mình và tin những gì anh ta nói.

- Tôi lập đàn theo lời Phan Lang dặn và quả nhiên vợ tôi trở về. Nàng hiện lên giữa sông trên chiếc kiệu xinh đẹp. Tôi vô cùng xúc động, van xin nàng và mong nàng trở về dân gian sống cùng tôi nhưng nàng không còn trở về được nữa.

- Khi nàng trở về thủy cung nơi lòng sông, tôi vô cùng buồn bã và đau khổ nhưng bất lực.

3. Kết bài

- Giờ đây, khi nhớ lại những kí ức nghiệt ngã ấy, tôi lại càng vững chắc quyết tâm sống tốt hơn, nuôi dạy bé Đản nên người.

- Tôi mong mọi người hãy nhìn vào tôi mà rút ra bài học cho mình:  Hãy thương yêu tin tưởng lẫn nhau có như vậy hạnh phúc mới bền vững mãi mãi được.