Khi bước vào tầm tuổi đôi mươi, tôi nghĩ trong mỗi người, dù ít
hay nhiều cũng đều có cái gọi là sự trưởng thành. Sở dĩ nói như vậy bởi đó là
khi chúng ta bắt đầu phải suy nghĩ, phải lựa chọn một hướng đi cho cuộc đời
mình. Nối gót những bậc tiền bối trên con đường họ đã mở ra hay tự chọn cho
mình một lối đi mới? Ta cũng phải suy nghĩ nhiều lắm để trả lời câu hỏi ấy.
Còn với nhà thơ người Mỹ Robert
Frost thì:
Trong rừng có nhiều lối đi
Và tôi chọn lối đi không có dấu chân người
“Lối
đi” là con
đường, cách thức dẫn ta đến cái đích, cái kết quả mà mình mong muốn. Và thực tế
có rất nhiều lối đi! Lối mòn, ngõ cụt, đường quanh co, có con đường dài, còn có
cả đường tắt…. Cuộc đời thực cũng có rất nhiều con đường tựa như “một khu rừng có nhiều lối đi”,
ngã rẽ, tựa như một bó những sợi dây định mệnh ta cầm trên tay mà không biết
sợi nào là dành cho mình. Cuộc đời cũng như một cái mạng nhện khiến ta dễ đi
lạc để rồi “mắc
bẫy”nếu thiếu sự chủ động và tỉnh táo. “Tôi chọn” là sự chủ động, tích cực trong việc
lựa chọn hướng đi cho chính mình. Và ở đây, nhà thơ người Mỹ chọn một “lối đi không có dấu chân
người”. Đó là con đường mà chưa ai từng men theo, là một con
đường mới, cách thức mới, là kết quả của sự sáng tạo, của những nỗ lực tự khẳng
định chính mình. Có thể thấy, Robert Frost có sự chiêm nghiệm sâu sa về lẽ ở
đời của riêng ông, rằng những con đường đi tới thành công, tới một cuộc sống
hạnh phúc cũng giống như sáu tỉ cánh cửa dẫn tới cõi Niết Bàn, nhiệm vụ của
chúng ta là phải tìm ra cánh cửa của riêng mình với một sự chủ động tích cực,
để tạo ra những giá trị thực sự cho cuộc sống.
Có lẽ giờ bạn đang tự hỏi tại
sao việc chủ động lựa chọn một lối đi riêng lại cần thiết đến vậy? Có nhất
thiết ta cứ phải đứng ra ngoài đám đông thay vì hòa lẫn nó? Vậy thì đầu tiên,
hãy nhìn vào chính con người bạn.. Mỗi người chúng ta có một khả năng nhận
thức, suy nghĩ, quan niệm và cách nhìn khác nhau về giá trị sống và giá trị bản
thân. Bạn khác tôi, chúng ta khác nhau và cũng khác rất nhiều người.
Biết đến bao giờ, khi nào ta
mới có thể tìm giữa bảy tỉ dân số thế giới kia một con ngườicùng chí hướng,
cùng chung bản chất như ta để cùng đi một con đường, rồi lại san sẻ nhau cùng
một số phận. Có thể một lúc nào đó, ta sẽ tìm được nhưng chẳng nhẽ ta lại cứ
phải đợi chờ như vậy sao? Hãy dám tự bước đi.
Cuộc sống có nhiều lối đi, thật
phong phú biết bao và ở mỗi lối đi lại chứa đựng cả những cơ hội và thử thách.
Nếu bạn chọn học theo ngành Y hay Kinh doanh, bạn khởi động chuyến đi bằng việc
xin đi du học nước ngoài, thì có thể bạn sẽ có cơ hội để học tập ở môi trường
thực tế hơn, năng động hơn nhưng cũng phải đối mặt với những khó khăn như sốc
văn hóa, phải tự kiểm soát cuộc sống chính mình, hay tự quản lí thời gian làm
sao cho “ngon lành” … Không chỉ vậy, bạn cần nhận thức một thực tế là cuộc sống
luôn vận động, phát triển theo quy luật tiến hóa của loài người và cộng đồng.
Không ai tắm hai lần trên một dòng sông. Bởi vậy, nếu ta lặp lại một lối đi
người khác đã chọn, có thể ta sẽ trở nên lạc hậu, lỗi thời, và không tìm được
tới cái đích thành công. Đời cũng như biển vậy, có lúc nào biển ngừng động đâu,
và có khi nào con tàu lại không khỏi rung lắc trên sóng cả.
Tuổi mười tám, ta cứ loay hoay
như một con rối ở giữa những ngã rẽ cuộc đời vậy. Làm thế nào để tìm được một
lối đi cho riêng bản thân mình? Dù làm điều gì đi chăng nữa, trước hết ta cần
nhận thức về thực tế đời sống và chính bản thân mình. Hiểu đời và hiểu mình là
hai lẽ tất yếu để tạo nên thành công.
Khi bạn có sự hiểu biết về điều
kiện, môi trường xung quanh, bạn sẽ nắm bắt được những cơ hội và may mắn. Khi
bạn có sự hiểu mình, bạn biết mình cần làm gì, ứng dụng kiến thức gì để đạt
được điều bạn muốn. Bên cạnh đó, bạn cần lắng nghe bản thân mình, hãy tìm xem
mình đâu là sở trường, là điểm mạnh của mình. Tận dụng thế mạnh cũng có nghĩa
là bạn đang tận dụng tối đa năng lực của mình để hoàn thành công việc một cách
tốt đẹp nhất. Cũng như chỉ có những hạt mầm tốt mới có thể gieo trồng nên những
cái cây đầy sức sống nhất.
Bạn biết không, trong thế giới
của chúng ta có những “ông trùm” – họ rất thú vị và khôn khéo từ khi còn nhỏ.
Như ông trùm xứ Omaha, người giàu thứ ba thế giới Warren Buffett, từ khi chỉ
mới là một đứa trẻ mười một tuổi, thường lân la đến nơi cha làm việc đã tự mình
tìm hiểu về những con số khô khan trên bản niêm yết giá ở Harris Upham. Ông còn
có một khả năng tính toán rất nhanh và chính xác và từ khi lên tám tuổi đã đọc
các cuốn sách về thị trường chứng khoán. Những tư duy đầu đời đó đã khơi nguồn
cho ý tưởng mua cổ phiếu và đầu tư, những bước đi đầu tiên trên chặng đường làm
giàu. Ta tự hỏi nếu như những con số kia không lọt vào óc của cậu bé Warren
Buffett, nếu như cậu bé đó không biết tận dụng những đồng tiền nhỏ lẻ của mình
để mua cổ phiếu, nếu như cậu bé không biết tận dụng khả năng tính toán chính
xác của mình vào các chiến lược đầu tư kinh doanh, thì hẳn ta đã không biết đến
một nhà đầu tư tài ba bậc nhất Warren Buffett của ngày hôm nay. Còn ông trùm
máy tính Bill Gates thì sau khi đã nạp đầy bộ nhớ của mình những cuốn tạp chí
kinh doanh khi mới mười lăm tuổi, đã cùng một người bạn thân đi kinh doanh huy
hiệu trong cuộc vận động tranh cử tổng thống. Cậu bé này đã bỏ tiền ra mua năm
nghìn huy hiệu với giá năm xu một cái. Sau đó, khi những chiếc huy hiệu này
được những người sưu tầm săn lùng, cậu bán lại với giá hai mươi lăm đô một cái.
Câu chuyện này không liên quan đến máy tính, nhưng lại là một bài học cho tất
cả những người theo đuổi giấc mơ kinh doanh.
Không phải ai đi rồi cũng sẽ
đến đích theo ý mình. Bởi một con đường mới đem đến cho ta cả cơ hội và cả
những khó khăn thử thách. Để vượt qua những trở ngại đó, ta không chỉ dựa trên
năng lực bản thân mà còn cần tự củng cố cho mình về mặt tinh thần. Giả dụ như
bạn hình thành một ý tưởng lớn, một ý tưởng mới, một ý tưởng có khả năng thay
đổi chính bạn một cách tích cực nhất.
Có thể đồng nghiệp yêu quý bạn,
nói rằng họ ủng hộ bạn, nhưng thực chất không phải ai cũng mong chờ sự thay đổi
của bạn đâu. Có rất nhiều người mà sâu trong thâm tâm họ muốn mọi thứ cứ nguyên
vẹn, để họ không phải làm quen lại với con người mới sau này của bạn, và thay
đổi động lực của họ với bạn. Đó là bởi ý tưởng mới, con đường mới hoàn toàn có
thể thay đổi cán cân quyền lực.
Lúc này chỉ còn lại mình bạn bơ
vơ ở chính nơi mình làm việc, và đó cũng là lúc bạn cần tỉnh táo và củng cố
niềm tin của mình hơn bao giờ hết. Bạn cần có một thái độ sống can đảm,
dám đương đầu với dư luận, chịu trách nhiệm về công việc của mình. Ngay trong
thực tế, bạn cũng có thể tìm thấy những tấm gương nổi bật. Đó là Khánh Thy –
kiện tướng dancesport, người đã mang bộ môn khiêu vũ thể thao của thế giới đến
với Việt Nam. Có thể nói đây là một điều rất khó khăn bởi đã có thời điểm,
người dân ta có cái nhìn không tích cực lắm về bộ môn nghệ thuật này. Đó còn là
LK, Mr.T, … những cái tên còn rất trẻ nhưng đã xây dựng và phát triển nền rap
Việt, một hình thức nghệ thuật rất mới ở Việt Nam và thậm chí, những người lớn
tuổi còn cho rằng nó rất điên loạn, trở nên phổ biến và được nhiều bạn trẻ đón
nhận và yêu thích. Chọn một lối đi cho riêng mình, đôi khi cũng là một cách thử
bản lĩnh của chính mình.
Bên cạnh đó, ta cần có sự nhạy
bén với những cơ hội. Hãy tự biến mình thành chiếc ra – đa bén nhạy để có thể
bắt “sóng” cơ hội ở mọi thời điểm. Và hơn hết là khả năng hành động, giải quyết
yêu cầu của công việc. Một người bị câm thì không thể trở thành một nhà diễn
thuyết nổi tiếng được. Thay vì cứ mông lung giữa những suy nghĩ không rõ ràng
về con đường riêng mà ta chọn, tôi nghĩ chúng ta nên cầm bút và viết ra những
gì ta có thể làm, những gì ta tự tin mình hoàn thành tốt. Như tôi đã nói ở
trên, bạn cần phải nhìn ra điểm mạnh của mình, và đặc biệt là hãy sử dụng nó
như những chiếc chìa khóa mở cánh cửa dẫn tới thành công. Tuy vậy, ta cũng cần
nhận thức một điều rằng không phải chỉ có tạo ra một con đường riêng, ta mới có
thể thành công. Trong cuộc sống xung quanh ta vẫn có rất nhiều những người, dù
không có một định hướng mới mẻ, khác biệt, họ vẫn tạo nên dấu ấn của riêng
mình. Dù bạn đi trên con đường đã từng có dấu chân người, thì bằng trí óc, tâm
hồn mình, bạn vẫn tạo nên hương sắc riêng cho những tạo vật trên đường.
Có thể nói hai câu thơ của
Robert Frost là một nguồn độc lực thôi thúc con người, đặc biệt là những người
trẻ tuổi trẻ lòng đứng trước ngưỡng cửa cuộc đời có nhiều cơ hội cũng như rủi
ro. Và cũng chính nó đã tạo nên một nguồn cảm hứng sáng tạo để con người tìm ra
một con đường mới chủ động hơn. Không chỉ vậy, tác giá của hai câu nói này là
một nhà thơ – người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật, một lĩnh vực đòi hỏi
sự sáng tạo dồi dào. Bởi vậy, tiếng thơ kia còn là một yêu cầu nghiêm khắc
người nghệ sĩ cất lên để nhắc nhở bản thân mình cũng như những ai cầm bút sáng
tác, rằng nghệ thuật phải đi cùng với sự sáng tạo. Sáng tạo làm nên giá trị và
ý nghĩa cho cả tác phẩm và người viết, như Suối nguồn, cuốn tiều thuyết hay
nhất thế kỷ XX của Ayn Rand, hay một Harry Potter kinh điển của bà góa phụ J.
K. Rowling của thế kỷ XXI …
Tuổi hai mươi bạn thấy mình như
một con thiêu thân vậy, luôn khát khao hướng về ánh sáng bất chấp sức nóng của
lửa đèn. Đã đến lúc những người trẻ tuổi trẻ lòng như tôi, như bạn cần tỉnh táo
tìm cho mình một lý tưởng, một lối đi. Lối đi đó có thể riêng, có thể chung
nhưng điều quan trọng là hãy để tâm hồn và trí óc bạn lan tỏa tinh hoa cho nhân
loại. Và dù bạn ở đâu, làm gì, cuộc sống có ra sao, bạn cũng cần luôn thôi thúc
mình sáng tạo và bản lĩnh đi tới cùng những ý tưởng, định hướng của mình. Hãy
trở nên khác biệt một cách tích cực, cho dù xung quanh ta, có những con người
không thỏa mãn với điều đó của ta. Cái giá của việc làm cừu là nhàm chán, cái
giá của việc làm sói là cô đơn. Vậy bạn chọn làm cừu hay làm sói?