Thứ Tư, 1 tháng 6, 2016

Phải chăng, sống là tỏa sáng? (Câu hỏi của đề thi Quốc gia năm 2014 môn Ngữ văn)


“Tôi muốn sống như một bông hướng dương”. Cô gái bé nhỏ viết nên những dòng tâm sự ấy khi đang từng ngày phải chiến đấu với căn bệnh ung thư, có những khi nỗi đau dường như vượt quá sức chịu đựng. Lấy tên một loài hoa hướng sáng mạnh mẽ để đặt nhan đề cho cuốn sách đầu tiên và có lẽ cũng là cuối cùng của mình, cô gái ấy muốn nói với chúng ta về khao khát sống mãnh liệt, muốn nhắn nhủ với cả tôi và bạn rằng:”Phải chăng, sống là tỏa sáng?”.

Mỗi một sinh linh trong cõi sống này đều mang trong mình sự sống riêng của nó. Dù chỉ ngắn ngủi như một cánh bướm ngoài kia, kết thúc cuộc đời khi trái đất hoàn thành một vòng quay dài hai tư tiếng; hay là một con người với một kiếp sống đến trăm năm, tất cả đều mang theo cái sứ mệnh thiêng liêng là sống. Sống chứ không phải tồn tại. Nhất là ở loài người, có một bộ óc để suy nghĩ, một trái tim để yêu thương đùm bọc. Ta không thể chỉ đơn thuần duy trì cái hơi thở trong lồng ngực mà cứ bước đi nghênh ngang giữa cuộc đời. Sống là cần tạo cho mình một giá trị, sống là cần phải tỏa sáng!

Không giống như loài thú sống với bản năng, con người là tổng hòa của những mặt đối lập, những giá trị cao thấp, sang hèn khác nhau. Càng sống ta càng thấy mình chưa hoàn hảo nhưng ta chưa lúc nào lơi lỏng cái khát khao hoàn thiện mình.

Một đàn cá hồi phải vượt ngàn dặm thác để đến vùng nước ấm đẻ trứng. Những chú rùa biển vừa chào đời đã phải tự mình tìm đường về với biển khơi, nơi những hàm răng sắc nhọn của những loài sinh vật hung tợn đang trực chờ. Sự sống có được đâu phải là dễ dàng và hiển nhiên. Ngay cả con người cũng vậy. Để ta đến được với cuộc sống này, mẹ ta trải qua chín tháng mang nặng đẻ đau; trái tim của mẹ, của cha luôn đập những nhịp đập mong ngóng và nồng ấm nhất, hòa cùng với trái tim nhỏ bé của ta trong lồng ngực. Rồi mẹ cha trao cho ta cuộc sống, chăm sóc và nuôi dưỡng ta từng ngày, dạy ta những bài học cuộc đời đầu tiên.

Bởi thế sự sống không phải là để phí hoài vô nghĩa, không phải là để ta phung phí đi trong những ngày tháng nông nổi. Mỗi con người sống cần phải tạo nên một giá trị nào đó. “Tỏa sáng” là khi ta, chính ta nỗ lực và cố gắng đạt được một thành công nào đó, dâng hiến cho cuộc đời những giá trị vật chất và tinh thần, là khi ta sống như ngọn lửa, cháy bỏng với những mơ ước và khao khát, khi ta truyền đi hơi ấm của sự sống tỏa sáng sẽ làm cho con người trải nghiệm niềm hạnh phúc đích thực được sống ở đời.

Ánh sáng mà con người tạo ra là thứ ánh sáng đẹp nhất. Nó hiện hình trong cuộc sống hàng ngày với bao sắc màu khác biệt. Có những con người tạo nên kì tích lớn, hào quang xung quanh họ rực rỡ vô cùng; nhưng cũng có những đồng loại bé nhỏ, đóng góp cho cuộc đời âm thầm lặng lẽ. Thứ ánh sáng mà họ tạo ra dịu dàng mà lắng sâu. Giống như mặt trời rực rỡ đem lại sự sống và ánh sáng cho muôn triệu sinh linh toàn trái đất. Nhưng khi mặt trời lặn, ánh sáng lên, những đốm sáng của đom đóm lung linh huyền ảo. Nó làm cho ta không khỏi ngỡ ngàng, nó thôi thúc ta nâng niu sự sống. Điều quan trọng không phải là thứ ánh sáng nào ta sẽ tạo ra mà là hãy sống vì vầng ánh sáng trong tim mình. Chỉ cần ta biết cuộc sống không thể cứ chìm mãi trong tối tăm và sự vô nghĩa lí, ta sẽ khao khát tỏa sáng mà thôi.

Bạn có thấy không, những cuộc đời rạng ngời trong tăm tối? Khi mà bóng tối cảu cái chết đang đến gần, người ta càng khát khao sự sống hơn. Cô gái Diệu Huyền, tác giả cuốn tự truyện Như hoa hướng dương không hề buông xuôi trước lưỡi hái của thần chết. Cô đã tiếp tục cuộc sống của mình, lấy được tấm bằng tốt nghiệp của một trường đại học. Và ngày ngày vẫn luôn có bao người thân, gia đình và bạn bè sát cánh bên cô. Không lúc nào khao khát sống và cống hiến cho ước mơ vơi đi trong lòng cô gái trẻ. Phải chăng khi mà sự sống tưởng như sắp tuột khỏi tay thì họ, những con người phi thường mà lặng lẽ, lại biến nó thành những viên ngọc quý lấp lánh trong đời?

Khi người ta lâm vào nghịch cảnh, đó lại là cơ hội để tỏa sáng. Quán quân Vua đầu bếp của nước Mĩ- Crít- ti-na Hà giành được chiếc cúp khi mà đôi mắt của cô đã mất đi ánh sáng bởi một căn bệnh từ mười năm trước. Nhưng nhìn vào trong đôi mắt của cô, người ta chỉ thấy sáng lên một niềm đam mê với ẩm thực, một tình yêu mãnh liệt với sự sống. Cô đã không gục ngã trên con đường đến với vinh quang.”Tôi không muốn mình bị bỏ lại, tôi muốn làm điều gì có ích cho những người đã hi sinh mọi thứ để ở bên tôi khi tôi đau khổ nhất”, lời tâm sự ấy đủ để cho ta thấy ánh sáng ấm áp từ trái tim của Crít-ti-na.

Vậy đấy, khi trước mặt chúng ta bỗng hiện ra những chông gai thử thách, một bức tường khổng lồ ngỡ không thể vượt qua, thì đó chính là lúc ta cần phải kiên trì và nỗ lực hơn nữa. Bạn có tin vào điều kì diệu trong cuộc sống này?

Những con người đã cháy hết mình cho khát khao của họ, và họ đã có được thành công. Nó không phải chỉ là những thành quả được mọi người công nhận mà còn là tấm huy chương danh giá khắc ghi những nỗ lực vượt lên chính mình. Họ đã có thể buông xuôi, có khi đã lùi bước nhưng họ đã lựa chọn tiến lên, dù có phải chịu đựng những đớn đau và nhỏ những giọt mồ hôi cùng nước mắt. Vinh quang ấy mới rạng rỡ và hạnh phúc làm sao!

Từ ngữ nào đủ để diễn tả niềm vui của Nô-vắc Jô-kô-víc khi anh giành chức vô địch Wim-lơn-đơn và bước lên ngôi vị số một thế giới vào năm 2011? Có lẽ giấc mơ từ thuở thiếu thời đã thành sự thực ấy là phần thưởng xứng đáng cho những nỗ lực không mệt mỏi của anh. Nhưng khi trả lời phỏng vấn của một tờ báo, Nô-vắc đã tâm sự rằng: “Khi nhìn vào chiếc cúp trên tay, tôi thấy hình bóng của những huấn luyện viên của mình. Họ đã giúp tôi có được ngày hôm nay. Cả gia đình tôi, những người luôn ở bên tôi và biết bao khán giả đã ủng hộ tôi cho đến tận lúc này. Vinh quang này là dành cho họ”. Và ta chợt nhận ra, phía sau hào quang của chiếc cúp kia là bao thứ ánh sáng bình thường giản dị. Có những người luôn đứng sau cánh gà để cổ vũ động viên. Những ngọn đèn rực rỡ sẽ không bao giờ chiếu sáng đến họ nhưng tự thân họ đã tỏa thứ ánh sáng kì diệu. Mỗi chúng ta đều có cho mình một người thầy, nhiều người thầy, những người đưa đò tận tụy. Họ đã mang cả tâm huyết, cả trái tim để góp cho ta thứ ánh sáng rực rỡ đến từ tri thức, còn mình thì lấy về mái đầu bạc và những lo toan. Lẽ nào ta lãng quên họ?

Nếu ta chỉ ngồi đó và trông chờ ánh sáng tới, ta cũng không hơn gì một vật phản quang. Ánh sáng nào sẽ đến với Mô-za khi ông mất đi thính giác? Chẳng có luồng sáng thần tiên nào cả, chỉ có bàn tay ông tự tìm tới những phím đàn, soạn nên những khúc giao hưởng đi cùng năm tháng. Mỗi chúng ta hãy tự thắp cho mình một ngọn đèn soi tỏ những ước mơ còn ấp ủ. Hãy biến mình thành ngọn lửa rực cháy của đam mê.

Không có cuộc đời nào trên hành tinh là vô nghĩa. “Tất cả chúng ta đều là thiên tài” – Anh-xtanh đã từng nói vậy. Chỉ là ta có thể đánh thức kẻ thiên tài ấy trong tâm hồn mình hay không. Quả là sống cần tỏa sáng, để khẳng định mạnh mẽ sự tồn tại của bản thân. Nhưng hãy nhớ, đừng chạy theo những gì lấp lánh, đừng bán tâm hồn mình cho tiền tài, danh vọng mà trà đạp lên đồng loại. Ánh sáng thực phát ra từ tâm, từ cái thiện ẩn sâu trong lòng người.

“Em sẽ lấy anh chứ?” – Đó là lời cầu hôn của Ních dành cho bạn gái của mình, khi cô chỉ còn chút thời gian ít ỏi ở nhân thế. Năm ngày sau, thần chết đã cướp cô đi. Nhưng trên môi cô dâu ấy vẫn nở nụ cười thật tươi bởi ánh sáng của tình yêu mà người chông đã trao đến trái tim cô, ánh sáng ấy đã đẩy lùi bóng tối. sống, phải chăng không chỉ là tỏa sáng cho riêng mình?