Thứ Hai, 29 tháng 4, 2024

ĐỀ LUYỆN TẬP TUYỂN SINH 10_2023-2024_ Chủ đề NƯỚC MẮT

 

ĐỀ LUYỆN TẬP TUYỂN SINH 10_2023-2024_ Chủ đề NƯỚC MẮT

Câu 1. Đọc 2 văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:

Văn bản 1

(…) Đi qua tuổi thơ, cuộc đời mở ra trước mắt bạn một hành trình dài, nhiều hoa hồng nhưng cũng không ít chông gai. Cuộc sống, với tất cả sự khắc nghiệt vốn có của nó, sẽ khiến cho bước chân bạn nhiều lần rướm máu. Và những giọt máu đó, hoặc sẽ thấm xuống con đường bạn đang đi và lưu lại đó dấu son của một vị anh hùng, hoặc sẽ trở thành dấu chấm hết cho những khát vọng đoản mệnh của một kẻ nhụt tâm, chùn bước.(…)

Bài học về việc đón nhận thành công luôn thật dễ hiểu và dễ thực hiện. Nhưng đối mặt với thất bại, nhất là thất bại đầu đời, lại là điều không hề dễ dàng. Với tất cả mọi người, thất bại - nhất là thất bại trong các mối quan hệ - thường vẫn tạo ra những tổn thương sâu sắc. Điều này càng trở nên nặng nề đối với các bạn trẻ. Nhưng bạn có biết rằng tất cả chúng ta đều có quyền được khóc? Vậy nên nếu bạn đang cảm thấy cô đơn, tuyệt vọng thì hãy cho phép mình được khóc. Hãy để những giọt nước mắt ấm nồng xoa dịu trái tim đang thổn thức của bạn. Và hãy tin rằng ở đâu đó, có một người nào đó vẫn đang sẵn lòng kề vai cho bạn tựa, muốn được ôm bạn vào lòng và lau khô những giọt nước mắt của bạn... Muốn nhìn thấy cầu vồng, ta phải đi qua cơn mưa... Vì thế, hãy tin ngày mai nắng sẽ lên, và cuộc đời lại sẽ ươm hồng những ước mơ của bạn, một khi bạn còn giữ trong lòng ánh sáng của niềm tin.

(Theo Hạt giống tâm hồn dành cho tuổi teen, Tập 2 -Nhiều tác giả, NXB Tổng hợp TPHCM, 2012, trg.2)

Văn bản 2

LỆ

nước mắt của ong là mật

nước mắt của hoa là hương

nước mắt của chim là những

tiếng ca thoáng tưởng du dương

 

nước mắt của sông là những

gợn sóng dường như bình yên

nước mắt của mây là những

giọt mưa ngỡ vợi ưu phiền

 

nước mắt thiên nhiên là những

dịu êm khiến ta mỉm cười

liệu nước mắt ta rớt xuống

có làm một đóa hoa tươi?

(Trích Hở, Nguyễn Thế Hoàng Linh, NXB Hội nhà văn, 2011)

 

a. Tác giả văn bản 2 đã đã đề cập đến nước mắt của những đối tượng nào?

b. Tìm 01 thành phần biệt lập trong đoạn văn cuối văn bản 1.

c. Xác định 01 điểm chung và 01 điểm riêng về nội dung của hai văn bản trên.

d. Hình ảnh nước mắt trong 2 văn bản gợi em nghĩ đến điều gì? Vì sao? Trả lời trong khoảng 4-6 dòng.

Câu 2. Từ việc hiểu nội dung Ngữ liệu trên và từ trải nghiệm cuộc sống, hãy viết bài văn khoảng 500  chữ trả lời câu hỏi: Phải chăng nước mắt giúp con người trở nên mạnh mẽ?

Câu 3.  Học sinh được chọn 1 trong 2 đề sau:

Đề 1.

Ngửa mặt lên nhìn mặt
có cái gì rưng rưng
như là đồng là bể
như là sông là rừng

Trăng cứ tròn vành vạnh
kể chi người vô tình
ánh trăng im phăng phắc
đủ cho ta giật mình

( Trích Ánh tră ng, Nguyễn Duy, SGK Ngữ Văn 9, Tập 1, NXBGDVN, 2023, Trg 156)

Hãy phân tích đoạn thơ trên giúp em cảm nhận được giá trị của giọt nước mắt. Trình bày những tác động của đoạn thơ đối với bản thân em.

 

 Đề 2.

Tình huống: Có bao giờ em không cho phép mình khóc? Có bao giờ em không để cho người khác nhìn thấy mình khóc chỉ vì cho rằng khóc là chứng tỏ mình yếu đuối bất lực, và khóc thì chẳng làm được gì hay thay đổi được gì cả?

Nhiệm vụ: Hãy chọn giới thiệu một tác phẩm văn học để giúp mình nhận ra được cảm xúc và vơi đi những giọt nước mắt và viết bài văn nghị luận lý giải cho sự lựa chọn của em.

GỢI Ý

Câu 1.

a. Tác giả văn bản 2 đã đã đề cập đến nước mắt của của ong, hoa, chim, sông, mây và con người.

b. Thành phần biệt lập trong đoạn văn cuối văn bản 1:

Thành phần phụ chú: nhất là thất bại đầu đời; nhất là thất bại trong các mối quan hệ;

c. 01 điểm chung và 01 điểm riêng về nội dung của hai văn bản trên.

Điểm chung: Cả hai văn bản đều đề cập đến hình ảnh nước mắt.

Điểm riêng:

- Văn bản 1: Tập trung vào ý nghĩa của việc đối mặt với thất bại và tầm quan trọng của niềm tin (Nhìn nhận nước mắt như biểu tượng của sự thất bại, tổn thương và cả sự mạnh mẽ để vượt qua)

- Văn bản 2:  Miêu tả vẻ đẹp tinh tế và những ẩn dụ của nước mắt trong thiên nhiên.( Nhìn nhận nước mắt như một phần tự nhiên của vạn vật, mang vẻ đẹp riêng và có khả năng tạo ra những điều tốt đẹp.)

d. Hình ảnh nước mắt trong 2 văn bản gợi em nghĩ đến những cung bậc cảm xúc khác nhau của con người. Nước mắt có thể là biểu hiện của sự đau buồn, thất vọng, sự mất mát nhưng cũng có thể là biểu hiện của niềm vui, hạnh phúc, sự đồng cảm và lòng nhân ái. Nước mắt là một phần thiết yếu trong cuộc sống, giúp ta giải tỏa cảm xúc và trưởng thành hơn.

Văn bản 1 đề cập đến nước mắt khi đối mặt với thất bại. Nước mắt ở đây thể hiện sự đau buồn, tổn thương, nhưng cũng là minh chứng cho sự mạnh mẽ và kiên cường của con người.

Văn bản 2 miêu tả vẻ đẹp của nước mắt trong thiên nhiên. Nước mắt của ong là mật, nước mắt của hoa là hương,... cho thấy nước mắt có thể mang đến những điều tốt đẹp.

Hình ảnh nước mắt trong 2 văn bản gợi lên sự đồng cảm và thấu hiểu cho những cảm xúc của con người. Nước mắt là một phần tự nhiên của cuộc sống, giúp ta kết nối với nhau và thêm trân trọng những gì mình đang có.

Câu 2. Phải chăng nước mắt giúp con người trở nên mạnh mẽ?

A. Mở bài

- Nước mắt có thể là biểu hiện của yếu đuối, ngược lại cũng có những giọt nước mắt kim cương của sự mạnh mẽ.

B. Thânbài

* Giải thích:

+ Nước mắt là một phản ứng tự nhiên của con người trước những cảm xúc mạnh mẽ như buồn bã, thất vọng, hay thậm chí là niềm vui sướng tột độ.

+ Mạnh mẽ là khi con người biết đối mặt với những khó khăn, thử thách một cách trực diện, dũng cảm và có trách nhiệm.

+ Câu nói muốn khẳng định Nước mắt không chỉ là biểu hiện của sự yếu đuối mà còn là dấu hiệu của một tâm hồn mạnh mẽ. Con người dám sống thật với cảm xúc của mình

=> Biết cách đối mặt với cảm xúc, biết khóc khi cần thiết và biết đứng dậy sau những giọt nước mắt chính là biểu hiện của một con người mạnh mẽ và bản lĩnh.

* Biểu hiện:

+ Mẹ cha không kìm lại được nước mắt khi ôm lần đầu con mới chào đời, khi nhìn thấy đứa con nhỏ bé với đôi mắt sáng lấp lánh; khi thấy con đạt được thành tựu sau bao nỗ lực và khó khăn…

+ Ta khóc khi làm sai, khi  thấy đau đớn, sợ hãi và cảm thấy áy náy…

+ Chí Phèo đã khóc trong sự thức tỉnh và đổi mới, biểu hiện sự khao khát hoàn lương.

* Phân tích:

- Nước mắt không chỉ đơn thuần là sự thể hiện cảm xúc tiêu cực mà còn là cách để giải tỏa cảm xúc, để bản thân được chữa lành và mạnh mẽ hơn.

+ Nước mắt như một cách để giải tỏa những cảm xúc tiêu cực như buồn bã, thất vọng, tổn thương một cách an toàn và lành mạnh. Khi tâm lý được giải tỏa, con người cảm thấy nhẹ nhõm và bình tĩnh hơn, sẽ có thêm sức mạnh để đối mặt với những khó khăn và thử thách phía trước, có thể nhìn nhận vấn đề một cách khách quan, sáng suốt và tìm ra giải pháp phù hợp.

+ Việc kìm nén nước mắt có thể dẫn đến những hậu quả tiêu cực cho sức khỏe tinh thần và thể chất. Thay vì cố gắng che giấu nước mắt, hãy cho phép bản thân được khóc khi cần thiết.

- Nước mắt thể hiện sự đồng cảm, chia sẻ và lòng trắc ẩn, giúp con người kết nối với nhau.

+ Khi chứng kiến những mảnh đời bất hạnh, những mất mát đau thương, con người thường sẽ rơi nước mắt, nước mắt của sự thấu hiểu, đồng cảm, khơi dậy lòng trắc ẩn và thôi thúc con người hành động để giúp đỡ người khác.

+ Nước mắt giúp con người kết nối với nhau bằng những cảm xúc chân thành, tạo nên sức mạnh tinh thần to lớn để cùng nhau vượt qua khó khăn

- Nước mắt là lời nhắc nhở về sự mong manh của cuộc sống, giúp con người trân trọng những gì đang có và sống mạnh mẽ hơn.

+ Nước mắt khiến chúng ta nhận ra rằng bản thân cũng có những lúc yếu đuối, cần được giúp đỡ, nên sống tích cực và mạnh mẽ hơn để đối mặt với những thử thách phía trước.

- Nước mắt không phải là giải pháp cho mọi vấn đề. Việc khóc quá nhiều hoặc không kiểm soát được cảm xúc có thể dẫn đến những hậu quả tiêu cực.

+ Nước mắt có thể khiến con người thêm yếu đuối và chùn bước nhất là khi con người rơi nước mắt vì những lý do tiêu cực như sợ hãi, hối hận, tự ti,... buông xuôi hy vọng và không còn niềm tin vào bản thân.

+ Điều quan trọng là con người cần biết cách kiểm soát cảm xúc và gạt bỏ những cảm xúc tiêu cực, tự nhủ bản thân cần đứng dậy và tiếp tục bước đi, biến những giọt nước mắt thành động lực để ta trưởng thành và hoàn thiện bản thân hơn.

* Phê phán: Thực tế có nhiều bạn trẻ

+  Khóc lóc vì những lý do cỏn con, thiếu kiểm soát bản thân, chìm đắm trong những cảm xúc tiêu cực, tự làm tổn thương bản thân và trở nên yếu đuối hơn.

+ Một số người lại lợi dụng nước mắt để đạt được mục đích cá nhân, gây tổn thương cho người khác. Hoặc tạo sự thương cảm giả tạo, lợi dụng lòng tốt và sự đồng cảm của người khác để đạt được mục đích cá nhân, đổ lỗi cho người khác về những vấn đề của bản thân, thay vì tự chịu trách nhiệm

* Bài học:

+ Hãy nhớ rằng, nước mắt không phải là điều gì đáng xấu hổ. Hãy trân trọng những giọt nước mắt của bạn, bởi đó là minh chứng cho sự sống, cho những cảm xúc chân thành nhất.

+ Dám sống thật với cảm xúc của mình, trân trọng và bồi đắp những xúc cảm chân thành trong cuộc sống để tâm hồn mỗi người không trở thành một cỗ máy khô cằn, chai sạn trong guồng quay của cuộc sống hiện đại.

+ Cũng không nên gặp chuyện gì cũng thể hiện cảm xúc thái quá, cần phải tìm cách giải quyết sau khi đối mặt với thực tế. Phải can đảm “hành động” để vượt qua những mất mát, khổ đau và những thử thách trong cuộc sống.

+ Để tránh sự lạm dụng và bị lợi dụng của người khác, nước mắt cần phải đi kèm với sự sáng suốt. Nên cẩn thận với những người thường xuyên khóc lóc trong mọi tình huống.

C. Kết bài

- Hãy nhớ rằng, chúng ta không chỉ biết cách khóc, mà còn phải can đảm "hành động" để vượt qua mất mát, khổ đau và thách thức trong cuộc sống.

Câu 3. 

Đề 1.

A. Mở bài

- Nguyễn Duy là một trong những những tác giả viết hay về trăng. Ông là một nhà thơ tiểu biểu của thế hệ trẻ sau năm 1975. Những sáng tác của ông sâu sắc, đa nghĩa, thể hiện sự đa diện của cuộc sống.

- Bài thơ Ánh trăng nói tới hình ảnh quen thuộc trong thi ca, nhưng với một hơi thở hiện đại, mang nhiều suy tư, ý nghĩa ánh trăng trở nên khác biệt.

- Bài thơ là lời ân hận trong tâm sự sâu thẳm của nhà thơ về sự vô tình trước những kỉ niệm thời quá khứ.

- Đặc biệt là hai khổ thơ cuối mang tính hàm nghĩa độc đáo, đưa tới chiều sâu tư tưởng triết lý và để lại nhiều suy tư về sự thức tỉnh của con người và đạo lí “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta.

Ngửa mặt lên nhìn mặt

đủ cho ta giật mình

B. Thân bài

1. Khái quát

- Bài thơ mượn đề tài thiên nhiên để nói tới suy ngẫm, chiêm nghiệm của nhà thơ và con người, cuộc đời. Chất triết lí thâm trầm được diễn tả qua hình tượng “ánh trăng" đã tạo nên giá trị tư tưởng và nghệ thuật của bài thơ. Ánh trăng đối với Nguyễn Duy không chỉ là ánh trăng tuyệt đẹp của thiên nhiên mà đó còn là ánh trăng của tình nghĩa, ánh trăng của sự thức tỉnh. “Ánh trăng” là lời ca ngợi vầng trăng tri kỉ của tuổi thơ, của người lính một thời trận mạc, đồng thời cũng gợi nhắc mọi người cần biết sống ân nghĩa thủy chung cũng như giữ trọn những đạo lí tốt đẹp.

2. Phân tích

* Khổ 5: Chủ thể trữ tình lặng lẽ đối diện với vầng trăng trong tư thế im lặng cũng chính là quá khứ đối diện với hiện tại, sự thủy chung tình nghĩa đối diện với sự bạc bẽo vô tình

Ngửa mặt lên nhìn mặt

như là sông là rừng

- Tư thế “ngửa mặt lên nhìn mặt” là tư thế trực tiếp đối mặt. Hai từ “mặt” trong cùng một dòng thơ: mặt trăng và mặt người đang cùng nhau trò chuyện. Cuộc gặp gỡ không lời giúp con người tự soi chiếu vào chính mình.

+ Phép nhân hóa, từ “mặt” thứ hai chỉ vầng trăng tròn. Đối diện với vầng trăng tình nghĩa, con người dường như thức tình được sự thiện lương: nhìn sâu vào bản thân để thấy lỗi lầm, sự thay đổi của mình

- “Rưng rưng" là khi con tim quặn thắt, cảm xúc dâng cao trực trào nước mắt vì xót xa, vì ân hận. Giọt nước mắt ân hận làm cho lòng người thanh thản lại, trong sáng lại, cái tốt lành hé lộ.

- Cấu trúc câu thơ song hành, với phép so sánh, liệt kê, điệp ngữ, lặp cấu tứ “như là đồng là bể - như là sông là rừng” diễn tả dòng hoài niệm ùa về và con người thấy trăng là thấy người bạn tri kỉ ngày nào. Cảm xúc chừng như nén lại nhưng cứ trào ra thổn thức.

+ Một cuộc hồi sinh từ kỷ niệm quá khứ êm đềm thơ mộng xen lẫn một nỗi dày vò, ray rứt của lương tâm trong thời khắc hiện tại

Đoạn thơ hay ở chất thơ bộc bạch chân thành, ở tính biểu cảm, ở tính hình tượng và hàm súc, từ ngôn ngữ hình ảnh đi vào lòng người, khắc sâu điều nhà thơ muốn tâm sự với chúng ta một cách nhẹ nhàng mà thấm thía.

* Khổ 6: Bài thơ khép lại ở hình ảnh sâu lắng mang tính hàm nghĩa độc đáo, đưa tới chiều sâu tư tưởng triết lí.

Trăng cứ tròn vành vạnh

đủ cho ta giật mình

- Trăng tròn đầy vành vạnh có hai lớp nghĩa: nghĩa tả thực về sự tròn đầy lung linh của trăng, thiên nhiên vũ trụ vĩnh hằng, gợi quá khứ bạn bè tươi đẹp chẳng thể phai mờ.

+ “Cứ tròn” nghĩa là đã tròn, vẫn tròn và đang tròn. “Tròn vành vạnh” thể hiện trạng thái tươi đẹp nhất của vầng trăng.

+ Việc lặp lại hình ảnh “vầng trăng tròn” nhằm mục đích nhấn mạnh vào vẻ nguyên vẹn nghĩa tình vượt qua tất cả sự nhớ quên của con người. Quá khứ mãi mãi vẫn ở đó vẫn vẹn nguyên tươi đẹp.

- Trăng còn được nhân hóa “kể chi người vô tình - ánh trăng im phăng phắc” gợi thái độ bao dung, nhân hậu nhưng cũng là lời nhắc nhở nghiêm khắc nhất.

+ Sự đối lập giữa hình ảnh một vầng trăng thủy chung và sự thay đổi bội bạc của con người trong hiện tại, im lặng có lẽ là lựa chọn tốt nhất để con người tự vấn lương tâm của mình.

- Kết hợp biện pháp nhân hóa, ẩn dụ cùng các từ láy “phăng phắc”, “vành vạnh”, tác giả gợi ra sự tĩnh lặng của không gian, xoáy sâu vào tâm can người đọc về một sự day dứt.

- Cái giật mình là một phản xạ tự nhiên, thể hiện sự thức tỉnh của nhân vật, cái giật mình của sự ăn năn, hối lỗi về một lối sống bội bạc, lãng quên quá khứ. Không có bất kỳ tòa án nào xét xử sự bội bạc của con người chỉ có duy nhất toà án của lương tâm.

Khổ thơ cuối mang ý nghĩa nhân văn, cái giật mình thức tỉnh của con người từng bội bạc trở nên đáng trân trọng bởi nhớ quên là lẽ thường tình, quan trọng là biết thức tỉnh lương tâm.

3. Đánh giá

"Ánh trăng" là một bài thơ hay. Câu từ trong Ánh trăng của Nguyễn Duy giản dị như một lời bộc bạch tâm sự nhưng lại chất chứa hàm súc những ý nghĩa lớn, ám ảnh và giàu sức gợi.Giọng thơ trầm tĩnh, lối thơ bất ngờ, mới lạ. Cả bài thơ không viết hoa đầu câu và chỉ có duy nhất một dấu chấm cuối bài như là một mạch nguồn cảm xúc dạt dào của nhà thơ đồng thời thể hiện những triết lý suy ngẫm về lối sống.

4. Tác động

Với lời thơ sâu lắng và trầm tĩnh, đoạn thơ trên đã gợi lên nhiều cảm xúc trong người đọc. Nó như một lời thú nhận, một lời nhắc nhở chân thành. chứa đựng nhiều bài học quý giá về cuộc sống, về con người giúp em nhận ra cách sống trân trọng quá khứ, sống tốt đẹp ở hiện tại và hướng đến tương lai tươi sáng.  Quá khứ dù có buồn hay vui, thành công hay thất bại đều là một phần không thể thiếu trong cuộc đời mỗi con người. Quá khứ đã hun đúc nên con người em ngày hôm nay, cho em những bài học quý giá và những kỷ niệm đẹp đẽ. Quá khứ là hành trang quý giá để em bước vào tương lai. Trong cuộc sống hối hả, xô bồ, ta dễ dàng bị cuốn theo những cám dỗ, những thú vui nhất thời mà quên đi những giá trị đích thực của cuộc sống. Em sẽ trân trọng hiện tại, sống hết mình cho từng khoảnh khắc và đừng để nuối tiếc quá khứ đã qua.

Bài thơ cũng giúp em bài học về việc cần biết đối mặt với bản thân mình, nhìn nhận những sai lầm, khuyết điểm của bản thân để sửa chữa, biết nhìn nhận bản thân, nhìn nhận những gì đã qua để có những thay đổi tích cực trong cuộc sống. Sống một cuộc sống tốt đẹp, có ích cho xã hội, sống một cách chân thành, lương thiện, không nên thờ ơ, vô tình trước những giá trị tốt đẹp của cuộc sống. Em sẽ sống  có ý nghĩa, trọn vẹn,  không để những tháng ngày trôi qua một cách vô nghĩa.

C. Kết bài

Nhà thơ đứng giữa hôm nay và suy ngẫm về một thời đã qua. Tiếng thơ của ông cũng là lời nhắc nhở, cảnh tỉnh đối với chúng ta. Như nhà thơ Chế Lan Viên đã từng day dứt “Đôi khi sống trong ánh nắng chan hòa, người ta dễ quên đi cơn mộng dữ đêm qua”. Bài thơ Ánh trăng là lời nhắc mỗi con người về lẽ sống thủy chung ân tình. Đó cũng là một nét đẹp trong bản sắc văn hóa dân tộc góp phần hình thành truyền thống tốt đẹp của mỗi con người Việt Nam.

 

Đề 2.

1. Nêu vấn đề:

- Có bao giờ em không cho phép mình khóc? Có bao giờ em không để cho người khác nhìn thấy mình khóc chỉ vì cho rằng khóc là chứng tỏ mình yếu đuối bất lực, và khóc thì chẳng làm được gì hay thay đổi được gì cả?

- Dẫn vào nội dung lựa chọn:

- Đó là lần đầu tiên tôi thấy trân quý những bước đi trong cuộc đời mình như vậy. Đã bao giờ bạn nghĩ rằng, có những cuốn sách được viết trên những trang giấy thấm đẫm nước mắt đớn đau, bằng sự run rẩy của một đôi tay đang ngày càng kiệt sức? "Một lít nước mắt" của Kito Aya là một cuốn sách như vậy. Từng câu, từng chữ, từng nét bút, tất cả đều được viết nên bởi sự cố gắng của một ý chí kiên cường.

2. Giới thiệu tác phẩm và nêu ý nghĩa: (Theo https://spiderum.com/bai-dang/Review-sach-Mot-lit-nuoc-mat-Zu93YlU8gh1Q)

- “Một lít nước mắt” là cuốn nhật ký của Kito Aya, một cô gái trong trẻo, thuần khiết, và luôn chất chứa trong lòng rất nhiều những mơ ước đẹp đẽ. Cuốn nhật ký này, thật đáng tiếc, đã phải dừng lại vào những ngày của tuổi 25. Bởi vì thiên thần bé nhỏ ấy đã rời khỏi thế gian này, sau gần 10 năm kiên trì chiến đấu với căn bệnh quái ác đã luôn đeo bám và hành hạ cô.

Như cái tên của cuốn sách, đây là một câu chuyện buồn, và có thể sẽ khiến bạn rơi nước mắt. Nhưng mình cho rằng bạn nên đọc cuốn nhật ký này, bởi vì đọc rồi, bạn mới thấy được cái dáng vẻ mạnh mẽ và kiên cường của một cô bé dù chỉ mới mười mấy tuổi thôi nhưng đã phải đối mặt với những đớn đau khủng khiếp như vậy. Bạn sẽ thấy bên trong cô gái nhỏ ấy là một sức sống mãnh liệt, là niềm tin yêu cuộc sống, là những sắc màu tràn ngập trong cái thế giới tưởng chừng như chỉ có một màu xám của đau buồn và bất lực.

- Đây là câu chuyện của Aya Kito, cô gái đã dùng sự đa cảm để biến cuộc đời ngắn ngủi của mình thành những nốt nhạc trầm bổng và đầy yêu thương.

15 tuổi, Aya phát hiện ra chân mình không còn có thể đi đứng một cách bình thường, không thể chống tay khi ngã, cũng không thể phản ứng một cách nhanh nhẹn. Cô được chẩn đoán là đã mắc bệnh thoái hóa dây thần kinh tiểu não – một loại bệnh khiến cho người ta dần mất đi khả năng vận động cơ bản như ăn, uống, cầm, nắm, đi lại, nói chuyện,...

Những năm tháng sau đó, cô đã phải vật lộn với cái cơ thể ngày càng yếu ớt của mình. Mặc cho bao nhiêu cố gắng, mặc cho bao nhiêu hi vọng, cô vẫn phải đau đớn chấp nhận cái sự thật rằng cô sẽ chẳng thể nào có lại một cơ thể bình thường như trước. Điều duy nhất mà cô có thể làm là kiên trì nỗ lực để làm chậm tốc độ của căn bệnh.

Aya, cô chỉ mới mười mấy tuổi, cái độ tuổi mà đáng lí ra cô phải được tự do chạy nhảy và nói cười. Cái độ tuổi mà đáng lí ra cô vẫn còn đang được ngồi thả hồn trong lớp học, mơ mộng về một tương lai đẹp đẽ. Cái độ tuổi mà đáng lí ra cô sẽ diện những chiếc váy thật xinh xắn, tạo những kiểu tóc thật đáng yêu, rồi tung tăng vui đùa cùng bạn bè. Cái độ tuổi mà đáng lí ra...

Nói ra chỉ thêm đau lòng, nhưng nếu chúng ta đã cảm thấy xót xa như thế, Aya đã phải trải qua những cảm xúc như thế nào cơ chứ. Ấy thế nhưng, cô vẫn chiến đấu. Với cái dáng vẻ nhỏ bé ấy, với cái khuôn mặt hồn nhiên ấy, cô chưa từng có suy nghĩ sẽ từ bỏ cuộc đời. Như một đóa hoa hướng dương hiên ngang dưới ánh mặt trời, người ta cảm nhận được ở cô một ý chí và tâm hồn rạng rỡ, chan hòa ấm áp.

Thời gian dần trôi, đôi chân cô đã không còn đi được nữa, phải ngồi xe lăn. Đôi tay cũng trở nên run rẩy, không còn có thể tự xúc cơm ăn một cách bình thường. Bút cũng không thể cầm, chữ viết cũng không còn có thể đọc được, giọng nói cũng không còn tròn vành. Suốt cả hành trình chống chọi lại căn bệnh quái ác này, cô đã khóc rất nhiều lần, nhưng cái khát khao được sống vẫn luôn rực cháy trong cô. Giữa cái số mệnh đớn đau, cô bé ấy vẫn tìm được ánh sáng cho riêng mình, giữ lấy cái vẻ lạc quan và niềm tin mãnh liệt vào cuộc đời và vào chính bản thân mình.

Aya ấy nhé, dù mang trong mình căn bệnh kinh khủng như thế nhưng vẫn luôn là mặt trời bé nhỏ, truyền hơi ấm đến những bệnh nhân khác. Cô đem cho họ mong muốn được sống, cô ôm lấy họ và cầu chúc cho họ mau khỏe mạnh, cô kể cho họ câu chuyện mình đã đau khổ ra sao, và đã vực dậy như thế nào, và cô mỉm cười với họ. Những suy nghĩ thuần khiết và trong trẻo của cô như một thứ ánh sáng dịu ngọt, lan tỏa khắp cái bệnh viện ám đầy những thứ mùi của thuốc và chất sát trùng.

“Thử đặt tay lên lồng ngực,

Cảm nhận tiếng đập thình thịch

Tim mình đang hoạt động

Hạnh phúc làm sao, mình còn sống.”

Làm sao một cô gái bé nhỏ như Aya lại giữ được sức sống mãnh liệt như vậy, làm sao cô có thể lạc quan đến vậy? Chỉ khi đọc từng dòng nhật ký của cô, bạn mới có thể cảm nhận được điều đó.

- Thành thật mà nói, khi đọc xong cuốn sách này, lòng mình có chút buồn. Nhưng nó không phải kiểu buồn day dứt, buồn tức tưởi, buồn đến ám ảnh. Chỉ là, mình cảm thấy thương Aya, và cũng cực kì ngưỡng mộ cô. Những gì cô viết trong suốt chặng hành trình ngắn ngủi này đã khiến mình nhận ra một điều: Sự bình thường vốn là một món quà.

Trước kia, mình luôn canh cánh trong lòng một câu hỏi: “Phải làm sao nếu mình không thể trở thành ai cả, chỉ là một người bình thường, sống một cuộc đời mờ nhạt, không dấu ấn?”

Giờ thì, câu hỏi sẽ là: “Sẽ ra sao nếu mình không thể là một người bình thường? Không thể chạy nhảy, không thể nô đùa, không thể hít thở, không thể nói cười thoải mái như bao người? Không cảm nhận được buồn vui, không biết yêu thương, không biết bình yên là gì?”

Aya đã nói như thế này, “Thay vì cứ mải miết đi tìm những gì đã mất, hãy xem trọng những gì còn lại của mình.”

Đó là cách mà cô vẫn tìm được sắc vàng ấm áp giữa một cuộc đời đầy biến cố của mình.

Phải đau đớn và suy sụp đến mức nào khi biết bản thân chẳng còn có thể điều khiển được đôi chân của mình, rồi đến cả cơ thể của mình nữa. Không thể ôm những người mình yêu, cũng không thể nói những lời yêu thương với họ, chữ viết thì run rẩy đến mức không ai có thể đọc được. Aya, dù mang trong người căn bệnh như vậy nhưng vẫn không từ bỏ khao khát được sống, vẫn tìm thấy được những điều nhỏ bé đẹp đẽ của cuộc sống. Cô ấy như vậy, bản thân mình có tư cách gì mà bất mãn với cuộc đời cơ chứ.

Thế nên, chỉ cần còn thở, chỉ cần còn có thể nhìn thấy bầu trời xanh, vậy thì không có điều gì là quá tồi tệ cả. Mọi khó khăn, mọi đau buồn, mọi vấp ngã, tất cả rồi sẽ ổn mà thôi. Đừng vì thế mà căm ghét cuộc đời, nhé.

3. Tác động:

Đây không phải là một câu chuyện kết thúc có hậu như những câu chuyện cổ tích mà chúng ta hay đọc, nhưng “Một lít nước mắt” là một câu chuyện có sức thuyết phục và truyền cảm sâu sắc.  Câu chuyện của Aya chính là lời truyền cảm hứng sâu sắc nhất cho biết bao thế hệ con người đang còn sống, dù ở bất kì hoàn cảnh nào. Lần giở từng trang nhật kí của một con người cách đây vài thập kỉ, để ý nghĩ bước đi trên từng con chữ không hề màu mè, hoa mỹ mà chân thực, giản đơn, trên những tâm tư, nỗi niềm sâu lắng của cô gái ấy, để hiểu hơn về cuộc đời của cô, và để rút ra cho chính bản thân mình những bài học quý giá. Hãy sống, hãy yêu cuộc sống mà mình đang có. Hãy sống cuộc sống như Kito Aya luôn ao ước – đó là hãy sống đẹp, và ý nghĩa.

Câu chuyện của Aya đã lan tỏa thông điệp ý nghĩa về cuộc sống, mang đến động lực cho những ai gặp khó khăn và tưởng chừng sắp bỏ cuộc vì sự nản lòng trong phút chốc. Con người nên biết trân trọng cuộc sống, sinh mạng và những người bên cạnh ta hiện tại bởi vì họ vẫn còn nhiều cơ hội phía trước, đừng để mất đi rồi mới nhận ra mọi thứ đã quá muộn.Tác phẩm còn chứa đựng những bài học đắt giá về tình cảm con người trong xã hội, từ đó giúp độc giả biết yêu thương những người kém may mắn hơn mình. 

 

ĐỀ LUYỆN TẬP TUYỂN SINH 10_2023-2024_ Chủ đề Ý CHÍ

 

ĐỀ LUYỆN TẬP TUYỂN SINH 10_2023-2024_ Chủ đề Ý CHÍ

Câu 1. Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:

Sức mạnh cơ bắp của mỗi người là có hạn, nhưng ở người có ý chí sắt đá thì nghị lực là vô hạn. Vì vậy đừng bao giờ đảnh mất niềm tin vào năng lực thật sự của bản thân mình. Với người có ý chí kiên cường thì nghịch cảnh khiến cho họ thông minh hơn, mạnh mẽ hơn. Không có giới hạn nào ngăn được ỷ chí con người. Những điều kỳ diệu xuất phát từ dám ước mơ táo bạo và kiên tâm biến ước mơ đó thành hiện thực. Ý chí và quyết tâm mạnh mẽ giúp con người vượt lên trên hoàn cảnh để đạt được thành công. Đối với người có ý chí mạnh mẽ, khi rơi vào nghịch cảnh ngăn bước tiến, họ sẽ tìm hướng đi mới.

Nếu cuộc sổng bình dị làm cho người ta cảm thấy tẻ nhạt, thì ý chí vượt qua sóng gió mang lại niềm vui và ý nghĩa chân chính của cuộc đời. Khỉ đối diện với khó khăn thách thức, họ tìm mọi cách để vượt qua chứ không tìm đường thoái lui. Thành công luôn đón chờ những con người kiên trì và quyết tâm theo đuổi đến cùng mục tiêu đã chọn. Cựu thủ tướng Anh Benjamin Disraeli quan niệm: “Khi con người sống cùng mục tiêu của mình thì sớm muộn cũng sẽ đạt được mục tiêu đó, không có trở ngại nào có thể ngăn cản ý chí và lòng quyết tâm của con người”. Đằng sau mỗi thành công vượt trội là những bài học về sự bền gan vững chí trước những thử thách và cái giá có thể phải trả. Và rồi thành công không phụ lòng những người có ý chí kiên cường và không nản lòng trước những cái giả phải trả trên bước đường thực hiện mục tiêu của mình.

Lòng quyết tâm làm bất cứ điều gì cần thiết, ngoại trừ những gì trái đạo đức, phi pháp, để đạt được điều mình mong ước, mở con đường đến mọi thành công. Lòng quyết tâm sản sinh nghị lực kiên trì vượt qua mọi khó khăn, thách thức để tiến đến mục tiêu cuối cùng. Khi đó mọi suy nghĩ và tâm trí sẽ hướng đến việc tìm ra những giải pháp tốt nhất để vượt qua tất cả mọi khó khăn, trở ngại. Mỗi lần vượt qua một khó khăn, thử thách là một lần ý chí được tôi luyện thêm, tích lũy thêm kinh nghiệm và khơi dậy thêm khả năng tiềm ẩn của bản thân.

Ai đó đã có câu nói rất hay: “Người bi quan trách gió, người lạc quan hi vọng gió đổi hướng, người thực tế thì điều chỉnh cánh buồm”. Người thất bại dù trong đầu đầy ấp ý tưởng, nhưng luôn tìm cách biện minh để không hành động. Đó là sự khác biệt lớn giữa người thành công và kẻ thất bại. Nhà văn hiện thực lớn nhất người Pháp vào nữa đầu thế kỷ 19 Honore de Balzac cho rằng: “ Không có tài năng vĩ đại nào mà thiếu ý chí mạnh mẽ”.

(Tổng hợp từ Internet )

a. Dựa vào văn bản, hãy chỉ ra ít nhất 2 lợi ích của lòng quyết tâm.

b. Tìm thành phần khởi ngữ trong đoạn văn đầu văn bản.

c. Quan niệm của  cựu thủ tướng Anh Benjamin Disraeli giúp em hiểu gì về cách con người phải đối diện với trở ngại, khó khăn.

d. Em có đồng tình với nhận định của nhà văn Honore de Balzac: “ Không có tài năng vĩ đại nào mà thiếu ý chí mạnh mẽ” không? Vì sao? Trả lời trong khoảng 4-6 dòng.

Câu 2. Từ việc hiểu nội dung Ngữ liệu trên và từ trải nghiệm cuộc sống, hãy viết bài văn khoảng 500  chữ trả lời câu hỏi: Phải chăng chỉ cần có ý chí, không gì là không thể?

Câu 3.

Học sinh được chọn 1 trong 2 đề sau:

Đề 1.

 Bếp Hoàng Cầm ta dựng giữa trời

Chung bát đũa nghĩa là gia đình đấy

Võng mắc chông chênh đường xe chạy

Lại đi, lại đi trời xanh thêm.

 

Không có kính, rồi xe không có đèn,

Không có mui xe, thùng xe có xước,

Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước:

Chỉ cần trong xe có một trái tim.

( Trích Bài thơ về tiểu đội xe không kính, Phạm Tiến Duật, SGK Ngữ Văn 9, Tập 1, NXBGDVN, 2023, Trg 132)

Hãy phân tích đoạn thơ trên giúp em cảm nhận được sức mạnh của ý chí. Trình bày những tác động của đoạn thơ đối với bản thân em.

Đề 2.

Tình huống: Một thực trạng đáng buồn hiện nay là một bộ phận giới trẻ ngày nay quá dễ dàng gục ngã trước thử thách khó khăn, trở nên tự ti, bi quan.

Nhiệm vụ: Hãy chọn giới thiệu một tác phẩm văn học để giúp các bạn nhận ra vai trò của ý chí trong cuộc sống và viết bài văn nghị luận lý giải cho sự lựa chọn của em.

 

GỢI Ý

Câu 1.

a. 2 lợi ích của lòng quyết tâm: sản sinh nghị lực kiên trì vượt qua mọi khó khăn, thách thức để tiến đến mục tiêu cuối cùng; khơi dậy thêm khả năng tiềm ẩn của bản thân

b. Thành phần khởi ngữ trong đoạn văn đầu văn bản: (Đối với) người có ý chí mạnh mẽ

c. Quan niệm của  cựu thủ tướng Anh Benjamin Disraeli giúp em hiểu về cách con người phải đối diện với trở ngại, khó khăn: Ý chí là động lực giúp con người vượt qua mọi thử thách và đạt được mục tiêu; con người không thể dễ dàng nản lòng trước những khó khăn, mà phải tiếp tục cố gắng và tìm kiếm giải pháp; biến những trở ngại thành cơ hội để học hỏi và phát triển bản thân.

d. Em có đồng tình với nhận định của nhà văn Honore de Balzac: “ Không có tài năng vĩ đại nào mà thiếu ý chí mạnh mẽ” . Vì

+ Tài năng là yếu tố quan trọng giúp con người đạt được thành công, nhưng ý chí quyết định việc họ có thể phát huy được tài năng đó hay không.

+  Một người có tài năng nhưng thiếu ý chí sẽ không đủ động lực để nỗ lực và rèn luyện, từ đó khó có thể đạt được thành công to lớn.

+  Ngược lại, người có ý chí kiên cường, dù không có tài năng thiên bẩm, nhưng họ có thể học hỏi, rèn luyện và bù đắp những thiếu sót của bản thân để đạt được thành công.

+  Lịch sử đã chứng minh nhiều tấm gương thành công vang dội nhờ ý chí và nghị lực phi thường, điển hình như Helen Keller, Albert Einstein,...

Câu 2. Phải chăng chỉ cần có ý chí, không gì là không thể?

A. Mở bài

- Khó khăn hay thất bại chỉ là những trở ngại mà cuộc sống muốn thử thách ý chí và lòng kiên trì của bạn mà thôi.

B. Thânbài

* Giải thích:

+ Ý chí là sức mạnh nội tâm, là sự kiên định, quyết tâm theo đuổi mục tiêu đến cùng, dù gặp phải muôn vàn khó khăn thử thách.

+ Câu nói khẳng định sức mạnh phi thường của ý chí, vai trò quan trọng của ý chí trong việc dẫn đến thành công.

=> Ý chí là nguồn động lực thúc đẩy con người vượt qua giới hạn bản thân, biến ước mơ thành hiện thực. Ý chí là chìa khóa giúp con người mở cánh cửa thành công, nhưng nó không phải là cánh cửa duy nhất.

* Biểu hiện:

+ Người có ý chí luôn có thể chuyển rủi thành may, chuyển họa thành phúc, không khuất phục số phận và đổ lỗi thất bại do số phận. Ví dụ: Milton, Beethoven, Helen Keller, Nick Vujicic …

+ Luôn biết khắc phục hoàn cảnh khó khăn bằng cách tự lao động, mưu sinh, vừa học vừa làm, tự mở cho mình con đường đến tương lai tốt đẹp.

+ Những người bị bệnh tật hiểm nghèo hoặc bị khiếm khuyết trên thân thể: cố gắng tự chăm sóc cho bản thân, cố gắng tập luyện, làm những việc có ích.

* Phân tích:

- Con đường dẫn đến thành công luôn đầy rẫy những chông gai, thử thách. Ý chí sẽ giúp con người vượt qua những khó khăn đó.

+ Ý chí là nguồn động lực giúp con người vượt qua khó khăn, thử thách và đạt được thành công. Khi có ý chí mạnh mẽ, con người sẽ không ngại đương đầu với những trở ngại, từ đó biến những thử thách thành cơ hội để phát triển bản thân, luôn kiên trì, nỗ lực để đạt được mục tiêu đã đề ra.

+ Ý chí thôi thúc con người không ngừng học hỏi, rèn luyện, hoàn thiện bản thân và kiên trì theo đuổi mục tiêu, dù gặp nhiều khó khăn thử thách.. Ý chí giúp con người vượt qua những giới hạn tưởng chừng như không thể, bứt phá bản thân và tạo nên những điều phi thường.

+ Ý chí cần được chuyển hóa thành những hành động thiết thực, nỗ lực không ngừng nghỉ để biến ước mơ thành hiện thực. Một người chỉ có ý chí mà không hành động thì cũng giống như "có lửa mà không đốt củi".

- Ý chí không phải là phép màu có thể biến mọi ước mơ thành hiện thực một cách phi thực tế.

+ Có những mục tiêu quá xa vời thực tế, hay những hành động đi ngược lại đạo đức, thì dù có ý chí mạnh mẽ đến đâu cũng không nên theo đuổi.

+ Bên cạnh ý chí, con người còn cần có tài năng, trí tuệ, sự sáng tạo, cơ hội và may mắn để đạt được thành công. Một người có ý chí mạnh mẽ nhưng thiếu đi những yếu tố khác cũng khó có thể gặt hái được thành công vang dội.

* Phê phán: Thực tế có nhiều bạn trẻ

+  chưa làm nhưng thấy khó khăn đã nản chí phó mặc cho số phận; thấy thất bại thì hủy hoại và sống bất cần đời.

+ có điều kiện đầy đủ nhưng không chịu học tập, buông thả, không nghĩ đến tương lai, sẵn sàng "thả trôi" những mục tiêu của mình để sa đà, ngã vào những tệ nạn xã hội.

* Bài học:

+ Mỗi người đều phải có trách nhiệm với cuộc đời của chính mình. Biết chấp nhận những khó khăn, thử thách, coi khó khăn, thử thách là môi trường để tôi luyện.

+ Luôn nuôi dưỡng ý chí mạnh mẽ, kết hợp nó với trí tuệ, sự nỗ lực và thái độ tích cực.

+ Luôn học hỏi những kiến thức, kỹ năng mới, không ngừng nỗ lực, rèn luyện để hoàn thiện bản thân.

+ Xác định mục tiêu rõ ràng và chia nhỏ mục tiêu thành những bước nhỏ, dễ thực hiện, từ đó xây dựng kế hoạch cụ thể để đạt được từng bước.

C. Kết bài

- Thành công sẽ đến với những ai biết kiên trì và không ngừng học hỏi, rèn luyện bản thân.

Câu 3.

Đề 1.

A. Mở bài

- Phạm Tiến Duật (1941 - 2007) là nhà thơ lớn, có nhiều sáng tác, trưởng thành trong đội ngũ các nhà thơ thời kháng chiến chống Mĩ.

- Bài thơ về tiểu đội xe không kính được sáng tác trong thời kỳ kháng chiến chống đế quốc Mĩ, ca ngợi tư thế hiên ngang, tinh thần dũng cảm, chiến đấu vì miền Nam ruột thịt của các chiến sĩ lái xe Trường Sơn.

- Vẻ đẹp lạc quan sôi nổi của tuổi trẻ và ý chí chiến đấu giải phóng miền Nam, trái tim yêu nước nồng nhiệt của tuổi trẻ thời chống Mĩ  được thể hiện rất hay trong hai khổ cuối bài thơ:

Bếp Hoàng Cầm ta dựng giữa trời

Chỉ cần trong xe có một trái tim.

B. Thân bài

1.  Khái quát

Bài thơ có bảy khổ, khổ nào cũng có hình ảnh chiếc xe, hình ảnh anh bộ đội cụ Hồ và cái ác liệt cùng sự anh hùng. Từ những chiếc xe tải không kính trên tuyến đường Trường Sơn, ta vẫn thấy được tinh thần ung dung bình tĩnh, hiên ngang dũng cảm của người lính lái xe. Mỗi khổ thơ hiện lên một vẻ đẹp của người chiến sĩ. Bức chân dung đẹp ấy lại được khắc họa rõ nét qua tình cảm đồng chí, đồng đội nồng ấm và tình yêu Tổ quốc thiêng liêng cao cả, ý chí chiến đấu giải phóng miền Nam.

2. Phân tích:

* Khổ 6: Từ trong khó khăn, người lính từ mọi miền xa lạ trở thành “gia đình” của nhau với một niềm tin tất thắng.

Bếp Hoàng Cầm ta dựng giữa trời

Lại đi, lại đi trời xanh thêm.

- Tình đồng đội được gắn kết khi ta cùng chung bát đũa, chung bữa cơm dã chiến trên rừng, nằm cùng nhau kể lể chuyện tâm tình.

+ Giữa chiến trường đầy bom đạn mà họ vẫn đàng hoàng “Bếp Hoàng Cầm ta dùng giữa trời”. Cụm từ “dựng giữa trời” một lần nữa cho thấy sự hiên ngang bất khuất của người lính.

+ Bữa cơm dã chiến chỉ có một bát canh rau rừng, có lương khô… thế mà rất đậm đà. Với Phạm Tiến Duật nói riêng cũng như tất cả những người lính thì tình đồng đội cũng là tình anh em ruột thịt, vô cùng thân thiết

+ Một chữ “chung” rất hay gợi tả gia tài người lính, tấm lòng, tình cảm của người lính. Tiểu đội xe không kính đã trở thành một tiểu gia đình chan chứa tình thương. Chính tình cảm ấy giúp họ mạnh mẽ hơn tiếp tục lên đường.

- Tình đồng đội đã sưởi ấm lòng chiến sĩ, chắp cánh cho tâm hồn họ bay bổng. Sau giây phút nghỉ ngơi ngắn để rồi các anh lại tiếp tục hành quân.

+ Từ láy “chông chênh” gợi ra con đường gập ghềnh, khó khăn ở phía trước, giấc ngủ của người lính cũng không được trọn vẹn mà luôn lắc lư theo nhịp chiếc xe.

+ Điệp từ “lại đi” diễn tả nhịp bước hành quân, biểu hiện đoàn xe không ngừng tiến tới, không một sức mạnh bạo tàn nào của giặc Mỹ có thể ngăn nổi.

+ Hình ảnh ẩn dụ “trời xanh thêm” là một hình ảnh đầy chất thơ và giàu ý nghĩa. Trời xanh là một bầu trời cao, rộng, yên bình và đẹp đẽ.

_ Câu thơ đã mở ra một khung cảnh thật tươi đẹp, đẹp như chính tâm hồn trẻ trung, phơi phới niềm lạc quan, niềm tin quyết chiến quyết thắng của những người lính vậy!

=> Đây là một đoạn thơ thể hiện sinh hoạt vật chất và tinh thần người lính thời đánh Mỹ rất độc đáo. Người lính đi giữa đạn bom vẫn luôn nhìn thấy màu xanh của hi vọng, của sự sống đang ngời lên phía trước

* Khổ 7: Vẻ đẹp tình yêu nước nồng nàn, mãnh liệt, ý chí chiến đấu giải phóng miền Nam thống nhất đất nước

Không có kính, rồi xe không có đèn,

                                   

Chỉ cần trong xe có một trái tim.

- Hình ảnh chiếc xe bị bom đạn Mĩ phá đến biến dạng càng góp phần khắc họa rõ nét hình ảnh người chiến sĩ lái xe dũng cảm, kiên cường vì sự nghiệp giải phóng miền Nam.

+ Điệp ngữ “không có” đi cùng với phép liệt kê “kính, đèn, mui, xe”. Hai câu thơ càng khắc họa tô đậm rõ nét, chân thực sự tàn phá, hủy hoại khủng khiếp của chiến tranh.

- Những chiếc xe đó lại như những chiến sĩ kiên cường vượt lên trên bom đạn, hăm hở lao ra tiền tuyến với một tình cảm thiêng liêng: vì miền Nam

+ Từ gợi tả “vẫn” cho thấy ý chí,quyết tâm của người lính,không hề lung lay trước khó khăn nguy hiểm. Đây là lời khẳng định chắc nịnh, mạnh mẽ, tinh thần dũng cảm,ý chí kiên cường,lòng yêu nước nồng nàn của người lính lái xe.

+ Hình ảnh hoán dụ “trái tim” ở cuối dòng thơ thật đẹp.Đó chính là “trái tim” yêu nước, hi sinh tất cả để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước,là niềm tin vào chiến thắng, vào tự do.

+Hình ảnh "trái tim cầm lái" kết hợp cùng kết cấu câu “vẫn - chỉ cần” đã lý giải về sức mạnh vượt khó, khẳng định hơn tinh thần hiên ngang bất khuất, sự lạc quan tự tin trong cuộc chiến của người lính lái xe. Đây là cội nguồn sức mạnh của cả đoàn xe, gốc rễ, phẩm chất anh hùng của người cầm lái.

+ Giọng thơ, ý thơ trở nên mạnh mẽ, hào hùng, vẫn là cách nói thản nhiên ngang tàng của lính, nói nhiều “cái không” nhưng câu thơ lại nhấn mạnh “cái có”: một tinh thần trách nhiệm, một tinh thần yêu nước nồng nàn.

=> Quyết tâm chiến đấu và chí khí anh hùng của người lính không có đạn bom nào của kẻ thù có thể làm lay chuyển được. Chính nhờ có lòng yêu nước nồng nàn đó, những người lính của chúng ta đã góp sức mình làm nên những chiến thắng vẻ vang trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc.

3. Đánh giá đặc sắc nghệ thuật:

Với quan niệm “chủ yếu đi tìm cái đẹp từ trong những diễn biến sôi động của cuộc sống”, Phạm Tiến Duật đưa tất cả những chất liệu hiện thực của cuộc sống chiến trường vào trong thơ. Cách tiếp cận hiện thực ấy đã đem lại cho thơ Phạm Tiến Duật một giọng điệu sôi nổi, trẻ trung, hồn nhiên, hóm hỉnh, tinh nghịch mà sâu sắc. Bài thơ về tiểu đội xe không kính là tác phẩm đặc sắc và tiêu biểu nhất cho phong cách thơ của ông. Nổi bậc trong bài thơ hình tượng người lính lái xe được khắc họa hết sức độc đáo, mang đậm phong cách thơ hóm hỉnh, tinh nghich của phạm Tiến Duật.

4. Tác động

- Đoạn thơ đã giúp em hiểu thêm về cuộc sống gian khổ nhưng vẫn đầy ý nghĩa của những người lính lái xe không kính trên tuyến đường Trường Sơn. Em cảm thấy xúc động tự hào khi đọc về cuộc sống gian khổ, thiếu thốn nhưng đầy lạc quan yêu đời và ý chí quyết tâm của những người lính và luôn có niềm tin vào tương lai. Em nhận ra bản thân mình cần có niềm tin vào bản thân, vào cuộc sống, luôn nỗ lực phấn đấu để đạt được mục tiêu của mình dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách.

- Em trân trọng và biết ơn những người lính đã hy sinh xương máu vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Càng ngưỡng mộ, biết ơn hy sinh  mất mát của cha ông em càng trân trọng cuộc sống hòa bình ngày hôm nay. Em tự nhủ bản thân phải học tập, rèn luyện để trở thành một người có ích cho xã hội. Em phải rèn cho mình thần lạc quan, yêu đời và ý chí quyết tâm để vượt qua mọi khó khăn, thử thách trong cuộc sống, luôn nỗ lực phấn đấu để đạt được mục tiêu của mình. Là một chủ nhân tương lai của đất nước em cần rèn luyện lòng yêu nước, tự hào dân tộc, ý thức trách nhiệm với cộng đồng, sẵn sàng cống hiến sức mình cho sự phát triển của đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh.

C. Kết bài

Tác giả đã xây dựng thành công hình tượng người lính lái xe trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ là những con người anh hùng, dũng cảm, lạc quan, yêu đời, coi thường gian khổ để hoàn thành nhiệm vụ, biết hi sinh bản thân mình vì nghĩa lớn, vì nhân dân, vì đất nước:

“Cái vết thương xoàng mà đưa viện

Hàng còn chờ đó tiếng xe reo

Nằm ngửa nhớ trăng, nằm nghiêng nhớ bến

Nôn nao ngồi dậy nhơ lưng đèo.”

“Bài thơ về tiểu đội xe không kính” của Phạm Tiến Duật đã góp phần hoàn thiện, hoàn mĩ bức tượng đài nghệ thuật bất tử về người lính Việt Nam thời kì kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Họ là hiện thân của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, là hình tượng đẹp nhất của thế kỷ “Như Thạch Sanh của thế kỷ hai mươi” (Tố Hữu).

Đề 2

 1. Nêu vấn đề:

- Một thực trạng đáng buồn hiện nay là một bộ phận giới trẻ ngày nay quá dễ dàng gục ngã trước thử thách khó khăn, trở nên tự ti, bi quan.

- Ý chí của con người không phải trời sinh ra mà có, nó xuất phát và được rèn luyện từ gian khổ của cuộc sống. … Ý chí mang lại sức mạnh vô hạn tận giúp cho con người chiến thắng những giông tố để bước tới thành công. 

- Dẫn vào nội dung lựa chọn:

- Nếu như có lúc nào đó bạn phải đối mặt với sự thất bại, cảm thấy mất niềm tin vào cuộc sống, bạn sẽ làm gì? Còn tôi, tôi sẽ nghĩ ngay đến tiểu thuyết “Ông già và biển cả” của tác giả Hemingway mà tôi từng đọc trước đó. Tại sao ư? Bởi có một chân lý xuyên suốt cuốn sách mà tôi đã học được: “Bị đánh bại chỉ là tình trạng nhất thời, bỏ cuộc mới là thất bại vĩnh viễn”. Cuốn sách sẽ là động lực giúp mỗi người vượt qua tất cả những cảm giác tiêu cực đó.

2. Giới thiệu tác phẩm và nêu ý nghĩa: (Theo https://dimibook.com/ong-gia-va-bien-ca-cuon-tieu-thuyet-hap-dan-ban-khong-nen-bo-qua)

- Tác phẩm “Ông già và biển cả (The Old Man and the Sea)” được coi là cuốn tiểu thuyết thành công nhất của vị tiểu thuyết gia người Mỹ vô cùng nổi tiếng Ernest Miller Hemingway (21/7/1899 – 2/7/1961) với những giải thưởng lớn như: Giải thưởng Pulitzer (1953), giải thưởng Nobel Văn học (1954). Hemingway đã viết tác phẩm này tại Cuba vào năm 1951, một năm sau được xuất bản thành sách và được đông đảo độc giả trên toàn thế giới yêu thích.

- Tác phẩm “Ông già và biển cả” kể về một ông lão đánh cá có tên Santiago và chuyến ra khơi đặc biệt kéo dài 3 ngày 2 đêm của ông trên đại dương mênh mông. Santiago là một ông lão rất nghèo khổ, gia tài duy nhất của ông chỉ là một chiếc thuyền sơ sài, vì vậy, việc bắt được những con cá to là vô cùng khó đối với ông. Có những khi, đến 84 ngày ông cũng không bắt được con cá nào, tuy vậy, ông vẫn rất yêu thích công việc của mình và đã dành cả đời mình cho những chuyến đi săn trên biển.

Tuy rằng rất nhiều lần ra khơi trở về tay trắng nhưng ông vẫn không nản chí. Lần này, ông quyết định sẽ đi xa hơn và đánh một mẻ cá thật lớn. Quả nhiên, sau 3 ngày vật lộn với con cá kiếm khổng lồ cực kỳ khỏe và đầy kiêu hãnh, ông đã hạ gục được nó một cách ngoạn mục: “…thu hết tàn lực, cộng với sức mạnh ông lão vừa vận lên trong người, ông xiên mũi xỉa vào lườn con cá, đúng vào chỗ sau chiếc vi bên lườn lúc ấy đang giương lên ngang tầm ngực ông lão. Cảm thấy lưỡi thép đã cắm phập vào thịt nó, ông lão cúi mình xuống, đem sức mạnh toàn thân cố ấn mạnh thêm cho thật sâu”. Ông đã chiến thắng con cá, chiến thắng cả đại dương xanh thắm.

Tuy nhiên, vui mừng với chiến thắng chưa được bao lâu thì những con cá mập rủ nhau đến xâu xé “chiến lợi phẩm” của ông trên đường trở về. Để rồi khi vào đến bờ thì con cá kiếm khổng lồ của ông chỉ còn lại bộ xương, mặc cho ông đã chống trả rất quyết liệt với lũ cá mập.

Đến đây, tôi chợt nghiệm ra rằng, trong cuộc sống của chúng ta cũng vậy, không có con đường nào dẫn đến thành công mà trải đầy hoa hồng. Nhất là khi bạn có một xuất phát điểm thấp thì bạn càng phải nỗ lực hơn, kiên cường hơn gấp nhiều lần người khác. Điều đó cũng đòi hỏi bạn phải có một ý chí kiên trì, bền bỉ và “liều” như ông lão Santiago vậy. Kể cả khi bạn đã đạt được thành quả cho những nỗ lực đó, cũng tuyệt đối đừng ngủ quên trên chiến thắng, bởi vì khó khăn vẫn có thể ập đến bất kỳ lúc nào, luôn có những kẻ đố kỵ, ghen ghét với thành tích của bạn, họ lăm le tranh giành và biến mọi công sức của bạn trở thành công cốc, ngay cả khi bạn đã phải oằn mình chống chọi với khó khăn, thậm chí nguy hiểm để đạt được.

Tuy “Ông già và biển cả” chỉ là một cuốn tiểu thuyết ngắn với 123 trang sách, nhưng nó đã để lại trong lòng độc giả biết bao cảm xúc, suy nghĩ và nhiều bài học ý nghĩa. Đọc tựa đề của cuốn sách, chắc hẳn sẽ có bạn thắc mắc rằng: Vì sao không phải là “Ông già và con cá kiếm” hay “Ông già và lũ cá mập” mà lại là “Ông già và biển cả”? Bởi vì điều mà ông lão đánh cá Santiago phải đối mặt, phải chống chọi là biển cả rộng lớn và tất cả những nguy cơ tiềm ẩn trong đó, chứ không riêng gì lũ cá mập hay cá kiếm. Thông qua đó, tác giả Hemingway muốn nhấn mạnh rằng sức mạnh của con người có thể sánh ngang với biển cả sâu thẳm, rộng lớn chứ không hề nhỏ bé. Chỉ cần sự quyết tâm và ý chí mạnh mẽ thì con người sẽ có thể chinh phục và làm chủ được vạn vật.

Bằng ngòi bút nghệ thuật vô cùng đặc sắc của mình, Hemingway đã khắc họa hình tượng ông lão đánh cá Santiago vô cùng giản dị, mộc mạc, gần gũi với thân hình già nua, làn da rám nắng và những vết sẹo đã cũ kỹ theo thời gian, chỉ có đôi mắt là toát lên vẻ tinh anh, chứa đầy sự lạc quan và niềm hi vọng. Sau những chuyến “đi săn” thất bại, niềm hi vọng, ý chí của lão lại càng mãnh liệt hơn. Dù biển cả có “tệ bạc” với lão thì lão vẫn yêu nó, yêu công việc này một cách tha thiết. “Bây giờ không còn thời gian để nghĩ về những thứ bạn không có. Hãy nghĩ về những điều bạn có thể làm với những gì bạn có”, đó là câu nói của ông lão Santiago.

Qua những tình tiết trong câu chuyện, chúng ta có thể nhận thấy rằng ông lão rất thông minh, tích cực và quyết đoán. Từ đó, tác giả muốn người đọc hiểu rằng, muốn thành công thì bạn cần phải có những suy nghĩ không giống những người khác. Thành công có được là cả một quá trình kiên trì, nhẫn nại và học hỏi chứ không phải chỉ là nhờ sự may mắn và những suy nghĩ có phần viển vông. Hình tượng con cá kiếm to lớn và vô cùng đẹp đẽ chính là tượng trưng cho những ước mơ, hoài bão, khát vọng thành công của mỗi chúng ta. Ông lão Santiago đã phải vận dụng hết những khả năng của mình, tìm mọi cách để câu được con cá, chúng ta cũng hãy như vậy, hãy tìm mọi cách để tìm kiếm và đạt được ước mơ, khát vọng của riêng mình. Để chiến thắng được con cá kiếm khổng lồ đối với ông lão già nua không phải là chuyện dễ dàng. Trong quá trình đó, đã có lúc lão thấm mệt, muốn nghỉ ngơi, nhưng ngay lập tức lão từ bỏ suy nghĩ đó:

Ta có thể chịu đựng mà không cần ngủ” lão tự nhủ.

Nhưng như thế thì thật quá nguy hiểm”. Lão bắt đầu dò dẫm bò về phía đuôi thuyền, thận trọng không làm giật sợi dây.

Có lẽ nó cũng đang lơ mơ ngủ”, lão nghĩ.

Nhưng mình không muốn nó được nghỉ ngơi, nó phải kéo cho đến khi chết

Những lời tự nhủ của ông lão đã mang lại cho mỗi chúng ta một bài học sâu sắc, đôi khi chúng ta lười biếng, quá dễ dãi với bản thân và tự đưa ra lời ngụy biện cho sự lười biếng đó của mình. Nếu muốn đạt được thành công như mong đợi, chúng ta cần phải thay đổi ngay điều đó. Phải biết nắm bắt và tận dụng mọi cơ hội, bởi vì cơ hội có thể đến rất nhanh và biến mất ngay trong khoảnh khắc chúng ta “lười biếng” đó, chỉ để lại một sự hối tiếc vô cùng lớn.

Hình ảnh bộ xương cá kiếm khổng lồ mà ông lão mang về sau 3 ngày 2 đêm chống chọi chính là điểm nổi bật của toàn câu chuyện. Vậy với kết quả này, bạn nghĩ rằng ông lão đã thành công hay thất bại sau chuyến ra khơi? Tôi thì cho rằng ông lão đã thành công, và có lẽ ông lão cũng nghĩ vậy. Bởi ông từng nói: “Bạn không giết con cá để duy trì sự sống và bán để đổi lấy thức ăn. Bạn giết nó vì lòng kiêu hãnh bởi vì bạn là một ngừoi đánh cá”. Vì vậy, với ông, thành công không phải là có cá để đem đi bán mà thành công là ông đã chiến thắng con cá kiếm khổng lồ bằng tất cả sự quyết tâm của mình, chiến thắng bầy cá mập được mệnh danh là “hung thần biển cả” để an toàn trở về. Ông cũng mang về được bộ xương cá làm minh chứng hùng hồn cho tất cả những chiến công lừng lẫy của mình. Cho mọi người thấy rằng một lão già với những công cụ thô sơ lại có thể chinh phục được đại dương vô tận mà không hề nao núng. 

Tác phẩm “Ông già và biển cả” đã được tác giả Hemingway sử dụng những từ ngữ miêu tả một các chân thật, sinh động, hấp dẫn và cuốn hút người đọc khiến bất kỳ một ai khi đọc cũng không thể rời mắt. Cuốn sách đã mang lại cho độc giả những bài học quý giá, những triết lý sống vô cùng thân thuộc, gần gũi nhưng không kém phần sâu sắc và đầy tính giáo dục. Ai cũng có trong mình một ước mơ, nhưng hành trình chinh phục những ước mơ đó đối với người đều không phải là chuyện dễ dàng. Những lúc gặp khó khăn khiến bạn nản chí, hãy nhớ đến hình ảnh ông lão già cả, gầy gò luôn kiên trì, lạc quan và tràn đầy hi vọng. Mỗi người chỉ có một cuộc đời để sống, một tuổi trẻ để khát khao, vậy nên hãy sống hết mình với ước mơ, với lý tưởng để không phải nuối tiếc.

3. Tác động:

- Ý chí luôn là yếu tố quan trọng để con người vượt qua nghịch cảnh mà vươn lên. Cuộc sống không phải lúc nào cũng bằng phẳng và dễ đi thế nên để vượt qua hết những cam go vất vả đó điều chúng ta cần là một ý chí vững bền, một lòng quyết tâm vượt qua tất cả, không lung lay dù cho phải đối mặt với bất cứ điều gì. Nỗi sợ hãi, sự đau khổ tuyệt vọng sẽ đánh chết ý chí và nghị lực của mỗi người. Thế nên, thay vì đau buồn, ủ dột vượt thì hãy đổi lấy nó bằng nụ cười và sự tin tưởng vào ngày mai phía trước. Hình ảnh ông lão đánh cá Santiago là bài học quý giá về ý chí nghị lực cho mỗi chúng ta trong cuộc sống. Từ đó, tự thấy mình phải có trách nhiệm sống và học tập để xứng đáng với những thành quả cách mạng mà các bậc tiền nhân đã dày công gầy dựng