Thứ Hai, 5 tháng 7, 2021

Phải chăng giới trẻ Việt Nam đang thiếu tự lập?


 Muốn thành công trong công việc, tự chủ bản thân và hạnh phúc trong cuộc sống, nhất định cần phải rèn luyện đức tính tự lập. Tự lập là sức mạnh đầu tiên và mạnh mẽ nhất giúp con người chinh phục khó khăn, thử thách.

1. Giải thích:

- Tự lập là tự làm mọi thứ, tự sống cuộc sống mà mình chọn chứ không dựa dẫm hay nhờ đến sự giúp đỡ của ai khác.

- Người tự lập không thích ỷ lại hay dựa dẫm bởi như vậy họ sẽ cảm thấy bản thân trở nên vô dụng, cuộc sống của họ cũng vì thế mà mất đi ý nghĩa.

=> Tự lập là yếu tố ai cũng cần có để trưởng thành và sống cuộc đời mình mong muốn. Thực tế cho thấy, ai có tính tự lập vững vàng luôn thành công trong cuộc sống.

2. Biểu hiện:

- Tự lập đơn giản chỉ là tự ăn cơm giặt quần áo, tự làm bài tập và giúp đỡ cha mẹ làm việc nhà... khi còn nhỏ. Lớn hơn một tý, là biết tự vượt qua những khó khăn, thử thách trong cuộc sống.

- Ví như khi còn là học sinh, tự mình chuẩn bị đồ dùng học tập, sách vở trước khi đến lớp, không để cha mẹ nhắc nhở hoặc chuẩn bị giúp cho. Khi gặp bài khó, tự suy nghĩ đủ mọi cách để giải được thì thôi, nếu vẫn không thể ra được, nằm ngoài khả năng của họ thì họ mới nhớ đến trợ giúp của bạn bè, thầy cô.

- Đến khi trưởng thành, có thể tự đưa ra những quyết định đúng đắn cho bản thân và nỗ lực hết mình để đạt được nó. Khi gặp phải vấn đề khó khăn, người tự lập sẽ tự mình tìm cách giải quyết và có ý chí mạnh mẽ để vượt qua. Họ xem đó là cơ hội để tích lũy thêm kinh nghiệm và rèn luyện năng lực bản thân.

3. Phân tích:

- Cuộc sống của mỗi người luôn cần đến sự chăm sóc, giúp đỡ của gia đình, thầy cô, bạn bè. Tuy nhiên, không phải vì thế mà chúng ta có thói quen ỷ lại vào người khác. Có những việc người khác không thể bao biện, làm thay cho mình mãi được, mà chúng ta phải biết tự quyết định và tự làm lấy. Vì vậy, chúng ta phải rèn luyện cho mình tính tự lập để có thể tự vươn lên, trách nhiệm với cuộc sống của mình.

- Tự lập là một trong những phẩm chất hàng đầu mà con người cần phải có. Tính tự lập giúp ta làm chủ các năng lực, biết sử dụng năng lực một cách hiệu quả vào những công việc hữu ích, tiến đến làm chủ bản thân, làm chủ sự nghiệp.

- Tự lập không chỉ mang đến cho bạn sự tự do mà nó còn giúp bạn nhận ra nhiều giá trị khác nữa!

+ Tự lập giúp con người luôn chủ động trong công việc và trong đời sống. Trước khó khăn, trở ngại, nhờ có tính tự lập giúp ta bình tĩnh, sáng suốt và có những hành động đúng đắn, thiết thực và hiệu quả. Tự lập giúp phát huy tính sáng tạo khi biết cách suy nghĩ, nhìn nhận để bao quát mọi vấn đề.

+ Người có tính tự lập luôn là người có ý chí nỗ lực phấn đấu, kiên trì bền bỉ, là người luôn cầu tiến, suy nghĩ tích cực, hướng đến tương lai. Họ rất quyết liệt trong công việc, sẵn sàng đối đầu và vượt qua gian nan, thử thách.Điều này giúp họ thành công nhanh hơn, bền vững hơn.

+ Tự lập còn là nền tảng của một con người có trách nhiệm, uy tín, đáng tin cậy. người có tính tự lập lúc nào cũng được người khác yêu thương, tin tưởng, giúp đỡ. Người có tính tự lập luôn tạo nguồn cảm hứng làm việc cho người khác.

+ Tự lập, tự chăm sóc bản thân đã giúp ta biết quý trọng sức lao động, biết chia sẻ với người khác và có trách nhiệm hơn với chính mình, gia đình. Tự lập là cách tốt nhất để nuôi dưỡng tâm hồn và làm cho cuộc sống của ta trở nên đẹp đẽ, hạnh phúc, và thực sự có ý nghĩa.

- Nhưng không phải tự lập mà muốn làm gì thì làm, muốn gây hậu quả thế nào chỉ cần mình tự gánh chịu là xong. Tự lập không có nghĩa là tự tách mình khỏi cộng đồng. Trái lại, tự lập là con đường giúp con người khẳng định bản thân mình trong cuộc sống gắn bó với cộng đồng.

4. Phê phán: Trong cuộc sống, vẫn còn có nhiều người không biết tự lập. Họ là những người lười biếng, nhút nhát, sống dựa dẫm vào người khác. Họ luôn là người tránh việc khó, chọn việc dễ, sống hẹp hòi, so đo tính toán, so bì thiệt hơn. Bởi thế, họ luôn bị mọi người xa lánh và khinh ghét. Những người như thé thật đáng chê trách.

5. Bài học:

- Tự lập là phẩm chất cần có ở mỗi con người. Muốn thành công và hạnh phúc trong cuộc sống, không có gì quan trọng hơn đó là hình thành và rèn luyện tính tự lập cho bản thân mình.

- Cuộc sống luôn luôn thay đổi, nên các bạn trẻ cần biết sống tự lập, phải biết cách thay đổi bản thân phù hợp, thích nghi với từng hoàn cảnh cụ thể.

- Bản thân:

+ Để có thể tự lập, bản thân mỗi người phải có sự nỗ lực, cố gắng và ý chí mạnh mẽ để vươn lên. Không nên sống dựa dẫm vào người khác để trở thành gánh nặng cho gia đình, xã hội và cuộc sống sẽ mất đi ý nghĩa vốn có.

+ Bản thân mỗi bạn trẻ cần rèn luyện tính tự lập ngay từ nhỏ, từ những công việc nhỏ nhặt, thường nhật để có thể tự lo liệu cuộc sống của mình: Tự mình đánh răng, rửa mặt, tự mình mặc quần áo, mang tất… Ngoài ra, những việc gì mình cố thể làm thì nên đê ỷ tự mình làm.

+ Tự giác thực hiện những công việc, trách nhiệm liên quan đến bản thân như: tự giác học tập, tự chăm sóc bản thân, tự chịu trách nhiệm về hành vi của mình…

Tính tự lập chính là sức mạnh đưa ta đi xa hơn vào thế giới muôn màu kì diệu và chiếm lĩnh các giá trị trong đời sống này. Hãy tự mình làm chỗ nương tựa cho chính mình. Không có gì quý giá hơn niềm tin tưởng vào bản thân và niềm tin của người khác vào mình. Cuộc đời là một hành trình đầy gian khó, không tự lập tất sẽ bị nhấn chìm trong trong đau khổ và bất trắc.

Việc thực sự đọc chìm lắng vào một nội dung văn học là việc ngày càng hiếm thấy trong đời sống đương đại.


 Trong thời đại 4.0 với công nghệ phát triển, chúng ta hình thành nên thói quen lướt Facebook hay Instagram để cập nhật tin tức, truy cập các trang báo mạng hàng ngày với mong muốn “bắt kịp xu hướng” và nghĩ rằng những gì chúng ta đọc được đã là quá đủ. Có lẽ vì vậy, chúng ta thường hay quên đi những giá trị đích thực mà văn học mang lại. Hiện tại, việc thực sự đọc, chìm lắng vào một nội dung văn học là việc ngày càng hiếm thấy trong đời sống đương đại.

Việc thực sự đọc, chìm lắng vào một nội dung văn học là cách đọc nghiêm túc, chìm lắng vào một nội dung văn học sâu sắc sẽ giúp người ta “có khả năng thấu hiểu, cảm thông và nhìn nhận sự việc từ nhiều góc độ”. Đó là việc mỗi cá nhân cần làm.

Thói quen đọc sách trong xã hội hiện nay ngày càng giảm.Sách văn học ít được lựa chọn để đọc, nhất là trong giới trẻ hiện nay. Trong đời sống hiện nay, ít người “thực sự đọc, chìm lắng vào một nội dung văn học”, thay vào đó là kiểu đọc “mì ăn liền” lướt qua các trang mạng. Họ bận tâm tới việc kiểm tra thông báo Facebook hay lướt mạng xã hội. Đây là một hiện tượng đáng lo ngại bởi cách đọc “mì ăn liền” ấy không thể giúp người ta có khả năng “thấu hiểu, cảm thông và nhìn nhận sự việc từ nhiều góc độ”.

Thói quen đọc sách, nhất là sách văn học, đang bị mai một bởi sự phát triển như vũ bão của các phương tiện nghe nhìn có kết nối mạng internet như laptop, smartphone, máy tính bảng… đã khiến việc tập trung làm việc, đọc sách trở nên quá ư là khó khăn. Hơn nữa, do nhịp sống hiện đại, người ta có xu hướng đọc những tác phẩm ngắn hoặc đọc lướt nội dung của văn bản để nắm được ý chính…Và con người có nhiều mối bận tâm khác nên nhu cầu đọc sách văn học cũng giảm sút. Với sự phát triển của mạng xã hội, con người dễ tìm kiếm thông tin hơn nên ít có nhu cầu tìm đọc sách, nhất là sách văn học. Một phần nữa là do thị trường sách tràn lan, con người khó chọn lựa cho mình được thể loại phù hợp.

Việc thiếu đi thói quen đọc nghiêm túc gây ảnh hưởng tới sự phát triển trí tuệ và cảm xúc của những thế hệ “sống trên mạng”. Đọc sách thường xuyên giúp đầu óc trở nên nhạy bén và tinh tường hơn. Sách văn học chứa đựng nguồn tri thức dồi dào, giúp bạn bồi dưỡng đời sống tinh thần, nhờ đó mà xã hội mới có thể phát triển được. Đọc sách văn học sẽ là bước đệm giúp bạn hình thành thói quen và tự xây dựng phương pháp đọc những cuốn sách có từ vựng phong phú và phức tạp hơn, nội dung sâu sắc hơn, như về kinh tế, chính trị, lịch sử … sau này. Hiểu biết về nhiều lĩnh vực sẽ giúp bạn có cái nhìn toàn diện hơn về cuộc sống, củng cố và gia tăng kiến thức cần thiết trong giao tiếp, học tập hay công việc. 

Không có thói quen đọc nghiêm túc, thiếu chú tâm, không thực sự chìm lắng vào thế giới của văn học khiến con người thiếu đi sự nhạy bén, thông minh; Đọc nghiêm túc người đọc sẽ bước vào nội tâm nhân vật để phán đoán, nhận định, đưa ra lý giải, cách xử lý… những tình huống mà nhân vật gặp phải. Điều này giúp tăng khả năng thấu hiểu, cảm thông, xử lý vấn đề trong cuộc sống thực. Đọc không nghiêm túc con người thiếu khả năng nhìn nhận vấn đề trong cuộc sống từ nhiều góc độ; con người thiếu kỹ năng lập luận và phản biện và không có cái nhìn toàn diện hơn về cuộc sống, củng cố và gia tăng kiến thức cần thiết trong giao tiếp, học tập hay công việc. Khi không đồng tình với một vài ý kiến của ai đó, họ không biết phải tư duy, phản bác lại với lập luận, lý lẽ của riêng mình. Họ gặp khó khăn với việc diễn đạt ý nghĩ cũng như giao tiếp xã hội nói chung.

Không khô khan như những cuốn sách khoa học hay khó hiểu như sách triết học, văn học nhẹ nhàng đưa bạn vào một thế giới tưởng tượng với những câu truyện hấp dẫn. Trí tưởng tượng giúp bạn thúc đẩy năng khiếu và khả năng sáng tạo nghệ thuật trong mỗi con người. Tiếp cận với một cuốn tiểu thuyết ta sẽ có vô vàn sự tưởng tượng khác nhau. Đây như một “môi trường” rộng mở, kích thích khả năng sáng tạo từ trí tưởng tượng phong phú của bạn. Việc không thưởng thức văn chương khiến cho trí tưởng tượng không phát triển. Mà ai cũng biết trí tưởng tượng của con người là kho báu của tâm hồn,và khả năng sáng tạo luôn là một trong những kỹ năng thiết yếu các nhà tuyển dụng tìm kiếm ở những ứng viên tiềm năng.

Việc thiếu thói quen đọc sách văn học nghiêm túc khiến con người không có khả năng thấu hiểu, cảm thông, chia sẻ; không biết cách ứng xử ôn hòa, thân thiện; thậm chí không được yêu thương. Họ không thể đặt mình vào vị trí của người khác, hiểu những suy tư, cảm nhận của người khác. Không phân biệt được cái thiện, cái ác, việc gì nên làm, việc gì không nên hiểu cách sống hướng thiện, và những việc làm tử tế vì sự phát triển chung của cộng đồng. Đọc sách không nghiêm túc không giải phóng được các chuỗi áp lực xã hội, và những cảm xúc chân thật của con người thường bị che mờ dưới áp lực xung quanh. Con người không nhận ra chính mình, những mong muốn và nhu cầu,những cảm xúc thực ta luôn che giấu đối với bản thân và những người khác.

Không phải tất cả mọi người đều đã quay lưng với văn học đích thực. Vì thế, việc người ta có “thực sự đọc, chìm lắng vào một nội dung văn học” hay không phụ thuộc nhiều vào việc có hay không những tác phẩm văn học có giá trị. Trong thực tế chúng ta thấy những tác phẩm văn học có giá trị được in thành sách vẫn có sức hấp dẫn lớn đối với nhiều người. Chúng ta vẫn bắt gặp hiện tượng những tác phẩm hay khi ra đời đã thu hút sự chú ý của rất nhiều độc giả, Harry Potter là một ví dụ.

Mỗi người cần phải tự xây dựng cho mình một thói quen đọc sách và thói quen thường xuyên đọc sách văn học và cổ vũ mọi người đọc sách văn học để trở nên thông minh và tốt tính hơn. Mỗi người cần tìm kiếm xem mình thích đọc thể loại văn học nào. Cần hiểu là chăm đọc sách văn học là một cách góp phần làm cho những lối sống tốt đẹp, những giá trị nhân văn được nhân rộng hơn lên trong thế giới này.Các cơ quan tổ chức như trường học, cơ sở làm việc cần tổ chức các buổi chia sẻ về sách để mọi người có cơ hội bày tỏ quan điểm của mình về những cuốn sách mình đã đọc. Nhà trường và gia đình cần tạo điều kiện tối ưu thời gian và trải nghiệm đọc của con em mình.

Mỗi người chúng ta cần rèn luyện thói quen chú tâm đọc một nội dung sâu sắc để trở thành người có khả năng thấu cảm tốt. Không nên đọc theo kiểu “mì ăn liền”, nhất là đối với các tác phẩm văn học, bởi nó sẽ gây ảnh hưởng không tốt tới sự phát triển trí tuệ, tư tưởng và tình cảm, cảm xúc của chúng ta. Chỉ cần 15 tới 20 phút đọc sách mỗi ngày, ta sẽ ngạc nhiên trước hiệu quả không ngờ mà nó mang lại.

Ở các quốc gia phát triển luôn đánh giá cao sức mạnh to lớn của văn chương đối với sự phát triển của các thành viên trong xã hội. Bởi vậy, Bạn nên có thói quen đọc sách và chọn sách là bạn đồng hành trên con đường hướng đến thành công của bạn. Bạn hãy trân trọng từng quyển sách và hãy cố gắng tiếp thu và thực hành những kiến thức trong sách – chắc chắn bạn sẽ có được những thứ mà bạn muốn!

Tinh thần đồng đội và kỹ năng làm việc nhóm luôn là một trong những yếu tố quan trọng để dẫn đến thành công.


 “Người tài giỏi sẽ chiến thắng trò chơi, nhưng tinh thần đồng đội và trí óc sẽ giành chức vô địch.” – Michael Jordan. Trong mọi lĩnh vực công việc thì tinh thần đồng đội và kỹ năng làm việc nhóm luôn là một trong những yếu tố quan trọng để dẫn đến thành công.

Tinh thần đồng đội là biết suy nghĩ vì cái chung, đồng lòng hướng tới mục tiêu và dốc sức cho thành công chung của tập thể. Kỹ năng làm việc nhóm là khả năng thiết lập và duy trì mối quan hệ hợp tác tích cực với các thành viên khác để hoàn thành tốt đẹp các mục tiêu chung. Chúng ta có thể không phải là một cá nhân giỏi, nhưng chúng ta có thể tạo ra một tập thể mạnh nếu biết cách phát huy thế mạnh của làm việc nhóm, và khơi dậy tiềm năng của mỗi người.

Vào mùa thu, khi bạn thấy đàn ngỗng bay về phương Nam để tránh đông theo hình chữ V, bạn có tự hỏi những lý lẽ khoa học nào đó có thể rút ra từ đó? Mỗi khi một con ngỗng vỗ đôi cánh của mình, nó tạo ra một lực đẫy cho con ngỗng bay sau nó. Bằng cách bay theo hình chữ V, đàn ngỗng tiết kiệm được 71% sức lực so với khi chúng bay từng con một. Khi là thành viên của một nhóm, ta cùng chia sẻ những mục tiêu chung, ta sẽ đi đến nói ta muốn nhanh hơn và dễ dàng hơn, vì ta đang đi dựa trên sự tin tưởng lẫn nhau.

Trong thời đại ngày nay, khi khoa học kỹ thuật ngày càng phát triển thì yêu cầu làm việc theo nhóm là cần thiết hơn bao giờ hết. Đơn giản là vì không ai hoàn hảo cả, làm việc theo nhóm sẽ tập trung những mặt mạnh của từng người và bổ sung cho nhau. Hơn nữa chẳng ai có thể cáng đáng mọi việc.

Khi có kĩ năng làm việc nhóm, ta có thể hoàn thành được những việc mà không một cá nhân riêng lẻ nào có thể thực hiện được. Làm việc theo nhóm tạo điều kiện tăng năng suất và hiệu quả của công việc, khả năng giải quyết vấn đề nhanh chóng, hiệu quả hơn. Khi làm việc tập thể thì khối lượng hoạt động có thể được chia nhỏ cho nhiều người, từ đó áp lực công việc sẽ được giảm hơn rất nhiều. Các thành viên trong nhóm cũng không bị căng thẳng hay quá áp lực trước một công việc, dự án quá lớn.

Khi có kĩ năng làm việc nhóm giúp ta thỏa mãn nhu cầu thể hiện và khẳng định cái tôi trong cái chúng ta của mỗi thành viên (mà khi hoạt động riêng lẽ, cá nhân khó mà thể hiện được). Trong quá trình làm việc nhóm, các thành viên sẽ cùng nhau chia sẻ trách nhiệm, hỗ trợ lẫn nhau để cùng nhau phát triển tài năng. Sau một quá trình làm việc, chắc chắn từng thành viên sẽ biết được tiềm năng đang ngủ quên của mình là gì để đánh thức. Các thành viên sẽ gắn bó, phát huy sự sáng tạo cá nhân và tập thể, tạo ra giá trị công việc cao hơn và nâng cao mức độ hạnh phúc cho chính bản thân …

Khi chúng ta làm việc nhóm, chúng ta sẽ có cơ hội tiếp xúc với nhiều người có những suy nghĩ và tư duy khác nhau. Làm việc nhóm, chúng ta sẽ bù đắp những khuyết điểm cho nhau và phát huy thế mạnh của mỗi người. Trong quá trình làm việc, các thành viên sẽ đưa ra ý kiến của mình và các thành viên khác lắng nghe và đánh giá. Thông qua sự nhận xét, nhận xét, thành viên đó sẽ nhận biết mình đang sai, đang thiếu sót ở điểm nào để khắc phục và sửa chữa. Điều này sẽ giúp chúng ta mở rộng vốn kiến thức, và tăng thêm khả năng sáng tạo, tăng hiệu suất công việc. Từ đó, đạt kết quả tốt thực hiện công việc của bản thân và nhóm sẽ tăng cao hơn.

Có tinh thần đồng đội con người ta mới biết thương yêu đùm bọc nhau và giúp đỡ nhau cùng tiến bộ trong công việc cũng như trong cuộc sống. Tin tưởng đồng đội của bạn cũng đem đến cảm giác an toàn cho phép các ý tưởng mới trong công việc được bộc phá. Nó giúp thành viên cởi mở và khuyến khích lẫn nhau. ăn nói mở là chìa khóa khi thực hiện công việc nhóm và tạo ra các giải pháp đạt kết quả tốt trong các vai trò khó khăn. Những mối quan hệ tốt đẹp mang lại cho chúng ta niềm vui, hạnh phúc, những trải nghiệm thú vị, giúp nâng cao giá trị bản thân mỗi người cũng như giá trị cuôc sống.

Làm việc nhóm sẽ chỉ thành công và hiệu quả khi mỗi cá nhân hoàn thành tốt công việc một cách độc lập và hướng đến mục đích chung của tập thể. Khi đã cùng là thành viên của một nhóm bạn cần biết tôn trọng và lắng nghe ý kiến của người khác. Bởi không ai hoàn hảo cả, những một lời phàn nàn có hay tới đâu cũng sẽ có những thiếu sót, con người nên lắng nghe một lời phàn nàn đóng góp để ý tưởng được hoàn thiện hơn.

Mọi người tránh đùn đẩy công việc cho nhau, trưởng nhóm nhất quyết ôm đồm mọi thứ lại càng không được... Trong cùng một nhóm các thành viên phải biết trợ giúp lẫn nhau trong công việc, nếu đồng đội của mình gặp khó khăn hãy sẵn sàng chia sẻ, trợ giúp họ. Điều này thể hiện rõ nhiệm vụ của kỹ năng làm việc nhóm trong việc gắn kết giữa các thành viên trong nhóm với nhau.Bên cạnh đó các thành viên cần tôn trọng lẫn nhau, không nên nghĩ rằng mình giỏi hơn người khác, tự đề cao mình và xem thường các thành viên khác. Sự tự tin thái quá, không hợp tác, thiếu tin tưởng nhau giữa các thành viên khi làm việc chung chính là nguyên nhân dẫn đến thất bại. Khi làm việc nhóm bạn hãy bỏ qua hết sự ích kỷ cá nhân, không chấp nhất những chuyện nhỏ, tỵ nạnh với đồng đội của mình, trách va chạm, mâu thuẫn… với thành viên khác. Nếu gặp tình huống thấy không hợp lý hãy thẳng thắn góp ý ngay. Hãy biết cách gắn kết lại với các thành viên khác trong nhóm nếu không bạn có thể thấy lẻ loi. Chỉ có sự gắn kết mới cho các bạn một nhóm tốt đẹp nhất.

Với giới trẻ hiện nay, thực trạng kỹ năng làm việc nhóm của họ đang ngày càng tốt hơn nhưng nó chỉ phân bổ ở một bộ phận rất nhỏ của những bạn có thành tích học tập khá hơn. Còn lại, đa số các bạn trẻ đều không hiểu kỹ năng làm việc nhóm là gì và tầm quan trọng của kỹ năng làm việc nhóm. Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, họ chỉ quan tâm đến những vấn đề mang tính cá nhân, ngắn gọn và đương nhiên họ ít khi thành công trong các dự án lớn, có tính chất liên kết các lĩnh vực và làm việc theo nhóm nhiều thành viên đến từ nhiều thành phần khác nhau.

Chỉ khi nào mỗi người phát huy cao độ tinh thần độc lập, suy nghĩ về những vấn đề cần đưa ra học tập nghiên cứu tập thể khi đó làm việc nhóm mới phát huy được tác dụng. Cần có tinh thần học hỏi, chịu khó lắng nghe, hết mình vì tập thể đó sẽ là chìa khóa giúp một nhóm thành công. Làm việc nhóm chỉ đạt hiệu suất cao khi nó được thực hiện trên cơ sở có sự chuẩn bị chu đáo cả về mặt nội dung lẫn phương pháp tổ chức của mọi thành viên.

Hãy luôn nhớ rằng “một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao”. Đoàn kết, biết san sẻ với nhau sẽ giúp các bạn giành được thành công.

Hạnh phúc ở những điều bình dị


 Hạnh phúc là gì? Hạnh phúc ở đâu?... Đó là vô vàn những câu hỏi của con người về hạnh phúc. Có người xem thành công là hạnh phúc, có người xem hạnh phúc là sự bình yên, sum vầy bên gia đình, cũng có người xem hạnh phúc là sự cho đi không cần nhận lại…Vì vậy, hạnh phúc luôn ở xung quanh chúng ta và rất bình dị - tùy theo cách cảm nhận riêng của từng người. Hạnh phúc ở trong những điều giản dị

Hạnh phúc là một trạng thái cảm xúc của con người khi được thỏa mãn một nhu cầu nào đó mang tính trừu tượng. Hạnh phúc là một cảm xúc bậc cao, được cho rằng chỉ có ở loài người, nó mang tính nhân bản sâu sắc và thường chịu tác động của lí trí.

Ai trong chúng ta cũng mong có được cuộc sống hạnh phúc. Với một số người, hạnh phúc là một cái gì đó thật là vĩ đại, là tiền bạc, vật chất xa hoa,…họ cứ cố gắng tìm nó để rồi sa vào những bon chen, tranh giành. Hạnh phúc tưởng chừng như rất xa vời nhưng nó ở ngay trước mắt, ngay bên cạnh chúng ta. Hạnh phúc nằm ở trong những điều bình dị, nghĩa là hạnh phúc tồn tại trong những điều bình thường, gần gũi trong cuộc sống. Chúng ta hay bỏ qua những điều nhỏ nhặt thường ngày bởi vì đôi khi chúng mờ nhạt và diễn ra thường xuyên đến mức tự bản thân cho rằng đó là lẽ dĩ nhiên nên chẳng buồn lưu tâm. Hạnh phúc chính là trân trọng những người bên cạnh ta, biết hài lòng và thỏa mãn những gì đang có. Ta hãy dành tình cảm yêu thương, trân trọng đối với hạnh phúc bình dị của cuộc sống đời thường.

Hạnh phúc là những điều hết sức bình thường, giản dị trong cuộc sống đời thường: gia đình đầm ấm, hi vọng tương lai tươi sáng, ánh mắt một người vừa lạ, vừa quen... Hạnh phúc gắn với những hình ảnh hết sức cụ thể, gần gũi, bình dị, đời thường trong cuộc sống: tiếng xe về mỗi chiều của bố, cả nhà quây quần bên căn gác nhỏ,... Đó là sự quan tâm yêu thương, lo lắng của những người thân yêu trong gia đình: chị xới cơm đầy bắt phải ăn no, đêm về không có tiếng mẹ ho...

 Cảm giác hạnh phúc nảy sinh khi chúng ta vui sướng khi thảo mãn một mong cầu. Nó tồn tại ngay trong những điều giản dị thường ngày, gần gũi trong cuộc sóng của chúng ta chứ chưa hẳn là những điều lớn lao, kì vĩ.  Đôi khi hạnh phúc lại bắt đầu từ những điều giản dị nhất mà những lúc vô tình bạn không nhận ra. Hạnh phúc thực ra đơn giản lắm: Biết chăm sóc bản thân, ăn uống điều độ và tập thể dục,…Đó là những lúc quây quần cùng ông bà, cha mẹ bên bữa cơm gia đình. Hạnh phúc là khi ta được sinh ra với hình hài lành lặn, được sống trong gia đình êm ấm, có cha, có mẹ, có anh chị em sum vầy,…Quanh ta còn nhiều trẻ em mồ côi, lang thang cơ nhỡ, mong ước một tổ ấm bình dị. Bởi vậy, mỗi người cần trân trọng, yêu thương những gì mình đang có.

Ta có hạnh phúc khi biết thương yêu ba mẹ, kính trọng ông bà, hạnh phúc khi ta giúp đỡ được người có hoàn cảnh hơn mình. Hạnh phúc là khi biết cho đi mà không cần nhận lại, là khi ta sẵn sàng cống hiến sức mình cho tương lai của đất nước, dân tộc. Hạnh phúc là khi bạn mỉm cười với chính những điều mình đang có, bằng lòng với thực tai. Tuy đơn giản song hạnh phúc không phải dễ dàng đạt được mà bạn phải không ngừng ước mơ, không ngừng cố gắng và nỗ lực hết mình để sống với lý tưởng và mục đích, bạn phải phấn đấu thật thành công để mang lại hạnh phúc cho chính mình và gia đình.

Những điều ấy bình dị, mộc mạc thôi, nhưng gợi ở lòng người bao nhiêu ấm áp, yêu thương. Hạnh phúc là khi có một người bạn hiểu mình và mình cũng hiểu họ để chia sẻ, có thể nói ra với nhau tất cả mà không hề tính toán. Ta cần sống chậm lại, yêu thương và chia sẻ nhiều hơn. Cuộc sống trở nên khó khăn hơn khi chúng ta sống vì người khác, nhưng nó cũng trở nên đẹp đẽ và hạnh phúc hơn. Chúng ta sẽ đánh mất hạnh phúc nếu mỗi ngày sống bằng sự tham lam, lòng đố kị, thù oán. Những khát khao viển vông sẽ đốt cháy những cảm xúc êm đềm, cái tạo nên cảm giác hạnh phúc ở con người. Hạnh phúc là khi có thể sống thật với con người của mình, có thể khóc khi buồn và cười khi vui dù chỉ là một niềm vui nho nhỏ. Hạnh phúc là cảm thấy vui khi những người xung quanh mình hạnh phúc và điều đó sẽ lại càng tuyệt vời hơn khi chính mình là người mang đến điều đó cho họ.

Nhưng không phải ai cũng cảm nhận được rằng hạnh phúc nằm ở những điều giản dị. Con người vốn có nhiều tham vọng, ít khi hài lòng về cuộc sống phù hợp với khả năng của mình. Người giàu muốn giàu hơn, người nghèo muốn trở nên giàu có, sung túc hơn. Lòng tham vô đáy đẩy con người vào chỗ bất hạnh. Họ mải mê chạy theo những thứ phù phiếm, vượt xa khả năng của mình mà không nhận ra hạnh phúc chỉ đơn giản là những điều bình dị quanh mình. Cho đến khi quá muộn. Hạnh phúc đã tuột khỏi tầm tay, đẩy họ vào bất hạnh.

Hạnh phúc tuy đơn giản là thế nhưng không phải bất kỳ ai cũng có thể có được và xứng đáng có được. Những kẻ ghen ghét, đố kỵ với sự thành công của người khác sẽ mãi chẳng thể có được tâm tư thoải mái. Những người tham lam, chạy theo danh vọng hão huyền, chấp nhận đánh đổi tất cả để có được vật chất giàu sang thì sẽ chẳng bền lâu. Và đâu đó, còn những người vẫn không biết cố gắng, vẫn mãi chìm đắm trong những lo sợ, buồn chán, đau khổ thì rất khó để có được hạnh phúc.

Bởi thế, ai cũng có thể có được hạnh phúc nếu biết hài lòng về những gì mình đang có, yêu quý và trân trọng những giá trị hiện hữu. Hãy biết trân trọng hạnh phúc, đừng quá tham lam những điều xa vời.  Hãy là một người có trái tim nhân ái, bao dung và biết yêu thương để mang lại niềm vui cho chính mình và trao nụ cười cho người khác. Hãy mở lòng mình với mọi người, với cuộc sống, khi đó bạn sẽ thật sự nhận ra được giá trị của hạnh phúc. Cho dù bạn có gặp nỗi buồn lớn đến đâu bạn sẽ có lòng tin để vượt qua vì bạn biết rằng hạnh phúc luôn ở quanh ta.

Là những người trẻ, Các bạn cần phải nỗ lực hơn nữa,từng ngày, từng ngày hoàn thiện bản thân để ngày một giỏi giang hơn, thành đạt hơn. Hãy sống hết mình cho hiện tại và vươn tới những giấc mơ đẹp đẽ, có ích cho muôn người. Hạnh phúc là điều chúng ta muốn vươn tới để có cuộc sống tết đẹp nhưng bạn cũng đừng nên mơ mộng hãy ảo tưởng về một hạnh phúc toàn mỹ hay xa xôi nào đó mà hãy sống thật với con người mình. Biết nâng niu trân trọng những gì mình có biết cảm thông và chia sẻ với mọi người và hãy mở lòng mình đón nhận. Chỉ cần làm tốt công việc mỗi ngày, sống thân ái với mọi người, biết chia sẻ, đồng cảm, giúp đỡ người khác, chúng ta sẽ có được hạnh phúc. Hãy thật lạc quan, vui sống và mỉm cười thật nhiều bạn nhé.

Đừng tô vẽ một chân trời xa toàn màu hồng thắm, hạnh phúc vẹn nguyên giữa cuộc đời thường. (Thanh Huyền). Hãy kiếm tìm và cảm nhận hạnh phúc từ những thứ nhỏ nhặt. Cầu mong cho tôi và các bạn sẽ thật hạnh phúc trong cuộc sống của chính chúng ta. 

Thứ Sáu, 2 tháng 7, 2021

Phải chăng nỗi nhớ về quá khứ là động lực để ta sống ý nghĩa hơn?


 "Không bao giờ là quá muộn để cảm nhận được niềm hạnh phúc của thời thơ ấu.” Dù không thể thay đổi những sự kiện đã diễn ra khi còn bé, nhưng chúng ta có thể xem xét sự việc dưới một góc nhìn khác. Vậy nỗi nhớ về quá khứ phải chăng là động lực để ta sống ý nghĩa hơn?

* Giải thích

Nỗi nhớ để chỉ việc chúng ta nghĩ đến những điều đã qua, những người vắng mặt mà mình ao ước được gặp lại. Quá khứ không chỉ đơn giản là thời gian đã qua mà còn là những ký ức mạnh mẽ vẫn còn đọng lại trong trí nhớ của chúng ta. Ý kiến trên nhằm khẳng định tầm quan trọng của nỗi nhớ về quá khứ: Dù là kỉ niệm vui hoặc kí ức buồn, chúng đều có tác động đến nhận thức và hành động của mỗi người, thậm chí đến thái độ sống tích cực, sống ý nghĩa của từng cá nhân.

* Biểu hiện

Kỉ niệm có nhiều niềm vui, cũng có quá nhiều uất ức, những kỉ niệm đẹp đẽ hay đau buồn. Đó có thể những lần ta bật khóc trước những mảnh đời bất hạnh, biết cười khi thấy mình người khác vui. Đó là ta khi lần đầu làm công việc thiện nguyện biết cúi xuống nhặt mảnh chai dưới đường để bảo vệ chân mình và chân những người đi sau. Đó là khi ta nhận ra mang ơn rất nhiều người….

*  Phân tích

Nỗi nhớ khích lệ tinh thần. Đắm mình với những kỷ niệm hạnh phúc trong quá khứ đôi khi lại là niềm động viên để vượt qua những khó khăn trong cuộc sống hiện tại. Kí ức đẹp, khi được khơi gợi để nhớ về, ta chắc hẳn sẽ có động lực để nghĩ suy và hành động theo hướng tích cực, để cân bằng lại cuộc sống hiện tại vốn còn nhiều khó khăn, thử thách. Nếu đó là những kí ức đau buồn, chúng ta sẽ có cơ hội tôi luyện cho bản thân sự mạnh mẽ để đối diện và đón nhận chúng với tâm thế nhẹ nhàng. Nhờ đó, ta có thể sống thật an yên và hạnh phúc ở hiện tại. Ví như người mà bạn yêu thương giờ không còn ở bên bạn thì bạn sẽ biết ơn về những thời gian, những kỷ niệm đẹp của những ngày bên nhau hay những gì người bạn đó đã trao cho bạn!

Nỗi nhớ giúp chúng ta thay đổi cách nhìn về quá khứ, giúp chúng ta tự tin hơn vì giúp chúng ta tập trung vào những việc đạt được. Dù bạn đã từng gặp phải thất bại trong quá khứ, thì việc đó chẳng có gì đáng ngại cả. Đừng lẩn tránh, chỉ khi dám nhìn nhận thẳng vào sự thật thì bạn mới lĩnh ngộ được bài học từ cuộc sống, có như thế mới duy trì thái độ tích cực khi đối mặt với muôn vàn khó khăn đang chờ đón phía trước. Khi bạn trải qua những thời điểm khó khăn, hãy nên nhớ về những hạnh phúc trong quá khứ để thấy rằng những điều tốt đẹp vẫn còn nằm phía trước và giúp chúng ta lạc quan yêu đời hơn. Nỗi nhớ sẽ giúp ta có thêm kinh nghiệm sống để bước tiếp trên hành trình sống ở hiện tại và tương lai. Nhưng tốt hơn hết là cũng đừng sống quá nhiều với hoài niệm mà nên tạo ra những kỷ niệm mới!

Nỗi nhớ giúp kết nối mọi người với nhau. Bạn dành bao nhiêu thời gian để nhớ về những kỷ niệm xưa cùng với bạn bè? Cùng nhau chia sẻ giúp củng cố mối liên lạc, tạo nên nền tảng vững chắc của tình bạn chân thành. Nó kết nối quá khứ với hiện tại, hướng lạc quan đến tương lai. Nó hoàn toàn là hạt nhân cho những trải nghiệm của con người.

Nỗi nhớ không chỉ nhắc ta về những gì đã qua, nhắc ta mỉm cười để đón nhận những ngày sắp đến. Cuộc sống không thể vẽ nên bằng những nỗi buồn ám ảnh mùi kỉ niệm, cuộc sống được tô vẽ bằng những từ tươi sáng hơn: nụ cười, hy vọng, tương lai. Và nỗi nhớ, không chỉ là những thoáng bất chợt vô tình, như một cơn gió thoảng qua gợi chút mùi hương dìu dịu, thắp lên cho đời thêm ý nghĩa, để ta không đánh mất mình, để ta vẫn còn nhớ, và để kỉ niệm vẫn nằm lại đó, vẹn tròn trong tim. Hãy biết ơn những gì bạn có ngày hôm nay. Nếu mục tiêu của bạn là đạt được nhiều hơn nữa, điều đó thật tuyệt vời, nhưng hãy chắc chắn rằng bạn đang trân trọng những gì đang có bây giờ.

* Phê phán

Quá khứ nếu ta có gặp phải bao nhiêu thất bại, mắc phải bao nhiêu đau buồn, thì cũng đừng để thất bại ấy làm ta nghĩ rằng mình không thể thành công, cũng đừng để khổ đau dập tắt mong muốn được hạnh phúc. Nếu ta cứ mãi tiếc nuối về quá khứ, để bản thân bị chi phối, ảnh hưởng đến hiện tại và tương lai thì điều đó không đáng. Chúng ta không thể thay đổi được quá khứ, vì vậy nếu cứ mãi đau buồn vì những chuyện đã qua thì chính ta sẽ bỏ lỡ đi rất nhiều cơ hội mới đang chờ đón chúng ta.

*  Bài học

Mỗi sự việc trôi qua đều để lại một cái gì đó đáng để bạn học hỏi và mỗi tình huống khó khăn đều ẩn chứa bài học ý nghĩa. Hãy nhìn lại khoảng thời gian đã qua, sắp xếp lại từng mảng ký ức, bạn có rút ra được kinh nghiệm gì không, hay có hiểu thêm gì về bản thân mình không? Dù bạn đã từng gặp phải thất bại trong quá khứ, thì việc đó chẳng có gì đáng ngại cả. Đừng lẩn tránh, chỉ khi dám nhìn nhận thẳng vào sự thật thì bạn mới lĩnh ngộ được bài học từ cuộc sống, có như thế mới duy trì thái độ tích cực khi đối mặt với muôn vàn khó khăn đang chờ đón phía trước.

* Bản thân

Hãy biết ơn đối với tất cả mọi thứ đã mang bạn đến thời điểm này trên con đường của bạn. Trân trọng bản thân vì tất cả những điều tuyệt vời chính mình đã làm: những lần bạn vượt ngoài "vùng an toàn" của mình, từng bước đi nhỏ và táo bạo của bạn để hướng tới mục tiêu, sự hỗ trợ bạn dành cho mọi người…

"Quá khứ không chết, nó đang sống trong chúng ta, và sẽ còn tồn tại trong tương lai mà chúng ta đang gầy dựng."  William Morris. Hãy bố cục lại quá khứ, tìm những món quà và bài học cho mình, hãy tha thứ và biết ơn những điều đã trải qua. Đây sẽ là bàn đạp mạnh mẽ giúp bạn chinh phục tương lai!

Học hỏi từ trải nghiệm của người khác là cách rút ngắn con đường thành công.


 Ông cha ta có câu: “Mỗi lần vấp ngã là một lần bớt dại”. Bởi sau mỗi lần vấp ngã đó chúng ta lại có được những kinh nghiệm quý giá. Nhưng nếu chúng ta biết cách học hỏi và lắng nghe những kinh nghiệm của người khác thì có thể ta sẽ ít vấp ngã hơn và thành công nhanh hơn. Học hỏi từ trải nghiệm của người khác là cách rút ngắn con đường thành công.

* Giải thích:

- Học hỏi là một quá trình tích lũy kinh nghiệm, kiến thức, là đặt ra những thắc mắc và tìm sự hỗ trợ hoặc tự mình tìm ra câu trả lời cho những thắc mắc ấy.

- Trải nghiệm của người khác là những kinh nghiệm được tích lũy tổng hợp về tri thức, kĩ năng hoặc những nhận xét đánh giá của một người thông qua quá trình sống thực tế, những hoạt động, sự kiện mà họ đã tham gia.

- Trải nghiệm của người khác dù thành công hay thất bại là thành quả giá trị để ta học tập từ đó có những khám phá thú vị để ta áp dụng vào hoàn cảnh của mình.

=> Chỉ cần biết lắng nghe và học hỏi những kinh nghiệm của người khác chúng ta có thể rút ngắn được con đường dẫn đến thành công của bản thân.

* Biểu hiện:

- Thông qua cách giao tiếp, chia sẻ những vấn đề trong cuộc sống, công việc, tiếp xúc với người từng trải bạn sẽ học hỏi thêm những điều bạn chưa biết, những điều bạn đã biết nhưng còn mơ hồ, những kỹ năng, ...

- Học hỏi từ người khác không chỉ có những lúc thành công mà còn là những thất bại, những khi họ kiên cường không hề bỏ cuộc. Học cách họ thành công, những sai lầm khiến họ thất bại, động lực và ý chí khiến họ tiếp tục đứng lên.

- Ai muốn thành đạt cũng phải học hỏi từ những người khác. Những người thành đạt trong xã hội là những người không ngừng học hỏi. Có thể họ không học ở trường nhưng họ học ở rất nhiều nơi, từ rất nhiều người.

* Phân tích:

- Trong cuộc sống không tránh khỏi những lúc ta mắc phải những sai lầm không đáng có. Mỗi sai lầm lại cho chúng ta những bài học quý giá. Nhưng cái giá mà chúng ta phải trả cho những lần vấp ngã nhiều khi không hề nhỏ. Vì vậy, việc chúng ta hạn chế được tối đa những sai lầm trong cuộc sống là một điều hết sức cần thiết.

- Hầu hết kinh nghiệm của người thành công được rèn dũa qua những lần thất bại của bản thân hoặc học hỏi từ thành công của người khác, đây đều được coi như "kho tàng vô giá" mà chúng ta phải biết khai thác và tiếp thu được tất cả những kiến thức quý giá này.

+ Một người với nhiều kinh nghiệm và kiến thức uyên bác sẽ giúp được bạn rất nhiều. Họ có thể phản hồi lại thông tin, đưa ra những đề xuất, thách thức và hỗ trợ cho bạn khi bạn vướng mắc. Mỗi chúng ta đều rất cần những người như vậy trên con đường phát triển của bản thân.

+  Những lời khuyên hữu ích, những kinh nghiệm của những người từng trải được tham khảo và áp dụng vào hoàn cảnh của mình cho chúng ta những bài học mà chúng ta không cần phải trả giá, đánh đổi quá nhiều. Những sai lầm, thất bại của người khác là bài học kinh nghiệm đáng giá đặt mình vào vị trí của họ để đưa ra cách giải quyết vấn đề hợp lý hơn. Nó sẽ giúp bạn ngăn ngừa những điều tương tự trong tương lai.

+ Việc chúng ta học kinh nghiệm của những người khác hơn là tự mình thử nghiệm tất cả là một quyết định đúng đắn. Nó sẽ rút ngắn thời gian học cần thiết và rút ngắn con đường dẫn đến thành công của bạn. Bạn luôn có thể tự học. Nhưng thời gian của bạn không phải là vô hạn.

- Học hỏi theo người khác không có nghĩa chúng ta đánh mất đi bản thân mình. Bạn quan sát cách sống, hành động của họ từ đó rút ra bài học cho mình. Đừng sao chép họ mà hãy học từ những kinh nghiệm của họ và biến những kinh nghiệm sống đó thành của mình.

* Phê phán:

- Trong cuộc sống nhiều người ích kỷ, ghen ghét đố kị, ít khi nhìn nhận một cách khách quan những thành công của người khác và công nhận nó, cố bới móc ra những sai lầm của người khác. Họ sẽ chẳng học hỏi được mấy từ những sai lầm của người khác, ngược lại, họ làm cho mình trượt dài trên sự thất bại của bản thân.

- Thực tế có nhiều bạn trẻ không chịu học hỏi, tự mãn, thấy phải học tập bạn bè, tự thân học tập, hay phải nâng cao kiến thức thì lập tức tìm cách trốn tránh. Không coi trọng việc tự học, thì không thể thành công.

* Bài học:

- Học hỏi chưa bao giờ là ngừng nghỉ và nhiều hình thức học khác nhau. Tại sao không học hỏi ngay từ những thành công của những người thành đạt? Học hỏi và tự làm mới mình đó mới chính là con đường dẫn đến thành công.

- Hãy nhớ, mỗi ngày trôi qua là mỗi ngày bạn đều học hỏi được cho riêng mình. Đừng bao giờ bỏ lỡ cơ hội để học một cái gì đó. Hãy cởi mở với tất cả những kinh nghiệm, bạn sẽ rút ra được một chút kiến thức mới.

- Bản thân:

+ Để bạn thật sự phát triển bản thân, bạn nên tiếp xúc và học hỏi với những người giỏi hơn mình. Học hỏi người giỏi hơn, sẽ khiến bạn có thêm động lực để phát triển bản thân khi thấy mình có phần thua kém.

+ Cần phải đọc nhiều sách báo, học tập trang bị những kiến thức cơ bản làm cơ sở có thể bổ sung và mở rộng tích luỹ và làm phong phú thêm vốn kiến thức của mình.

+ Học hỏi kinh nghiệm thành công của người khác để trau dồi kiến thức hoặc các kỹ năng. Liên tục học hỏi và cải thiện mình là cách để trưởng thành và tự tin hơn.

 Cuộc sống là một cuộc hành trình với những bài học thú vị. Hãy không ngừng học hỏi từ sách vở, từ trải nghiệm của người khác để tự hoàn thiện bản thân mỗi ngày. Hãy phát triển bản thân ở nhiều lĩnh vực, không ngừng học hỏi để tạo ra những thành công lớn hơn.

Khi ta yêu thương và biết cách yêu thương bản thân mình, ta sẽ sống có trách nhiệm và kỷ luật hơn.


 Đại dịch Covid cũng như những cuộc chiến tranh, nó mang đến khổ đau, bệnh tật nhưng qua đó, ta thấm thía hơn giá trị của lòng nhân ái. Có yêu thương, ta mới sống trách nhiệm, biết quan tâm người khác; có yêu thương, ta mới sống kỷ luật, hơn. Chỉ khi ta yêu thương, biết cách yêu thương bản thân mình, ta sẽ sống có trách nhiệm và kỷ luật hơn.

* Giải thích:

+ Yêu thương là tình yêu vô điều kiện, sự trân trọng và chấp nhận chính con người bạn. Bất kể bạn có làm gì, bạn vẫn yêu chính bản thân mình, thừa nhận sai lầm và tìm cách sửa chữa.

+ Biết cách yêu thương bản thân là yêu và trân trọng bản thân mình, tìm thấy sự thoải mái thật sự với chính con người mình, biết trân trọng cuộc sống của chính mình (không khắc nghiệt, hành hạ bản thân), tận hưởng cuộc sống theo hướng tích cực, vui vẻ (dành cho mình một sự hy vọng và cơ hội để thay đổi theo hướng tốt đẹp). Biết yêu bản thân, chúng ta sẽ biết cách yêu thương người khác.

+ Sống có trách nhiệm chính là làm tròn bổn phẩn, nghĩa vụ, chức trách đối với bản thân mình, với gia đình và xã hội. Hơn hết còn phải có trách nhiệm với những suy nghĩ, hành động và việc làm của bản thân mình.

+ Sống kỷ luật là lối sống khuôn khổ, nguyên tắc, tự giác áp dụng kỷ luật với bản thân, không bao giờ rời bỏ mục tiêu dù có khó khăn, trở ngại đến mấy

 => Biết yêu thương và biết cách yêu thương bản thân thì sắc màu cuộc sống mới trở nên rực rỡ thì tình cảm mới ngày thêm đậm sâu. Và quan trọng nhất yêu thương và biết cách yêu thương bản thân mình sẽ sống có trách nhiệm và kỷ luật dù gặp bất cứ khó khăn nào cũng sẽ vẫn luôn chiến thắng, vượt qua. hoàn thành tốt mọi việc

* Biểu hiện:

+ Hằng ngày ăn uống điều độ; biết sắp xếp làm việc, học tập hợp lí; sáng sớm chạy bộ tập thể dục hay cũng có thể dành thời gian đọc sách bồi đắp tâm hồn. Tất cả tuy đơn giản nhưng lại giúp ta thoát khỏi sự lười biếng vốn tiềm ẩn trong mỗi người để ngày càng sống kỷ luật hơn.

+ Dừng xe khi đèn đỏ, bỏ rác đúng nơi quy định hay đội mũ bảo hiểm khi chạy xe máy,… hay chỉ là tuân thủ, chấp hành quy định cộng đồng là thể hiện trách nhiệm với bản thân với cộng đồng.

=> Trách nhiệm và kỷ luật liên quan, bổ trợ cho nhau giúp chúng ta có gặt hái thành công trong những lĩnh vực mà chúng ta dấn thân vào. Và cũng nhờ vậy, ta sống tự tin, hạnh phúc, lạc quan hơn.

+ Trong tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, cùng với việc thực hiện nghiêm, quyết liệt các giải pháp ứng phó, ngăn chặn dịch thì ý thức và tinh thần trách nhiệm, sự tự giác… của mỗi cá nhân là yếu tố quan trọng trong việc phòng ngừa, và ngăn chặn dịch bệnh lan rộng.

=> Biết yêu bản thân mình, yêu thương nhau nhiều hơn, sống có trách nhiệm và kỷ luật hơn là cách để chúng ta cùng nhau vượt qua đại dịch.

* Phân tích:

+ “Tình yêu là đại dương và trái tim bạn là một bình nước. Hãy làm đầy bình nước của mình trước và tình yêu sẽ lan tỏa đến tất cả mọi người.” (Beau Taplin) Có những người dễ dàng yêu người khác, nhưng có những người thấy thật khó để trao đi yêu thương. Vì sao vậy? Bởi nếu bạn chưa yêu chính bản thân mình thì bạn chưa thể học được cách yêu người khác. Để có một cuộc sống hạnh phúc, tích cực và trọn vẹn, bạn cần nắm vững nghệ thuật yêu thương bản thân.

- Khi biết yêu bản thân, bạn chấp nhận những yếu điểm của mình và tha thứ cho quá khứ, khi đó, bạn mới bắt đầu cảm nhận tình yêu từ người khác dễ dàng hơn. Lúc bạn làm mọi thứ với tình yêu bản thân cũng là lúc bạn ngưng phán xét và trở nên đồng cảm hơn với mọi người.

+ Lòng nhân ái chính là đôi cánh thiên thần giúp con người thoát khỏi vực thẳm “vô cảm, ích kỉ” và đưa ta vào cuộc sống “trách nhiệm, kỷ luật”. Vậy nên, khi dang rộng vòng tay yêu thương, tự khắc bạn sẽ tuân thủ kỷ luật và sống trách nhiệm với bản thân, người thân, cộng đồng xã hội hơn.

- Sống trên đời không ai hoàn hảo, ai cũng có ưu khuyết điểm. Tuy nhiên khi mỗi cá nhân biết sống trách nhiệm và kỷ luật thì chúng ta sẽ tiệm cận hơn đến sự hoàn hảo? Chỉ những người có ý thức kỷ luật, biết sống trách nhiệm mới thật sự yêu bản thân để hằng ngày luôn yêu thương chăm sóc mình một cách phù hợp.

- Mỗi người tồn tại trong cuộc đời không chỉ là những cá thể độc lập mà còn là một tập thể, một cộng đồng, cho nên biết tuân theo kỷ luật cũng là cách ta thể hiện tình yêu thương, trách nhiệm đối với tập thể cộng đồng. Đây chẳng phải là cách ta yêu bản thân mình sao?

+ Nếu như hằng ngày, chúng ta chăm sóc bản thân bằng những việc làm điều độ thì giữa mùa dịch, ý thức kỷ luật, tinh thần trách nhiệm cần được nâng cao gấp bội. Điều đó không chỉ giúp cơ thể khỏe mạnh mà còn tăng cường sức đề kháng, chống lại bệnh tật. Cuộc sống chỉ thật sự hạnh phúc khi con người khỏe mạnh hay nói cách khác, chỉ khi con người có sức khỏe, chúng ta mới làm tốt công việc của mình mới cháy hết mình công việc đất nước.

- Dịch bệnh có thể đe dọa cả thế giới nhưng chắc chắn một ngày không xa sẽ thua cuộc trước tình yêu thương cũng như tinh thần trách nhiệm cao của cá nhân và cộng đồng. Biết yêu thương và biết cách yêu thương bản thân trong hoàn cảnh này cũng có nghĩa là ta biết yêu thương người thân, gia đình, cộng đồng hay nói cách khác chính là ta đang thể hiện tình yêu nước một cách sâu sắc. Vậy nên hơn lúc nào hết cần sống trách nhiệm và kỷ luật với bản thân, gia đình, xã hội.

+ Trách nhiệm là hoàn thành nhiệm vụ nhưng không có nghĩa là ta đè lên vai mình một gánh nặng to lớn; kỷ luật là tuân theo qui tắc nhưng không có nghĩa ta gò ép bản thân một cách thái quá. Sống trên cuộc đời, cái gì cũng có một giới hạn riêng nhưng khi ta vượt qua giới hạn của chính mình, có thể ta sẽ làm hại chính mình.

* Phê phán:

+ Tuy nhiên, yêu thương bản thân ích kỷ, hẹp hòi, chỉ lo đến quyền lợi cá nhân, thờ ơ vô cảm trước nỗi đau bất hạnh của người khác Đó là biểu hiện của lối sống ích kỷ, hẹp hòi..  khiến ta tâm hồn trở nên trống rỗng, cằn cỗi, xơ cứng.

+ Trách nhiệm và kỷ luật đóng vai trò quan trọng nên nếu ai thiếu ý thức, chắc chắn sẽ nhận những hậu quả không lường. Đời người chỉ sống có một lần, ta không có kỷ luật, không có trách nhiệm, vậy ta sống trên đời phải chăng chỉ là phần dư của xã hội? Nghiêm trọng hơn, thái độ vô cảm, thờ ơ, thiếu kỷ luật của một số cá nhân còn ảnh hưởng không nhỏ đến cộng đồng, đặc biệt là vào mùa dịch hiện nay.

* Bài học:

+ Lòng nhân ái là những gì cốt lõi và đáng quý nhất trên cuộc đời này. Tất cả rồi sẽ mất đi chỉ còn tình người với một tấm lòng biết yêu thương và những việc làm tử tế là mãi mãi. Yêu thương nếu không biết cách trao đi thì đâu thể nhận lại được phải không bạn? Hãy học cách yêu bản thân sẽ giúp mỗi người tạo nên một cuộc chuyển dịch lớn trong cách nhìn cuộc sống – cuộc chuyển dịch khiến chúng ta biết trân quý và chấp nhận con người thật của mình.

+ Mọi người chúng ta hãy thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh, nâng cao ý thức phòng, chống dịch, có những biện pháp bảo vệ phù hợp, kịp thời. Thực hiện nghiêm túc thông điệp 5K, với mục đích để giữ an toàn cho bản thân và cộng đồng. Chúng ta lắng nghe, chia sẻ và tiếp nối lan tỏa tình yêu thương, trách nhiệm, cùng nhau vượt qua đại dịch COVID-19

* Bài học bản thân:

+ Là một người trẻ chúng ta cần biết lễ phép, biết sẻ chia, biết quan tâm, biết yêu thương và luôn có trách nhiệm với những gì mình làm, với chính cuộc sống của mình; Hãy biết tự hào và hạnh phúc vì biết tự chủ trong suy nghĩ, trong lời nói và trong những việc mình làm; Biết chấp nhận thất bại và hơn hết biết nhận trách nhiệm , biết nhận lỗi và biết sửa lỗi; Hãy trung thực, tự trọng, chăm chỉ, tự lực, vượt khó và luôn cố gắng hoàn thiện bản thân.

+ Trong đại dịch hãy thể hiện tình thương của mình với tinh thần trách nhiệm, kỉ luật cao nhất. Đó có thể là những hành động nhỏ như đeo khẩu trang khi ra đường và đến chỗ đông, rửa tay sát khuẩn thường xuyên hay tự cách li khi có những triệu chứng như ho, cảm, sốt, đặc biệt là hạn chế đến chỗ đông người và chấp hạnh mọi pháp lệnh của nhà nước, chính phủ. Hằng ngày, phải ăn uống điều độ, tăng cường sức đề kháng bằng những thực phẩm dinh dưỡng như nước chanh sả, mật ong.

Yêu thương, kỷ luật, trách nhiệm liên quan mật thiết với nhau. Thiếu kỷ luật. trách nhiệm là tự đánh mất chính mình. Thiếu tình thương, cuộc sống trở nên vô vị. Vì vậy, đừng bao giờ sống thiếu kỷ luật, trách nhiệm hay tình thương! Hãy biến yêu thương thành hành động thiết thực cho những người mà ta yêu. Vì thế, đừng ngại trao nhiều yêu thương cho chính mình và mọi người xung quanh bạn nhé!

Phải chăng niềm tin cho ta sức mạnh để thực hiện mọi điều dù khó khăn nhất?


 Vũ khí mạnh nhất mà con người có được liệu có phải là súng đạn, xe tăng, máy bay chiến đấu hay bom nguyên tử? Không! Vũ khí tối thượng của con người đó là trí tuệ, mà thứ có sức mạnh khủng khiếp nhất là niềm tin! Mỗi người cần phải có niềm tin trong cuộc sống để vượt qua những khó khăn và thử thách đang giăng lấp. Phải chăng niềm tin cho ta sức mạnh để thực hiện mọi điều dù khó khăn nhất?

* Giải thích:

Niềm tin là sự tin tưởng, tín nghiệm vào một điều gì đó, nơi bản thân hoặc người khác. Đôi khi, niềm tin đơn giản chỉ là bạn tin vào những gì người khác nói, những điều họ làm, mà mình nghĩ là đúng và đáng tin tưởng. Mỗi người đều có thế giới quan và cách nhìn nhận của riêng mình, niềm tin chính là sức mạnh đến từ bản thân của mỗi người. Niềm tin thực sự sẽ đưa con người từ vực thẳm tối tăm tiến lên phía trước. Đồng thời nó cũng có thể cứu họ từ gục ngã mà vươn lên trong những khó khăn. Bạn có thể mất tất cả nhưng đừng đánh mất niềm tin, vì niềm tin có thể giúp bạn lấy lại được tất cả những gì mà mình đã mất.

* Biểu hiện:

Niềm tin có thể giúp chúng ta thực hiện được những điều tưởng chừng như không thể. Chẳng phải nhà bác học lừng danh Edison cũng phải trải qua hơn 10.000 thất bại để phát minh thành công bóng đèn đấy sao. Nếu không có niềm tin vào bản thân, liệu Edison có đủ kiên trì để thực hiện cả nghìn thí nghiệm hay không? Hay như sự nghiệp đấu tranh, giành độc lập dân tộc ở Việt Nam, nếu thiếu đi niềm tin và sự đoàn kết, liệu một dân tộc nhỏ bé như vậy có chiến thắng được những đế quốc sừng sỏ như Pháp và Mĩ hay không?

* Phân tích:

Niềm tin là nguồn sức mạnh to lớn giúp con người vượt qua nghịch cảnh để khẳng định bản thân, hướng đến những điều tốt đẹp. Khi có niềm tin, con người sẽ mạnh mẽ đối mặt với khó khăn, mạnh dạn thực hiện những ước mơ, dự định tốt đẹp. Niềm tin như ngọn đèn soi sáng đưa chúng ra ra khỏi bóng tối của sợ hãi, thất bại để hướng đến ánh sáng của thành công, hạnh phúc. Niềm tin giúp mình có thêm sự can đảm để làm những điều mình cho là đúng đắn.Niềm tin giúp cho tâm trạng con người tràn đầy sức sống, làm cho chúng ta cảm thấy mạnh mẽ hẳn lên. Khi chúng ta có niềm tin, chúng ta sẽ lạc quan trong mọi hoàn cảnh, không ngừng kì vọng vào những điều tốt đẹp trong tương lai. Niềm tin khơi dậy những năng lực phong phú nhất ẩn sâu trong mỗi người, tạo ra và định hướng giúp cho những nguồn năng lực ấy giúp chúng ta đạt được mục tiêu. Khi con người có niềm tin là khi con người ý thức được giá trị và khả năng của bản thân. Và khi có niềm tin, con người sẽ huy động được toàn bộ sự cố gắng, trí tuệ và năng lực của bản thân vào thực hiện một kế hoạch, dự định nào đó. Niềm tin là nguồn năng lượng mạnh mẽ nhất trong việc tạo ra những điều tốt đẹp trong cuộc sống.

Niềm tin là cả một quá trình thấu hiểu, chia sẻ, cảm thông từ đó mới sinh ra. Niềm tin được xây dựng bằng những chia sẻ chân thành, bằng tình yêu thương và sự hiểu biết. Niềm tin không chỉ cần được thắp sáng trong tâm hồn mỗi con người mà còn cần được gửi gắm nơi người khác. Niềm tin giúp gắn kết giữa con người với con người, không chỉ tạo ra những mối quan hệ tốt đẹp mà còn hình thành nguồn sức mạnh tinh thần to lớn. Trong những năm tháng kháng chiến, nhờ sự tin tưởng tuyệt đối với Đảng và Bác Hồ, nhân dân ta đã cùng nhau vượt qua bao bão táp lịch sử để tạo nên chiến thắng lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu.

Tuy nhiên cũng cần phân biệt niềm tin và tự phụ, tin tưởng vào bản thân không có nghĩa là tin tưởng, đề cao bản thân một cách mù quáng, cực đoan, luôn cho rằng mình đúng mà coi thường suy nghĩ, ý kiến của người khác. Hay sống không niềm tin khiến chúng ta trở nên hoài nghi, vô cảm và sống trong sự bất an,lo lắng. Không có niềm tin, chúng ta sẽ bị giảm sút ý chí vươn lên, đánh mất ý nghĩa cuộc sống của chính bản thân mình. Điều đó có thể hủy hoại cuộc sống của ta.

* Phê phán:

Trong thực tế vẫn còn những con người vừa bị khó khăn đe dọa đã vội gục ngã, chịu thua, không biết tự lập, tự tìm ra cho mình một chính kiến riêng trong cuộc sống. Còn đó là những con người có lối sống tự ti, quên đi năng lực của bản thân, trở thành một người nhút nhát, e sợ. Họ hoàn toàn đánh mất cơ hội tỏa sáng để thành công.

* Bài học:

Một niềm tin mãnh liệt có thể giúp con người ta làm được những việc tưởng như bất khả thi nhất. Vì vậy đừng bao giờ đánh mất đi niềm tin của bản thân. Hãy tin rằng mình có thể làm được điều mình tin và điều đó thực sự quan trọng. Hãy hành động với một niềm tin, chắc chắn bạn sẽ đạt được điều mình muốn và cuộc sống của bạn tốt đẹp hơn.

* Bài học bản thân:

Các bạn học sinh hãy ươm mầm cho niềm tin bằng lí trí sáng suốt và sự lạc quan tích cực. Hãy sống lạc quan, yêu đời, luôn tin tưởng vào những điều tốt đẹp của cuộc sống và tin tưởng vào chính bản thân mình. Cố gắng rèn luyện đạo đức, nhân cách tốt, việc học phải đi đôi với hành, dám nghĩ, dám làm, tự tin trong giao tiếp. Không ngừng cảm nhận, thay đổi bản thân và thực hiện ước mơ bằng niềm tin mãnh liệt nhất.

Niềm tin là ánh sáng dẫn đường để con người vượt qua mọi chông gai để bước lên bục vinh quang của thành công, hạnh phúc. Bao nhiêu khó khăn, bao nhiêu vấp ngã sẽ ở phía sau lưng bạn nếu như bạn có được niềm tin và duy trì những khát vọng trong cuộc sống.

Hạnh phúc thuộc về những người dám ước mơ và biết cách biến mơ ước thành sự thật.


 Thành công không dễ có được, nếu bạn không dám mơ ước, không chấp nhận đương đầu với khó khăn, thử thách. Chỉ khi bạn ý thức được sống phải có ước mơ thì việc đạt hay không không quan trọng, vì trong quá trình phấn đấu đạt ước mơ ấy, bạn sẽ phải sử dụng hết năng lực của mình và vượt qua những vấp ngã trong cuộc sống và bạn sẽ cảm nhận niềm vui của việc sống với ước mơ. Hạnh phúc thuộc về những người dám ước mơ và biết cách biến mơ ước thành sự thật.

* Giải thích

- Hạnh phúc đơn giản là cảm giác sung sướng, vui vẻ, thanh thản khi ta đạt được hoặc thỏa mãn điều mà ta mong muốn. Hạnh phúc có thể là đơn giản nhưng cũng có thể là lớn lao.

- Ước mơ là những điều tốt đẹp mà mỗi người khát khao mong muốn. Ước mơ thôi chưa đủ mà phải hành động vì những ước mơ ấy! Chỉ có “chủ động ước mơ” thì ước mơ mới trở thành hiện thực. Từ ước mơ đến hiện thực là con đường dài, thậm chí rất dài để thử thách lòng kiên nhẫn của con người.

- Những người dám ước mơ và biết cách biến mơ ước thành sự thật: là những người chủ động hành động bằng nỗ lực, phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, thử thách, phải bỏ sức lực, trí tuệ, phải đổ mồ hôi, nước mắt để có thể biến ước mơ thành hiện thực

=> Hạnh phúc là điều mà ai cũng mong muốn. Bạn chính là người sẽ tạo cơ hội và biến ước mơ thành hiện thực để bản thân mình hạnh phúc. Đừng ngồi yên và trông chờ ai đó sẽ đem hạnh phúc đến cho bạn. Hãy tự hỏi mình có dám sống vì ước mơ, khát vọng hay không?

* Biểu hiện

- Ước mơ có thể là những nhu cầu bình thường trong sinh hoạt hằng ngày. Nhưng nó cũng chính là kế hoạch lâu dài, những khát khao hướng thượng cho chính bản thân mình.

- Khi nhìn vào thành công của ca sĩ Sơn Tùng M-TP, họa sĩ vẽ tranh bằng miệng Lê Minh Châu hay các ngôi sao thể thao…bạn sẽ chỉ nhìn thấy thứ mà họ đạt được mà không biết được rằng trên con đường tìm đến thành công, họ đã phải trải qua nhiều chông gai, sống hết mình vì khát khao, đam mê như thế nào.

* Phân tích

- Ước mơ là điểm xuất phát quan trọng hay là cơ sở để mỗi cá nhân, tổ chức vươn mình bay cao. Thành công bắt đầu từ suy nghĩ "dám ước mơ". Chúng ta dám ước mơ, dám nghĩ khác và vượt khỏi những hạn hẹp của hoàn cảnh sống để thực hiện cho bằng được khát vọng của mình. Hạnh phúc của người sống có ước mơ là họ luôn có ước mơ để sống. Họ luôn tạo ra những điều tốt đẹp cho xã hội, cho mọi người và cho bản thân mình.

- Nhưng ước mơ cũng chỉ là ước mơ nếu nó không đi kèm với niềm tin ý chí và nỗ lực vượt khó cùng  sự chuẩn bị cần thiết để thực hiện ước mơ đó.  Bạn phải mạnh mẽ đối diện với những thách thức trong cuộc sống, xác định năng lực thực sự của bản thân để vượt qua. Khao khát chinh phục ước mơ là động lực mạnh mẽ giúp bạn nhanh chóng thành công. Tất cả những gì bạn đạt được sau quá trình cố gắng dài hơi quả thực rất đáng trân trọng.

- Con đường dẫn tới ước mơ cũng vô cùng khó khăn, không phải lúc nào cũng dễ dàng đạt được. Nếu nổ lực để thực hiện được ước mơ của mình nhưng cái đích đến cuối cùng lại không như mong đợi. Nếu tiến trình thực hiện ước mơ của chúng ta bị thất bại đi chăng nữa, thì chúng ta cũng hạnh phúc vì tự mình đã bước những bước đi phiêu lưu và trãi nghiệm cuộc đời trong tiến trình của đời sống. Không có một lý do gì để buồn rầu về sự thất bại cả.

- Cuộc sống chỉ thật sự có ý nghĩa khi bạn luôn tiến về phía trước, nếu bằng lòng với thành công mà dừng lại đồng nghĩa với việc bạn sẽ thất bại. Chúng ta cần dũng cảm đối mặt với sự đau khổ và những nỗi buồn. Dù bất kỳ điều gì xảy ra, chúng ta phải vững bước trong cuộc sống và luôn luôn hướng đến lý tưởng và mơ ước của mình. Chúng ta có thể sống vui vẻ, có ý nghĩa và mục đích, khi thực hiện được ước mơ của mình con người cảm thấy được thành quả của quá trình nỗ lực cố gắng.

- Mỗi người đều có những mơ ước, hoài bão riêng nhưng nếu bạn muốn thành công, ước mơ không nên xa rời thực tế, phải phù hợp với khả năng của mình. Suy nghĩ sáng suốt sẽ chỉ đường cho hành động, nếu cứ mãi ước mơ mà không hành động thì bạn cũng chỉ mãi dậm chân tại chỗ. Nếu không bằng lòng với hiện tại, bạn vẫn cứ tiếp tục cố gắng vì một tương lai tốt đẹp hơn.

* Phê phán

- Trong xã hội ngày nay, có rất nhiều bạn trẻ đang ngày đêm theo đuổi ước mơ và nỗ lực hết sức để ước mơ trở thành hiện thực- Tuy nhiên, vẫn còn những bạn trẻ sống không có ước mơ, không hiểu mình muốn gì và không có ý chí phấn đấu, sống buông bỏ đời mình theo số phận muốn tới đâu thì tới.

- Một bộ phận giới trẻ có những suy nghĩ lệch lạc, sống ỷ lại, thụ động, phụ thuộc vào gia đình.

- Một số khác thì theo đuổi những ước mơ quá xa vời, thiếu thực tế.

- Một số lại sống bằng lòng với thực tại, ngại khó, ngại khổ, không dám theo đuổi ước mơ.

* Bài học

- Một ước mơ dù lớn hay nhỏ, được ấp ủ, nuôi dưỡng và hiện thực hoá là cả một quá trình với ý chí tự thân và những bước đi khoa học. Vậy nên tuổi trẻ cần phải học cách ước mơ sao cho phù hợp và thiết thực, để chúng ta thực hiện ước mơ của mình trở thành hiện thực, chứ không phải ước mơ chỉ là mơ ước.

-  Phải tìm cho mình một hoài bão, đam mê và tự đặt câu hỏi liệu mình có dám đánh đổi tất cả để hoàn thành được ước nguyện đó hay không? Hãy bắt đầu từ những việc nhỏ, từng bước hướng đến mục tiêu đã xác định, dũng cảm với sự lựa chọn của mình.

- Càng khó khăn, chúng ta càng phải thể hiện bản lĩnh của mình, suy nghĩ tiêu cực chỉ khiến bạn chùn bước mà thôi. Tinh thần lạc quan, ý nghĩ tươi sáng là sức mạnh giúp bạn đạt được mục tiêu của mình.

* Bản thân

- Chỉ có đam mê thực sự mới là động lực giúp chúng ta vượt qua tất cả. Dành thời gian,ngẫm và nghĩ xa hơn một tí,về ước mơ của mình và quyết tâm thực hiện nó.

- Muốn làm được điều đó, mỗi chúng ta cần tự trang bị cho mình kiến thức thực tiễn và nền tảng giáo dục vững chắc.

- Phải biết kiên trì, nhẫn nại và nỗ lực hết mình. Một tương lai tốt đẹp là điều mà ai cũng muốn, nhưng chịu vất vả để đạt được nó thì đòi hỏi bản lĩnh của mỗi người.

Mỗi người chỉ có một thời tuổi trẻ. Nếu thật sự có hoài bão, nếu thật sự muốn vươn tới ước mơ, cần chuẩn bị thật kỹ hành trang cho mình. Cuộc đời của chính mình là do mình nắm giữ. Dù đánh mất tất cả cũng đừng bao giờ đánh mất niềm tin vào cuộc sống. Dù người khác có cho rằng những ước mơ, những hoài bão và mục tiêu của chúng ta là vớ vẫn thì chúng ta cũng đừng bao giờ từ bỏ.