Nguyễn Du là bậc thầy ngôn từ của thơ ca Việt Nam, là
ngòi bút thiên tài trong việc sử dụng nghệ thuật tả cảnh ngụ tình để nói lên
tâm trạng con người,đưa tâm hồn con người hòa vào cảnh vật. Nhưng cũng đồng thời
lấy hình ảnh con người soi dọi tâm hồn tạo nên sự kết hợp hài hòa giữa hai chiều.
Vì vậy, mà trong suốt truyện Kiều, mỗi bước chân của Kiều đều được gắn với
hình ảnh của thiên nhiên. Trong truyện Kiều nghệ thuật tả cảnh ngụ tình thật
muôn hình vạn trạng, mỗi một bức tranh thiên nhiên lại gắn với một tâm trạng của
con người, soi dọi con người, giúp cho nhân vật gửi gắm tâm trạng của mình. Nghệ
thuật ấy đã vẽ nên những bức tranh tả cảnh ngụ tình đạt đến tuyệt bút. Người đọc
không thể quên được bức tranh hòa quyện tình cảnh trong đoạn “Kiều ở Lầu Ngưng
Bích”.Nhất là bức tranh cảnh tình ở 6 câu đầu và 8 câu cuối đoạn
trích.
Đoạn trích "Kiều ở lầu Ngưng Bích" là sự kết hợp,
giao hoà của hai yếu tố cảnh vật và tâm trạng. Hay nói cách khác đó là đỉnh cao
của nghệ thuật tả cảnh ngụ tình- một bức tranh tả cảnh ngụ tình đạt đến tuyệt
bút. Cảnh không chỉ là bức tranh tâm trạng mà còn là nơi con người có thể giãi
bày tâm trạng của mình, trong tình có cảnh, trong cảnh có tình. Đúng như
Nguyễn Du từng bày tỏ :
“Cảnh nào cảnh chẳng
đeo sầu
Người buồn cảnh có vui
đâu bao giờ.”
Trước hết, Nguyễn Du diễn tả nỗi cô đơn của Kiều khi bị
giam tại lầu Ngưng Bích. Câu thơ :
“ Trước lầu ngưng bích
khóa xuân”
Vẻ non xa, tấm trăng gần
ở chung.”
đã đưa người đọc vào không gian tù hãm nên cảnh vật do
đó cũng nhuốm màu tâm trạng.Kiều bị giam lỏng ở lầu Ngưng Bích, hai chữ
"khóa xuân" đã nói lên điều đó. Chữ khóa xuân lấy từ điểm tích Chu Du
bị gió đông cản việc phóng hỏa đốt trại Xích Bích, nên Đổng Tước không bị cháy,
nhưng chính vì đó đã khóa chặt tuổi xuân hai chị em Đại Kiều và Tiểu Kiều:
“ Đông phong bất dữ chu
lang tiện
Đổng tước xuân tâm tỏa
nhị Kiều”
Qua đó chúng ta nhận thấy đó là không gian tù hãm. Khung
cảnh thiên nhiên ở đây được vẽ ra bằng khung cảnh nội tâm nhân vật. Cảnh vắng lặng,
tuyệt đối không có một chút âm thanh, một bóng người như càng được cô lập Kiều
trong sự cô đơn đến rợp người. Bởi vậy,
dù có cả "vẻ non xa" lẫn "tấm trăng gần" nhưng cảnh vật ấy
chẳng thể nào gợi lên một chút tươi vui hay ấm áp. Nhà thơ đã dùng hai chữ
"ở chung" thật khéo. Kiều trông thấy tất cả những thứ đó nhưng với
nàng, chúng chẳng khác gì nhau và càng không có gì đặc biệt. Hai yếu tố trái
ngược non xa, trăng gần tưởng như phi lí nhưng thực ra đã diễn tả rất chính xác
sự trống trải của cảnh vật qua con mắt của Kiều. Khung cảnh "bốn bề bát
ngát" chỉ càng khiến cho lòng người thêm gợi nhớ:
“Bốn bề bát
ngát xa trông
Cát vàng cồn nọ, bụi
hồng dặm kia.”
Có thể hình
dung rất rõ một không gian mênh mang đang trải rộng ra trước mắt Kiều. Một người
bình thường đứng trước không gian ấy cũng khó ngăn được nỗi buồn. Với Kiều,
không gian rộng rãi, trống trải ấy chỉ càng khiến nàng suy nghĩ về cuộc đời
mình:
“Bẽ bàng mây sớm đèn khuya
Nửa tình nửa cảnh như chia tấm lòng.”
Đó là một khung cảnh thiên nhiên rộng mênh mông, vắng lặng
không một bóng người. Cái vắng lặng của thiên nhiên và cái mênh mông của đất trời
đã khắc sâu vào trong lòng người cảm giác cô đơn. Trong tâm hồn Thúy Kiều và dồn
tới lớp lớp những nỗi niềm chua xót đau thương. Chỉ sáu câu thơ, bằng nét bút
chấm phá tài hoa, bức tranh thiên nhiên luôn làm nền cho hoạt động nội tâm của
Kiều. Cảnh tình như hòa hợp làm một: cảnh buồn, tình buồn, ngổn ngang tâm trạng
buồn tủi, cô đơn của Kiều thể hiện sâu lắng. Qua đó chúng ta thấy được sự thành
công của Nguyễn Du trong việc sử dụng bút pháp tả cảnh ngụ tình.
Từ những nỗi niềm buồn thương người yêu và cha
mẹ, Nguyễn Du đã khéo léo tô thêm màu xám trên ánh nhìn xa xăm của
Kiều, đẩy sầu não lên thành đỉnh điểm, qua tám câu khép lại đoạn
trích:
Buồn trông cửa bể chiều
hôm
Thuyền ai thấp thoáng
cánh buồm xa xa.
Buồn trông ngọn nước mới
sa
Hoa trôi man mác biết
là về đâu?
Buồn trong nội cỏ rầu rầu
Chân mây mặt đất một
màu xanh xanh.
Buồn trông gió cuốn mặt
duềnh
Ầm ầm tiếng sóng kêu
quanh ghế ngồi.
Nhà thơ đã dựng lên một
bức tranh tâm trạng đầy xúc động của Thúy Kiều qua nhiều cung bậc khác nhau. Một
mình giữa không gian mênh mông, Kiều thấy bơ vơ quá! Cảnh vật rợn ngợp bị xé lẻ,
chia cắt đẩy nỗi cô đơn của Kiều lên đến đỉnh điểm. Cảnh vật đó được nhìn qua
tâm trạng đau đớn, ê chề của nàng. Trong hoàn cảnh cô đơn tội nghiệp đó, nỗi nhớ
nhà lại cồn cào mạnh mẽ.
“Buồn trông cửa bể chiều
hôm
Thuyền ai thấp thoáng
cánh buồm xa xa.”
Nhà thơ đã lấy khung cảnh thiên nhiên để làm nền sự vận
động nội tâm của nhân vật trữ tình. Tất cả đều trở nên hoang sơ: “ Cửa bể chiều
hôm” - thời điểm quen thuộc của nghệ thuật, của những lưu luyến khó
tả. Đó là những hình ảnh những tia nắng leo lắt cuối ngày phản chiếu
lên mặt biển xanh thẳm rồi lan ngay ra không gian xung quanh, khiến mọi
thứ nhuốm màu sẫm tối, có cái gì như niềm lưu luyến tha thiết của
Kiều về ngày tháng êm đềm xưa kia. Con thuyền và những cánh buồm đều ở rất xa, thoắt
ẩn thoắt hiện trong ánh hoàng hôn trĩu buồn, như niềm hy vọng của
nàng chỉ là những chấm nhỏ ngoài khơi xa mịt mờ, những từ thấp
thoáng, xa xa càng khiến hy vọng nhạt nhòa.
Kiều đang đứng
trước biển nhìn về phương trời xa với một nỗi khao khát. “Buồn trông...” âm điệu
lời thơ sao mà buồn và có cái gì thật rã rời! Nỗi buồn ấy như nhân lên khi Kiều
nhìn cánh hoa trôi nổi, bập bềnh.Cánh hoa trôi man mác trên ngọn nước mới sa gợi
trong lòng Kiều nỗi buồn về thân phận trôi nổi, không biết rồi sẽ bị trôi dạt,
bị vùi dập ra sao:
"Buồn
trông ngọn nước mới xa
Hoa trôi
man mác biết là về đâu!"
Cánh hoa mỏng manh dập dìu trước ngọn nước từ
trên cao đổ xuống. Thử hỏi, cánh hoa mỏng manh ấy làm sao chịu nổi
sức nước tràn? Cũng giống như Kiều, một người con gái nhỏ bé, yếu ớt nhưng bị
cuộc đời xô đẩy. Nhìn cảnh vật mà Kiều xót xa cho duyên phận, số kiếp của mình.
Nhìn cánh hoa lang thang trôi dạt, nàng càng buồn hơn cho thân phận của mình
cũng bèo bọt lênh đênh, vô định, nhỏ nhoi và tội nghiệp không có nơi để về ? Một
mình lạc lõng giữa chốn đất khách quê người, không biết đâu là quê nhà - nơi những người thân ngày ngày ngóng trong,
chờ đợi mình. Hình ảnh “hoa trôi man mác” gợi lên một nỗi buồn đau sao mà xót
xa thế! Buồn cho đoá hoa xa cành, lìa cội trôi nổi bị sóng nước vùi dập. Buồn
cho thân phận Kiều cũng đang bị dòng nước giữ xô đẩy, không biết là đến đâu, về
đâu. Hoa lìa cành, hoa sẽ héo, sẽ tàn. Cuộc đời Kiều giờ đây cũng vậy, héo hắt
và tàn tạ.
Sau hình ảnh một cửa biển, một cách hoa giữa dòng nước
là cảnh của một nội cỏ, nhưng là nội cỏ dầu dầu:
"Buồn trông nội
cỏ dầu dầu
Chân mây mặt đất
một màu xanh xanh".
Xung quanh nàng, thiên nhiên, cảnh vật nhuốm màu tâm trạng
– một tâm trạng đau buồn, thương tiếc cho tuổi thanh xuân tàn úa. Bãi cỏ
không còn mang màu xanh tươi như tiết thanh minh tháng ba mà nó “rầu rầu”
gợi cho ta sự tàn úa đến thảm thương. Xanh trời nối tiếp xanh đất
nhưng xanh nào cũng là màu xanh tàn úa, héo hắt. Màu xanh tàn héo
ấy khiến cho bức tranh trở nên ảm đạm. Kiều nhìn vào màu xanh mong tìm
kiếm chút hy vọng nhỏ nhoi, nhưng càng hy vọng thì càng thất vọng. Kiều lại
rơi vào nỗi thất vọng ngập tràn. Cảnh buồn hay vì người buồn nên
cảnh mới buồn. Cuộc sống vô vị, thê lương của nàng bây giờ không biết sẽ
kéo dài triền miên đến khi nào. Cuộc đời của nàng giờ đây không có chút sức sống nào cả. Vẫn âm điệu thơ thật buồn
bởi vần bằng dàn trải, tạo cho ta cảm giác được cái nhìn đã lấp đầy mệt mỏi,
chán chường của nàng Kiều trước cảnh vật mênh mông.
Cảnh vật đưa nàng vào suy nghĩ dằn vặt và đau xót
hơn:
”Buồn trông gió
cuốn mặt duềnh,
Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi.”
Trong lúc tuyệt vọng nhất, Kiều thấy mình dường
như chao đảo. Âm điệu lời thơ trở nên dữ dội với những từ ngữ gợi âm thanh: “ầm
ầm”, “kêu”. Từng ngọn gió mạnh thổi sóng vỗ ầm ầm. Cảnh vật dường như
cũng đang nhuốm màu hưu quạnh, mang tâm trạng của Kiều, mặt biển dậy sóng,
lòng Kiều cũng dậy sóng. Hình ảnh những đợt sóng cuộn trào, dâng lên, xô đẩy
cùng với tiếng gào thét của gió, của sóng vang lên thật hãi hùng. Những đợt
sóng dữ dội như dự báo trước điều bất an, như cảnh báo một tương lai
bão táp đang chờ Kiều trước mắt. Người con gái tài sắc trong hoàn
cảnh đó đã hoảng loạn vô cùng. Thấy “gió cuốn mặt duềnh”, nghe “tiếng
sóng kêu”, Kiều cảm thấy sợ hãi vô cùng. Nàng cảm nhận tất cả như sụp đổ, một
điều gì đó sắp ập xuống thật khủng khiếp, tai họa rình rập khắp nơi. Kiều chới
với như rơi xuống vực thẳm. Những âm thanh dữ dội, ghê sợ như mách bảo chặng đường
tiếp theo của nàng Kiều sẽ tràn đầy chông gai, khó khăn.
Toàn bộ tám câu
thơ kết thành một bức tranh thiên nhiên toàn cảnh với mặt biển, chân mây, cánh
hoa, nội cỏ, sóng gào, gió cuốn vừa buồn thảm, vừa ghê sợ. Bức tranh thiên
nhiên ấy đồng thời mang tâm trạng và hoàn cảnh cô đơn, tâm trạng hãi hùng trước
tương lai mờ mịt. Đoạn thơ nói lên hiện tại lẻ loi, đơn độc và báo hiệu ngày
mai đầy khủng khiếp của nàng. Qua đó, chúng ta thấy được ngòi bút điêu luyện của
Nguyễn Du trong việc sử dụng hình ảnh thiên nhiên để nói lên tâm trạng của Thúy
Kiều thật đúng với lời khen ngợi: “như máu chảy ở đầu ngọn bút và thấu nghìn đời”.
Nghệ thuật tả cảnh với những chi tiết được chọn lọc kỹ
càng, chấm phá. Nghệ thuật miêu tả tâm trạng con người khéo léo, sâu sắc, tả cảnh
ngụ tình tinh tế, tài tình. Đoạn trích “Kiều ở Lầu Ngưng Bích”thể hiện ngòi bút
tài năng của nhà thơ Nguyễn Du, một thiên tài đỉnh cao nghệ thuật. Tác giả đã để
thiên nhiên nói hộ tâm trạng của con người.
Những câu thơ lục bát tinh tế, sắc sảo đã trải qua bao
năm tháng vẫn làm say đắm lòng người. Nguyễn Du không chỉ tài tình khi chọn được
âm điệu thơ, lựa được những từ ngữ và hình ảnh phù hợp với tâm trạng nhân vật,
nhà thơ còn thông cảm sâu sắc với tâm trạng, hoàn cảnh của Kiều và yêu thương
nàng biết bao. Dường như ta nghe được cả sự đồng cảm lẫn tiếng lòng âm vang của
Nguyễn Du đối với một thiếu nữ tài sắc vẹn
toàn nhưng bất hạnh từ những câu thơ ấy:Tố Như ơi lệ chảy quanh thân Kiều.