Đề.
Hãy chọn phân tích một đoạn
thơ hay một nhân vật truyện giúp em cảm nhận được Vẻ đẹp lối sống nghĩa
tình
của người Việt Nam. Trình bày những tác động của đoạn thơ hay nhân vật truyện đó đối với
bản thân em.
Bài
làm
"Mỗi khi lòng ta xao xuyến rung rinh
Môi ta thầm kêu Bác: Hồ Chí Minh!" ( Sáng tháng năm - Tố Hữu
)
Bác Hồ - tiếng gọi trìu mến trên môi mọi người, tiếng gọi thân
thương đã hoà vào dòng máu của những người con đất Việt. Người là nguồn cảm hứng
bất tận trong làng văn học nước nhà, "tên Người là cả một niềm thơ".
Mỗi thi phẩm viết về Bác tựa như một ô cửa mở ra cảm xúc dạt dào, lòng kính yêu
cùng niềm rung động khôn nguôi. Bài thơ Viếng lăng Bác là một nén
hương thơm mà Viễn Phương dâng lên Bác Hồ kính yêu. Nhà thơ đã chấp bút viết
nên một "Viếng lăng Bác" với hết thảy những tình cảm kính trọng, yêu
quý và niềm thương nhớ dành cho người cha già của dân tộc. Ta có thể cảm nhận
rõ ràng được vẻ
đẹp lối sống nghĩa tình của người Việt Nam qua tấm lòng thành kính và biết ơn
vô hạn của nhà thơ cũng như đồng bào miền Nam đối với vị lãnh tụ vĩ đại, người
cha già kính yêu của dân tộc trong cấc
câu thơ sau:
Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác
Đã thấy trong sương hàng tre bát ngát
Ôi! Hàng tre xanh xanh Việt Nam
Bão táp mưa sa, đứng thẳng hàng.
Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng
Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ
Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ
Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân...
Bác Hồ là người có công rất lớn đối với đất nước và con người Việt
Nam. Sự ra đi của Bác để lại niềm tiếc thương chung cho toàn nhân loại. Bao năm
trời kể từ lúc Bác ra đi, đồng bào ta vẫn luôn nhớ về Bác với những tình cảm
chân thành nhất. Để bày tỏ tình yêu thương với người, nhà thơ Viễn Phương đã
sáng tác bài thơ Viếng lăng Bác nhân chuyến ra Hà Nội thăm lăng của Người. Cả
bài thơ chứa đựng bao nỗi niềm đau xót, sự xúc cảm chân thành dành cho vị Cha
già của dân tộc của một người con nơi phương xa được trở về thăm.
Mang theo lòng tiếc thương vô hạn của cả dân tộc đối với Bác, nhà
thơ đang thực hiện cuộc hành hương của mình sau bao năm chờ đợi được trở về bên
người cha già kính yêu:
Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác
Đã thấy trong sương hàng tre bát ngát
Ôi! Hàng tre xanh xanh Việt Nam
Bão táp mưa sa, đứng thẳng hàng.
Nhà thơ đã khéo léo giới thiệu được vị trí không gian quãng đường từ
miền Nam xa xôi ra viếng lăng Bác:
Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác
Tiếng “con” cất lên thật gần gũi, thân thương. Đó là cách xưng hô rất
mật thiết của người dân Nam Bộ, đã bộc lộ sâu sắc lòng ngậm ngùi thương nhớ của
nhà thơ của đồng bào miền Nam đối với Bác. Tình cảm giữa miền Nam và Bác Hồ
luôn luôn là tình cảm ruột thịt “Bác nhớ miền Nam nỗi nhớ nhà” (Tố Hữu)
và tình cảm của miền Nam đối với Bác cũng là tình cảm nhớ mong da diết “Miền
Nam mong Bác nỗi mong cha” (Tố Hữu). Tự đáy lòng của người con đến thăm
cha, Viễn Phương nói với Bác: Con ở miền Nam…. Câu thơ giản dị nhưng bao
hàm một ý nghĩa lớn. Trong tim Bác và trong tim miền Bắc, Miền Nam luôn luôn là
nỗi đau chia cắt, nỗi nhớ thương, là niềm tự hào, là biểu tượng anh hùng, bất
khuất, dũng cảm, kiên cường, là thành đồng Tổ Quốc… Giờ đây con mang theo cả niềm
tự hào đó của đồng bào miền Nam đến với Bác nói rằng “Con ở miền Nam” – nơi vừa
được giải phóng, vừa giành thắng lợi vẻ vang – đến đây để nói với cha rằng:
“Con cảm ơn cha”. Hơn thế nữa, trong câu thơ này, ta còn nhận thấy một sự khác
thường. Bác Hồ đã vĩnh viễn đi xa, thế nhưng tác giả không dùng từ “viếng”
mà lại dùng từ “thăm”, bởi với nhà thơ Viễn Phương, Bác Hồ vẫn mãi sống
trong trái tim, trong nỗi nhớ mỗi người dân Việt Nam. Đây hẳn là lí do mà tác
giả sử dụng từ "thăm", một cách nói giảm nói tránh đầy tinh tế. Chuyến
thăm từ mảnh đất "đi trước về sau", chịu bao nỗi đau chia cắt dưới
gót giày của kẻ xâm lấn. Mang theo cả trái tim miền Nam đang từng ngày mong mỏi,
thiết tha hướng về Bác Hồ, mang theo nỗi niềm của một người con dành cho cha.
Trong niềm vui, niềm hân hoan, rạo rực vì được viếng lăng Bác đang
dào dạt dâng lên, nhà thơ xúc động ngắm nhìn quang cảnh trước lăng Bác:
Đã thấy trong sương hàng tre bát ngát
Ôi hàng tre xanh xanh Việt Nam
Bão táp, mưa sa, đứng thẳng hàng.
Hàng tre bát ngát cuốn hút cảm xúc của nhà thơ. Hiện lên trong
sương khói quảng trường Ba Đình lịch sử là hình ảnh hàng tre xanh bát ngát.
Hàng loạt từ láy "xanh
xanh", "bát ngát" kết hợp thán từ “Ôi!” đã bộc lộ cảm
xúc mãnh liệt, tha thiết của tác giả khi nhìn thấy hàng tre đĩnh đạc, uy nghiêm
không khác gì những anh chiến sĩ trung kiên ngày đêm đứng gác, canh giữ cho giấc
ngủ an lành, bình yên của Bác Hồ kính yêu. Hàng tre xanh xanh trong vườn Bác gợi
cho người đọc nhiều liên tưởng. Chắc rằng, cũng như mọi người Việt Nam, trong
tâm khảm nhà thơ, cây tre là hình ảnh giản dị, thân thuộc, đời đời gắn bó với
quê hương làng xóm. Tre có mặt xung
quang trong cuộc sống của người dân, tre tham gia vào cuộc kháng chiến cùng người
dân “tre xung phong vào xe tăng đại bác, tre giữ làng giữ nước giữ mái nhà
tranh giữa đồng lúa chín” (Thép Mới). Tre mang bao phẩm chất của con người
Việt Nam: mộc mạc, thanh cao, ngay thẳng bất khuất. Hàng tre ấy cũng như những
con người VN ta dù phải trải qua bao “bão táp mưa sa” thì vẫn “đứng
thẳng hàng”. Dáng dấp tre hiên
ngang, bất khuất, thách thức cả “bão táp mưa sa” gợi tư thế quật cường,
mạnh mẽ của một đất nước nhỏ bé trên bản đồ thế giới. Chính quốc gia ấy đã ghi
tạc tên mình trong những trang sử chói lọi, hùng tráng, như một thần thoại oanh
liệt. Tre không cao lớn, tre chẳng phải loài cây đáng giá ngàn vàng, nhưng tre
mãi vững vàng trước bão giông. Như Bác Hồ ta suốt đời sống giản dị, chẳng khoa
trương mà cứ lặng lẽ, kiên cường tranh đấu vì độc lập tự do của dân tộc.
Có thể thấy rằng, khổ thơ đầu tiên đã để lại rất nhiều ấn tượng
trong lòng bạn đọc. bằng những từ ngữ và hình ảnh chọn lọc, lời thơ cho ta nhận
ra niềm xúc động của nhà thơ khi được ra lăng viếng Bác. Đồng thời cũng qua đó
ta cảm nhận được lòng thành kính và niềm biết ơn vô hạn của Viễn Phương dành
cho Bác Hồ kính yêu.
Mạch cảm xúc của Viễn Phương ngày càng xao động khi hoà nhập trong
dòng người vào thăm lăng Bác:
Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng
Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ
Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ
Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân...
Viễn Phương mượn hình ảnh thực kết hợp với sử dụng nghệ thuật ẩn dụ
sóng đôi để so sánh Bác Hồ tượng trưng như mặt trời soi sáng cả nước Việt:
Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng
Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ.
Ai đã từng một lần đi viếng lăng Bác mới hiểu hết hàm ý trong câu
thơ của Viễn Phương. Ngày ngày, mặt trời - chúa tể của thiên nhiên - thán phục
một mặt trời trong lăng rất đỏ. Mặt trời rất đỏ, hình ảnh tượng trưng cho Bác Hồ
- là mặt trời cách mạng, là nguồn ánh sáng rực rỡ không bao giờ tắt, mãi mãi
chiếu rọi con đường đi tới của dân tộc Việt Nam. Nhiều nhà thơ đã sử dụng hình ảnh
mặt trời để thể hiện ánh sáng của lý tưởng cách mạng, nhưng đối sánh hai hình ảnh
mặt trời của Viễn Phương quả là rất độc đáo. Đây là một sáng tạo nghệ thuật có
tác dụng bộc lộ nội dung rất hiệu quả. Không nhiều lời, chỉ một hình ảnh mặt trời
rất đỏ, nhà thơ đã khái quát được hình ảnh Bác Hồ vĩ đại. Nhà thơ đã nói hộ
chúng rằng: Bác Hồ là mặt trời cách mạng đẹp nhất, rực rỡ nhất, chói lọi nhất
luôn luôn toả sáng trong tâm hồn người Việt Nam. Điệp ngữ “ngày ngày” được
tác giả khéo léo sử dụng như để thể hiện sự nối tiếp lặp đi lặp lại hằng ngày.
Điều đó chính là sự vô tận, là lời khẳng định Bác sẽ còn mãi, sẽ trường tồn bất
diệt trong lòng mỗi người dân đất Việt. Lời thơ thật đơn giản nhưng chứa đựng
trong đó là cả một tấm lòng. Chúng ta nhận ra trong những câu thơ ấy là tình
yêu thương và niềm biết ơn vô hạn của nhà thơ đối với Bác
Cùng với mặt trời ngày ngày đi qua trên lăng là dòng người đi trong
thương nhớ:
Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ
Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân...
Nhịp thơ chầm chậm như bước chân của dòng người lặng lẽ đi trong
suy tưởng, bao trùm một một không khí thương nhớ Bác không nguôi, thành kính kết
tràng hoa tình yêu dâng bảy mươi chín mùa xuân của Người. Viến Phương tiếp tục sáng tạo một hình ảnh ẩn dụ vô cùng
đẹp đẽ. Đó là hình ảnh “tràng hoa”. Hình ảnh ấy gợi lên trong ta biết
bao nhiêu liên tưởng thú vị. Nó khiến ta nghĩ đến những vòng hoa tươi thắm mà mỗi
đoàn viếng thăm đều dâng lên người. Tuy nhiên không chỉ có thế, hình ảnh này
còn là ẩn dụ cho những dòng người đang nối nhau vào lăng viếng Bác. “Người ta
là hoa của đất”, nhà thơ thật sâu sắc và tinh tế khi tôn quí nhân dân. Mỗi người
dân là một bông hoa và dòng người đi trong thương nhớ chính là tràng hoa dâng
lên Bác. Những cánh hoa được kết lại từ
niềm tiếc thương thẫm đẫm vào dòng máu, từ lòng thành kính khắc ghi mãi tên Người
vào trái tim. Đó cũng chính là sự biết ơn công lao to lớn của Bác. "Bảy
mươi chín mùa xuân" của một đời người, một kiếp sống, Bác đã cống hiến vì
toàn dân, đã đem ánh sáng của chân lí, của cách mạng lan toả từ rừng sâu hẻo
lánh đến đỉnh đồi xa xâm, từ thị thành phố huyện đến đồng nội xanh rì. Bác vẫn
sống như mỗi mùa xuân của đất nước Việt NamNgày ngày… ngày ngày …, thời gian
không ngừng trôi và lòng người Việt Nam không bao giờ nguôi tình cảm nhớ
thương, yêu quí, kính trọng đối với Bác.
Có thể nói, khổ thơ này chính là khổ thơ cảm động nhất và thể hiện
rõ sự vĩnh hằng và trường tồn của Bác Hồ trong lòng mỗi con dân Việt Nam. Ông
đã dùng những từ ngữ trân trọng và tôn kính nhất kết hợp cùng những biện pháp
tu từ đặc sắc để ca ngợi và thể sự biết ơn, kính trọng nhất dành cho Bác Hồ, đã
giúp người đọc cảm nhận được trọn vẹn nỗi xúc động nghẹn ngào, lòng thành kính
và niềm biết ơn vô hạn của nhà thơ đối với Bác. Và cũng qua những vần thơ ấy ta
nhận ra Bác vẫn còn mãi trong trái tim của mỗi con người, và của cả dân tộc Việt
Nam.
"Viếng lăng Bác" ngời sáng trong vườn địa đàng thơ ca nhờ
giọng điệu nhẹ nhàng, tha thiết mà lắng đọng nơi hồn người cùng hình ảnh, ngôn
ngữ chọn lọc, giản dị, trang trọng và giàu cảm xúc. Xuyên suốt hai khổ thơ là
những cảm nhận rất thực và vô cùng tinh tế của Viễn Phương. Cảm xúc ấy khi thì
bồi hồi, xúc động, tự hào, khi lại vô cùng biết ơn, thành kính. Hai khổ thơ
cũng đã đưa ta về với hình ảnh rực rỡ của vị cha già vĩ đại, kính yêu ngàn đời
còn sống mãi theo năm tháng, theo thời gian.
Lòng thương nhớ, biết ơn Bác của Viễn phương, của nhân dân miền Nam
giúp em hiểu rõ “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, “Uống nước nhớ nguồn” là truyền
thống lâu đời của con người Việt Nam. Nét đẹp ân tình, chung
thuỷ là truyền thống tốt đẹp của dân tộc, truyền thống ấy bao trùm cách sống,
cách ứng xử của con người Việt Nam trong mọi quan hệ qua hàng nghìn năm lịch
sử. Bài thơ như một lời nhắc, gợi trong em bao suy nghĩ, chiêm nghiệm về một lẽ
sống ân nghĩa thủy chung cao quý trong cuộc đời. Chẳng ai hạnh phúc nếu không
biết trân trọng, tri ân và chung thuỷ với quá khứ. Lối sống ân nghĩa thủy chung
níu giữ con người khỏi bị trôi trượt đi
bởi những lo toan tất bật hằng ngày, nó bảo vệ con người khỏi những cám dỗ tầm
thường. Và trên hết, nó luôn hướng con người đến những giá trị bền vững của cuộc
sống. Lối sống ân nghĩa thủy chung nhắc nhở em cần biết ơn tổ tiên, ông bà, cha
mẹ, những anh hùng vĩ đại đã hi sinh, lấy thân mình, mồ hôi xương máu để bảo vệ
nền độc lập cho đất nước, giữ vững bình yên vùng trời Tổ quốc. Lối sống ân
nghĩa thủy chung nhắc em phải biết sống vui, sống khoẻ và có ích cho xã hội, phần
để thực hiện đúng trách nhiệm, bổn phận của mình, phần vì không hổ thẹn với những
người đi trước mang lại cho mình cuộc sống tốt đẹp.
Lối sống ân nghĩa thủy chung không chỉ được khắc sâu trong tâm hồn
mà còn phải được thể hiện bằng hành động cụ thể. Là con cháu vua Hùng, thuộc
dòng dõi Lạc Hồng, em cũng như các bạn trẻ phải biết tự hào về truyền thống đấu
tranh anh dũng của dân tộc, phải ý thức quý trọng giữ gìn những giá trị mà quá
khứ đã tạo nên bằng mồ hôi, nước mắt và xương máu, tiếp tục phát triển các
thành quả của quá khứ. Là một người con em sẽ chăm học chăm làm, sống tốt đẹp
làm vẻ vang cho cha mẹ gia đình, biết hiếu thảo, săn sóc ông bà cha mẹ khi già
yếu. Là một học sinh em rèn và luôn thể hiện đạo lý tôn sư trọng đạo. Hoàn thiện
bản thân và trở thành người có ích đem tài năng của mình ra xây dựng quê hương đất
nước trở nên giàu đẹp hơn. Sống nghĩa tình để cảm nhận được tình yêu thương.
Dù Bác đã ra đi nhưng Bác sẽ còn sống mãi trong trái tim của Viễn
Phương nói riêng, nhân dân Việt Nam ta nói chung. Tỏ lòng thành kính với Bác
cũng là động lực giúp mọi người sống và làm việc tốt hơn. Bài
thơ “Viếng lăng Bác” với giọng điệu
tâm tình nhẹ nhàng sâu lắng mà chất chứa suy tư day dứt nhắc nhở mỗi chúng ta
hãy biết sống ân tình chung thuỷ với quá khứ, với lịch sử, với nhân dân và đất
nước. Và ngay hôm
nay, được sống trong yên vui hoà bình, thế hệ trẻ chúng ta cần phải ghi nhớ
công ơn trời biển của Bác, truyền thống uống nước nhớ nguồn mà ra sức học tập tốt
để góp phần xây dựng quê hương, đất nước giàu đẹp như Bác đã từng mong ước.