Thứ Năm, 17 tháng 3, 2022

NGHỊ LUẬN VỀ 1 ĐOẠN THƠ SAU ĐÓ LIÊN HỆ MỘT ĐOẠN THƠ HOẶC MỘT NHÂN VẬT TRONG TÁC PHẨM KHÁC VÀ TÌM RA ĐIỂM GẶP GỠ GIỮA 2 ĐOẠN THƠ HOẶC LIÊN HỆ THỰC TẾ

 

Dàn ý chung

A. Mở bài

-  Giới thiệu đôi nét về tác giả (phong cách, sự đóng góp, một chi tiết trong cuộc đời có liên quan đến sáng tác …) và đôi nét về tác phẩm (hoàn cảnh ra đời, xuất xứ, vị trí của tác phầm trong toàn bộ sáng tác…)

-  Giới thiệu khái quát nội dung của tác phẩm

-  Giới thiệu khái quát nội dung của đoạn trích (trích dẫn đoạn thơ cần phân tích)

B. Thân bài:

1.  Nêu nhận định chung về tác phẩm, đoạn thơ: Kết cấu, giọng điệu, hình ảnh, … hoặc cảm xúc chung của toàn tác phẩm.

2. Phân tích đoạn thơ

a. Lần lượt phân tích, cảm nhận từng ý thơ (Căn cứ vào kết quả tìm ý ở từng câu, từng khổ, liên hệ so sánh với 1 số bài thơ khác có cùng đề tài để làm rõ hơn bài thơ đang phân tích)

Ta có thể sắp xếp theo trình tự sau:

-  Nêu ý khái quát (luận điểm): ……

Trích dẫn thơ”

- Phân tích:  Nghệ thuật – Nội dung

=> Tiểu kết và chuyển ý

b. Đánh giá thành công nghệ thuật đoạn thơ/ bài thơ

3.  Liên hệ – Trình bày những điểm gặp gỡ:

3.1. Liên hệ đoạn thơ hoặc nhân vật

a. Giới thiệu – Khái quát nội dung đoạn thơ hoặc nhân vật liên hệ:

“Trích dẫn thơ” (nếu là thơ)

- Phân tích khái quát:  Nghệ thuật – Nội dung

b. Trình bày những điểm gặp gỡ:

- Hình ảnh nhân vật.

- Tư tưởng tác phẩm

- Điểm khác biệt

3.2. Liên hệ thực tế (Có thể coi đây là một đoạn văn nghị luận xã hội lấy vấn đề từ nội dung đoạn thơ cần phân tích):

- Nêu biểu hiện

- Nêu ý nghĩa

C.Kết bài

-  Khẳng định lại toàn bộ giá trị nghệ thuật và nội dung của 2 bài thơ.

- Liên hệ thực tế - Liên hệ bản thân.

 

Bài tham khảo

Đề: Hãy phân tích khổ 4 và 5 trong bài thơ Mùa xuân nho nhỏ của Thanh Hải. Sau đó liên hệ một đoạn thơ của tác giả khác để thấy điểm gặp gỡ trong tư tưởng của hai nhà thơ  Hoặc liên hệ thực tế để thấy được  truyền thống yêu và gắn bó với quê hương của người Việt Nam.

A. Mở bài

Mùa xuân từ lâu đã là đề tài vô tận cho các thi sĩ. Nhưng hiếm có bài thơ nào viết về mùa xuân lại hay và trong hoàn cảnh đặc biệt như “mùa xuân nho nhỏ” của Thanh Hải, nhà thơ của xứ Huế mộng mơ. Bài thơ “mùa xuân nho nhỏ” được sáng tác năm 1980, khi tác giả đang nằm trên giường bệnh và chỉ mấy tuần lễ sau khi hoàn thành bài thơ thì nhà thơ đã qua đời. Đây là một bài thơ hay tiêu biểu cho hồn thơ Thanh Hải đã thể hiện được “tâm nguyện thật thiết tha, cảm động của nhà thơ Thanh Hải với đất nước, với cuộc đời. Thanh Hải, nhà thơ nặng lòng với xứ Huế mộng mơ, những ngày cuối đời lại ước mong được hóa thân thành một mùa xuân, một mùa xuân nho nhỏ để thỏa nguyện lòng yêu mến nhân gian:

Ta làm con chim hót

Ta làm một cành hoa

Ta nhập vào hoà ca

Một nốt trầm xao xuyến.

Một Mùa xuân nho nhỏ

Lặng lẽ dâng cho đời

Dù là tuổi hai mươi

Dù là khi tóc bạc.

B. Thân bài:

1.  Nêu nhận định chung về tác phẩm, đoạn thơ :

Bài thơ "Mùa xuân nho nhỏ" được Thanh Hải sáng tác trước khi nhà thơ qua đời một tháng .Trong tâm lí nặng nề, sức khoẻ và bệnh tật mà hồn thơ Thanh Hải vẫn cất cánh bay cao để rồi mang đến cho cuộc sống một tình yêu, một nỗi niềm thiết tha với quê hương đất nước và cùng theo đó là ước nguyện chân thành được cống hiến trọn vẹn cuộc đời mình cho Tổ Quốc thân yêu. Đoạn thơ bộc lộ ước nguyện được hoà nhập, dâng hiến cho cuộc đời là những dòng thơ thật hay, thật xúc động.

2.  Phân tích, cảm nhận từng ý thơ

Vốn là một hồn thơ rộng mở, Thanh Hải luôn khao khát được hòa mình với cuộc sống và thiên nhiên bất tận. Thanh Hải yêu thơ và say mê làm thơ như một lẽ sống không bao giờ ngừng. Và chính ông cũng nhận được biết bao cơ hội có thể giãi bày qua thơ văn. Niềm khát khao dâng hiến cuộc đời được khơi gợi từ những cảm nhận về một mùa xuân mới, mùa xuân của thiên nhiên đất trời, mùa xuân của cuộc sống lao động và chiến đấu của dân tộc.

Niềm khát khao dâng hiến cuộc đời được thể hiện một cách khiêm nhường nhưng rất đỗi chân thành:

Ta làm con chim hót

Ta làm một cành hoa

Ta nhập vào hoà ca

Một nốt trầm xao xuyến.

Trong không khí tưng bừng của đất nước vào xuân, nhà thơ cảm nhận được một mùa xuân tươi trẻ, rạo rực trỗi dậy trong tâm hồn. Đó là mùa xuân của lòng người, mùa xuân của sức sống tươi trẻ, mùa xuân của sự cống hiến và hòa nhập. Để bày tỏ lẽ sống của mình, ngay từ những câu thơ mở đầu đoạn, Thanh Hải đã đem đến cho người đọc cái giai điệu ngọt ngào, êm ái của những thanh bằng liên tiếp “ta”- “hoa”- “ca”. Nhịp thơ dồn dập và điệp từ “ta làm” diễn tả rõ nét khát vọng cống hiến của nhà thơ, ước nguyện chân thành, thiết tha. Động từ “làm”- “nhập” ở vai trò vị ngữ biểu lộ sự hoá thân đến diệu kỳ - hoá thân để sống đẹp, sống có ích. Nhà thơ đã lựa chọn những hình ảnh đẹp của thiên nhiên, của cuộc sống để bày tỏ ước nguyện: con chim, một cành hoa, một nốt trầm. Còn gì đẹp hơn khi làm một cành hoa đem sắc hương tô điểm cho mùa xuân đất mẹ!Còn gì vui hơn khi được làm con chim nhỏ cất tiếng hót rộn rã làm vui cho đời! Các hình ảnh bông hoa, tiếng chim đã xuất hiện trong cảm xúc của thi nhân về mùa xuân thiên nhiên tươi đẹp, giờ lại được sử dụng để thể hiện lẽ sống của mình. Một ý nghĩa mới đã mở ra, đó là mong muốn được sống có ích, sống làm đẹp cho đời là lẽ thường tình. Cái “tôi”của thi nhân trong phần đầu bài thơ giờ chuyển hoá thành cái “ta”. Có cả cái riêng và chung trong cái “ta” ấy. Với cách sử dụng đại từ này, nhà thơ đã khẳng định giữa cá nhân và cộng đồng, giữa cái riêng và cái chung. Hình ảnh “nốt trầm”và lặp lại số từ “một” tác giả cho thấy ước muốn tha thiết, chân thành của mình.“Nốt trầm” là nốt nhạc tạo nên sự lắng đọng sâu xa trong một bản nhạc. Trong cái không khí tưng bừng của ngày hội mùa xuân, nhà thơ muốn làm một nốt nhạc trầm để góp vào khúc ca xuân của dân tộc một chút vấn vương, xao xuyến. Không ồn ào, cao giọng, nhà thơ chỉ muốn làm “một nốt trầm” nhưng phải là“một nốt trầm xao xuyến” để góp vào bản hoà ca chung. Nghĩa là nhà thơ muốn đem phần nhỏ bé của riêng mình để góp vào công cuộc đổi mới và đi lên của đất nước. Đọc đoạn thơ, ta xúc động trước ước nguyện của nhà thơ xứ Huế và cũng là ước nguyện của nhiều người.

Từ khát vọng hòa nhập, nhà thơ thể hiện rõ hơn khát vọng cống hiến của mình ở những câu thơ sâu lắng tiếp theo:

Một Mùa xuân nho nhỏ

Lặng lẽ dâng cho đời

Dù là tuổi hai mươi

Dù là khi tóc bạc. “

Cách sử dụng ngôn từ của nhà thơ Thanh Hải rất chính xác,tinh tế và gợi cảm. Làm cành hoa,làm con chim,làm nốt trầm và làm một mùa xuân nho nhỏ để lặng lẽ dâng hiến cho cuộc đời. “Mùa xuân nho nhỏ” là một ẩn dụ đầy sáng tạo, biểu lộ một cuộc đời đáng yêu, một khát vọng sống cao đẹp.Mỗi người hãy làm một mùa xuân, hãy đem tất cả những gì tốt đẹp, tinh tuý của mình, dẫu có nhỏ bé để góp vào làm đẹp cho mùa xuân đất nước. Cặp từ láy “nho nhỏ”, “lặng lẽ” cho thấy một thái độ chân thành, khiêm nhường, lấy tình thương làm chuẩn mực cho lẽ sống đẹp, sống để cống hiến đem tài năng phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân.

Không khoe khoang, cao điệu mà chỉ lặng lẽ âm thầm dâng hiến.Ý thơ thể hiện một ước nguyện, một khát vọng, một mục đích sống. Thanh Hải – nhà thơ xứ Huế trước khi về với thế giới “người hiền” cũng đã ước nguyện: “Lặng lẽ dâng cho đời/Dù là tuổi hai mươi/Dù là khi tóc bạc”. Lời ước nguyện thật thuỷ chung, son sắt. Sử dụng điệp ngữ “dù là” nhắc lại hai lần như tiếng lòng tự dặn mình đinh ninh: dẫu có ở giai đoạn nào của cuộc đời, tuổi hai mươi tràn đầy sức trẻ, hay khi đã già,bệnh tật thì vẫn phải sống có ích cho đời, sống làm đẹp cho đất nước. Đây là một vấn đề nhân sinh quan nhưng đã được chuyển tải bằng những hình ảnh thơ sáng đẹp, bằng giọng thơ nhẹ nhàng, thủ thỉ, thiết tha. Chỉ “lặng lẽ”mà cháy bỏng một nỗi khát khao được dâng những gì đẹp đẽ nhất của cuộc đời mình cho đất nước. Đây không phải là câu khẩu hiệu của một thanh niên vào đời mà là lời tâm niệm của một con người đã từng trải qua hai cuộc chiến tranh, đã cống hiến trọn vẹn cuộc đời và sự nghiệp của mình cho cách mạng. Điều đó càng làm tăng thêm giá trị tư tưởng của bài thơ. Vì vậy, mà sức lan tỏa của nó thật lớn.

Bằng thể thơ năm chữ, giọng điệu chân thành, tha thiết phù hợp với tâm trạng cảm xúc, cùng với hình ảnh ẩn dụ… Thanh Hải đã gửi đến cho chúng ta một thông điệp đáng quý: mỗi người hãy sống có khát vọng, sống có cống hiến, dù chỉ là phần nhỏ bé của mình vào công cuộc bảo vệ, giữ gìn và dựng xây đất nước. Đọc đoạn thơ, bài thơ ta càng yêu hơn, trân trọng hơn lẽ sống mà Thanh Hải để lại, ta càng phải tự nhủ: Hãy sống đẹp – sống như Thanh Hải đã sống.

3.  Liên hệ – Trình bày những điểm gặp gỡ:

a. Liên hệ – Trình bày những điểm gặp gỡ với 1 khổ thơ:

Biết lặng lẽ dâng đời,biết sống vì mọi người cũng là cách sống mà nhà thơ Tố Hữu đã viết:

“Nếu là con chim chiếc lá

Thì con chim phải hót, chiếc là phải xanh,

Lẽ nào vay mà không trả

Sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình”.

Nhà thơ mượn hình ảnh con chim, chiếc lá để thể hiện quy luật của thiên nhiên: con chim dâng tặng cho đời tiếng hót, chiếc lá dâng tặng cho đời màu xanh. Đó là những gì tinh tuý nhất để làm cho cuộc sống thêm hương sắc và thêm sức sống. Từ quy luật của tự nhiên tác giả liên tưởng đến quy luật của cuộc sống con người: Đó là quy luật vay-trả, nhận và cho. Suy rộng ra con người sống không phải là để hưởng thụ vật chất hay tinh thần của thiên nhiên, của cuộc sống mà phải biết cống hiến, biết làm đẹp cho xã hội ngày càng phát triển. Đó là cách sống có ý nghĩa.Cách lập luận “phải…phải”, “lẽ nào…” là lời khẳng định mang tính quy luật. Gợi nhắc cho những thế hệ trẻ một cách sống đẹp: góp một phần sức nhỏ bé của mình để đất nước ta sẽ mãi tươi đẹp như trong tiết xuân.Thế mới biết, cuộc đời của con người thì có hạn những những giá trị tinh thần mà con người để lại cho đời sau thì có giá trị vĩnh hằng.

Hai nhà thơ đã gặp nhau ở quan niệm về lẽ sống: Không sống hưởng thụ, ích kỉ, phải biết cống hiến, vị tha. Đây là quan điểm sống đẹp, cao thượng và đáng trân trọng.Họ đều lựa chọn những hình ảnh, những sự vật bình dị nhưng có ích để thể hiện khát vọng của mình. Họ đều là những con người sống có lí tưởng, có niềm tin vào tương lai đất nước. Lời thơ của cả hai tác giả đề thiết tha, cảm xúc chân thành. Đọc những cảm xúc sâu lắng khó phai mờ của hai nhà thơ,bản thân chúng ta phải chuẩn bị cho mình những phẩm chất, trí tuệ để xây dựng và phát triển đất nước.

b.  Liên hệ thực tế:

Quê hương- Tổ quốc đối với mỗi người Việt Nam chúng ta luôn gắn bó trong niềm tự hào nồng thắm! Yêu nước là tình cảm và tư tưởng phổ biến, vốn có ở tất cả các dân tộc trên thế giới chứ không riêng gì của dân tộc Việt Nam. Song với dân tộc Việt Nam, lòng yêu nước không chỉ là một tình cảm tự nhiên, mà nó còn là sản phẩm của lịch sử được hun đúc từ chính lịch sử đau thương mà hào hùng của dân tộc Việt Nam. Lịch sứ mấy nghìn năm của dân tộc Việt Nan là lịch sử đất tranh giành lại và bảo vệ nền độc lập tử tay kẻ thù xâm lược (thời gian chống giặc ngoại xâm cộng lại lên tới trên 12 thế kỷ!) Chính vì vậy mà tinh thần yêu nước đã ngầm sâu vào tình cảm, vào tư tưởng của mỗi người dân Việt Nam qua tất cả các thời đại, làm nên một sức mạnh kỳ diệu, giúp cho dân tộc ta đánh thắng hết kẻ thù này đến kẻ thù khác cho dù chúng có hùng mạnh đến đây.

Lịch sử là một minh chứng hùng hồn nhất cho những khẳng định trên. Từ thế kỷ thứ III tr. CN., dân tộc ta đã đánh tan cuộc xâm lược đầu tiên của bọn phong kiến phương Bắc do nhà Tần tiến hành. Từ năm 179 tr. CN. đến năm 938, nước ta tiếp tục nằm dưới sự đô hộ của phương Bắc (tổng cộng 1117 năm). Đây là thời kỳ đầy máu và nước mắt, nhưng cũng là thời kỳ biểu hiện sức mạnh quật cường, sự vươn lên thần kỳ của dân tộc ta và kết thúc với chiến thắng Bạch Đằng oanh liệt. Tiếp sau thời kỳ này là hàng loạt các chiến thắng vang dội khác: Lê Hoàn đánh tan quân Tống, nhà Trần ba lần đánh bại quân Nguyên - Mông, Lê Lợi đánh bại quân Minh, Nguyễn Huệ đánh bại quân Thanh... Rồi đến những thắng lợi vang dội của các cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Trong những cuộc chiến tranh tàn khốc đó, lòng yêu nước ở mỗi người dân Việt nam đã được thể hiện ở tinh thần dám xả thân vì nước, sẵn sàng đặt lợi ích cúa quốc gia, dân tộc lên trên lợi ích riêng tư của bản thân mình, đấu tranh không biết mệt mỏi cho sự nghiệp giải phóng đất nước, giành lại độc lập tự do cho Tổ quốc. Biết bao người con của dân tộc đã tự nguyện hiến dâng tuổi thanh xuân của mình cho đất nước và đã anh dũng hy sinh nơi chiến trường. Biết bao nhiêu người mẹ, người vợ đã tiễn chồng, tiễn con ra mặt trận mà không bao giờ còn được đón họ trở về. Có những bà mẹ có tới chín người con trai, một người con rể và cả chồng là liệt sĩ! Đây là sự hy sinh to lớn được thúc đẩy bởi tinh thần yêu nước nồng nàn của dân tộc ta. Bấy nhiêu thôi cũng đã quá đủ để có thể thấy rằng, tư tưởng yêu nước không phải là một triết lý đế án đàm, nó là kim chỉ nam cho hành động, đem lại một sức mạnh to lớn, thúc đẩy dân tộc ta tiến lên.

Ngày nay, Việt Nam bước vào hội nhập trong điều kiện đất nước đã hoàn toàn giải phóng, nhân dân được sống trong hoà bình. Nỗi nhục mất nước đã được rửa, nhưng nỗi nhục nghèo đói thì vẫn còn đó. Trong bối cảnh toàn cấu hoá hiện nay, tinh thần yêu nước truyền thống được kế thừa và phát huy một cách cao độ hơn bao giờ hết. Mọi người luôn thể hiện niềm tự hào dân tộc, có ý thức tôn trọng, giữ gìn và phát huy những giá tri vật chất cũng như tinh thần mà dân tộc ta đã tạo dựng được từ bao đời nay. Thường xuyên nâng cao cảnh giác, sẵn sàng đối phó và góp phần làm thất bại mọi âm mưu đen tối nhằm chống phá nước ta của các thế lực thù địch. Mọi công dân cố gắng phấn đấu học tập, tu dưỡng, rèn luyện, lao động để làm ra ngày càng nhiều của cải vật chất cho xã hội. Lớp trẻ ngày nay mạnh dạn xông pha nơi trận tuyến kinh tế và tri thức, cố gắng vượt qua những khó khăn thử thách để chiếm lĩnh những đỉnh cao mới với tinh thẩn “đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta" , “ta đã làm gì Cho Tổ quốc thân yêu”. Dân giàu thì nước mới mạnh, vì vậy mà mỗi người  đem hết tài năng và trí tuệ của mình để làm giàu một cách chính đáng cho bản thân và cho xã hội. Mỗi cá nhân, dù ở cương vị nào, cũng phải cố gắng hoàn thành một cách xuất sắc nhiệm vụ của mình. phấn đấu góp phần đưa đất nước thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu.

C. Kết bài

a. Nếu liên hệ với 1 khổ thơ:

Hai đoạn thơ như gắn kết hai tâm hồn của những con người luôn yêu đời, yêu người. Cả hai nhà thơ đã đi vào cõi vô định xa xôi nhưng những vần thơ của họ vẫn mãi ở lại để tô điểm cho cuộc đời. Có thể nói, những vần thơ trong trẻo, khơi đậm triết lí trong các khổ thơ trên là lời tâm sự, giãi bày của thi nhân bộc lộ đầy đủ tình yêu cuộc đời, yêu thiên nhiên, quê hương, đất nước. Đọc hai đoạn thơ, ta hiểu được, thêm yêu và trận trọng hơn lẽ sống mà các tác giả để lại, và tự nhủ hãy sống đẹp như các nhà thơ đã sống.

b. Nếu liên hệ thực tế:

Đọc thơ Thanh Hải, ta hiểu được, thêm yêu và trận trọng hơn lẽ sống mà các tác giả để lại, và tự nhủ hãy sống đẹp như nhà thơ đã sống. Có thể nói, những vần thơ trong trẻo, khơi đậm triết lí trong các khổ thơ trên là lời tâm sự, giãi bày của thi nhân bộc lộ đầy đủ tình yêu cuộc đời, yêu thiên nhiên, quê hương, đất nước. Tự hào dân tộc chân chính là phải biết cống hiến phát huy năng lực xây dựng đất nước giàu đẹp, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ nền độc lập tự do của Tổ quốc. Làm được như vậy thanh niên chúng ta mới xứng đáng là cháu con của dân tộc Việt Nam anh hùng.

DÀN Ý PHÂN TÍCH MỘT NHÂN VẬT TRONG TÁC PHẨM TRUYỆN

 

DÀN Ý PHÂN TÍCH MỘT NHÂN VẬT TRONG TÁC PHẨM TRUYỆN

Đề: Cảm nhận của em về vẻ đẹp của thế hệ trẻ Việt Nam thời kháng chiến chống Mỹ qua hình tượng nhân vật Phương Định trong tác phẩm “Những ngôi sao xa xôi” của Lê Minh Khuê.

DÀN Ý CHUNG

BÀI VIẾT CHI TIẾT

A.Mở bài

- Đôi nét về tác giả (phong cách, sự đóng góp, …)

 -Đôi nét về tác phẩm (hoàn cảnh ra đời, xuất xứ, …)

- Khái quát nội dung của tác phẩm

- Giới thiệu nhân vật cần phân tích (Tính cách nổi trội của nhân vật, cảm nghĩ chung về nhân vật)

B.Thân bài:

1. Tóm tắt tác phẩm, đoạn trích (Ngắn gọn theo nhân vật) hoặc Khái quát hoàn cảnh nhân vật (hoàn cảnh sống và làm việc có gì đặc biệt)

 

2. Lần lượt phân tích các biểu hiện tính cách, phẩm chất nhân vật. (chú ý các sự kiện chính, các biến cố, tâm trạng thái độ nhân vật...):

- Ngoại hình (nếu có)

-Phẩm chất: Cần khái quát được phẩm chất của nhân vật trong tác phẩm.

- Số phận (nếu có)

Ta có thể sắp xếp theo trình tự sau:

a. Nêu đặc điểm nhân vật (luận điểm):

+ Diển giải, nhận xét, chứng minh bằng các tình tiết, chi tiết, câu nói… lấy từ tác phẩm đoạn trích.

=> Tiểu kết và chuyển ý

 

 * Lưu ý:

 + Ta cứ tiến hành lần lượt như vậy cho đến hết giá trị nội dung tác phẩm mà đề bài yêu cầu.

+Trong quá trình nghị luận, cần tránh kể lại câu chuyện, mà phải chú ý chọn lọc và bám sát cốt chuyện, diễn biến (từ ngữ, hình ảnh, giọng điệu, các biện pháp tu từ...để phân tích, bình giảng ...)

+ So sánh với các nhân vật có điểm tương đồng hoặc cùng thời kì, cùng chủ đề…

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 3. Đánh giá về thành công nghệ thuật:

- Ý nghĩa của nhân vật trong việc thể hiện chủ đề tư tưởng tác phẩm.

- Nghệ thuật xây dựng nhân vật: thành công ở mặt nào: tâm lí, số phận, tính cách phẩm chất, tư tưởng; những thủ pháp và hình ảnh chi tiết đi gắn liền, làm nên nhân vật; ngôn ngữ nhân vật; cách kể về nhân vật…

C.Kết bài

- Đánh giá về vẻ đẹp, sức sống của nhân vật đó trong văn học.

- Đánh giá về tài năng, nhận xét về vị trí của tác giả trong văn đàn.

A.Mở bài

- Lê Minh Khuê là là cây bút chuyên về viết truyện ngắn. Trong chiến tranh các tác phẩm của chị hầu hết viết về cuộc sống chiến đấu của tuổi trẻ trên tuyến đường Trường Sơn.

- Những ngôi sao xa xôi là một trong những tác phẩm điển hình của nhà văn, ra đời năm 1971 khi cuộc kháng chiến chống Mỹ của quân và dân ta đang diễn ra ác liệt.

- Truyện làm nổi bật tâm hồn trong sáng hồn nhiên thơ mộng, tinh thần chiến đấu dũng cảm của tổ trinh sát mặt đường, Nho, Phương Định và chị Thao.

- Người đọc khắc sâu về Phương Định là một cô gái dũng cảm, có tinh thần trách nhiệm, có tình đồng chí đồng đội sáng ngời, có tâm hồn trong trẻo, giàu mơ mộng và nhạy cảm.

 

B. Thân bài:

1. Khái quát hoàn cảnh nhân vật (hoàn cảnh sống và làm việc)

- Phương Định cùng Nho và Thao - những cô gái thanh niên xung phong- sống trên cao điểm giữa mênh mông khói bụi Trường Sơn và bom đạn huỷ diệt của kẻ thù. Công việc của Phương Định và đồng đội trong tổ trinh sát mặt đường là "đo khối lượng đất lấp vào hố bom, đếm bom chưa nỗ và nếu cần thì phá bom" để bảo vệ con đường, cho những đoàn xe băng về phía trước, góp phân vào sự nghiệp giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước. Công việc thật vinh quang nhưng cũng đầy hi sinh gian khổ. Nhưng chính hoàn cảnh gian khó, hiêm nguy này đã làm sáng lên những phẩm chất đáng quý của Phương Định và các đồng đội.

2. Phân tích các biểu hiện tính cách, phẩm chất nhân vật.

a. Ở Phương Định – cô gái ấy đã ngời sáng lên vẻ đẹp của chủ nghĩa anh hùng cách mạng cũng như vẻ đẹp của thế hệ trẻ Việt Nam thời kỳ chống Mỹ cứu nước. Đó là vẻ đẹp của tinh thần dũng cảm, thái độ bình tĩnh, vượt lên mọi hiểm nguy.

- Cô gái ấy mang lý tưởng sống đầy cao đẹp và tinh thần chiến đấu dũng cảm. Cô gái ấy đã không tiếc thân mình, mang lý tưởng cao đẹp để chiến đấu, nguyện dâng hiến hết tuổi trẻ, tuổi thanh xuân và chính bản thân mình cho đất nước.

+ Hiện thực khốc liệt của chiến tranh qua giọng điệu của cô gái ấy thật hóm hỉnh, thật như biết đùa trước gian khó hiểm nguy: “có ở đâu như thế này không: đất bốc khói, không khí bàng hoàng, máy bay đang ầm ì xa dần”; “thần kinh căng như chão, tim đập bất chấp cả nhịp điệu, chân chạy mà vẫn biết rằng khi biết rằng xung quanh có nhiều quả bom chưa nổ. Có thể nổ bây giờ, có thể nổ chốc nữa, nhưng nhất định sẽ nổ”. Hay như “Quen rồi, một ngày chúng tôi phá bom đến mấy lần.”. Chạy trên cao điểm bị bom đạn cày nát, còn ẩn giấu những quả bom chưa nổ - cũng có nghĩa là nó sẽ nỗ bất cứ lúc nào, cũng có nghĩa là đối mặt với thần chết. Nhưng chị vẫn thật bình thản, thậm chí còn thấy thú vị, dù trên mình còn có vết thương chưa lành miệng. Những hy sinh và mất mát của bản thân cũng được cô gái coi hết sức nhẹ nhàng “Tôi bây giờ vẫn còn một vết thương chưa lành ở đùi. Tất nhiên tôi không vào viện quân y”. Chỉ với ngữ điệu bình thản ấy cũng đủ toát lên sự lạc quan, tinh thần dũng cảm của nhân vật.

- Sự dũng cảm, gan dạ, bình tĩnh, tự tin, tự trọng và có tinh thần trách nhiệm với công việc của Phương Định được khắc họa rõ nét trong lần phá bom.

+ Qua ngòi bút miêu tả tâm lí vô cùng cụ thể, tinh tế đến từng cảm giác, ý nghĩ vẻ đẹp con người hiện ra. Khi thực hiện nhiệm vụ phá bom, ban đầu cô cũng thấy căng thẳng, hồi hộp. Nhưng cảm thấy có ánh mắt của các chiến sĩ đang dõi theo động viên, khích lệ, lòng tự trọng trong cô đã thắng cả bom đạn: “Tôi đến gần quả bom, tôi không sợ nữa. Tôi sẽ không đi khom. Các anh ấy không thích cái kiểu đi khom khi có thể cứ đường hoàng mà bước tới.”. Cô không đi khom nữa mà đàng hoàng bước tới. Cô bình tĩnh, tự tin thực hiện từng thao tác phá bom, chạy đua với thời gian để vượt qua cái chết. “Thỉnh thoảng lưỡi xẻng chạm vào quả bom. Một tiếng động sắc đến gai người, cứa vào da thịt. Tôi rùng mình và bỗng thấy tại sao mình làm quá chậm, nhanh lên một tí! Vỏ quả bom nóng, một dấu hiệu chẳng lành”. Khi ở bên quả bom, lúc cận kề với cái chết im lìm và bất ngờ, từng cảm giác của con người cũng trở nên sắc nhọn. Đó không phải lần đầu tiên cô làm nhiệm vụ này nhưng trước nguy hiểm ai mà chẳng sợ hãi. Lê Minh Khuê đã rất trân trọng điều đó nên nhà văn đã miêu tả chân thực, sinh động. Mọi cảm giác của nhân vật đã được ghi nhận không hề tô vẽ hay lý tưởng hóa nhân vật.

+ Sau đó là cái giây phút căng thẳng chờ đợi tiếng nổ của quả bom, cô gái ấy có nghĩ đến cái chết nhưng là “một cái chết mờ nhạt, không cụ thể”, và cái chính vẫn là: “liệu mìn có nổ, bom có nổ không?”, “Không thì làm thế nào để châm mìn lần thứ hai?”. Mục đích hoàn thành nhiệm vụ luôn được Phương Định đặt lên trên hết. Bởi thế, sự sống trở nên mong manh, thành công và thất bại được đặt trong tình thế may rủi. Càng ngẫm nghĩ, càng thấy khâm phục hơn những con người đã vì đất nước mà không ngại ngần hi sinh.

=> Có thể khẳng định rằng cô gái này và những đồng đội của cô thực sự là những cô gái anh hùng, nhưng đều là những anh hùng mà không tự biết. Điều này đã khiến cho nhân vật Phương Định trở nên đáng mến.

b. Bên cạnh lý tưởng cùng tinh thần chiến đấu quả cảm, ta còn thấy ở cô gái này nét tính cách mơ mộng và hồn nhiên – một vẻ đẹp tâm hồn trong sáng. 

- Qua ngòi bút của Lê Minh Khuê, nhân vật Phương Định hiện lên là cô gái có vẻ ngoài đáng yêu, xinh xắn, trẻ trung và đầy sức sống với “hai bím tóc dày, tương đối mềm, một cái cổ cao và đầy kiêu hãnh như đài hoa loa kèn”.  Phương Định nổi lên với đôi mắt có ánh nhìn đầy xa xăm.

+ Như bao cô gái mới lớn, cô gái ấy có một tâm hồn nhạy cảm và quan tâm đến hình thức của mình. Cô gái đó biết mình đẹp, thích ngắm mình trong gương, rồi có chút kiêu ngầm khi biết mình được các anh pháo thủ và lái xe thăm hỏi. Phương Định vui và tự hào về điều đó, nhưng không hay biểu lộ tình cảm của mình mà thường tỏ ra kín đáo giữa đám đông. Nhà văn Lê Minh Khuê đã rất tinh tế khi phát hiện ra cái nét tâm lý kiêu ngầm ấy ở Phương Định. Đó là sự kiêu ngầm của một cô gái trẻ có ý thức sâu sắc về vẻ đẹp cuộc sống. Nét tâm lý rất đời thường, rất con gái này khiến nhân vật Phương Định càng trở nên gần gũi, chân thực và đáng yêu biết bao.

- Phương Định là nữ sinh thanh lịch của đất Hà thành bước vào chiến trường bom đạn. Cô vừa bước qua tuổi học trò hồn nhiên vô tư, cô mang theo vào chiến trường đầy ác liệt cả những nét đáng yêu của một cô gái mới lớn, mang theo cả một tâm hồn mơ mộng hồn nhiên yêu đời.

+ Kết thúc những giây phút căng thẳng nơi cao điểm, xong việc là cô gái thở phào và sà ngay vào một thế giới khác – thế giới của những cô gái nữ tính đầy mơ mộng “nằm dài trên nền ẩm, lười biếng nheo mắt nghe ca nhạc từ cái đài bán dẫn nhỏ, có thể nghe hay nghĩ ngợi lung tung”. Phải chăng là niềm khao khát cũng chính là sự lạc quan, vô tư làm dịu mát tâm hồn trong sự khốc liệt và căng thẳng nơi chiến trường.

+ Cô mê hát, sống trong cảnh ác liệt của chiến tranh cô vẫn không bỏ đi sở thích của mình. Cô gái ấy còn mê hát và thích nhiều bài hát với đủ các chủ đề: “cô thích quan họ Bắc Ninh, dân ca ý trữ tình, đặc biệt là bài “ca -chiu-sa” của hồng quân Liên Xô”. Thích hát để rồi Phương Định còn bịa ra cả lời bài hát, ngồi dựa vào thành đá mà khe khẽ hát. Tiếng hát ấy đã át tiếng bom để động viên đồng đội cũng chính là động viên chính bản thân mình đồng thời cô gửi vào tiếng hát lỗi khát khao tuổi trẻ của người chiến sĩ mong được trở vê quê hương yêu dấu được gặp lại những người thân yêu sau bao năm chờ đợi.

- Đặc biệt, vẻ đẹp tâm hồn ấy được bộc lộ sâu sắc khi bất ngờ một cơn mưa đá ập đến. Bao hiểm nguy, ngột ngạt và căng thẳng của chiến trận như được gột rửa và tan biến. Chỉ một cơn mưa đá vụt qua cũng đủ khiến tâm hồn Phương Định sống với rất nhiều kỉ niệm và nỗi nhớ. Đó là hoài niệm về quê hương, về gia đình, về tuổi thơ đầy thanh bình. Tất cả những hồi ức ấy vừa rõ ràng, lại vừa mờ ảo; vừa đồng hiện, lại vừa vụt hiện trong tâm trí; vừa gần gũi, mà lại vừa xa xôi.

=> Chính tinh thần trẻ trung yêu đời, những hồi ức ấy đã trở thành điểm tựa tinh thần, là nơi dựa vững chắc, để tiếp thêm sức mạnh cho cô thanh niên xung phong đi qua những thử thách, những hiểm nguy của cuộc sống nơi chiến trường.

c. Người đọc còn nhận thấy vẻ đẹp tâm hồn ngời sáng được hiện lên qua tình cảm đồng chí đồng đội. Cô gái ấy luôn quan tâm và thương yêu đến những đồng đội của mình. 

- Phương Định lo lắng khi Nho và chị Thao lên cao điểm mà chưa về. Cô hiểu về Nho và chị Thao như tình chị em ruột thịt với biết bao tình cảm, với sự gắn bó yêu thương. Những chi tiết cụ thể như chị Thao sợ máu và vắt nhưng khi chiến đấu lại rất dũng cảm. Trong suy nghĩ của Phương Định, chị Thao hiện lên với sự bình tĩnh cương quyết và táo bạo trong công việc. Với cô em út của tổ trinh sát, Nho hiện lên trong suy nghĩ của Phương Định là cô gái “nhẹ mát như một cây kem trắng”.

-  Khi Nho bị thương, cô vỗ về chăm sóc như tình chị em ruột thịt với chi tiết “moi đất để bế Nho đặt lên đùi” rồi “rửa cho Nho bằng nước đun sôi” “tiêm cho Nho” rồi “pha sữa trong cái ca sắt”.  

- Bên cạnh đó, cô gái ấy cũng dành tình cảm cho tất cả những những người chiến sĩ mà cô gặp trên con đường ra mặt trận. Với Phương Định thì chính “những người đẹp nhất, thông minh, can đảm và cao thượng nhất là những người mặc quân phục có ngôi sao trên mũ”. 

=> Có thể thấy, tình đồng chí đồng đội của nhân vật Phương Định thật đáng cảm mến, một thức tình cảm cao cả, thiêng liêng và rất đáng quý.

3. Đánh giá về thành công nghệ thuật:

- Sự khốc liệt của chiến tranh đã tôi luyện tâm hồn vốn nhạy cảm yếu đuối thành bản lĩnh kiên cường của người anh hùng cách mạng. Nét điệu đà, hồn nhiên, duyên dáng của một cô gái càng tôn thêm vẻ đáng yêu của cô thanh niên xung phong gan dạ, dũng cảm. Phương Định là hình ảnh tiêu biểu cho thế hệ trẻ Việt Nam thời chống Mỹ cứu nước.

- Để xây dựng thành công nhân vật Phương Định, có lẽ nhà văn đã rất am hiểu tâm lí tuổi trẻ. Tính cách Phương định được soi chiếu nhiều, nhiều góc độ và trong nhiều trạng thái khác nhau. Với cách sử dụng ngôi kể hợp lí: truyện kể theo ngôi thứ nhất, Phương Định - nhân vật chính - người kể chuyện làm cho câu chuyện hiện lên sâu sắc và đi sâu miêu tả thế giới nội tâm nhân vật. Cách kể chuyện sinh động, ngôn ngữ kể trẻ trung kết hợp linh hoạt các kiểu câu khi kể chuyện tạo sức cuốn hút cho tác phẩm.

  

 

C.Kết bài

- Qua nhân vật Phương Định và các cô thanh niên xung phong, Lê Minh Khuê đã có cái nhìn thật đẹp, thật lãng mạn về cuộc sống chiến tranh, về con người trong chiến tranh. Chiến tranh là đau thương mất mát song chiến tranh không thể hủy diệt được vẻ đẹp tâm hồn rất tươi xanh của tuổi trẻ, của con người. Chính từ những nơi gian lao, quyết liệt ta lại thấy ngời sáng vẻ đẹp của tuổi trẻ Việt Nam thời kháng chiến chống Mỹ cứu nước, một lòng quyết tử cho tổ quốc quyết sinh.

DÀN Ý CẢM NHẬN, PHÂN TÍCH MỘT ĐOẠN THƠ

 

DÀN Ý CẢM NHẬN, PHÂN TÍCH MỘT ĐOẠN THƠ

Đề: Phân tích vẻ đẹp của người lính chống Pháp qua khổ cuối bài thơ “Đồng chí” của Chính Hữu          

DÀN Ý CHUNG

DÀN Ý CHI TIẾT

A.Mở bài

- Tác giả (phong cách, sự đóng góp …)

 - Tác phẩm (xuất xứ, vị trí của tác phẩm…)

 - Khái quát nội dung tác phẩm

 - Nội dung đoạn thơ cần phân tích

 - Trích dẫn đoạn thơ cần phân tích

 

 

 

 

 

 

 

 

 

B.Thân bài:

1.Nhận định chung về tác phẩm, đoạn thơ:

- Cảm xúc chung về tác phẩm (chủ đề, kết cấu…)

- hoặc Hoàn cảnh sáng tác (nếu mở bài theo chủ đề)

 

 

 

 

 

2. Lần lượt phân tích, cảm nhận từng ý thơ:

Ta có thể sắp xếp theo trình tự sau:

- Nêu ý khái quát (luận điểm): ……

- Trích thơ

- Phân tích từng nét NT- ND cụ thể:

+ Nghệ thuật –> Nội dung

=> Tiểu kết và chuyển ý

* Lưu ý: Tiến hành lần lượt cho đến hết giá trị NT- ND tác phẩm mà đề yêu cầu.

- Cần tránh diễn xuôi ý thơ, mà phải chú ý chọn lọc và bám sát các phương tiện nghệ thuật (từ ngữ, hình ảnh, âm điệu, giọng điệu, các biện pháp tu từ về từ, tu từ về câu...)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 



  3. Đánh giá thành công của tác phẩm:

- Bút pháp nghệ thuật đặc sắc của tác phẩm

- Tư tưởng mà tác phẩm đem lại

C.Kết bài

- Khẳng định lại toàn bộ giá trị nghệ thuật và nội dung của bài thơ

- Liên hệ thực tế - Liên hệ bản thân.

 

A.Mở bài

*Cách 1. (Giới thiệu tác giả -> Tác phẩm -> Nội dung bài thơ -> Nội dung đoạn thơ)

- Chính Hữu là một nhà thơ chiến sĩ chuyên viết về chiến tranh và hình ảnh người lính với những ngôn từ hàm xúc, giản dị.

- Bài thơ “Đồng chí” là một trong những tiêu biểu và thành công nhất của ông.

- Bằng những câu thơ tự do, ngôn từ giản dị, bài thơ thể hiện ấn tượng hình ảnh người lính thời kì đầu chống Pháp và tình đồng chí đồng đội thắm thiết, keo sơn giữa các anh.

- Khổ thơ cuối là một trong những đoạn tiêu biểu của bài thơ. Khổ thơ đã thể hiện vẻ đẹp can trường, tình đồng chí sâu sắc và tâm hồn hào hoa, lãng mạn của người chiến sĩ chống Pháp.

- Chép lại khổ thơ

* Cách 2. (Đề tài -> Tác phẩm -> Nội dung bài thơ -> Nội dung đoạn thơ)

- Đề tài về người lính là một trong những đề tài nổi bật của thơ ca kháng chiến. Hình tượng người lính đã đi vào lòng người và văn chương với tư thế, tình cảm và phẩm chất cao đẹp. Một trong những tác phẩm ra đời sớm nhất, tiêu biểu và thành công nhất viết về tình cảm của những người lính Cụ Hồ là “Đồng chí” của Chính Hữu (1948).

- Với bài thơ này, Chính Hữu đã dẫn bạn đọc vào bức tranh hiện thực nơi núi rừng biên giới nhưng thấm đẫm tình đồng chí đồng đội bằng thứ văn giản dị, mộc mạc.

- Khổ thơ cuối là một trong những đoạn tiêu biểu của bài thơ. Khổ thơ đã thể hiện vẻ đẹp can trường, tình đồng chí sâu sắc và tâm hồn hào hoa, lãng mạn của người chiến sĩ chống Pháp.

- Chép lại khổ thơ

B.Thân bài:

1. Khái quát

* Cách 1

- Toàn bộ bài thơ, Chính Hữu tập trung ca ngợi tình đồng chí, đồng đội, lí tưởng cao đẹp của người lính cụ Hồ. Tuy nhiên, ở mỗi khổ thơ, vẻ đẹp chiến sĩ hiện lên không giống nhau. Từ hoàn cảnh xuất thân khác nhau, gặp gỡ, trải qua cuộc sống chiến đấu gian khổ đến cùng chung một lí tưởng, họ đã cảm thông, gắn bó với nhau như những người tri kỷ. Nếu ở các khổ thơ đầu, vẻ đẹp đã quyện hoà cuộc sống hiện thực thì đến ba câu thơ cuối, người chiến sĩ và lí tưởng đã chắp cánh cho nhau tạo nên vẻ đẹp vừa hiện thực vừa lãng mạn.

* Cách 2

- Bài thơ Đồng chí, Chính Hữu sáng tác vào đầu năm 1948. Được xếp vào hàng những bài thơ tiêu biểu nhất, thành công nhất của thơ ca Việt Nam những ngày đầu chống thực dân Pháp. Bài thơ đã khắc hoạ thành công hình ảnh chân thực giản dị mà cao đẹp của anh bộ đội cụ Hồ trong những năm hết sức khó khăn gian khổ của cuộc kháng chiến. Và điều đặc biệt là Đồng chí đã nói một cách rất giản dị mà sâu sắc về tình đồng chí, đồng đội thắm thiết  của những người lính vốn xuất thân từ nông dân. Một chủ đề hết sức mới mẻ của thi ca lúc bấy giờ.

2. Phân tích:

a. Nhà thơ đã khắc hoạ một đêm phục kích giặc với vẻ đẹp của khí phách can trường và hào hùng; của tình đồng chí gắn bó thắm thiết của người lính:

Đêm nay….giặc tới.

- Câu thơ tự do dài đã mở ra một không gian núi rừng rộng lớn, hoang vu, vắng vẻ. Núi rừng Việt Bắc lạnh giá, sương dày đặc trắng xóa.

- Cụm từ “Rừng hoang sương muối” gợi ra một cảnh tượng âm u, hoang vắng và lạnh lẽo. Không chỉ cái giá, cái rét cứ theo đuổi mà còn bao nguy hiểm đang rình rập người chiến sĩ.

 - Nổi bật trên nền hiện thực khắc nghiệt ấy là những người lính “đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới”. Tình bạn gắn kết trong cái nơi mà sự sống và cái chết chỉ trong gang tấc. Chính những gian nan ấy càng khiến cho tình cảm của họ thêm gắn bó, khiến cho tình người, tình đồng đội của họ càng ấm áp hơn.

- Từ “chờ” cũng đã nói rõ cái tư thế, cái tinh thần chủ động đánh giặc của họ. Rõ ràng khi những người lính đứng cạnh bên nhau vững chãi, truyền cho nhau hơi ấm thì tình đồng chí đã trở thành ngọn lửa sưởi ấm họ để họ có sức mạnh vượt qua cái cái gian khổ, ác liệt, giá rét ấy…

- Hai câu thơ đối nhau thật chỉnh và gợi cảm giữa khung cảnh và toàn cảnh. Khung cảnh lạnh lẽo, buốt giá. Toàn cảnh và tình cảm ấm nồng của người lính với đồng đội của anh.  Tình cảm ấy như xua bớt cái lạnh lẽo của sương muối.Tầm vóc của những người lính bỗng trở nên lớn lao anh hùng.

=> Sức mạnh của tình đồng đội đã giúp người lính vượt lên tất cả sự khắc nghiệt của thời tiết, của chiến tranh.Tình đồng đội đã sưởi ấm lòng các anh giữa rừng hoang mùa đông và sương muối buốt giá.

b. Câu thơ cuối là một hình ảnh đẹp được nhận ra từ những đêm hành quân phục kích giặc của chính người lính: Vẻ đẹp của tâm hồn hào hoa, lãng mạn: “Đầu súng trăng treo.”

- Đêm khuya, trăng trên vòm trời cao đã sà xuống thấp dần, ở vào một vị trí và tầm nhìn nào đó, vầng trăng như treo trên đầu mũi súng của người chiến sĩ. Người lính đứng gác nòng súng hướng lên trời cao, nhìn lên như trăng treo đầu súng. Một hình ảnh không thực trong đời sống nhưng rất thực trong cảm giác của con người. Rõ ràng, tình cảm đồng chí ấm áp, thiêng liêng đã mang đến cho người lính nét lãng mạn, cảm hứng thi sĩ trong hiện thực đầy khắc nghiệt qua hình ảnh “Đầu súng trăng treo”.Trong hoàn cảnh hết sức gian khổ khốc liệt: đêm đông giá lạnh, rừng hoang sương muối, cái chết cận kề, tâm hồn nhạy cảm của người chiến sĩ vẫn tìm thấy chất thơ bay bổng trong vẻ đẹp bất ngờ của trăng.

- Bốn chữ “Đầu súng trăng treo”chia làm hai vế  làm nhịp thơ đột ngột thay đổi, dồn nén, như nhịp lắc của một cái gì đó chông chênh, trong bát ngát…gây sự chú ý cho người đọc.

+ Từ “treo” đã tạo nên một mối quan hệ bất ngờ độc đáo, nối hai sự vật ở cách xa nhau - mặt đất và bầu trời, gợi những liên tưởng thú vị, bất ngờ.

+ “Súng” là biểu tượng của chiến đấu, “trăng” là biểu tượng của cái đẹp, cho niềm vui lạc quan, cho sự bình yên của cuộc sống. Súng là biểu tượng cho chiến tranh, trăng là biểu tượng hòa bình. Cây súng ấy bảo vệ cho vầng trăng hòa bình. Cuộc chiến đấu của ngày hôm nay là để cho ánh trăng hòa bình ngày mai mãi tỏa sáng trên quê hương của người lính. Hình ảnh ẩn dụ “Đầu súng trăng treo” tô đậm vẻ đẹp của những cặp đồng chí đang đứng cạnh bên nhau. Chính tình đồng chí đã làm cho người chiến sĩ cảm thấy cuộc đời vẫn đẹp, vẫn thơ mộng, tạo cho họ sức mạnh chiến đấu và chiến thắng.

=> Hình tượng thơ “Đầu súng trăng treo là một sáng tạo đầy bất ngờ góp phần nâng cao giá trị bài thơ, tạo được những dư vang sâu lắng trong lòng người đọc.

3. Đánh giá thành công của tác phẩm:

Với nhịp chậm, giọng thơ hơi cao, ba câu thơ cuối của bài một lần nữa khắc họa chân thực mà sâu sắc về hình ảnh người lính trong thời kì kháng chiến chống Pháp. Ba câu thơ ngắn gọn, nhưng đẹp bởi sự cách sử dụng ngôn từ giàu sức tạo hình, biểu cảm; âm hưởng thơ vừa rắn rỏi, vừa mềm mại vừa thể hiện được cái kiên cường, mạnh mẽ của người lính, vừa thể hiện vẻ nên thơ, lãng mạng của tâm hồn người lính. Chân dung người lính vệ quốc trong những ngày đầu kháng chiến chống Pháp hiện lên thật đẹp đẽ qua những vần thơ mộc mạc, chân tình mà gợi nhiều suy tưởng.

C.Kết bài

- Chính Hữu đã cho ta một cái nhìn chân thực về người lính chống Pháp, về anh bộ đội Cụ Hồ một thời gian khổ mà hào hùng của dân tộc. Nhà thơ đã vẽ lên bức chân dung của người lính với hai mặt tưởng như đối lập mà lại thống nhất, hài hòa. Bức chân dung ấy của người lính kết tinh làm nên bức tượng đài về người lính chống Pháp đau thương nhưng hào hùng của dân tộc. Bài thơ xứng đáng là một trong những tác phẩm thi ca xuất sắc về đề tài người lính và chiến tranh cách mạng của văn học Việt Nam.

- Bài thơ “Đồng chí” đặc biệt là ba câu kết như lời nhắn nhủ với mọi người: Hãy biết nâng niu và gìn giữ những tình cảm đẹp trong cuộc sống, phải biết kính trọng những người lính.