Thứ Tư, 27 tháng 11, 2013

Tưởng tượng và trò chuyện với nhân vật văn học



 Đề : Tưởng tượng mình gặp gỡ và trò chuyện với ông Hai trong truyện “Làng “ của Kim Lân

Thật đúng như nhà văn I-li-a Ê-ran-bua nói: “Lòng yêu nhà, yêu làng xóm, yêu đồng quê trở nên lòng yêu Tổ quốc”. Quả thật, ông Hai trong truyện ngắn “ Làng” là hình ảnh đẹp của những người nông dân bình thường nhưng giàu lòng yêu nước trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trước đây (1946-1954). Ông Hai là hình tượng người nông dân trong cuộc kháng chiến chống Pháp với những tình cảm chân thực và thắm đượm tình yêu quê hương, đất nước.Và từ khi được học tác phẩm “Làng” tôi thường mơ  ước được gặp ông để tìm hiểu rõ hơn điều gì đã xảy ra với ông.Điều đó đã thành sự thật cách nay chưa lâu. Tôi không thể quên được giây phút phút đó.
Không gian mờ ảo đưa tôi đi.Khi tôi mở mắt ra thì thấy mình    trong một ngôi làng trung du  nhỏ. Cái làng này chỉ có chừng vài mươi nóc nhà.  Tôi mơ màng  đi trên con đường đất thẳng giữa làng. Tôi thấy, những tốp người đứng ngồi lố nhố cả ở dưới mấy gốc đa sù sì, cành lá rườm rà ken vào nhau, rải xuống mặt đường và bãi cỏ một vùng bóng mát rộng.Tiếng quạt, tiếng thở, tiếng trẻ con khóc, cùng với tiếng cười nói râm ran một góc đường. Dưới chân đồi, những thửa ruộng lúa xanh mượt, uốn quanh co dưới trời nắng, lấp loáng như một khúc sông. Có mấy bóng cò trắng bay dật dờ…. Tôi giật mình.Tôi thấy cảnh này vừa lạ vừa quen.Hình như tôi đã gặp đâu đó rồi thì phải nhưng tôi không nhớ được.Bỗng tôi nhìn thấy ông  lão ngồi trong một cái quán gần đấy. Hút thuốc lào, uống chè tươi nóng, ông chóp chép cái miệng như có  bao nhiêu ý nghĩ vui thích chen chúc trong đầu óc. Tôi mạnh dạn đi lại gần.Bây giờ tôi mới nhìn rõ đó là ông lão người mảnh khảnh, đầu chít khăn, dáng điệu gọn gàng. Tôi đoán ông độ trên dưới sáu mươi.
-   Chào ông ? Ông có biết đây là đâu không ? Tôi hỏi.
-   Cháu không biết mình ở nơi tản cư à! Bố mẹ cháu đâu ?
- Cháu không biết tại sao cháu ở đây ? Ông giúp cháu về nhà nhé ?
Ông Hai đặt bát nước xuống chõng nói : Thôi cháu theo ông về nhà , để ông báo chính quyền tìm người nhà cho cháu. Ông Hai trả tiền nước, đứng dậy, chèm chẹp miệng một tiếng, vươn vai nói to: về nào…
Tôi theo ông về nhà.Trên đường đi ông giới thiệu mình là người làng chợ Dầu và mọi người thường gọi tôi là ông Hai Thu.Lúc đó tôi mới nhận ra mình đang nói chuyện với người mình mơ gặp bấy lâu.Tôi  đang bâng khuâng không biết điều này thưc hay mơ đây thì đã về tới nhà.Vào nhà ông rót nước và hỏi chuyện tôi.Ông hỏi tôi từ đâu tới, vì sao lạc cha mẹ…Tôi chỉ trả lời ậm ờ cho qua chuyện. Tôi đánh trống lảng hỏi sang chuyện khác  :
-          Cháu nghe nói làng chợ Dầu anh hùng lắm ! Ông có thể kể cho cháu nghe về nó không ?
Như bắt được mạch, ông Hai kể trong say sưa . Ông nói chuyện về làng một cách say mê và náo nức lạ thường. Hai con mắt ông sáng hẳn lên, cái mặt biến chuyển, hoạt động. Ông khoe làng ông có cái phòng thông tin tuyên truyền sáng sủa rộng rãi nhất vùng, chòi phát thanh thì cao bằng ngọn tre, chiều chiều loa gọi cả làng đều nghe thấy. Ông khoe làng ông nhà ngói san sát, sầm uất như tỉnh.Đường trong làng toàn lát đá xanh, trời mưa trời gió tha hồ đi khắp đầu làng cuối xóm, bùn không dính đến gót chân. Tháng năm ngày mười phơi rơm, phơi thóc thì tốt thượng hạng, không có lấy một hạt thóc đất.
Dù đã đọc những điều này trong truyện  nhưng tôi vẫn cảm thấy xúc động.Tôi nhìn ông Hai say sưa kể tiếp : Kháng chiến bùng nổ ông muốn ở lại làng cùng anh em bộ đội và dân quân kháng chiến .Nhưng vì hoàn cảnh gia đình nên ông phải cùng gia đình đi tản cư .Ở nơi tản cư ông rất nhớ làng và thường có hay khoe về làng mình .Hôm nào ông cũng ra phòng thông tin để nghe tin tức kháng chiến . Ruột gan ông cứ múa hết cả lên khi nghe được bao nhiêu tin hay - toàn tin quân ta giết được địch.

Nói đến đây ông dừng lại,trầm ngâm suy nghĩ.Tôi vội hỏi :
- Chuyện gì xảy ra vậy ông ? Sao ông dừng lại không kể tiếp ?
Ông Hai nhìn tôi với cặp mắt đầy suy tư
-          Từ từ chứ ! Chờ ông uống miếng nước đã. Nói xong ông lấy ly nước uống một ngụm.Uống xong ông kể tiếp : Hốm ấy đang trong tâm trạng náo nức thì ông nghe được tin làng chợ Dầu của ông theo Tây làm Việt gian. Lúc đó cổ họng ông nghẹn ắng lại , da mặt tê rân rân. Ông lặng đi ,tưởng như không thở được. Một lúc lâu ông mới dặn è è , nuốt một cái gì vướng ở cổ, ông hỏi lại về cái tin ấy thì người ta đã khẳng định một cách chắc chắn . Ông vờ vờ đứng lảng ra chỗ khác rồi đi thẳng về nhà.
            Nghe ông kể tôi có thể cảm nhận được tâm trang ông lúc đó. Có gì đau đớn, tủi nhục cho ông Hai bằng khi nghe một người đàn bà tản cư từ dưới xuôi lên nói: “Cả làng chúng nó (làng Dầu) việt gian theo Tây”, “Việt gian từ thằng chủ tịch mà đi cơ ông à!”, Niềm tự hào bao lâu bỗng chốc tan tành, sụp đổ. Giá không yêu nơi sinh trưởng của mình, ông đâu cảm thấy đau đớn và nhục nhã đến thế. Ông Hai vẫn đang kể :
- Về đến nhà , ông nằm vật ra giường nhìn lũ con mà thấy tủi thân , nước mắt ông cứ ràn ra . Chúng nó cũng là trẻ con làng Việt gian đấy ư ? Chúng nó cũng bị người ta rẻ rúng hắt hủi đấy ư ? Ông ngờ ngợ chả nhẽ bọn ở làng lại đốn đến thế ư rồi ông tự kiểm điểm trong óc thấy họ đều là những người có tinh thần yêu nước , yêu kháng chiến chẳng nhẽ lại đi làm cái điều nhục nhã ấy ? Nhưng không có lửa làm sao có khói . Ông cảm thấy tủi nhục. Chiều hôm ấy vợ ông về cũng có vẻ khác . Trong nhà có cái sự im lặng thật là khó chịu. Mãi đến khuya vợ ông mới hỏi ông về cái tin ấy. Ông im lặng rồi gắt lên vậy là bà ấy im bặt. Ba bốn ngày hôm sau ông không dám bước chân ra ngoài chỉ ở trong gian nhà trật trội để nghe ngóng tin tức. Lúc nào ông cũng nơm nớp lo sợ , hễ nghe đến chuyện ấy là ông lại giật mình. Ông căm ghét bọn phản bội làng, phản bội Tổ quốc. Nỗi đau đớn và nhục nhã và lo sợ của ông lên tới cao độ khi nghe tin nhân dân địa phương có người làng Dầu tản cư đến là họ tẩy chay dân làng ông, “đến đâu có người chợ Dầu người ta cũng đuổi như đuổi hủi”, ngay mụ chủ nhà cũng đã đuổi khéo vợ chồng, con cái ông ra khỏi nhà. Trước tình cảnh ấy, ông bế tắc nhưng  ông nhất định không chịu trở về làng: “Về làng là bỏ kháng chiến, bỏ Cụ Hồ”. Cũng không thể đi đâu, ở đâu, người ta cũng đuổi người làng chợ Dầu của ông.Trong tâm trạng đau đớn tủi hờn , ông tâm sự với thằng con út. Sau khi tâm sự xong, nỗi khổ của ông với đi phần nào .
Tôi lặng đi trong xúc động.Thật thương cho ông Hai. Không hiểu sao nước mắt đã nhòe trên mặt tôi .Ông Hai  lấy tay quệt nước mắt cho tôi cười nói : Coi cháu kìa ! Mau nước mắt quá ! Nghe ông nói tôi chỉ biết cười ngượng.Vội hỏi cho đỡ ngượng :
-          Vậy tin làng chơ dầu theo tây được cải chính  khi nào ?
Nghe tôi hỏi ông Hai ngẩn người ra .Tôi biết mình đã lỡ lời.Nhưng một thoáng im lặng trôi qua, ông nói với giọng xúc động :
-    Một hôm khoảng ba giờ chiều, có người đàn ông đến nhà ông chơi . Ông ấy rủ ông đi theo ông ấy, đến sẩm tối ông mới về . Lúc ây ông rất vui .Đến bực cửa ông đã bô bô khoe rằng Tây nó đốt nhà mình rồi, ông chủ tịch làng ông vừa mới lên cải chính, ông ấy cho biết cái tin làng ông theo Tây làm Việt gian là sai. Nỗi vui mừng của ông thật vô bờ bến. Ông hào phóng mua quà cho các con, ông muốn san sẻ niềm vui sướng ấy cho mọi người trong đó có cả mụ chủ nhà từng gieo cho ông nhiều nỗi bực dọc, căm tức.Cứ thế ông lật đật đi khoe khắp nơi, tối hôm ấy ông còn sang gian bác Thứ nói chuyện về làng của mình.
Nói xong ông  đưa tay quyệt nước mắt đã rơi khi nhắc đến kỉ niệm đó.Tôi cảm thấy mình thật nhỏ bé khi nghĩ đến ông. Ông Hai đã gắn tình yêu đắm say làng mạc của mình với tình yêu đất nước.Điề này làm nên con người vĩ đại trong ông.Cũng chính vì thế mà làng Dầu của ông có như thế nào đi nữa, ông vẫn một lòng, một dạ ủng hộ kháng chiến, ủng hộ Cụ Hồ.Đang trầm ngâm với suy nghĩ của mình tôi nghe tiếng gọi
-          Ông Hai ơi ngoài ủy ban có tin về làng chợ Dầu kìa ?
Nghe tiếng gọi ông Hai  nhanh chóng bảo tôi nghỉ ngơi còn ông sẽ chay ra ủy ban báo cáo về trường hợp của tôi.Nhìn dáng tất bật của ông mà tôi trào dâng niềm yêu thương.
Reng ! Reng ! Tiếng chuông báo thức vang lên. Giờ tôi mới nhận ra minh đã có một giấc mơ thật đẹp. Ông Hai đã giúp hiểu thêm về vẻ đẹp tâm hồn của người nông dân Việt Nam thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược :Yêu làng,yêu nước và gắn bó với kháng chiến.Có lẽ vì thế mà tác phẩm “Làng ” xứng đáng là một trong những truyện ngắn xuất sắc của văn học Việt Nam hiện đại.

Đề : Tưởng tượng gặp người cháu trong “ Bếp lửa”

     Trong cuộc đời ,ai cũng có cho riêng mình những kỉ niệm thời ấu thơ hồn nhiên trong sáng. Những kỉ niệm ấy là thiêng liêng và thân thiết nhất . Nó có sức mạnh phi thường nâng đỡ con người suốt hành trình dài và rộng của cuộc đời . Tôi nhận thức sâu sắc điều đó nhờ văn bản “ Bếp lửa” của Bằng Việt . Hình ảnh người bà, bếp lửa  và tình bà cháu in đậm trong tâm trí tôi . Và sự ám ảnh đó theo tôi vào giấc ngủ …
    Thời gian trôi , tôi là một sinh viên ngành luật tại Maxcơva .Tôi có người bạn rất thân thiết tên là Việt Bằng.Việt Bằng rất nổi tiếng trong giới sinh viên du học tại Liên Xô. Anh làm thơ rất hay.Tôi đã đọc và rất thích bài thơ “ Bếp lửa” của anh.
 Nhân dịp tết cổ truyền ở quê nhà, nhóm sinh viên xa nhà chúng tôi tổ chức nấu bánh chưng  , bánh tét . Bên ánh lửa bập bùng tôi được nghe câu chuyện về tuổi thơ của anh Việt Bằng . Anh kể trong nỗi xúc động về tuổi thơ và nỗi nhớ nhung về người bà giấu yêu của mình.
Bằng giọng chậm rãi bùi ngùi , đôi mắt như đắm chìm trong quá khứ ,Anh tâm sự :
- Các bạn ơi ! Thời gian trôi qua hơn hai mươi năm rồi . nhưng mỗi lần nhìn bếp lửa tôi lại nhớ về bếp lửa , quê hương ,bếp lửa tuổi thơ .hồi ức bếp lửa làm bớt cái lạnh lẽo của mùa đông xa quê , nỗi nhớ quê ,cha mẹ . Ở trời Tây này, tuyết thường rơi trắng xoá. cái lạnh ở nơi đây làm tôi liên tưởng đến bếp lửa của quê nhà chờn vờn trong sương sớm. Bếp lửa toả sáng bập bùng, in bóng bà tôi trên vách bếp. Bếp lửa luôn vương vấn hình ảnh bà nội tôi tần tảo sớm hôm . Dáng  bà cong lưng thổi bếp ,thổi mãi cho đến khi bếp cháy và tỏa luồng hơi ấm nồng nàn . Hơi ấm của tình thương, của niềm tin và hi vọng . Ôi hình ảnh bếp lửa vẫn lung linh trong kí ức của dù trải qua bao mưa nắng thời gian. Tôi nghĩ rằng chính sự quần tụ quanh bếp lửa của gia đình Việt là ấn tượng thiêng liêng mà tôi không bao giờ quên được.
Nói đến đây anh đừng lại và chìm trong suy tư. Tôi không muốn phá vỡ mạch suy nghĩ của anh nhưng trí tò mò của tôi đã thắng. tôi vội hỏi:
- Hồi nhỏ anh sống với bà à? Chắc có nhiều kỉ niệm lắm ?
 - Tuổi thơ của tôi được sống bên bà, cùng bà nhóm lửa là tuổi thơ với nhiều gian khổ, thiếu thốn, nhọc nhằn.Hồi quê hương tôi khổ lắm , chiến tranh mà ! Năm 1945 cả nước đang lâm vào cảnh đói khủng khiếp khiến hơn hai triệu người chết ,gia đình tôi cũng không ngoại lệ. Bố tôi còn con ngựa để đánh là may mắn lắm . Cả xã hội đói mòn đói mỏi . Trong những năm đói khổ đó , tôi và bà gắn bó với nhau . Bà không bao giờ để tôi đói hay thiếu bữa ăn nào . Bà mót từng củ khoai , lượm từng củ sắn để có cái ăn cho tôi .  Bà như bà tiên,  xua tan đi cái  không khí ghê rợn đầy tử khí của năm đó . Tôi nhớ mãi cái ” mùi khói “ .Hơn hai mươi năm rồi , khói vẫn làm cay mắt tôi. Cái “ cay “  của những kỉ niêm đói khổ, càng  “cay “ tôi càng nhớ bà và thương bà hơn.
Tôi lặng đi , không dám cất lời  hỏi tiếp . Thời gian trôi trong thinh lặng . Một lúc sau , đè nén xúc động , Việt Bằng kể tiếp: Cả quãng đời tuổi thơ tôi sống cùng bà. Trong tám năm ấy , đất nước có chiến tranh , hai bà cháu phải đi tản cư còn bố mẹ tôi thì đi công tác . Chỉ có tôi và bà , bà phải xoay sở nuôi thân mình và nuôi cả cháu . Thời gian ấy , tuy đói khổ với tôi lại là niềm hạnh phúc vô bờ . Suốt tám năm ròng, tôi ở cùng bà, sớm sớm chiều chiều cùng bà nhóm lửa. Bà kể cho chúng tôi nghe những ngày lưu lạc ở Huế. Trong khói bếp , chập chờn mở ảo , bà như bà tiên hiện ra từ trong những câu chuyện bà kể. Đối với tôi , bà là cha , là mẹ. Trong những năm sống, cùng bà , bà chăm lo tôi từng miếng ăn , từng giấc ngủ và bà còn là người thầy đầu tiên của tôi . Tôi lớn lên trong sự chăm sóc , dạy bảo của bà.Bà dạy tôi cách sống , cách làm người và những bài học đó đi theo tôi suốt cuộc đời . Là hành trang tôi luôn mang theo bên người . Bây giờ nghĩ lại, tôi đi xa rồi bà ở với ai , ai cùng bà nhóm lửa , ai cùng bà chia sẻ những ngày ở Huế ?. Mỗi lần nghe tiếng chim tu hú kêu, lòng tôi trỗi dậy những hoài niệm nhớ mong, muốn được ở gần bà, sợ phải xa bà. Đang kể bỗng Việt Bằng dừng lại , nhìn mông lung rồi đột ngột cất tiếng ngâm thơ :
 “ Tu hú ơi ! Chẳng đến ở cùng bà
 Kêu chi hoài trên những cánh đồng xa “ .
Tôi lặng người và cảm thông cho nỗi lòng của anh , cảm thông với  nỗi nhớ bà của đứa cháu nơi xứ người .Tim tôi thổn thức , lòng dâng trào cảm xúc . Hình như nơi quê nhà tôi cũng có ngươi bà đang mong chờ tôi về. Đang miên man trong suy nghĩ của mình, tôi nghe tiếng Việt Bằng kể tiếp :
- Chiến tranh khốc liệt vô cùng. Nó gây ra bao đau khổ . Bà cháu tôi cũng là một nạn nhân của chiến tranh . Gia đình tôi bị chia cắt , bố mẹ tôi công tác bận không về, nhà cửa bị đốt trụi … Nhưng cuộc sống càng khó khăn , cảnh ngộ càng ngặt nghèo thì bà càng thêm vững vàng . Nhớ năm đó túp lều tranh của bà cháu tôi bị đốt .Không còn chốn nương thân . Bà dẫn dắt tôi qua hết mọi khó khăn . Bà cấm tôi kể này ,kể nọ trong bức  thư viết cho bố . Bà không muốn bố tôi đang bận việc nước , lo lắng cho nhà . Lời dặn của bà giản dị nhưng chứa biết bao tình cảm . Ôi, bà ơi ! hồi ấy đầu óc non nớt của cháu đâu thấu hiểu tấm lòng hi sinh vì nước của bà . Tấm lòng của bà cao cả chan chứa yêu thương .
Kể đến đây đôi mắt Việt Bằng đã nhòa loẹt . Tôi cũng bồi hồi xúc động lẫn khâm phục ngươi phụ nữ anh hùng.
-Bà của anh thật tuyệt vời ! Bây giờ bà của anh còn không ? Làm gì?
 Đè nén xúc động , Việt Bằng cười rất tươi , vội vã trả lời :
-Còn … Bà tôi rất còn khỏe và vẫn dậy sớm nhóm bếp nấu nước , nấu cơm . Nhắc đến bà , tôi không quên được hình ảnh của bà với bếp. Hình ảnh bà tôi mái tóc bạc phơ, thân hình còm cỏi luôn đi đôi với bếp lửa rực hồng. Bếp lửa do tay bà nhóm lên toả hơi ấm khắp căn lều nhỏ và suởi ấm lòng tôi, khơi dây ở tôi những tâm tình của thời thơ dại. Bà và bếp lửa , hai hình ảnh ấy thực sự đã ghi dấu ấn lên cuộc đời tôi. Bây giờ cuộc sống đã thay đổi qua nhiều , bếp lửa truyền thống đã không còn hữu dụng nữa . Nhưng tôi mãi không bao giờ  quên được hai hình ảnh đó. Bếp lửa là tình bà nồng ấm, bếp lửa là tay bà chăm chút, bếp lửa gắn với những khó khăn gian khổ của đời bà. Ngày ngày bà nhóm lên bếp lửa cũng là nhóm lên niềm vui , sự sống, niềm yêu thương chăm chút dành cho tôi và mọi người. Bà không những là người nhóm lửa, giữ lửa, mà còn là người truyền lửa, truyền niềm tin , sự sống cho tôi. Bà là người phụ nữ Việt Nam muôn thuở với vẻ đẹp tần tảo , nhẫn nại và đầy yêu thương. Giờ đây tôi đã trưởng thành. Tôi có những niềm vui mới, tình cảm mới, bến bờ mới. Tổ quốc đã chấp cánh cho tôi bay vào bầu trời thênh thang của tri thức khoa học,nhưng tôi không thể nào quên hình ảnh bà gắn với hình ảnh bếp lửa mà bà tôi ấp iu nhen lên mỗi sớm, mỗi chiều ở  nơi quê nhà.
Lắng nghe Việt Bằng thộ lộ tâm sự , tôi bồi hồi xúc động về hình ảnh người bà thiêng liêng cao cả. Để đất nước được hòa bình , những người bà , người mẹ đã  âm thầm hi sinh . Trong tôi dâng tràn lên một niềm tin cao đẹp đất nước ngày càng phát triển khi còn những người mẹ , người bà như thế . Câu truyện của Việt Bằng gợi tôi nhớ về quê hương , gia đình và càng thấm thía hơn tình cảm gia đình , ông bà , cha mẹ . Quê hương là bến bờ hạnh phúc sưởi ấm tâm hồn những đứa con xa xứ như chúng tôi
     Qúa nửa đêm , giờ đã sang giờ giao thừa ở Việt Nam ,bếp lửa đã tàn , chúng tôi chia  nhau về phòng để kịp gởi lời chúc xuân tốt đẹp về Việt Nam . Viết xong lời chúc , Tôi lên giường đi ngủ .
-  Reng ! Reng ! Reng !
Tiếng chuông báo thức vang lên . Giời tôi mới nhận ra mình đã có một giấc mơ thật đẹp . Nhưng sao tôi vẫn cảm nhận được cái lạnh của nước Nga.Cái lạnh nhưng lại ấm áp tình cảm gia đình. Những gì là thân thiết nhât của tuổi thơ  mỗi người đều có sức toả sáng, nâng đỡ con người trong suốt hành trình dài rộng của cuộc đời phải không các bạn ? Tình yêu thương , lòng biết ơn trong gia đình chính là cội nguồn của tình yêu quê hương đất nước, con người. Tôi thầm hứa mình phải biết yêu quý và bảo vệ hạnh phúc mình đang có.

Đề : Tưởng tượng gặp anh thanh niên

Sapa đẹp nổi tiếng, tôi đã nghe từ lâu và luôn ước mong được một lần đặt chân đến đó.Niềm mơ ước đó càng trở lên mãnh liệt hơn khi tôi được học truyện ngắn “ Lặng lẽ Sapa”.Niềm mơ ước đó đã theo tôi vào giấc ngủ.
Giật nảy người, tôi thấy mình đang ở trên một chiếc xe buýt.Ngó ra ngoài cửa sổ tôi thấy chiếc xe khách đang chạy chầm chậm  trên một con đường đèo cheo leo uốn lượn quanh co.Tôi đưa mắt nhìn xung quanh. Khung cảnh trước mắt bỗng hiện ra với vẻ đẹp kì lạ. Tôi thấy những cây thông chỉ cao quá đầu,rung tít trong nắng.Nắng len cháy đốt rừng cây. Mây bị nắng xua cuộn tròn lại từng cục, lăn trên các vòm lá ướt sương,rơi xuống đường cái, luồn cả vào gầm xe. Cảnh sao xa lạ quá.
-          Chỉ vài cây số nữa là tới Sapa.
Đang mơ màng tôi bỗng nghe bác lái xe nói.Tôi giật mình, háo hức , tò mò đưa mắt nhìn ra xa lặng lẽ. Tôi đang ở Sapa sao ? Thật hay mơ ? Tôi véo vào mặt mình.Đau quá ! Tôi đang ở Sapa thật.Nhưng  ngay lúc đó  xe bỗng phanh kít lại. Khách trên xe  xôn xao.Bác lái xe bảo là dừng xe lại một lúc để lấy nước và để mọi người nghỉ ngơi ăn lót dạ.Tôi xuống xe để hưởng thức vẻ đẹp của Sapa. Phải công nhận Sapa đẹp thật. Sapa quá đẹp! Khách đi xe bây giờ đã xuống đất tất cả. Kẻ đang vươn vai, người ngồi bệt xuống ven đường giở thức ăn mang theo ra.Đưa mắt nhìn ngôi nhà nhỏ trên đỉnh đèo ẩn trong mây. Tôi tò mò đi lên.Lên tới nơi ,tôi phát hiện ra căn nhà thật đẹp.Căn nhà nhỏ được bao quanh bởi một vườn hoa nở rộ với rất nhiều loài hoa. Trong mây mù ngang tầm với cầu vồng kia,hoa dơn, hoa thược dược …vàng, đỏ, tím, vàng … rực rỡ.Ở giữa vườn có một cháng trai đang chăm sóc hoa.
Nhìn thấy tôi anh thanh niên mỉm cười đi tới chỗ tôi đứng.Anh quệt  vội giọt mồ hôi trên sống mũi hỏi nhỏ :
-           Em từ dưới xuôi lên à ! Vào nhà chơi đi em.
Nhìn nụ cười thân thiện của anh tôi cảm thấy rất ấm áp.Lúc này tôi mới nhìn kĩ anh .Anh khoảng hai bảy hai tám gì đó.Dáng người nhỏ bé , nét mắt rạng rỡ. Ánh mắt luôn toát lên vẻ tự tin.Tôi theo anh vào nhà.
-          Anh chỉ sống một mình thôi à ? Nhìn xung quanh nhà tôi hỏi.
-          Ừ ! Gia đình anh ở dưới thị xã , còn anh ở trên đây để công tác.
Anh vừa nói vừa pha trà, ấm trà nóng thoang thoảng vừa ấm áp lại vừa mát mẻ.Anh rót vào một tách nhỏ rồi đem đến cho tôi.
- Cho em xin ạ ! Anh cứ để em tự nhiên.
- Thế em lên đây có việc gì ?
- Em theo cha lên đây thăm bạn ! Tôi trả lời đại vì chính tôi cũng không biết tại sao tôi ở đây.
- Lên Sapa cũng thú vị lắm em ạ. Nhưng cũng có cái buồn tẻ , lạnh lẽo có khi làm cho con người ta cô đơn. Quả thật , anh cảm thấy rất buồn nhất là lúc lần đầu tiên lên công tác ở đỉnh Yên Sơn.
Anh nhíu đôi mày lại như đang suy tư vào một điều gì đó.Không khí thật yên tĩnh. Thỉnh thoảng có làn gió nhẹ thoảng qua đem theo mùi hoa lẫn mùi cây cỏ, mùi đất của Sapa. Một chú chim cất tiếng hót.Nó đậu trên cửa sổ. Lúc này trong đầu tôi vang lên câu nói của bác lái xe trước khi mọi người rời xe : “ Đây là đỉnh Yên Sơn, cao hai nghìn sáu trăm mét. Ở đây có một trong những người cô độc nhất thế gian. Anh ta làm công tác khí tượng kiêm vật lí địa cầu. Cách đây bốn năm, có hôm tôi cũng đang đi thế này chợt thấy một khúc thân cây chắn ngang đường, phải hãm lại. Một anh thanh niên ở đâu chạy đến, hè với tôi và khách đi xe đẩy khúc cây ra một bên cho xe đi. Hỏi ở đây mà ai đẩy cây ra giữa đường thế này, anh chỉ đỏ mặt. Thì ra anh ta mới lên nhận việc, sống một mình trên đỉnh núi, bốn bề chỉ cây cỏ và mây mù lạnh lẽo, chưa quen, thèm người quá, anh ta kiếm kế dừng xe lại để gặp chúng tôi, nhìn trông và nói chuyện một lát. Nhà anh ta trên cái bậc cấp kia.”Lúc này tôi mới nhận ra mình đang nói chuyện với “Anh thanh niên”  trong lặng lẽ Sapa.Thật kinh ngạc.Tôi cười tinh nghịch cười hỏi :
- Anh có gặp lại bác họa sĩ và cô kĩ sư trẻ từng tới đây thăm anh lần trước không ?
Anh ngờ ngợ nhìn tôi.Tôi vội nói :” Em từng được gặp bác họa sĩ trong một buổi triển lãm tranh và bác có kể chuyện của anh.Em đã xem bức tranh vẽ anh rồi.Nó đẹp lắm.Bác nói anh rất “thèm người”.
Anh nhìn tôi,cười vui vẻ :
- Đúng là anh thèm người mà ai chẳng thèm người.Đúng không em. Nhất là khi công việc của anh cũng quanh quẩn ở mấy chiếc máy ngoài vườn này thôi. Anh ở đây có nhiệm vụ đo gió, đo mưa, đo nắng, tính mây, đo chấn động mặt đất, dự vào việc báo trước thời tiết hằng ngày, phục vụ sản xuất, phục vụ chiến đấu. Anh lấy những con số, mỗi ngày báo về “nhà” bằng máy bộ đàm: bốn giờ, mười một giờ, bảy giờ tối, lại một giờ sáng. Bản báo ấy trong ngành gọi là “ốp”. Công việc nói chung dễ, chỉ cần chính xác. Gian khổ nhất là lần ghi và báo về lúc một giờ sáng. Rét, rét lắm. Ở đây có cả mưa tuyết đấy. Nửa đêm đang nằm trong chăn, nghe chuông đồng hồ chỉ muốn đưa tay tắt đi. Chui ra khỏi chăn, ngọn đèn bão vặn to đến cỡ nào vẫn thấy là không đủ sáng. Xách đèn ra vườn, gió tuyết và lặng im ở bên ngoài như chỉ chực mình ra là ào ào xô tới. Cái lặng im lúc đó mới thật dễ sợ: nó như bị chặt ra từng khúc, mà gió thì giống những nhát chổi muốn quét đi tất cả, ném vứt lung tung… Những lúc im lặng lạnh cóng mà lại hừng hực như cháy. Xong việc, trở vào, không thể nào ngủ lại được.  Vì vậy anh thèm nghe chuyện dưới xuôi lắm.
 Tôi lặng đi, trầm ngâm suy nghĩ chắc anh phải là người yêu nghề và gắn bó với mảnh đất này lắm. Tôi cảm nhận sâu sắc tinh thần trách nhiệm cao với công việc .niềm say mê lao động của anh.Từ giã cuộc sống đô thị, nơi xa hoa, lộng lẫy, anh tình nguyện trở về quê hương - mảnh đất Sa Pa, lên đỉnh Yên Sơn lạnh giá làm việc khiến chúng ta ai cũng trân trọng và cảm phục . Anh - một con người vô danh nhưng thực là một con người với mọi ý nghĩa tốt đẹp của danh từ ấy, bởi anh đã sống với ý thức trách nhiệm đầy đủ của một con người.Như để đáp lại suy nghĩ thầm kín của tôi,anh nói tiếp :
- Nhưng không hẳn Sapa buồn và lặng lẽ thế đâu em ạ! Khi ta  làm việc, ta với công việc là đôi, sao gọi là một mình được? Huống chi việc của anh gắn liền với việc của bao anh em, đồng chí dưới kia. Công việc của anh gian khổ thế đấy, chứ cất nó đi, anh buồn đến chết mất. Anh rất vui vì tìm được thú vui,sự say mê trong công việc,hiểu được trách nhiệm của mình đối với quê hương.Mọi vật ở đây đều là bạn của anh.Chúng gắn bó với anh suốt mấy năm trời.
- Sapa  đã đem lại cho em sự ngạc nhiên không chỉ bởi vẻ đẹp của nó mà còn bởi ...
Vừa nói tôi vừa đi đến bên giá sách. Chưa kịp nói hết, anh đã tiếp lời :
- Anh không ngờ bác họa sĩ lại vẽ anh. Anh làm ở đây có là gì so với người khác ....Em có biết có nhiều người nhận công tác ở đây còn sớm hơn anh rất nhiều như Bác kĩ sư su hào ở Sapa đó.
Anh dừng lại đôi chút ,giọng lại buồn buồn :
- Không biết giờ bác họa sĩ ở đâu.Lâu lắm rồi anh không gặp lại bác nhất là cô kĩ sư.
Tôi thông cảm với nỗi niềm của anh nên không dám nói thêm.Tôi chợt nhớ đến một chi tiết trong truyện tôi đã đọc.
- Anh à ! Anh đã phát hiện ra đám mây khô và góp phần vào thành công trong mặt trận Cầu Hàm Rồng  phải không ạ ?
Khuôn mặt anh rạng rỡ hẳn lên.
- Đúng vậy.Anh đã phát hiện ra đám mây khô báo cho bộ đội ta bắn trúng máy bay Mĩ. Đối với anh thật là đột ngột, không ngờ lại là như thế. Từ hôm ấy anh sống thật hạnh phúc
Bỗng có tiếng còi xe vang lên.Tôi đành phải chia tay anh.Chỉ trò chuyện với anh ít phút thôi mà tôi cảm thấy như người bạn lâu lắm rồi. Anh tiễn tôi ra ngoài cửa .
- Em chào anh em đi .
- Ừ! Thôi đi nhanh đi kẻo ba mong, sau này có dịp lại lên đây chơi với anh nhé.
    Tôi theo bậc cấp bước xuống đồi, đến mặt đường nhìn lên, không thấy anh đứng đấy nữa. Anh ta đã vào trong nhà. Lúc bấy giờ, nắng đã mạ bạc cả con đèo, đốt cháy rừng cây hừng hực như một bó đuốc lớn. Tôi lững thững đi về phía chiếc xe đỗ, im lặng nghĩ suy:  Anh chính  là tấm gương tiêu biểu cho thế hệ trẻ Việt Nam đang xây dựng đất nước với lối sống đầy tình cảm. Một con người với lý tưởng cao đẹp: Sống và cống hiến.... Chính điều đó đã tạo cho tôi lòng tin yêu vào cuộc sống. Phải chăng anh chính là Mai An Tiêm trong thời đại ngày nay. Tôi lên xe, tiếp tục cuộc hành trình và lại thiếp đi.
    Bốp! Tôi giật nảy mình, mở mắt ,thấy anh Hai đang đứng kế bên.Thì ra tôi ngủ quên lúc đang học bài.Nhưng hình như hơi ấm và mùi trà vẫn còn thoang thoảng đâu đây.Tôi biết cuộc gặp gỡ này sẽ ở lại mãi trong lòng tôi.Anh đúng là tấm gương sáng cho tôi và các bạn noi theo,để tôi hiểu rằng tuổi trẻ cần phải biết cống hiến và hi sinh.Và khúc ca của Thanh Hải chợt vọng lại trong lòng tôi:” Một mùa xuân nho nhỏ - Lặng lẽ dâng cho đời...

 Đề : Mơ gặp bé Thu

Câu chuyện “Chiếc lược ngà” đã kể lại thật cảm động về cuộc gặp gỡ và những tình cảm của cha con ông Sáu. Hình ảnh cha con ông Sáu đã để lại trong lòng tôi nỗi cảm thông, yêu mến và những ấn tượng sâu sắc.Tôi ao ước được gặp bé Thu. Thế rồi niềm ao ước ấy đã trở thành hiện thực.  Tôi không thể quên được giây phút phút đó.
Không gian mờ ảo đưa tôi đi.Khi tôi mở mắt ra thì thấy mình    trong một ngôi nhà nhỏ, giữa Đồng Tháp Mười mà chung quanh nước đã lên đầy -một  trạm của đường dây giao thông. Cái trạm này - một ngôi nhà cất chen vào giữa một chòm cây giữa khu rừng tràm thưa, mỗi khi có một cơn gió, sóng nối nhau đập vào tàn cây, nhà lại rung lên và lắc lư như một con thuyền đang chơi vơi giữa biển. Sóng đập đều đều vào các chòm cây. Đàn cò đứng ngủ không yên, một vài con vỗ cánh bay chấp chới. trời sáng trăng suông. Trong nhà có rất nhiều người.Mọi người đang cười đùa trò chuyện trong lúc chờ giao liên đưa đi.Tôi giật mình.Tôi thấy cảnh này vừa lạ vừa quen.Hình như tôi đã gặp đâu đó rồi thì phải nhưng tôi không nhớ được.Bỗng tôi nhìn ra bên ngoài phía bờ sông,tôi thấy một cô gái còn khá trẻ đang ngồi trầm tư một mình.Tôi mạnh dạn đi lại gần.Bây giờ tôi mới nhìn rõ đó là một cô gái người mảnh khảnh, đầu chít khăn, dáng điệu gọn gàng. Tôi đoán cô độ mười tám hai mươi là cùng.Cô gái đang cầm một chiếc lược ngà nước mắt giàn giụa.
-          Chào chị ? Chị có sao không vậy ? Tôi hỏi.
-          Chị không sao.Chỉ tại chị xúc động quá thôi.Cám ơn em đã quan tâm.
Bây giờ tôi mới nhận ra mình đang gặp bé Thu. Thật đúng như nhà văn Nguyên Quang Sáng tả. Cô thật đẹp.Tôi vội hỏi :
-          Chiếc lược đẹp quá ! Nó chắc là kỉ vật  mà chị quý trọng lắm phải không ?
-          Ừ ! Chiếc lược ngà là quà ba chị đã tẩn mẩn, kì công làm cho.
-          Ba chị thương chị quá ! Vây ba chi đâu .?..Tôi  đang hỏi nhưng vội ngưng vì biết mình lỡ lời.Lén nhìn chị Thu mà lòng đầy ân hận. Nhưng hình như chị như bị chìm vào kí ức. Giọng chị nghẹn ngào                                     
-        Ba chị mất rồi. Mất khi chưa kịp trao cho chị cây lược mà ba tự làm.Mỗi khi nhìn cây lược ngà ấy, nỗi nhớ về ba lại ùa về trong chị.Chị luôn tự trách mình ngày ấy, vì sao lại làm cho ba buồn, làm cho ba đau lòng. Cảm giác ân hận cứ day dứt mãi trong lòng.
-          Tại sao vậy ? Chị có thể kể cho em nghe được không ? Tôi hỏi
-          Đựơc thôi ! Chị kể với giọng nghẹn ngào . Nhìn chiếc lược ngà trong chị tràn ngập cảm xúc với bao kỉ niệm lần ba chị về thăm nhà đầu tiên sau tám năm xa cách. Đó cũng là lần đầu chị được gặp người cha mà mình hằng mong ước .Nhưng than ôi! cũng là lần gặp gỡ cuối cùng.Càng nhớ chị càng ân hận day dứt.
Dù biết trước nguyên nhân nhưng tôi vẫn cảm thấy bùi ngùi và thương cho chị Thu.Tôi nhìn chị thấy chị đang cố kìm nén không cho tiếng nấc bật ra khỏi miệng.Chị nghẹn ngào kể tiếp : “Ngày về thăm nhà, ba chị chỉ được ở nhà có vẻn vẹn có ba ngày, thế mà chị lại từ chối sự săn sóc vỗ về của ba.Ba khao khát được nghe chị gọi tiếng " ba" nhưng chị nhất định không gọi vì chị nghĩ ông không phải là ba mình.
-          Tại sao chị lại không nhận cha ? Tôi chen ngang
-          Tại ông không giống người cha trong tấm hình chụp chung với má chị,.Ba chị không có vết sẹo dài trên mặt như ông ấy.Ôi cái tuổi ngây thơ ngang bướng.Giờ nghĩ lại chị lại thấy buồn cười.  Thậm chí,chị còn nói trống không khi mời ba vào ăn cơm; nhất quyết không gọi ba để nhờ chắt nước nồi cơm và hất cái trứng cá mà ba gắp bỏ chén cho chị, làm văng cơm tung tóe. Còn nhớ lúc ấy, ba chị  tức giận đã đánh vào mông chị. Thế là chị tức lắm nhưng ngồi im, đầu cúi gầm xuống ngầm phản khán rồi lặng lẽ gắp cái trứng cá bỏ vào chén, đi xuống bến, mở xuồng bơi sang nhà ngoại.Chị khóc ,méc ngoại mọi chuyện. Đêm ấy  chị được ngoại cho biết vết sẹo dài trên mặt ba là do Tây bắn bị thương.
-          Sao nữa chị ? Chị kể tiếp đi em hồi hộp quá.
Chị Thu nhìn tôi với cặp mắt còn ngân ngần nước.
-          Từ từ chứ .chờ chị uống miếng nước đã. Nói xong chị lấy biđông nước bên người uống một ngụm.Uống xong chị kể tiếp :Đêm  ấy chị không ngủ được, nằm im, lăn lộn và thỉnh thoảng thở dài trông mau đến sáng để ngoại đưa về nhà. . Sáng hôm sau chị theo ngoại về nhà.Chị thấy trong nhà, ngoài sân mọi người đến tiễn ba chị rất đông. Chị đứng trong góc nhà buồn bã nghĩ ngợi. Và khi ba nhìn chị,chị cảm nhận đôi mắt ấy trìu mến lẫn buồn rầu làm sao. Chỉ khi nghe ba nói :”Thôi, ba đi nghe con!” thì tình yêu thương của chị giành cho ba trổi dậy, chị thét lên: “Ba......... “Vừa thét chị chạy thó lên, dang hai tay ôm chặt cổ ba.Chị hôn tóc , hôn cổ, hôn vai, hôn lên cả vết thẹo dài trên má của ba. Chị không muốn cho ba đi .Mặc ba dỗ dành, chị vẫn cứ siết chặt ba. Đến lúc mọi người, mẹ và bà dỗ chị hãy để ba đi, ba sẽ về mua cho chị chiếc lược,  chị mới ôm chầm lấy ba lần nữa, mếu máo dặn ba rồi từ từ tuột xuống. Chị  không  bao giờ quên hình ảnh ba trong lần gặp gỡ đầu tiên và cũng là lần cuối cùng ấy.
Tôi lặng đi trong xúc động.Thật thương cho chị Thu.Chiến tranh đã làm chị mất đi người cha mà chị yêu quý.Không hiểu sao nước mắt đã nhòe trên mặt tôi .Chị Thu lấy khăn lau nước mắt cho tôi cười nói : Coi em kìa ! Mau nước mắt quá ! Nghe chị nói tôi chỉ biết cười ngượng.Vội hỏi cho đỡ ngượng :

-          Vậy chị được ba tặng chiếc lược ngà khi nào ?
Nghe tôi hỏi chị ngẩn người ra .Tôi biết mình đã lỡ lời.Nhưng một thoáng im lặng trôi qua, chị nói với giọng nghẹn ngào :
-          Chiếc lược này chị nhận được từ một người bạn của ba.Ba chị đã mất trong một trận càn.Trước khi mất ba chị đã nhờ người bạn đưa cho chị.
Nói xong chị đưa tay quyệt nước mắt.Tôi cảm thấy mình đáng trách quá khi đụng đến nỗi đau của chị.Và tôi rơi vào trầm ngâm với suy nghĩ của mình. Chiếc lược ngà với dòng chữ sẽ mãi là kỉ vật, là nhân chứng về nỗi đau, bi kịch của chiến tranh. Người còn, người mất nhưng kỉ vật, gạch nối giữa cái mất mát và sự tồn tại của chiếc lược ngà vẫn còn đây. Đây là minh chứng tội ác, là những đau thương, mất mát của chiến tranh xâm lược mà các thế hệ bạo tàn gây ra cho chúng ta. Tôi đồng cảm thấm thía nỗi đau, sự mất mát mà chiến tranh mang đến cho chị Thu. Tình cảm cha con sâu sắc của cha con ông Sáu đã vượt qua bom đạn của chiến tranh để ngày càng thiêng liêng, ngời sáng và gắn bó chặt chẽ với tình yêu quê hương, đất nước. Đang mơ màng tôi nghe tiếng gọi
-          Cô Hai ơi lên đường được chưa ?
Nghe tiếng gọi chị Thu bỏ chiếc lược vào túi áo nhanh chóng chạy vào trong nhà không kịp chào  tôi .
Nhìn chị chống sào đưa  người qua sông mà tôi trào dâng niềm yêu thương.
     Reng ! Reng ! Tiếng chuông báo thức vang lên. Giờ tôi mới nhận ra minh đã có một giấc mơ thật đẹp. Và tôi học được một bài học vô cùng lớn.Tôi hiểu những mất mát đau thương mà chiến tranh đã gây ra cho bao nhiêu gia đình. Bởi vậy mà tôi càng yêu quý gia đình mình và thêm trân trọng cuộc sống hoà bình hôm nay .

 Đề : Mơ gặp chiến sĩ trong bài thơ " Đồng chí "

Hôm ấy ở trên lớp, tôi được học bài thơ " Đồng chí “ của Chính Hữu Bài thơ thật hay và ý nghĩa. Nó nhanh chóng chiếm được thiện cảm trong tôi. Buổi tối, tôi lấy sách ra học thuộc bài thơ. Đọc mãi... đọc mãi... tôi bỗng ngáp dài. Tôi thiếp đi, chìm vào giấc ngủ. Và tôi dã mơ, một giấc mơ thật kì lạ.
          Giấc mơ đưa tôi đến một khu rừng đen kịt thật heo hút., xa lạ. Nơi đây mới vắng vẻ làm sao. Tôi giật mình ngơ ngác giữa không gian mù mịt và những ngọn lửa cháy bập bùng nơi xa tít. Không biết đây là đâu ? Tôi hoang mang, lo sợ. Tôi giật bắn người khi có một bàn tay chắc nịch đặt lên vai tôi. Tôi quay người lại. Trước mắt tôi là môt chú bộ đội ăn vận với bộ quần áo rách vá. Khuôn mặt chú vuông vắn và đầy nghiêm nghị nhưng nước da lại xám vàng nên trông chú thật khắc khổ, Chú hỏi tôi với giọng nói ân cần:" Cháu đi đâu mà lạc vào đây? Có biết đây là chiến trường ác liệt không ? Nơi chỉ dành cho chiến tranh, cho nghững người lính ?"
          Tôi trả lời chú:" Cháu chẳng biết đây là đâu cả. Chú giúp cháu trở về nhé. Nhưng... hình như cháu đã gặp chú ở đâu rồi hay sao mà nhìn chú quen thế?"
          Chú mỉm cười và nói:" Chú là Nguyễn Hữu Việt ,là chiến sĩ giải phóng quân Việt Bắc. Các chú đang chiến đấu chống lại thực dân Pháp. Cháu nhìn quang cảnh nơi đây mà xem, những cánh rừng bạt ngàn màu xanh nơi đã chôn xác bao kẻ thù và cả các đồng đội của chú. Những thân cây đầy dấu vết của đạn bom. Những hố bam khổng lồ- vết tích của chiến tranh. Giọng chú bùi ngùi khi vừa kể vừa chỉ cho tôi xem toàn cảnh xung quanh.Và cháu hãy hướng con mắt về phía đằng xa kia, cháu sẽ binh đoàn của các chú đang đóng quân."
          Chú ấy dẫn tôi từ từ tiến doanh trại. Tôi lễ phép chào hỏi các chú chiến sĩ giải phóng quân.Nhìn các chú thật lạ. Quân trang thì mỗi người một kiểu, phần lớn mặc quần áo nâu, chân thì không có giầy. Mà áo có lành lạnh lặn gì cho cam vá chằng vá đụp . Tất cả mọi ngườ cười nói vui vẻ bên đống lửa .Các chú mời tôi cùng ăn bữa tối. Nói bữa tối cho sang chứ chỉ có nồi cháo loãng với ít rau rừng.Nghĩ mà thương các chú. Vừa ăn tôi vừa nhìn các chú.Thật lạ, tôi thấy các chú ai cũng có màu da giống nhau : Màu xám tái và chưa kể đa số đều cạo đầu. Trời về đêm trở lên lạnh chú Việt lấy chiếc chăn khoác lên mình tôi.  Ngoài tôi, chẳng thấy chú  nào đắp thêm gì lên mình.Họ vẫn cười đùa vui vẻ.
Sau bữa ăn, tôi được chú Việt giải đáp thắc mắc. Đêm rét chỉ có đốt lửa sưởi vì chăn mền không đủ. Muốn giặt quần áo phải ngâm mình dưới suối do trang phục hàu như mỗi người chỉ có một bộ.. Đa số các chiến sĩ đều cạo tóc vì như chú Việt nói chấy rận rất nhiều và bệnh sốt rét. Không ít anh em đã chết vì chấy rận, sốt rét rừng quật ngã . Tôi thấy  cuộc sống của các chú sao mà khổ quá vậy.
          Tôi hỏi:" Chắc cuộc sống của các chú rất vất vả, nhọc nhằn. Các chú chắc gặp nhiều khó khăn lắm?"
    " Đúng thế. Cuộc sống vất vả lắm. Đói ăn, đói muối, sốt rét rừng, thú dữ hành hạ.- chú vừa nói vừa mỉm cười- Cái nụ cười sao buốt giá . Các chú chiến sĩ khác cũng cười.
    Và chú kể tiếp :” Hưởng ứng lời Bác kêu gọi kháng chiến, Các chú ở khắp mọi nơi gia nhập đoàn quân này.”Ai có súng dùng súng, ai có gươm dùng gươm”, Binh đoàn của với vũ khí thô sơ, có chiến sĩ người Mường chỉ có cung nỏ mà khiến giặc Pháp phải kinh sợ. Do vậy, các chú hầu như ai cũng giỏi võ thuật, đặc biệt là sức chiến đấu bền bỉ, sẵn sàng hi sinh “ . Tôi  cảm động với những câu chuyện huyền thoại về những chiến binh mà chú Việt kế  như đại đội trưởng trinh sát của bị quân Pháp phục kích, kêu gọi ra hàng nhưng anh đã cùng đại đội chiến đấu đến viên đạn cuối cùng rồi tự sát. Chú Việt bùi ngùi : Rất nhiều đồng đội của chú  đã ngã xuống nơi núi rừng Tây Bắc này.
    Nghe đến đây tôi thấy thương các chú quá. Ngày ngày các chú vẫn kiên trì bám sát trận địa bất kể mưa hay nắng , đau hay ốm. Các chú đã quá vất vả, gian lao. Tôi đang suy nghĩ thì chú Việt nói tiếp:" Tuy vất vả nhưng chú vẫn thấy hạnh phúc khi được sống, được chiến đấu với các đồng đội của mình. Những người đồng chí từ bốn phương trời đã hội tụ về đây. Bạn bè các chú tay trong tay chia nhau từng cơn ớn lạnh, từng điếu thuốc , từng niềm vui nỗi nhớ…. Các chú cùng nhau chia ngọt sẻ bùi, chia nhau những nỗi nhớ ,niềm mơ ước. Những ngày tháng đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới  giữa rừng, làm sao chú quên được? Các chú vẫn nhìn lên  bầu trời rộng mở."Nói xong chú Việt  ngân nga vài câu thơ :
                             Áo anh rách vai
                             Quần tôi có đôi miếng vá
                             Chân không giấy
      Thương nhau tay nắm lấy bàn tay
Vừa ngân nga xong chú Việt đứng lên khoác súng lên vai và bước đi.Tôi đi theo,vừa đi vừa ngắm nghía doanh trại cùng các người lính. Chú Việt đã tới ca trực. Tối đứng lặng nhìn chú và đồng đội đứng gác. Hình ảnh sao mà đẹp quá.  Ánh mắt chú sáng lên niềm tin và hi vọng. Các chú chiến đấu vì đất nước. Với lòng quả cảm và quyết tâm, các chú đã vượt lên tất cả, hoàn thanh tốt nhiệm vụ của mình.Và tôi ngước nhìn nên bầu trời .Trăng sao đẹp quá ? Trăng như treo trên đầu ngọn súng.
    Tôi không cầm được lòng mình. Tôi chạy tới, ôm chầm lấy chú:" Các chú thật kiên cường! Cháu rất khâm phục các chú. Vượt lên tất cả, các chú luôn lo cho đất nước.    Chú nắm chặt lấy tay tôi:" Chắc chắn là như vậy. Đát nước sẽ sớm hòa bình cháu ạ."
    Chú Việt vừa nói tới đây, bỗng từ xa một tiếng nổ lớn vang lên. Tôi choàng tỉnh giấc. nghĩ lại về giấc mơ . Tôi vẫn cảm nhận được sự ấm áp của bàn tay chú Việt khi chú nắm tay tôi.
    Qua giấc mơ, tôi như hiểu thêm về những ngườ lính bộ độ cụ Hồ anh dũng trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Con người Việt Nam là vậy: Không bao giờ khuất phục trước chiến tranh. Tôi nghĩ về mình. Tôi cũng phải như các chú ấy, luôn cống hiến hết mình cho đất nước. Tôi sẽ cố gắng học tập để noi gương các chú, đưa dất nước Việt Nam sánh vai với các cường quốc năm châu, như lời Bác đã dạy.





Đề : Hãy tưởng tượng mình là người được gặp gỡ và trò chuyện với người lính trong bài “Ánh trăng” của Nguyễn Duy và kể lại cuộc trò chuyện đó.

Vào những ngày cuối tuần, tôi thường hay ngồi đọc sách, đó là một cách để thư giãn sau một tuần đi học mệt mỏi. Buổi sáng chủ nhật hôm ấy, tôi vẫn đọc sách như mọi khi thì bỗng bố tôi đi chơi. Tôi khá bất ngờ vì một người bận rộn như bố thường tranh thủ nghỉ ngơi ở nhà vào những ngày cuối tuần với những công việc đã thành thói quen như xem ti-vi, đọc báo… Tôi ngạc nhiên vội hỏi rằng hai bố con sẽ đi đâu, bố mỉm cười:
-                     Đó là một nơi rất thú vị, khi nào đến thì con sẽ biết.
Nghe bố nói vậy, tôi không hỏi nữa và háo hức chuẩn bị đi ngay.
Tôi đã tưởng tượng ra nào là công viên, kkhu vui chơi… nhưng không ngờ rằng đó lại là một quán café ở Hàng Buồm, Hồ Gươm thật giản dị với cái tên “Lính”. Tôi cảm thấy tò mò và thích thú khi bước vào. Đây là một quán café rất lạ mà tôi chưa bao giờ đặt chân đến. Mọi vật trong căn phòng có cái gì đó rất thiêng liêng. Những chiếc ba-lô của người lính, những chiếc mũ cối, những khẩu súng trường, áo chống đạn… Tất cả như đưa tôi trở về với quá khứ của một thời chiến tranh bom rơi đạn nổ.
Tôi nhìn toàn bộ căn phòng, nơi đây không khác gì một “viện bảo tàng nhỏ” trưng bày những ký vật thời chiến tranh. Đang say sưa ngắm nhìn xung quanh, chợt tôi thấy  một bác trung niên tầm tuổi bố tôi, bước ra chào hỏi và bắt tay bố thân mật.  Sau đó, tôi mới biết đó là một buổi hẹn trước của bố và một người bạn hồi còn đi lính. Quán hàng hôm nay thật yên tĩnh mà có cảm giác như không gian rộng lớn thu nhỏ về một góc nơi ba con người đang nói chuyện. Ba cốc café bốc hơi nghi ngút, mở đầu cho cuộc nói chuyện giữa bố con tôi và người bạn của bố.
Bố giới thiệu với tôi rằng bác tên Trung, là người bạn thân của bố thời chiến. Bố và bác Trung đã cùng nhua vượt qua bao khó khăn, thử thách trong những năm tháng chống Mỹ ác liệt. Thoáng nhìn qua người bạn của bố mình, tôi thấy dù bằng tuổi bố nhưng trông bác già dặn hơn đôi phần. Khuôn mặt vuông chữ điền cùng với những vết chân chim nơi viền mắt tạo nên một vẻ hiền hòa, từng trải và có cái gì đó trầm lặng. Con người bác toát nên một vẻ giản dị mà nghiêm trang đồng điệu với không khí của quán café kì lạ này. Đang mải mê suy nghĩ chợt bác Trung hỏi tôi:
-                     Chắc cháu thắc mắc về quán café này lắm nhỉ?
Tôi liền đáp lại:
-                     Dạ, vâng ạ. Sao quán café này lạ thế hả bác?
Bác cười xòa, uống một ngụm café, tiếp lời:
-                     Quán café này với bác không phải là một cửa hàng để kinh doanh mà nó là nơi lưu giữ những kỉ niệm, hồi ức về những năm tháng không thể nào quên.
“Thì ra là vậy” – Tôi tự nói với chính mình. Tôi đã phần nào hiểu được mục đích mà bố dẫn tôi đến đây. Thấy thích  thú, tôi hỏi:
-                     Vậy ấn tượng đặc biệt nhất của bác về thời chiến là gì ạ?
Bác Trung không vội trả lời, ánh mắt hướng về góc quán, nơi trưng bày những bức hình thời chiến. Đó là tấm hình của một vầng trăng tròn, đẹp đến lạ thường. Vẫn nhìn vào đó, bác nói với tôi như đang tự nói với chính mình:
-                     Đối với bác chiến tranh không phải chỉ về hình ảnh bom rơi đạn nổ mà còn là về hình ảnh một người bạn đặc biệt đã giúp bác nhận thức được nhiều điều về chân lí cuộc sống – vầng trăng.
Tôi thoáng ngạc nhiên, dường như đọc được vẻ sững sờ trên khuôn mặt tôi, bác kể tiếp:
-                     Hồi nhỏ bác sinh ra và lớn lên ở một miền quê mà nơi ấy có tất cả những vẻ đẹp đơn sơ, giản dị nhất của làng quê Việt Nam. Nơi ấy có những đồng lúa, những dòng sông cùng với biển rộng và cát trắng. Vầng trăng đã gắn bó với bác từ thời ấu thơ, bác có thể ngắm nhìn cái ánh sáng hư ảo ấy ở mọi nơi. Bác vẫn còn nhớ, hồi nhỏ và mỗi buổi tối, bác cùng những người bạn của mình ra ngoài biển vui chơi. Ánh trăng trên mặt biển sáng lấp lánh như đang lướt theo những con sóng vỗ vào bờ. Làn gió thổi nhẹ mang theo cái vị mặn mòi của biển cả, tiếng sóng biển rì rào và vầng trăng tỏa sáng lấp lánh mỗi đêm mùa hạ êm như nhung đã in dấu và tuổi thơ bác. Rồi khi đi bộ đợi, vầng trăng cũng lại gắn liền với bác. Chắc cháu sẽ nghĩ rằng cuộc đời của một người chiến sỹ sẽ chỉ có súng đạn, khói lửa chiến tranh nhưng đời lính cũng có những giây phút rất nên thơ và lãng mạn. Những lúc ấy, vầng trăng là tri  kỷ. Trăng đã  luôn đồng hành với bác trên những con đường hành quân ra trận, những buổi họp đội, những lần phục kích chờ giặc. Nhờ có vầng trăng, những người lính như được tiếp thêm sức mạnh, thổi bùng lên những ước mơ và hy vọng hòa bình. Bác đã ngỡ rằng mình sẽ không bao giờ quên người bạn tâm tình ấy. Vậy mà…
Ngừng lại, dường như tôi có thể nghe thấy một tiếng thở dài nơi bác. Im lặng, tôi chờ bác nói tiếp:
-                     Sau khi kết thúc chiến tranh, bác lên thành phố sinh sống. Khác với cuộc sống khổ cực nơi thôn quê thời chiến, cuộc sống thành thị tiện nghi và hiện đại hơn nhiều. Ngày trước dường như ánh sáng của vầng trăng là duy nhất, mỗi đêm hè chỉ ao ước ngồi ở thềm nhà để ngắm trăng. Học cũng chỉ dưới ánh sáng lung linh huyền ảo ấy. Nhưng bây giờ đã khác. Không cần đến trăng, mọi sinh hoạt của con người đều được rọi sáng bằng đèn điện. Thế là bác cũng chẳng còn thói quen ngắm trăng nữa. Mỗi khi đêm xuống, vầng trăng xuất hiện , bác cũng không còn cái háo hức chờ đợi. Vầng trăng đã trở thành người dưng không quen biết. Cho đến một hôm, cả tòa nhà nơi bác sống bị mất điện. Căn phòng tối om, bác vội bật tung cửa sổ, vầng trăng xuất hiện ngay trước mắt bác. Trong lòng bác lúc ấy như có một xúc cảm mạnh mẽ trào dân khiến khóe mắt như có gì rưng rưng. Nhìn thấy vầng trăng quen thuộc ấy, bao nhiêu kỷ niệm ùa về. Những khoảnh khắc ngắm trăng hiện ra như trước mắt. Vầng trăng vẫn tròn đầy, vẫn lung linh mặc cho thời gian có chảy trôi  mặc cho người đời có thay đổi. Chỉ trong giây phút ấy, bác đã hiểu ra được nhiều điều. Bác tự trách mình đã vô tâm, đã quên đi một người bạn tri âm tri kỷ.
Giọng nói bác trầm ấm, đôi mắt bác đỏ hoe, có cái gì đó lắng đọng. Có  lẽ vì bác xúc động quá. Và như có  một điều gì đã vỡ lẽ trong tâm trí tôi. Tôi hiểu rằng mình được sinh ra và lớn lên ở thời bình không hiểu được cái khó khăn gian khổ thời chiến. Hạnh phúc, sự yên ấm ngày hôm nay có được là nhờ sự hi sinh nương náu của biết bao người. Vì vậy, mình phải biết nhìn lại quá khứ, suy nghĩ về những điều mình đã làm, về moi người xung quanh để cảm, để hiều và để trân trọng nhưng giây phút của hiện tại.
Trước khi hai con bố con tôi trở về nhà, bác Trung đã tặng tôi bức tranh vầng trăng của quán và ôn tồn dặn tôi rằng:
-                     Cuộc sống giờ đây bộn bề với biết bao nhiêu tấp nập và hối hả, con người ta dễ vô tâm, lãnh cảm với những giá trị truyền thống, với quá khứ nghĩa tình. Đôi khi cháu phải biết nhìn “ngược”, sống chậm lại, nghĩ khác đi và yêu thương nhiều hơn.
Tôi liền nói cảm ơn với bác vì nhờ có câu chuyện của bác ngày hôm nay mà cô bé này đã có thêm một bài học bổ ích trong cuộc sống. Trên đường trở về nhà, tôi chợt nhớ đến một câu nói của nhà văn Nguyễn Minh Châu: “Xin mọi người hãy tạm ngừng một phút cái nhịp sống bận bịu, chen lấn để tự suy nghĩ về chính mình”.
Trần Ngọc Anh –lớp 9A4
Trường THCS Giảng Võ – Hà Nội