Thứ Bảy, 6 tháng 4, 2013

Khát vọng sống của nhà thơ Thanh Hải qua bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ ”- Ngữ Văn 9- tập 2 .




Nhà thơ Tố Hữu đã từng viết :
  Nếu là con chim, chiếc lá
Thì con chim phải hót, chiếc lá phải xanh
Lẽ nào vay mà không có trả
Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình
Lẽ sống  cao đẹp  ấy đã trở thành lí tưởng trong  bài ca cuộc đời của biết bao thế hệ những con người Việt Nam anh hùng. Và khi bước vào ngưỡng cửa  của thi ca thì “Sống là cho và chết cũng là cho” cũng chính là niềm khao khát cháy bỏng trong tâm hồn mỗi thi nhân.Trong số đó, ta không khi nào quên nhắc đến tiếng hát nhẹ nhàng ,sâu lắng ,tha thiết của khát vọng với cuộc đời, với đất nước trong thi phẩm Mùa xuân nho nhỏ được thơ Thanh Hải viết tháng  mười 11 năm 1980 .
Bài thơ  Mùa xuân nho nhỏ được Thanh  Hải sáng tác trước khi nhà thơ qua đời một tháng .Trong tâm lí nặng nề, sức khoẻ và bệnh tật  mà hồn thơ Thanh Hải vẫn cất cánh bay cao để rồi mang đến cho cuộc sống một tình yêu, một nỗi niềm thiết tha với quê hương đất nước  và cùng theo đó là ước nguyện chân thành được cống hiến trọn vẹn cuộc đời mình cho Tổ Quốc  thân yêu.
Không phải ngẫu nhiên mà nhà thơ Thanh Hải lựa chọn mùa xuân để khởi nguồn cảm hứng. Từ hình ảnh mùa xuân của thiên nhiên, tác giả đi đến với ước nguyện được làm một Mùa xuân nho nhỏ lặng lẽ dâng  hiến cho cuộc đời, cho đất nước non sông. Hình ảnh mùa xuân trong bài thơ là một bức tranh thiên nhiên đẹp đẽ, sinh động với sự hoà quện tuyệt vời giữa sắc màu và âm thanh. Đó là dòng sông xanh, bông hoa tím biếc, đó là lộc giắt đầy quanh lưng  và lộc trải dài nương mạ .Và còn là tiếng hát trong trẻo của loài chim chiền chiện, loài chim cất tiếng hót báo hiệu tin vui, đem lại cuộc sống ấm no hạnh phúc cho con người. Tất cả mọi sự vật, thiên nhiên đều được tác giả nâng niu, trân trọng, không muốn những gì đẹp đẽ, tinh khiết nhất của mùa xuân tan biến : Tôi đưa tay tôi hứng - Hứng những giọt long lanh trong vắt của tiếng hót say sưa từ trời xanh rơi xuống. Tiếng chim hót vang trời xuân kia, bằng tâm hồn thi sĩ nhạy cảm, bằng tấm lòng thiết tha yêu mến cuộc sống tươi đẹp này, với Thanh Hải đã thành giọt long lanh hữu hình cụ thể để mà nâng niu gìn giữ  mãi sức sống mãnh liệt của mùa xuân. Bằng sự kết hợp hài hoà giữa âm thanh và màu sắc cùng lối nói đảo ngữ ẩn dụ, tác giả đã vẽ lên trước mắt người đọc một bức tranh mùa xuân, rất đặc trưng cho đất trời xứ Huế.
Từ xúc cảm say sưa ngây ngất trước mùa xuân thiên  nhiên, nhà thơ bồi hồi nhớ tới mùa xuân của đất nước, của cách mạng, đó là mùa xuân của những con người cầm súng và ra đồng. Lộc non trên lưng người ra trận chính là sức mạnh dân tộc, lộc trải dài nương mạ là sự hối hả xôn xao cho một mùa màng mới,cho đồng ruộng vẫn mãi mãi bạt ngàn một màu xanh. Người cầm súng và người ra đồng là hai lực lượng chính thực hiện nhiệm vụ của đất nước lúc bâý giờ, đó là chiến đấu bảo vệ và xây dựng Tổ quốc. Ý thơ càng sâu sắc : Người ra trận phải đổ máu, người ra đồng phải đổ mồ hôi nước mắt. Máu, mồ hôi, nước mắt của nhân dân đã góp phần giữ lấy mùa xuân mãi mãi cho dân tộc.
Cũng từ đó tác giả tự hào nghĩ về đất nước thân yêu với bốn ngàn năm trường kì lịch sử cùng bao nỗi vất vả gian lao mà nhân dân đã phải trải qua. Song dù có biết bao thử thách, đất nước Việt Nam, con người Việt Nam vẫn như vì sao sáng mãi đi lên, mãi tiến lên phía trước biết ơn và tự hào về biết bao thế hệ những người con anh hùng đã chiến đấu và hy sinh thân mình để giành lấy tự do cho dân tộc, cơm áo cho nhân dân, nhà thơ Thanh Hải đã đi đến ước nguyện chân thành :
Ta làm con chim hót
Ta làm một nhành hoa
Ta nhập vào hoà ca
  Một nốt trầm xao xuyến
Một mùa xuân nho nhỏ
Lặng lẽ dâng cho đời
Dù là tuổi hai mươi
Dù là khi tóc bạc
Con chim hót – một nhành hoa- một nốt nhạc trầm tất cả hoà quện với nhau làm nên một mùa xuân nho nhỏ. Không ước ao một điều gì lớn lao to tát, nhà thơ chỉ mong ước được làm những gì có ích, để cống hiến cho cuộc đời này dù ở bất cứ lứa tuổi nào. Tác giả nói riêng hay những con người Việt Nam nói chung đều luôn sống với khát vọng hiến dâng chân thành tha thiết nhất. Con chim nhỏ cất tiếng hót vui cho đời, nhành hoa bé khoe sắc làm đẹp cho cuộc sống, nốt nhạc trầm làm xao xuyến lòng người, nhắc người ta hãy sống cho tất cả, sống cho tình nhân ái bao la và sống để cống hiến toàn vẹn cho cuộc đời. Ước nguyện ấy của nhà thơ chân thành, tha thiết quá ! Phải chăng đây chính là điều mong ước tột cùng đã đi theo tác giả suốt cuộc đời ? Cho nên đến giây phút cuối cùng dù biết rất có thể ngày mai đây sẽ từ biệt cõi đời này mãi mãi nhưng ở khổ thơ cuối, tiếng hát được cất lên bởi một tâm hồn đang tràn trề tình yêu thương và hy vọng .
Giai điệu mà nhà thơ muốn cất lên chính là điệu hát truyền thống của xứ Huế văn hiến, thân thương dịu hiền.
Mùa xuân ta xin hát
Câu Nam ai, Nam  Bình
Nước non ngàn dặm mình
Nước non ngàn dặm tình
Nhịp phách tiền đất Huế .
Khúc Nam ai, Nam bình là điệu nhạc buồn thương, dịu dàng trìu mến mà tự bao đời nay, người dân xứ Huế vẫn hát để gợi nhắc lòng người nhớ về nghĩa tình thuỷ chung, nhớ về tình yêu quê hương đất nước. Non nước Việt Nam cũng như đất trời xứ Huế tươi đẹp quá ! Một câu hát truyền thống sẽ đi mãi cùng trái tim một người con đã suốt đời chiến đấu hy sinh vì Tổ quốc, đến giây phút cuối cùng vẫn còn mong mỏi  mãnh liệt hơn bao giờ hết khát vọng cống hiến vẹn toàn cho quê hương đất nước.
Bài thơ Mùa xuân nho nhỏ vừa tạo nên một bức tranh mùa xuân thiên nhiên tuyệt đẹp với sự nảy nở sinh sôi, với sức sống bền bỉ mãnh liệt của vạn vật lại vừa là tiếng hát nhẹ nhàng tha thiết, sâu lắng về khát vọng cống hiến cho đất nước của nhà thơ Thanh Hải. Có lẽ chính vì sự nhịp nhàng trong ngôn từ và cái bồi hồi mãnh liệt của khát vọng mà bài thơ vẫn mãi nhẹ nhàng thấm vào lòng người và trở thành một lời nhắn nhủ ân tình với người đọc.