Thứ Tư, 13 tháng 12, 2023

Tưởng tượng gặp gỡ và trò chuyện với người lính Ánh trăng

Trân trọng, khắc ghi, tri ân kỉ niệm. Luôn nhớ, yêu thương, không quên ngày đã qua. Tôi nhận thức sâu sắc điều đó nhờ văn bản “Ánh trăng” của Nguyễn Duy.  Bài thơ “Ánh trăng” là tâm sự của Nguyễn Duy, là suy ngẫm của nhà thơ trước sự đổi thay của hoàn cảnh sống, khi mà con người từ chiến tranh trở về cuộc sống hoà bình. Bài thơ nhắc nhở tôi về lòng biết ơn, sự thủy chung son sắt và tấm lòng biết trân trọng đối với những giá trị thiết thân, bình dị mà bền vững mà ta đã từng gắn bó, từng trải qua, nay đã thuộc về quá khứ. Tôi thật sự muốn một lần được tâm sự với người lính trong bài thơ để hiểu rõ hơn thông điệp đó. Và ước mơ đó đẫ thành sự thật trong một giấc mơ đầy ý nghĩa…

Trong giấc mơ, tôi đang có một chuyến đi thực tế ở vùng núi Trường Sơn để lấy tư liệu cho bài luận văn tốt nghiệp của mình. Phải! Là sinh viên đại học, khi con người đang ở cái ngưỡng của đam mê, của tìm tòi, khám phá, tuổi trẻ và niềm yêu thích thúc giục tôi bắt đầu cuộc hành trình đến dãy Bắc Trường Sơn này – dãy núi của chiến công hiển hách, nhân chứng của chiến tranh Việt Nam. Đêm Trường Sơn lạnh, gió rít gào trên những vòm cây cao vút, rì rào một bản nhạc kì dị. Rùng mình một cái, tôi bước dài hơn, nhanh chóng tới ngôi nhà có hơi ấm của ngọn lửa nép mình bên bìa rừng.

Một cơn gió mang lại hơi lạnh luồn qua khe áo đã nhắc nhở tôi rằng mình cần một nơi đủ ấm áp để trú ngụ qua đêm. Tôi thở phào nhẹ nhõm khi mình đã đến căn nhà nhỏ bằng gỗ, tỏa ra thứ hơi ấm của con người. “Ở đây có người ở!” – tôi thầm nghĩ rồi nhẹ nhàng gõ cửa. Một bà lão mặt đầy nếp nhăn bước ra cùng với đứa cháu tầm tám chín tuổi. Sau khi chào hỏi, tôi nói với bà mong sẽ được ngủ nhờ một đêm. Bà lão vui vẻ đồng ý. Sự đón tiếp của bà làm tôi cảm thấy ấm lòng như gia đình vậy.

Loay hoay tìm chỗ cất ba lô và đồ dùng leo núi, tôi chợt nhận ra trong nhà còn có thêm một người nữa. “Đó là một người lính” – tôi lặng lẽ thốt lên, khá nhỏ nhưng vẫn thu hút sự chú ý của người kia. Mái tóc anh đen, nước da ngăm ngăm nhưng vẻ mặt lại là người có trí thức. Đặc biệt, bộ đồ anh đang mặc là quân phục xanh lá. Thật kì lạ làm sao khi một người lính đáng nhẽ đang ở nhà sau khi hòa bình đất nước được lập lại thì lặn lội đến vùng núi hẻo lánh. Có thể nào anh là con của chủ nhà? Cũng có khả năng. Dòng suy nghĩ của tôi bị dập tắt bởi câu nói:

- Cháu cũng là khách xin ngủ nhờ phải không? Chú cũng thế! Xin chào.

Điều khiến tôi chú ý là người lính đó xưng “ chú ” và gọi tôi là “ cháu”. Nhưng thực sự trông chú ấy rất trẻ, hẳn là do cái dáng vẻ trí thức và là người dân thành phố. Chỉ là đoán mò mà thôi nhưng không hiểu sao tôi lại đinh ninh như thế. Tôi đáp:

- Chào chú! Cháu là sinh viên trường Khoa học xã hội và nhân văn, lên đây tìm tư liệu tham khảo cho luận văn tốt nghiệp. Xin hỏi chú có việc gì mà lên tận đây ạ?

Người lính có vẻ ngạc nhiên, rồi chú đáp:

- Chú là cựu chiến binh, từng chiến đấu với đồng đội ở dãy Trường Sơn này. Nay quay về đây tìm lại kỉ niệm xưa cũ. Cháu biết đấy. Có những thứ luôn khiến người ta hoài niệm.

Đưa mắt nhìn lên bầu trời, tôi thấy ánh trăng trên cao như đã dát vàng cả một vùng rừng xào xạc. Trăng đêm nay tròn và sáng quá, đối lập hẳn với cái thời tiết lạnh lẽo nơi đây. Dường như càng lên núi cao, tôi cảm nhận được mình gần trăng hơn một chút. Một cảm giác được gần gũi với thiên nhiên khiến tôi vui vẻ:

-Trăng đẹp quá chú nhỉ!

Không biết cố ý hay vô tình mà tôi cảm nhận được, trong một giây nào đó, hàng ngàn cảm xúc lướt qua ánh mắt của người lính kia. Chú đáp:

- Ừ, trăng vẫn đẹp đẽ như thế, đấy là cái đẹp vĩnh hằng, là cái đẹp ân tình thủy chung khiến lòng người phải ngỡ ngàng.

Tôi cảm thấy lạ. Dường như biết được sự tò mò của tôi, người lính chậm rãi nói giọng nghẹn ngào bao xúc cảm:

- Chú năm nay gần năm mươi tuổi rồi. Chắc cháu nghĩ chú trẻ hơn vì chú vốn là người thành phố. Sống ở thành phố đã được mười lăm năm kể từ khi chiến tranh kết thúc. Tuy vậy nhưng ngày còn bé, chú lại cùng gia đình sống ở quê, thế nên tuổi thơ chú gắn bó với những gì ở nông thôn, mộc mạc, dân dã. Chú vẫn còn như còn cảm nhận được trên da cái ánh sáng dìu dịu, thanh lành của trăng mỗi tối mùa hạ trên đồng, vẫn còn khắc ghi cái hình ảnh trăng tròn vành vạnh, ánh sáng trên mặt bể mỗi đêm rằm của tháng… Tuổi thơ của chú làm bạn với trăng, ngây dại bởi trăng, rồi chơi đùa cùng trăng, trăng đã nhẹ nhàng mà sâu sắc in đậm trong tâm trí chú. Thiên nhiên lúc đó đẹp mà gần gũi lắm cháu ạ: nào đồng, sông, bể, cả ánh trăng đẹp đẽ nữa!

Tôi thích thú và tập trung lắng nghe. Chú nói tiếp, càng lúc càng chậm rãi, từ tốn, cứ như một người bạn lâu năm đang trút bầu tâm sự.

- Cháu biết không? Rồi lớn lên, chú đi bộ đội. Hồi chiến tranh ở rừng, khi mọi điều kiện vật chất đều thiếu thốn thì chỉ có đời sống tinh thần mới là động lực chính để ta tiếp tục sống, tiếp tục chiến đấu. Vầng trăng, nó là đời sống tinh thần của chú và đồng đội đấy cháu ạ! Dù gian khổ biết mấy, trăng vẫn luôn theo. Hành quân giữa đêm, nhờ trăng mà đỡ mỏi, bom đạn rền vang có trăng ta không phải ngại ngần. Đời lính nhờ trăng mà có được những phút giây êm đềm và lãng mạn như thế. Không riêng gì chú, mà nhiều anh em đồng chí khác, chắc chắn cũng đã được vầng trăng tiếp cho sức mạnh để kiên cường chiến đấu, dành lại độc lập cho Tổ quốc. Trăng tự nhiên trở thành chỗ thân quen. Không gò bó ép buộc! Chú lúc ấy và trăng là tri kỉ. Cứ ngỡ mình sẽ không bao giờ quên được người bạn tình nghĩa này. Ấy vậy mà…

Tôi đang lắng nghe như muốn nuốt từng câu từng chữ thì chú bỗng ngừng lại, thở dài thật sâu. Nghe như bao đau thương, ăn năn và hối hận đều được chất chứa trong một tiếng thở dài đó. Chú lại ngửa mặt lên nhìn trăng hồi lâu. Tôi không nói gì, chỉ kiên nhẫn đợi chú tiếp tục.

- Chiến tranh kết thúc, hòa bình được lặp lại, chú được lên thành phố sinh sống. Khác với thôn quê, khác với mặt trận, cuộc sống nơi thành phố hiện đại và tiện nghi hơn nhiều. Mù quáng bởi sự kì diệu của những tiến bộ trong khoa học - kĩ thuật, chú và nhiều đồng đội khác chẳng thèm ngó ngàng gì đến vầng trăng nữa. Thật sự, ai lại muốn sinh hoạt dưới cái ánh trắng mờ mờ ảo ảo của trăng, một khi đã có đèn điện ? Vầng trăng khi ấy, dù tròn hay khuyết, dù tỏ hay mờ, đối với chú đã chẳng còn quan trọng nữa. Không ai tự nhiên lại đi quan tâm đến kẻ dửng dưng qua đường. Sao, kẻ bạc tình này đáng giận lắm đúng không ?

Đáng giận lắm không ? Tôi tự hỏi bản thân nếu là mình thì sẽ hành động như thế nào. Giận thì đáng giận, nhưng cảm thông thì cũng đáng cảm thông. Suy cho cùng, chú đã nhận ra sai lầm và đổi thay. Tôi không biết phải trả lời sao cho phải phép, nên quyết định giữ im lặng, lắng nghe chú kể tiếp:

- Thế rồi, một đêm hôm nọ, cả thành phố đột ngột bị cúp điện. Căn phòng đang sáng trưng, bỗng ngập chìm trong bóng tối. Chú cuống lắm, vội bật tung cửa sổ ra. Và chính lúc đấy, trăng xuất hiện - vẫn tròn vành vạnh như thuở nào, lững lờ ngay trước mắt chú. Bây giờ nghĩ lại ,chú vẫn nhớ rõ mồn một những cảm xúc rối ren lúc đó, bàng hoàng, sợ hãi, xúc động, rưng rưng. Những hình ảnh như một đoạn phim tua chậm lướt qua đầu chú. Chú thấy ở trăng có đồng, có rừng, có sông, có bể, tựa như trăng đã ghi lại tất cả những khoảnh khắc tươi đẹp đó, chờ một ngày ta quên, sẽ cho ta thấy, để ta hối hận, day dứt để ta thấy mình đã bội bạc như thế nào!

Tôi xúc động ngắm nhìn vầng trăng, lặng lẽ hoài niệm về tuổi thơ của chính mình. Sao tôi thấy trăng bây giờ mới là sáng nhất!

Người lính không để ý đến sự im lặng của tôi, tiếp tục kể.

- Trăng đẹp nhất vào lúc chú ngỡ ngàng nhất! Dường như trăng vẫn mãi ở đó cháu ạ! Trăng vẫn một mực chung thủy. Khi đó, chú biết mình lại không thể mãi trốn chạy được nữa. Phải đối mặt với trăng, đối mặt với sự thật mình đã thay đổi. Cháu có biết sự trách cứ nặng nề nhất là gì không. Đó là sự im lặng cháu ạ! Ánh trăng lúc đó cứ im phăng phắc, như cố tình cho ta thời gian để cho ta hoài niệm, để nhận ra mình đã vô tình biết bao nhiêu! Chính sự im lặng đó đã khiến chú giật mình, theo đúng nghĩa.

Tôi vội lên tiếng:

-Vậy giờ chú trở lại đây vì cảm thấy có lỗi với vầng trăng hay sao?

- Một phần thôi cháu ạ! Chú muốn trở lại là chú của trước kia, chú muốn sống lại cái thời kì diệu ấy, với thiên nhiên, với vầng trăng!

Tôi nghe tiếng côn trùng kêu, tiếng gió lùa. Nhưng sau tất cả, tôi lại nghe thấy trong tim tôi – một trái tim nóng bỏng yêu thương và sự cuồng nhiệt của tuổi trẻ, giọng nói vang vọng từ tâm hồn, nhắc nhở tôi sống sao cho tình nghĩa, thủy chung, sống sao để không hổ thẹn với quá khứ, với những tuyệt vời mình đã trải qua.

Chào tạm biệt biệt chú,  tôi đi ngủ, và lòng thầm nghĩ đã tìm được tư liệu quý giá cho bài luận văn tốt nghiệp của mình. Ngoài trời vẫn tràn ngập ấm áp của ánh trăng.

Tiếng chuông báo thức vang lên . Tôi tỉnh dậy và nhận ra mình đã có một giấc mơ thật đẹp  và một cuộc trò chuyện thật thú vị. Hai chúng tôi, cách biệt về tuổi tác, cách biệt về vùng miền và có lẽ là về cả văn hóa lẫn tư tưởng. Tất cả bắt nguồn từ một sự tò mò rất trẻ con, mà tôi thậm chí còn không biết tên chú, thậm chí có lẽ sẽ không bao giờ biết, nhưng câu chuyện được nghe kể đêm hôm đó đã giúp tôi ngộ ra nhiều điều về thiên nhiên, về chiến tranh, và về cả trái tim con người. Thời thế thay đổi, lòng người cũng đổi thay. Chúng ta trở nên lãnh cảm với những gì tự nhiên, quay lưng với những giá trị truyền thống, với quá khứ nghĩa tình. Đừng để bản thân con người trở thành nô lệ của những cỗ máy do chính chúng ta tạo ra. Đôi khi, trong cái xã hội hối hả này, hãy thử sống chậm lại, nhìn lại bản thân và trân trọng những gì đã giúp ta tiến được đến bước đường ngày hôm nay.

 

 


Thứ Hai, 11 tháng 12, 2023

Gặp gỡ và trò chuyện với người ngư dân "Đoàn thuyền đánh cá" của Huy Cận.

 

Mặt trời xuống biển như hòn lửa.

Sóng đã cài then, đêm sập cửa.

Đoàn thuyền đánh cá lại ra khơi,

Câu hát căng buồm cùng gió khơi.

Tôi đang nhẩm lại bài thơ để chuẩn bị cho bài kiểm tra ngày mai thì ngủ mất lúc nào không hay. Và Tôi đã mơ một giấc mơ tuyệt vời, ở đó tôi được gặp và trò chuyện với những người dân chài. Những người ngư dân trong tác phẩm rất hay và đặc sắc mà tôi vô cùng yêu thích: "Đoàn thuyền đánh cá" của Huy Cận.

Trong giấc mơ, tôi thấy mình cùng gia đình đang đi chơi vùng biển Quảng Ninh. Vì bố muốn cả nhà được trải nghiệm cuộc sống gần biển giống như người dân bản địa cả nhà tôi đã sống tại nhà của một ngư dân, sống và trải nghiệm như họ vẫn sống. Trong mấy ngày nhà tôi ở đây, tôi được ăn ngon mà còn được gặp gỡ và trò chuyện với những ngư dân đáng mến. Họ đã cho tôi biết nhiều điều của cuộc sống cũng như tiếp thêm cho tôi động lực mỗi khi gặp khó khăn trong cuộc sống.

Hôm nay, vì ngoài trời mưa lớn nên thay vì đi chơi, tôi và bố mẹ đã ngồi ở nhà nói chuyện với vợ chồng cô chủ nhà. Sở dĩ đêm nay bác Chiến không ra khơi vì trời đang mưa lớn quá. Bác kể mà buồn nẫu ruột:

- Với mỗi ngư dân thì bám biển là chuyện hàng ngày cũng giống như người nông dân cầm cuốc vậy. Một ngày mà không được ra khơi là lòng tôi bồn chồn chẳng yên, thế này thì lấy đâu ra đồng ra đồng vào mà trang trải.

Cô Lan, vợ bác Chiến ôn tồn:

- Thôi ông chịu khó, mai bão tan thì hẵng đi. Cứ nghĩ là của đi thay người, nhỡ bây giờ ông có mệnh hệ gì thì mẹ con tôi trông cậy vào ai.

Bố tôi hỏi:

- Hàng ngày, chuyến ra khơi của anh bắt đầu từ lúc nào?

Bác Chiến chầm chậm kể:

- Chúng tôi là những ngư dân miền biển, thường xuyên cùng đoàn thuyền ra khơi đánh bắt cá trong đêm. Công việc bắt đầu khi hoàng hôn buông xuống. Ngày nào, cứ vào lúc hoàng hôn thì là lúc ngư dân chúng tôi ra biển. Cảnh tượng lúc ấy hùng vĩ vô cùng, bầu trời và mặt biển giống như hòa làm một. Trên biển,mặt trời từ từ chìm xuống biển, ánh sáng vàng rực hắt thẳng lên trời cao. Đó như là một hòn lửa khổng lồ bị dìm vào biển nước, sức mạnh vô biên của nó có thể tạo nên những đợt sóng kinh hồn. Đêm cũng từ từ buông xuống. Cái khoảnh khắc giao điểm giữa đêm và ngày thật kì diệu. Nó cứ khiến lòng ta nôn nao khó tả. Trời mới còn đang sáng đáy thôi, bỗng chốc tối sầm lại, vệt sáng tối kéo dài trên mặt biển rồi mất hút tận khơi xa.

Bác Chiến dừng lại, lấy tay bưng ly nước hớp một chút rồi kể tiếp:

- Từng cơn sóng dập dìu đưa thuyền chúng tôi ra khơi. Thường là chúng tôi đi theo đoàn lớn. Dưới cảng, các thuyền viên đã lên thuyền cả rồi, cột buồm rùng rùng chuyển động, cánh buồm căng lên đồng loạt. Đoàn thuyền thuyền đánh cá rùng mình chuyển động rồi xếp hàng ra khơi. Thuyền này nối đuôi thuyền kia tạo thành một vệt dài trên biển. Bất chấp màn đêm, chúng tôi vẫn lao động say sưa. Tiếng hát ra khơi lại rộn vang khắp các thuyền. Dân chài lưới đầu sóng ngọn gió nhưng yêu đời lắm. Lần ra khơi nào chúng tôi cũng ca hát. Hát từ bờ hát đến khơi xa. Hát rằng cá bạc biển đông lặng, những luồng cá thu đang dệt biển tạo ra muôn luồng sáng. Mong rằng chúng dệt lưới ta để chuyến ra khơi thật bội thu.Lời hát cứ dặt dìu theo nhịp sóng biển. Tiếng hát khơi bừng khí thế ra trận. Ai cũng tràn đầy tin tưởng ở trong lòng. Cánh buồm no gió đẩy thuyền lướt mạnh ra khơi. chúng tôi mượn tiếng hát,

- Ồ thú vị thật, anh kể tiếp đi.

- Anh chị và cháu biết không biển đêm đẹp lắm nhất là những ngày có trăng. Thuyền chúng tôi chạy nhanh ra bãi đánh.Trăng dần lên cao. mà thú thật, giữa biển khơi bao la, trăng có lên hay xuống chúng tôi cũng không biết nữa. Không lấy gì để so sánh mà biết nó lên hay lặn. Đoàn thuyền vẫn giữ hàng ngũ, trật tự băng băng lao tới. Nhìn cảnh ấy cứ ngỡ như rằng nó đăng lướt đi giữa mây cao với biển bằng. Nhiều lúc tôi nghĩ cả đoàn thuyền đang bay chứ không phải đang bơi vì biển và trời gần nhau quá.Ngày nào, chúng tôi cũng được nhìn những đàn cá, món quà tạo hóa của bà mẹ đại dương. Những con cá bạc lấp lánh bơi lội rồi những con cá thu bơi như con thoi nữa. Chúng tôi vẫn hay trêu nhau gọi cá đến dệt lưới mình thay vì cứ dệt biển như thế.

Cả phòng rộn tiếng cười ha hả.

Bác tiếp: Là một ngư dân, ra biển là một phần cuộc sống của tôi. Hằng đêm, trên những chiếc thuyền lênh đênh, chúng tôi làm bạn với gió với trăng, với thiên nhiên hữu tình, với mặt biển phẳng lặng. Khi thuyền đã dò được luồng cá chúng tôi bắt đầu hạ buồm đánh bắt cá, khung cảnh thiên nhiên đẹp với gió trời, trăng hòa cùng con người trong thế trận hăng say lao động, đánh bắt cá trong đêm thật hào hứng. Lao động trong đêm thật vui với tiếng hát xóa tan đi nặng nhọc, mệt mỏi. Bài hát gọi cá vào lưới được sự hỗ trợ của trăng trời trăng như giúp chúng tôi gặt hái được nhiều thành quả.

Dừng lại một vài giây chú hắng giọng nói tiếp:

- Nói thật với chú chứ, chúng tôi lao động vui lắm, chúng tôi cùng nhau hò những bài ca "gọi cá" vào lưới, trên đầu chúng tôi có nhịp trăng cao cổ vũ động viên. Biển với chúng tôi như người mẹ vĩ đại. Biển mẹ che chở chúng tôi, nuôi lớn chúng tôi từng ngày. Có lúc biển mẹ  bao dung, hiền hòa, trìu mến. Có lúc biển mẹ giận dữ như muốn trừng phạt những đứa con ngỗ nghịch không biết nghe lời. Cuộc sống dân chài sớm bờ tối biển chẳng ngày nào yên. Nhưng chúng tôi mạnh mẽ, chúng tôi tự hào về công việc của mình. Mỗi chuyến ra khơi bồi đắp trong tôi một tình yêu lớn đối với biển cả.

- Vậy một đêm đánh cá của các bác thế nào? Các bác trở về như thế nào ạ?- Tôi hỏi dồn.

- À, vui lắm cháu ạ, nhất là cái cảm giác kéo được chùm lưới nặng đến trĩu cả tay ấy. Có cá tức là có vụ mùa thắng lợi, thắng lợi tức là cuộc sống no ấm. Khi sao mờ dần cũng là lúc trời sắp sáng, ánh rạng đông ló dạng, những đàn cá quẫy tung trong lưới nhảy nhót lấp lánh lung linh dưới ánh hồng bình minh buổi sáng. Không ai bảo ai chúng tôi thực hiện công việc cuối cùng đó là xếp lưới, căng buồm để trở về nhà. Các bác sẽ trở về đất liền sau một đêm bình an được trời đất phù hộ cháu ạ. Các bác cũng lại hát. Tiếng hát bội thu vang khắp biển trời, lúc khoan thai dìu dặt theo sóng biển, lúc vút cao khí thế cùng gió cùng mây. Đoàn thuyền lướt đi trong gió để kịp về bến trước phiên chợ buổi sáng. Một ngày mới đang bắt đầu thật đẹp. Mặt trời đội biển nhô lên kì vĩ. Đó là khung cảnh ấn tượng nhất mỗi ngày mà chúng tôi vẫn thường thấy. Một chiếc mâm bạc không lồ từ từ dưới biển sâu nhô lên rực sáng chói gắt. Ánh sáng kéo một vệt dài trên biển rồi tỏa ra giống hệt như ánh đèn màu mà tôi vẫn thường thấy trong những đêm văn nghệ.Cá đầy thuyền xếp đầy khoang lấp lánh li ti dưới ánh mặt trời thật đẹp. Chúng tôi như quên sự mệt mỏi, vất vả của một đêm thức trắng lao động thay vào đó là sự vui mừng, phấn khởi khi chuyến đánh cá bội thu.Tiếng hát vui mừng cùng gió thổi căng cánh buồn. Có lẽ con thuyền cũng háo hức trở về nên băng băng vượt sóng.

- Thực sự quá tuyệt, đêm mai bác dẫn cả nhà cháu đi có được không ạ? Cháu muốn trải nghiệm làm ngư dân ạ

- Ừ được chứ, giờ cả nhà đi ngủ đi, muộn quá rồi đấy.

Trở về giường nằm mà tôi vẫn thao thức không ngủ nổi với câu chuyện của bác. Qủa thực tôi khâm phục tinh thần lao động của những ngư dân ngày đêm bám biển, họ lạc quan, yêu thiên nhiên và yêu cuộc sống. Tôi mong sao cho đến đêm mai, tôi sẽ được trực tiếp làm ngư dân để thử sống cuộc sống của họ một lần, được hòa mình vào thiên nhiên, được kéo những chùm lưới nặng đến xoăn tay.