Thứ Ba, 27 tháng 12, 2022

Chiếc lược ngà - khúc ca đẹp về tình cha con thiêng liêng

 

Cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước là một trong những trang hào hùng trong lịch sử giữ nước của dân tộc. Tuy nhiên, ẩn sau những chiến thắng vang dội là sự đánh đổi của biết bao mồ hôi, nước mắt và cả tính mạng con người, thậm chí hy sinh tình cảm cá nhân, gác lại nỗi trăn trở về gia đình để lên đường đi đánh giặc. Bằng sự trải nghiệm của cuộc đời người lính, nhà văn Nguyễn Quang Sáng đã gạt vơi những dòng nước mắt đau thương, khép lại những màn kịch đen tối của chiến tranh, đưa người đọc về với mái ấm của tình cảm gia đình qua tình phụ tử thiêng liêng cao cả qua một trong những tác phẩm xuất sắc của mình là Chiếc lược ngà. Truyện khắc họa khéo léo và bộc lộ sâu sắc tình phụ tử giữa ông Sáu và bé Thu, thứ tình cảm thiêng liêng mà không một thế lực nào có thể ngăn cản, thậm chí cả chiến tranh.

Theo chân Chiếc lược ngà, độc giả đến với gia đình ông Sáu ở miền Đông Nam Bộ những năm đầu 60 thế kỉ XX, khi cuộc chiến “giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước” đang bùng nổ. Ông Sáu lúc ấy phải “thoát ly đi kháng chiến đầu năm 1946, sau khi tỉnh nhà bị chiếm” và đứa con duy nhất cũng chưa đầy một tuổi, bản thân chỉ có thể nhìn mặt con mình qua tấm ảnh nhỏ. Sau bao ngày mong nhớ, ông Sáu được về nhà, khát khao gặp lại con gái nhưng cay đắng thay khi bé Thu không nhận ra ba của mình. Chỉ đến những giây phút cuối cùng lúc chia tay, ông mới được hưởng hạnh phúc làm cha khi bé Thu bất ngờ gọi to ông Sáu một tiếng ‘ba’ như xé toạc bầu không khí. Tiếc rằng, phút giây hạnh phúc ngắn ngủi, vì nhiệm vụ ông lại phải từ biệt đứa con gái yêu dấu của mình để lên đường. Vào khu căn cứ, nhớ lời con, ông Sáu đã làm một chiếc lược bằng ngà voi để tặng con nhưng cuối cùng, ông hy sinh trong một trận càn của địch khi chưa kịp gặp cô con gái thêm một lần nữa. Giữa cái ác liệt, mất mát, hy sinh của chiến tranh, câu chuyện như một khúc ca đẹp về tình cha con thiêng liêng.

Chiếc lược ngà được viết trong khoảng những năm sáu mươi của thế kỉ XX, khi nhân dân ra sức “giải phóng miền Nam”. Chiến tranh vì vậy xuất hiện như một chìa khóa then chốt, giải mã toàn bộ khúc mắc được tác giả tạo dựng. Hiện thực khốc liệt được nhà văn Nguyễn Quang Sáng thể hiện trực tiếp qua lời văn miêu tả cuộc sống sinh hoạt thường ngày lẫn nơi chiến khu đánh giặc của ông Sáu và gia đình. “Suốt mấy năm kháng chiến, chị Sáu có đến thăm anh mấy lần. Lần nào anh cũng bảo chị đưa con đến. Nhưng cái cảnh đi thăm chồng ở chiến trường miền Đông không đơn giản. Chị không dám đưa con qua rừng…Về công việc và đời sống ở trong rừng, tôi có thể kể cho đến sáng, có đêm bị biệt kích vây bắt đến ba lần, có ngày không gạo ăn, ăn toàn là bắp…”. Độc giả có thể bắt gặp hình ảnh chiến tranh đang ẩn mình trong từng ngóc ngách tác phẩm. Sự hiện diện của nó như bóng tối bao trùm toàn bộ nhưng vẫn le lói thứ ánh sáng kì diệu từ tình cảm đồng đội, gia đình. Hơn thế, chiến tranh tàn khốc còn được khắc họa gián tiếp qua hình ảnh vết thẹo. Nó xuất hiện như một kí hiệu cho lòng can đảm của người lính nhưng cũng là nguyên nhân khiến con gái không nhận ra ba mình. Chỉ là một vết thẹo bên má phải nhưng đằng sau đó là cả một hiện thực khốc liệt đầy khói bụi, sự hy sinh không biết nuối tiếc của tấm gương yêu nước nồng nàn. Vết thẹo ấy có thể khiến ông Sáu không thể cảm nhận trọn vẹn tình cảm bé Thu dành cho mình nhưng nó lại là minh chứng sống động cho tấm lòng quả cảm “đi đánh Tây bị Tây bắn bị thương”.

Tình phụ tử là thứ tình cảm thiêng liêng, sâu sắc tồn tại giữa ba và con. Không một thế lực nào trên trái đất có thể chia cắt đi sợi dây gắn bó diệu kỳ đó, ngay cả chiến tranh, “kẻ hủy diệt mọi thứ”. Chiến tranh có thể phá hoại vật chất, ăn mòn tinh thần con người nhưng tuyệt nhiên không thể cắt đứt sợi dây liên kết giữa cả hai. Chiếc lược ngà đã chứng minh cho độc giả sức sống mãnh liệt của thứ tình cảm thiêng liêng ấy.

Mở đầu tác phẩm, với lời kể ngôi thứ ba của nhân vật tôi, hình ảnh ông Sáu hiện lên trước mắt độc giả với khát khao được gặp cô con gái bé bỏng, vốn từ lâu chỉ thấy qua tấm ảnh nhỏ.“Suốt mấy năm kháng chiến, chị Sáu có đến thăm anh mấy lần. Lần nào anh cũng bảo chị đưa con đến.” Khát khao gặp con tuy mãnh liệt nhưng lại không thể thực hiện bởi bom đạn chiến tranh. Ông xa con tám năm, “chỉ được ngắm con qua tấm ảnh nhỏ” nên khi được về thăm nhà mấy ngày, “cái tình người cha cứ nôn nao trong người anh”. Người cha được về thăm nhà sau bao nhiêu năm ở chiến khu. Khao khát đốt lòng ông là được gặp con, là được nghe con gọi tiếng ba, để được sống trong tình cảm cha con, mà lâu nay ông chưa từng được sống, bấy lâu ông mong đợi. Lúc về đến nhà, “không thể chờ xuồng cặp lại bến, anh nhún chân nhảy thót lên, xô chiếc xuồng tạt ra”. Ông Sáu không thể kìm lại sự nôn nóng đang rạo rực bên trong mình khi chỉ mới nhìn thấy con. Tình yêu thương của ông Sáu dành cho bé Thu là không thể đong đếm. Xa cách tám năm nên lúc gặp mặt con, ông không thể chờ đợi thêm phút giây nào mà “bước vội vàng với những bước dài”. Nhà văn Nguyễn Quang Sáng đã khắc họa hình ảnh một người cha yêu thương con thật bản năng, vồ vập. Tiếng kêu “Thu! Con” cất lên từ giọng nói chứa đầy sự hồi hộp, kìm nén mà ngay bản thân ông Sáu cũng khó phát hiện. Ông Sáu gặp con, mong muốn “con sẽ chạy xô vào lòng anh, sẽ ôm chặt lấy cổ anh”. Vì nghĩ vậy, muốn vậy nên ông “vừa bước, vừa khom người đưa tay đón chờ con”. Và không ghìm nổi xúc động, người đàn ông ấy chầm chậm bước về phía trước. Bản thân là một chiến sĩ can trường nhưng giờ đây lại “giọng lặp bặp run run: “Ba đây con! Ba đây con!”. Tiếng kêu “Ba đây con!” mà ông Sáu lặp lại hai lần đã thể hiện rõ sự vỡ òa cảm xúc trong lần đầu tiên được gặp bé Thu và gọi một tiếng “con” trực tiếp. Tuy nhiên, đáp lại những phấn khích và rạo rực của “cái tình cha” bên trong ông Sáu thì bé Thu “giật mình, tròn mắt nhìn” rồi “nó ngơ ngác, lạ lùng” trước người đàn ông xa lạ với vết thẹo trước mặt. “Con bé thấy lạ quá, nó chớp mắt nhìn tôi như muốn hỏi đó là ai, mặt nó bỗng tái đi, rồi vụt chạy và kêu thét lên: Má! Má!.” Ông Sáu bất ngờ trước thái độ sợ hãi của con gái, cú sốc lớn này đã làm trái tim của người ba bị tổn thương và rỉ máu. Ông chuyển từ xúc động sang đau đớn, cuối cùng chỉ còn lại thất vọng.Anh đứng sững lại đó, nhìn theo con, nỗi đau đớn khiến mặt anh sầm lại trông thật đáng thương và hai tay buông thõng như bị gãy.” Từ xa cách tới xa lạ là một khoảng cách rất gần, ông mong muốn con gái sẽ sà vào lòng mình, ôm lấy mình và gọi một tiếng ba. Tuy nhiên, tất cả những khát khao ấy đã chìm vào khoảng không, chỉ còn lại sự im lặng.

Trong ba ngày ngắn ngủi được về thăm nhà, ông Sáu luôn cố gắng làm mọi việc để gắn kết tình cảm cha con, bản thân thì “suốt ngày anh chẳng đi đâu xa, lúc nào cũng vỗ về con”.  Tuy nhiên, ông Sáu càng cố gắng bao nhiêu thì khoảng cách giữa ông và bé Thu lại càng xa cách bấy nhiêu. Chỉ một tiếng gọi “ba” cũng thật khó khăn với người chiến sĩ ấy, mâu thuẫn câu chuyện vì thế cứ tăng dần. Lúc bé Thu gọi ông Sáu vào ăn cơm với giọng điệu của một người xa lạ “Vô ăn cơm!”, ông vẫn “ngồi im, giả vờ không nghe” mà chờ được nghe câu nói “Ba vô ăn cơm” như một hy vọng. Khi má bảo Thu kêu ba vô ăn cơm, dọa đánh để cô bé gọi ba một tiếng. Thu nói trống không: “Con kêu rồi người ta không nghe”. Hai từ “người ta” mà Thu kêu làm ông đau lòng, khổ tâm. Nó cũng chẳng nhờ chắt nước cơm giùm. Ông Sáu buồn quá đến nỗi không khóc được nên cuối cùng ông phải cười mà không nỡ giận con. Quả thật, ông là người cha chịu nhiều thiệt thòi nhưng giàu lòng nhân hậu vị tha. Tới khi ăn cơm, tuy biết bé Thu xem mình là “người ta” nhưng ông Sáu vẫn không kìm lòng mà quan tâm, “gắp một cái trứng cá to vàng để vào chén nó”. Ông tưởng con sẽ đón nhận vậy mà nó bất thần hất cái trứng cá ra khỏi chén. Nỗi đau khổ trong ba ngày nén chịu trào lên, ông giận quá đánh con đã làm mất tia hy vọng cuối cùng về tình phụ tử. Lúc đó ông đau đớn vô cùng. Lòng ông như sa mạc khô cháy mong chờ giọt nước mát lạnh của tình yêu thương nơi đứa con sống với ông vẫn chỉ là khao khát bởi bé Thu bỏ sang ngoại không một lời xin lỗi. Tình cảm người cha ấy dành cho con gái diễn ra trong âm thầm và lặng lẽ.

Đặc biệt, ở những phút giây chia tay cuối cùng, tuy người cha xa cách tám năm “muốn ôm con, hôn con” nhưng lo nghĩ bé Thu sẽ ái ngại, “nó giẫy lên lại bỏ chạy” nên ông Sáu đã không thực hiện mong ước của mình. Cái khát khao được gần gũi với con là mong ước mãnh liệt nhất của ông Sáu trong ba ngày về thăm nhà. Vậy mà khi chia tay, ông vẫn kìm lòng, vẫn suy nghĩ đến cảm xúc bé Thu mà “chỉ đừng nhìn nó”. “Anh nhìn với đôi mắt trìu mến lẫn buồn rầu.” Tưởng chừng ông Sáu không thể nhận được sự đáp lại của con gái trong những ngày về thăm nhà ngắn ngủi nhưng may mắn thay, tình cha con bỗng nhiên trở lại vào đúng thời khắc ngắn ngủi mà nghẹn ngào nhất. Bé Thu cuối cùng cũng gọi ông Sáu là “ba”, chạy đến “hôn ba nó cùng khắp”. Trong lúc đó, ông cũng không kìm được xúc động mà khóc, “một tay ôm con, một tay rút khăn lau nước mắt, rồi hôn lên mái tóc con”. Một người lính không sợ hãi trước bom đạn kẻ thù, chưa từng rơi lệ trước cảnh đổ lửa của chiến tranh mà khi đứng trước gia đình, trước đứa con gái bé bỏng, ông vẫn không ngăn được phút giây yếu đuối của bản thân mình. Đó không chỉ là giọt nước mắt chia ly mà còn là sự giải tỏa cho nỗi nhớ mong bị kìm nén suốt tám năm ròng rã, bị phong tỏa khi bản thân đang trong cuộc chiến tranh đẫm máu tại miền Nam.

Sau khi chia tay gia đình trở về căn cứ, ông Sáu nhớ con khôn nguôi. Người cha ấy cứ mãi day dứt và ám ảnh việc “sao mình lại đánh con” trong lúc nóng giận khi thấy nó hất cái trứng cá, “cơm văng tung tóe cả mâm”.Lúc nhớ con anh cứ ân hận sao mình lại đánh con. Nỗi khổ tâm đó cứ giày vò anh.”Ông Sáu luôn nhớ kỹ lời dặn của bé Thu trong lúc mếu máo chia tay ba “Ba về! Ba mua cho con cây lược nghe ba!”. Tình cảm yêu quý và thương nhớ con đã thúc đẩy ông tìm khúc ngà voi để làm chiếc lược tặng con gái. Khi ông Sáu tìm được khúc ngà thì tâm trạng như thể vỡ òa, “từ con đường mòn chạy lẫn trong rừng sâu, anh hớt hải chạy về, tay cầm khúc ngà đưa lên khoe với tôi. Mặt anh hớn hở như một đứa trẻ được quà”. Nụ cười hớn hở như một đứa trẻ xuất hiện trên khuôn mặt chai sạn vì bom lửa chiến tranh của người chiến sĩ đã khắc họa rõ nét về tình yêu thương con vô bờ bến của ông Sáu. Người lính ấy đã dồn tâm trí vào việc làm chiếc lược ngà cho con gái khi tự mình “lấy vỏ đạn hai mươi li của Mỹ, đập mỏng làm thành một cây cưa nhỏ, cưa khúc ngà thành từng miếng nhỏ”. Ông Sáu làm chiếc lược cho bé Thu với thái độ “cẩn trọng, tỉ mỉ và cố công như người thợ bạc… Trên sống lưng lược có khắc một hàng chữ nhỏ mà ông gò lưng, tẩm mần khắc từng nét: Yêu nhớ tặng Thu con của ba”. Sự chăm chút của ông Sáu trong lúc làm lược và dòng chữ “Yêu nhớ tặng Thu con của ba” là những hành động ẩn chứa bao trìu mến, yêu thương từ người ba dành tặng cô con gái bé bỏng nơi xa. Làm chiếc lược ngà là điều duy nhất ông có thể làm cho con gái, nó đã trở thành vật quý giá để mỗi khi nhớ con, “anh lấy cây lược ra ngắm nghía rồi cài lên mái tóc cho cây lược thêm bóng”, nỗi nhớ nhung cũng được xoa dịu phần nào. Tác giả không miêu tả rõ nhưng người đọc vẫn hình dung được cái kỉ vật nhỏ bé mà thiêng liêng ấy. Đó cũng là biểu tượng trắng trong, quý giá, bất diệt của tình cha con giữa ông Sáu và bé Thu. Do đó, trước lúc hi sinh, không đủ sức nói một lời trăng trối, ông vẫn nhớ tới chiếc lược và chuyển giao nó cho người bạn như một cử chỉ chuyển giao sự sống, một ước nguyện gìn giữ muôn đời tình cha con ruột thịt. Điều đó đúng như ông Ba đã nói: “Có lẽ chỉ có tình cha con là không thể chết được”.

Tình cảm ông Sáu dành cho con sầu nặng bao nhiêu, tình cảm Thu đành cho ba cũng nồng nàn bùng cháy bấy nhiêu. Nếu ông Sáu chỉ có thể nhìn bé Thu lớn lên từng ngày qua tấm ảnh nhỏ thì trong những tháng ngày thơ ấu của Thu, em cũng mới được ngắm người ba đi bộ đội của mình qua “cái hình ba chụp với má”.

Ở đầu tác phẩm, độc giả thấy một cô bé Thu thật cá tính khi em nhất định không chịu gọi ông Sáu là ba, thậm chí nhìn người đàn ông ấy với cặp mắt “ngơ ngác, lạ lùng”, đầy cảnh giác. Mặc cho người thân khuyên nhủ hay bị buộc vào tình thế nguy cấp “chắt nước nồi cơm” nhưng Thu vẫn không chịu gọi ông Sáu bằng một tiếng ba mà em chỉ “nói trổng” như một người xa lạ. Rồi đến khi bé Thu rơi vào tình thế bắt buộc phải gọi ông Sáu là ba, nếu không má về “thế nào cũng bị đòn”. Vậy mà Thu vẫn cố chấp không gọi, tự xử lý mọi việc chứ nhất quyết không chịu xưng hô ba – con với ông. Đỉnh điểm là lúc bé Thu bị ông Sáu “vung tay đánh vào mông nó và hét lên: Sao mày cứng đầu quá vậy, hả?” khi Thu hất miếng trứng cá ông gắp vào bát chén nó, làm “cơm văng tung tóe cả mâm”. Ai cũng nghĩ rằng “con bé sẽ lăn ra khóc, sẽ giẫy, sẽ đạp đổ cả mâm cơm hoặc chạy vụt đi” nhưng nó chỉ ngồi im, “gắp cái trứng cá để vào chén, rồi lặng lẽ đứng dậy, bước ra khỏi mâm” và sang “mét với bà ngoại”. Tại sao cô bé Thu nhất quyết không nhận cha. Cô bé không nhận ba bởi cô hiểu nhầm về vết thẹo trên mặt ba. Bức ảnh cha cô mà cô khắc ghi bây lâu trong tâm khảm không có vết thẹo trên mặt như ông Sáu - người cứ nhận mình là cha bé! Và vì thế, Thu càng phản đối quyết liệt con người ấy bao nhiêu càng thể hiện cô bé yêu ba mình bấy nhiêu. Cái tình yêu ấy thật sâu sắc: nó chỉ có một, không thể chia sẻ cho bất kì ai khác, ngay cả khi đó là người được tất cầ mọi người thừa nhận là ba của nó, là người yêu thương và quan tâm đến nó rất chân thành.

Thật kì lạ, khi đến lúc chia tay ông Sáu trở về căn cứ bộ đội, bé Thu lại “có gì đó hơi khác”. Cô bé im lặng, đứng một góc trong nhà “như bị bỏ rơi” với đôi mắt xôn xao mà trong trẻo.“Con bé như bị bỏ rơi, lúc đứng vào góc nhà, lúc đứng tựa cửa và nhìn mọi người đang vây quanh ba nó. Vẻ mặt nó sầm lại buồn rầu, cái vẻ buồn trên gương mặt ngây thơ của con bé trông rất dễ thương. Với đôi mi dài uốn cong, và như không bao giờ chớp, đôi mắt nó như to hơn, cái nhìn của nó không ngơ ngác, không lạ lùng, nó nhìn với vẻ nghĩ ngợi sâu xa.” Mọi người, kể cả ông Sáu đều nghĩ rằng “con bé sẽ đứng yên đó thôi” nhưng tình cha con trong thời khắc biệt ly lại trỗi dậy, làm dậy sóng tâm can của nhân vật trong tác phẩm cũng như những độc giả. Bé Thu “bỗng kêu thét lên: Ba… a… a… ba!”, tiếng kêu ấy như vết nứt lòng, “xé sự im lặng và xé cả ruột gan mọi người”. Nó được thốt lên từ bao năm kìm nén, “vỡ tung từ đáy lòng” của một đứa trẻ chưa bao giờ gặp ba ngoài đời. “Đó là tiếng “ba” mà nó cố đè nén trong bao nhiêu năm nay, tiếng “ba” như vỡ tung ra từ đáy lòng nó, nó vừa kêu vừa chạy xô tới, nhanh như một con sóc, nó chạy thót lên và dang hai tay ôm chặt lấy cổ ba nó.” Sự gấp gáp trong cách thể hiện tình cảm qua hành động “vừa kêu vừa chạy xô tới” và cái ôm chặt lấy cổ ba đã bộc lộ tình yêu thương cha sâu nặng của một cô bé tám tuổi. Giây phút chia ly như được kéo giãn thật dài trong những cái nhìn mờ nhòe giọt lệ. Đó là sự nức nở của ông Ba lẫn người trong cuộc, bé Thu khóc và ông Sáu cũng không kìm được nước mắt. Thái độ của bé Thu với ba bây giờ trái ngược trong những ngày đầu khi ông Sáu về thăm nhà. Song, trái ngược mà vẫn nhất quán. Vì quá yêu ba, quá khao khát được có ba nên khi nhận định không phải ba nó thì nó nhất định không chịu nhận, nhất định không gọi "ba" lấy một tiếng. Cho nên, khi tiếng gọi như xé kia cất lên ta thấy nó thiêng liêng vô cùng. Tiếng gọi ấy càng trở nên thiêng liêng, quý giá bởi đón chờ nó là cả tấm lòng cao đẹp, thương yêu con vô hạn của người cha.

Hóa ra, vết sẹo bên má là “vật cản đường” khiến hai cha con không thể nhận ra nhau sau tám năm cách trở. Bé Thu vì bảo vệ người ba trong bức ảnh mà quyết không chịu gọi ông Sáu bằng tiếng “ba” được cất giấu từ trong đáy lòng. Nguyễn Quang Sáng với ngòi bút miêu tả tâm lí nhân vật đặc sắc và tài xây dựng tình huống truyện tài hoa đã khắc họa rõ nét buổi sáng chia ly đắng cay nhưng cũng ngọt ngào giữa ông Sáu lẫn bé Thu. Giây phút hai cha con ôm xiết lấy nhau lần cuối trong đời hẳn khiến không ít người rơi lệ... Tình cảm gia đình là vậy. Đó là sợi dây thiêng liêng mỏng manh mà bền chặt. Bom đạn chiến trường có thể phá vỡ những toà nhà, huỷ diệt những thành phố; gian khổ có thể hành hạ, có thể bào mòn từng tế bào, từng mạch máu nhưng chúng không thể phá huỷ dù chỉ là xây xước sợi dây long lanh kì diệu kia.

Với văn phong đậm thanh điệu của người dân vùng Nam Bộ, Nguyễn Quang Sáng đã tạo nên sức hấp dẫn của tác phẩm qua cách xây dựng cốt truyện chặt chẽ, nhiều yếu tố xuất hiện bất ngờ nhưng hợp lý. Ngòi bút miêu tả tâm lý đặc sắc, đặc biệt là trẻ em và nghệ thuật xây dựng tính cách nhân vật của tác giả cũng là một trong những yếu tố làm nên thành công cho Chiếc lược ngà. Người nghệ sĩ đã khéo léo lựa chọn góc nhìn thích hợp để thể hiện rõ nét “linh hồn” tác phẩm, ông Ba. Ông không chỉ là người chứng kiến và kể lại toàn bộ câu chuyện mà còn bày tỏ sự đồng cảm với các nhân vật. Với góc nhìn của người ngoài cuộc, khách quan nhưng thấm đẫm cảm xúc, độc giả khi đến với tác phẩm sẽ hiểu rõ hơn những suy nghĩ, hành động từ nhân vật, làm tăng thêm sức thuyết phục của tác phẩm.

Chiếc lược ngà” của Nguyễn Quang Sáng đi vào lòng người trước hết không phải vì những biện pháp nghệ thuật đặc sắc, tinh tế mà bời sự giản dị, mộc mạc và rất chân thật, tự nhiên của tình phụ tử. Cảm nhận sâu sắc tư tưởng của thiên truyện, ta đã hiểu thêm những điều thiêng liêng, cảm động trong đời sống tình cảm của những gia đình Việt Nam trong chiến tranh hiểm nguy và gian khổ. Đời sống tình cảm những gia đình Việt Nam trong chiến tranh phải chịu nhiều thử thách, hiểm nguy nhưng vẫn ấm áp, nồng nàn và cảm động. Điều đó khiến người đọc biết phải nâng niu hơn hạnh phúc gia đình mình đang có...