Thứ Hai, 9 tháng 3, 2015

vẻ đẹp hình tượng người lính

             Đoàn giải phóng quân một lần ra đi.
  Nào có sá chi đâu ngày trở về.
Ra đi ra đi bảo tồn sông núi.
Ra đi ra đi thà chết cho vinh.
  Khúc hát quen thuộc từ xa chợt vọng lại gợi trong lòng chúng ta biết bao suy tưởng. Chúng ta như được sống lại một thời hào hùng của dân tộc theo tiếng hát sôi nổi trẻ trung và cũng bình dị như cuộc đời người lính. Không biết đã có bao nhiêu bài thơ nói về họ - những chàng Thạch Sanh của thế kỉ hai mươi. Tiêu biểu cho hai thời kì chống Pháp và chống Mĩ là hai bài thơ: “Đồng chí” của Chính Hữu và “Tiểu đội xe không kính” của Phạm Tiến Duật.
        Những người lính trong hai bài thơ thuộc hai thế hệ khác nhau nhưng ở họ có nhiều nét đẹp chung của người lính cách mạng và của con người Việt Nam trong các cuộc kháng chiến cứu nước.
          Người lính trong bài thơ “Đồng chí” xuất thân từ những cảnh ngộ nghèo khó: “nước mặn đồng chua”,  “đất cày lên sỏi đá”. Họ là những người nông dân vừa được cách mạng giải phóng khỏi kiếp nô lệ lầm than. Bởi vậy, tình nguyện ra  nhập bộ đội cầm lấy khẩu súng của cách mạng cũng chính là cầm vũ khí để giải phóng triệt để cho thân phận của mình, cho quần chúng và cho cả dân tộc.             Vì tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc mà họ “mặc kệ” tất cả,  sẵn sàng từ biệt làng quê với ruộng nương, nhà cửa vốn hết sức thân thiết, gắn bó để ra đi, dấn thân vào cuộc đời người chiến sĩ:
Ruộng nương anh gửi bạn thân cày
Gian nhà không mặc kệ gió lung lay
       Còn người lính trong thơ Phạm Tiến Duật là những chàng trai còn rất trẻ, có tri thức, họ sẵn sàng gác lại những ước vọng tương lai của mình để cống hiến tuổi thanh xuân theo tiếng gọi thiêng liêng của miền Nam yêu dấu:
                              “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước.
Mà lòng phơi phới dậy tương lai”.
         Trên trận tuyến gay go ác liệt, các anh phải cùng chịu biết bao khó khăn gian khổ, thiếu thốn.Nhờ có tình đồng chí, đồng đội keo sơn gắn bó bền chặt, chan hoà và nhờ lòng dũng cảm, hiên ngang, mà họ đã bất chấp  những gian khổ, thiếu thốn đến tột cùng để hoàn thành nhiệm vụ.
          Thời kì đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp vô cùng gian nan vất vả, các anh đã từng chịu những cơn “sốt run người vầng trán ướt mồ hôi”, cùng cảnh “áo rách vai, quần tôi có vài mảnh vá”, “chân không giầy”… Cũng chính từ trong gian khổ và thiếu thốn của những ngày đầu tiên bước vào quân ngũ ấy đã nẩy sinh ở họ mối tình cao đẹp – tình đồng chí! Và chính có tình đồng chí, đồng đội gắn bó keo sơn, chia bùi sẻ ngọt mà họ có đủ sức mạnh lớn lao để vượt qua tất cả: “thương nhau tay nắm lấy bàn tay”. Đẹp làm sao giữa đêm rừng hoang đầy sương muối, ở nơi mà sự sống và cái chết chỉ trong gang tấc,  những người chiến sĩ vẫn ôm súng đứng canh gác quân thù trong đêm trăng sáng. Các anh vẫn chiến đấu và vẫn cứ tin có ngày chiến thắng.  Ta thấy được ở các anh một tinh thần chiến đấu dũng cảm kiên cường, một niềm lạc quan bất diệt.  Đời lính gian khổ nhưng luôn giữ mãi nụ cười dẫu cho nó cận kề cái chết. “Đầu súng trăng treo”, một biểu tượng đẹp của hình ảnh người lính, biểu tượng cao quý của mối tình đồng chí đã khắc sâu trong tâm trí mọi người.
(Nhà thơ Quang Dũng trong bài thơ Tây Tiến cũng cho ta thấy rõ điều đó:
Tây Tiến đoàn quân không mọc tóc
Quân xanh màu lá dữ oai hùm
Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm.”
  Chính điều đó đã giúp ta hiểu được sự quyết tâm của người lính và ta thêm cảm phục sự hi sinh ấy hơn. Tấm lòng của các anh thật cao đẹp và lớn lao biết chừng nào! Đó cũng là hình ảnh chung của những người lính trong thời kì kháng chiến chống Pháp - những con người bình dị mà cũng thật anh dũng, hiên ngang.
           Cuộc kháng chiến chống Pháp đã giành được thắng lợi vẻ vang với trận Điện Biên Phủ lẫy lừng. Đất nước vẫn chưa được bình yên, cả Miền Nam lại chìm vào máu lửa và những người con của quê hương lại tiếp tục lên đường. Những anh chiến sĩ lái xe trên tuyến đường Trường Sơn hiện lên trong trang thơ của Phạm Tiến Duật  là những anh lính thật ngang tàng, yêu đời, dũng cảm, hóm hỉnh. Từng giây, từng phút, các anh phải đối mặt với nhiều gian khổ và sự ác liệt,  dữ dội của bom đạn quân thù hằng ngày trút xuống con đường và nhằm vào những chiếc xe của họ. Những gian khổ và ác liệt  hiện hình trong hình ảnh những chiếc xe không kính rồi không cả đèn, cả mui xe, thùng xe có xước, méo mó. Gian khổ tưởng chừng như không thể vượt qua được, cái chết như kề bên, vậy mà lúc nào các anh cũng “ung dung buồng lái ta ngồi. Nhìn đất nhìn trời nhìn thẳng”.
  Mở đường Trường Sơn để xe tăng tiến vào phía Nam thực hiện chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử là giai đoạn gay go nhất, ác liệt nhất và cũng hào hùng nhất. Có lẽ chỉ có những chàng trai tuổi trẻ ngạo nghễ ngang tàng kia mới có sức thực hiện nhiệm vụ thiêng liêng cao cả này. Những chiếc xe tưởng chừng như không thể sử dụng được vậy mà nó vẫn tiến lên phía trước bởi  có những nụ cười rất ngang tàng, rất nghịch ngợm của những anh lái xe rất phớt đời:
“Không có kính, ừ thì có bụi.
Bụi phun tóc trắng như người già.
Chưa cần rửa phì phèo châm điếu thuốc.
Nhìn nhau mặt lấm cười ha ha…”
  Bằng sự đồng cảm của một người lính và cảm xúc của một nhà thơ, Phạm Tiến Duật đã xây dựng nên hình ảnh những chiến sĩ lái xe thật hào hùng, thật tếu táo. Cái cử chỉ: “phì phèo châm điếu thuốc” và tiếng cười “ha ha” như một lời thách thức của họ đối với quân thù. Đó là sức mạnh thứ nhất, còn sức mạnh nào nữa khiến cho những chiếc xe ấy vẫn băng băng lên phía trước? Tác giả đã trả lời một cách mạnh mẽ và dứt khoát, trong những chiếc xe không kính có những trái tim yêu nước, luôn hướng về Miền Nam phía trước với là khát vọng cháy bỏng là  giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước:
“Xe vẫn chạy vì Miền Nam phía trước
Chỉ cần trong xe có một trái tim”
  Qua hình ảnh anh chiến sĩ Trường Sơn, chúng ta chợt nhận ra sự gần gũi, thân quen giữa những người lính qua các thời kì. Từ anh bộ đội cụ Hồ thời kháng chiến chống Pháp trong thơ Chính Hữu đến anh chiến sĩ Trường Sơn  thời chống Mĩ trong thơ PTD đều có chung một nét đẹp truyền thống kiên cường, bất khuất, dũng cảm và đầy tinh thần lạc quan yêu đời. Với điều kiện thuận lợi hơn, người lính thời chống Mĩ đã được trau rèn, huấn luyện. Các anh đã kế thừa và phát huy được tinh thần cách mạng vốn đã vững vàng nay lại vững vàng hơn.
       Tuy cùng khai thác chất liệu thơ từ đời sống thực với những chi tiết thật đến trần trụi của cuộc sống người lính nhưng hai bài thơ còn khác nhau bởi bút pháp và giọng điệu riêng của mỗi tác giả và cảm hứng nổi bật ở mỗi bài. Cảm hứng của Chính Hữu hướng vào vẻ đẹp của tình đồng chí, đồng đội của người lính, còn PTD thì lại tập trung làm nổi bật chủ nghĩa anh hùng, tinh thần dũng cảm, bất chấp mọi khó khăn và bom đạn kẻ thù của những người lính lái xe.
          Nhìn lại những chặng đường lịch sử đã đi qua, đọc lại hai bài thơ về người lính qua hai thời kì, trong ta bỗng dấy lên niềm xúc động lẫn tự hào. Hình ảnh những người lính ấy trở nên bất tử và đẹp rực rỡ. Dù lớp bụi thời gian có phủ đầy những trang sách và những đổi mới của cuộc sống làm biến chuyển đi tất cả, nhưng hình ảnh những anh lính cụ Hồ, anh giải phóng quân đến các anh chiến sĩ Trường Sơn vẫn sống mãi trong lòng mọi người với một niềm cảm xúc trào dâng mạnh mẽ.

BÀI THƠ “ĐỒNG CHÍ” CỦA CHÍNH HỮU NHÌN TỪ CẤU TRÚC VÀ NGÔN NGỮ




Có ý kiến cho rằng một trong những thành tựu quan trọng của Thơ Mới (1932 - 1945) là đã cải biến câu thơ điệu ngâm cổ điển thành câu thơ điệu nói hiện đại. Nhận định này đúng. Nhưng, cần phải thêm hai chữ: “bước đầu”. Thơ Mới chỉ bước đầu làm cuộc vượt mình khỏi điệu ngâm, mà chưa thoát được bao nhiêu. Đây đó đã có những cú vuột ra ngoài, nhưng về căn bản, Thơ Mới vẫn nằm dài dài trong vòng ôm ve vuốt của điệu ngâm. Cách mạng tháng Tám bùng nổ, câu thơ hiện đại dấn thân vào một thực tại mới, những bức xúc cách tân trong lòng nó cồn cào hẳn lên. Nhưng chỉ bắt đầu từ kháng chiến chống Pháp trở đi, thơ hiện đại mới dứt khoát cự tuyệt với sự vấn vít của điệu ca ngâm dai dẳng hàng ngàn năm ấy. Câu thơ hiện đại bấy giờ mới trút bỏ hẳn lốt y phục tha thướt của điệu ngâm một cách cương quyết và tự chủ để trở thành điệu nói thực thụ. Chế Lan Viên, một thi sĩ thành tựu với cả hai thời đại thơ, có lẽ đã là người phát ngôn tự giác nhất về điều này, khi đối lập: “Xưa tôi hát và bây giờ tôi tập nói / Chỉ nói thôi mới nói hết được đời” (Trích Sổ tay thơ). Như vậy, Thơ Mới vẫn còn là “hát” (ngâm) chỉ sang thơ thời sau mới thực là “nói”.
Ghi công cho những bước bứt phá táo bạo mà thành đạt phải kể đến Trần Mai Ninh, Nguyễn Đình Thi, Hồng Nguyên, Hữu Loan, Trần Dần, Lê Đạt, Hoàng Trung Thông v.v… và không thể không kể đến Chính Hữu với Đồng chí. Từ Ngày về đếnĐồng chí, có người đã xem đó là cuộc tự đính chính của tác giả trong nhận thức về hiện thực. Cũng có thể hình dung một cách khác: đó là cuộc “thau chua rửa phèn” trong thi cảm và thoát xác trong ngôn ngữ thi ca. Cái đẹp chinh phu đã tháo lui trước cái đẹp vệ quốc. Thi ảnh mỹ miều mà mòn phai xơ sáo của “áo hào hoa” và “hài vạn dặm” đã nhường chỗ cho thi ảnh mộc mà thực của “áo rách vai”, “quần vài mảnh vá”, “chân không giày”. Câu thơ điệu ngâm (hát) óng chuốt lượt là đã nhường lời cho câu thơ điệu nói thô ráp mà tươi rói, vẫn hăng vị đời mà súc tích dư ba.
Hẳn vì Đồng chí có phẩm chất của một đại biểu, mà giới nghiên cứu thẩm bình vây quanh thi phẩm khá đông. Đã có nhiều khai thác thú vị từ không ít bình diện của nó. Là người đến sau, bận tâm của tôi về Đồng chí ở lần này chỉ nhằm vào cấu trúc và ngôn ngữ.
*        *
*
Cấu trúc của một thi phẩm phụ thuộc rất nhiều vào ý tưởng chủ đạo của nó. Mà ý tưởng chủ đạo bao giờ cũng triển khai thành mạch suy cảm trong toàn bài. Một câu hỏi đặt ra: mạch suy cảm trong bài Đồng chí bắt đầu từ đâu? Hỏi thế cứ như lẩn thẩn. Thì từ đầu chứ còn từ đâu nữa? Không hẳn. Hình như không phải từ đầu. Mà từ cuối. Chính thức là từ cái “đêm nay”” Khẳng định thế có gì phi lý chăng? Không. Bao giờ thơ trữ tình cũng hiện tại hoá quá khứ. Điều này đã thành quy luật. Tâm tư dù thuộc về quá khứ thì vẫn cứ phải được trình bày như là hiện tại, như đương diễn ra. Mà hiện tại trong thi phẩm chỉ có một “đêm nay”. ấy là lúc hai người lính đang “đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới”. Chỉ lát nữa, chiến sự sẽ nổ ra. Giữa họ, biết ai còn ai mất. Tình huống ấy thường xui khiến con người nhớ lại những kỷ niệm tình nghĩa, những gì đã khiến họ gắn bó với nhau. Thế là hồi ức đưa họ ngược trở về với quá khứ xa, khi quan hệ bắt đầu... rồi quá khứ gần, khi họ đã nên tình nên nghĩa... Và cứ thế, theo đường dây của kỷ niệm, hồi ức lại đưa họ về hiện tại, về lại “đêm nay”, cho họ tin cậy, cho họ thanh thản trước giây phút đối mặt với kẻ thù. Mạch tâm tư đã nảy sinh như thế. Thi phẩm cũng thành hình như thế. Nói cách khác, bằng cuộc tâm tình của đôi bạn lính bên chiến hào, bài thơ đã tìm được một hình hài phù hợp để tự định dạng cho mình.: Đêm nay rừng hoang sương muối
Mạch tâm tư ấy đã chuyển tải ý tưởng chủ đạo nào? Ý tưởng về tình đồng chí. Dường như, Chính Hữu muốn thể hiện những suy cảm của mình về mối tình cao đẹp này. Đó là những khám phá sâu sắc về tình đồng chí giữa những người vệ quốc - một quan hệ vừa mới được cuộc kháng chiến khai sinh. Có phải cứ gọi nhau bằng hai tiếng “đồng chí” là hiển nhiên có tình đồng chí không? Hình như không. Phải trải bao tháng ngày, phải biết bao kỷ niệm, quan hệ mới thắm dần lên từng bước, rồi đến một ngày kia, tất cả mới kết tinh thành tình đồng chí. Chính Hữu đã khéo léo cài đặt mạch luận lý (đúc kết về quan hệ) vào mạch tâm tình (bộc bạch về tình cảm). Sự đan quyện nhuần nhuyễn và tinh vi của hai mạch này đã làm nên cấu trúc của bài thơ. Nhìn kĩ, hai mạch ấy vừa hoà vào nhau vừa dắt díu nhau đi suốt mạch thơ bởi cùng nương theo một chữ đồng. Nói vui, thi phẩm đã tạc một chữ đồng đến... xương.
Thoạt tiên, là đồng cảnh; quan hệ còn là xa lạ:
Quê hương anh nước mặn đồng chua
Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá
          Những câu thơ ấy nói cùng ta rằng họ đều xuất thân nông dân, đều là con đẻ của những miền quê nghèo khó, và quan trọng hơn, họ đều ở những góc biển chân trời. Nếu không có cuộc chiến tranh này, họ sẽ vĩnh viễn là những người xa lạ, mỗi người sẽ sống riêng một số phận, người này không biết có người kia ở trên đời.
          Cuộc kháng chiến là cuộc hội ngộ lớn. Nó biến những người xa lạ thành thân quen. Vào lính, họ thành người đồng ngũ:
           Anh với tôi đôi người xa lạ
          Tự phương trời chẳng hẹn quen nhau
          Nhưng đồng ngũ đã là đồng chí chưa? Chưa. Thân quen thôi chưa đủ thành đồng chí. Rồi cùng với thời gian, đời sống quân ngũ cứ làm họ xích lại gần hơn :
Súng bên súng đầu sát bên đầu
Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỷ
Đồng chí
Nhiệm vụ làm họ gần kề - hai chữ “bên” và “sát” đã xoá bỏ hẳn đi cái khoảng cách vời vợi của những phương trời. Nhưng đồng nhiệm cũng chưa là đồng chí. Quân sự chỉ xoá được khoảng cách không gian, tâm sự mới xoá được khoảng cách tình cảm. Từ lẻ loi góc bể chân trời, họ đã tụ về rủ rỉ dưới một tấm chăn. Từ đồng ngũ đã thành đồng cảm. Từ thân quen giờ họ thành tri kỷ. Bấy giờ, tình đồng chí mới thực sự kết tinh. Từ “bên” bật lên như một tiếng reo, một vỡ lẽ bất ngờ, một chiêm nghiệm chín chắn. Câu thơ đột ngột ngắn lại như một kết tủa. Tình đồng chí khác nào một tinh thể lấp lánh, sau bao kỷ niệm và thời gian. ” qua “sát” đến “chung” là cả một hành trình, quan hệ đồng đội cứ đượm lên, cứ thắm dần mà thành tình đồng chí. Hai tiếng “Đồng chí
Vậy là, theo chân chữ “đồng”, hai mạch luận lý và cảm xúc đã chập vào nhau, một chiều qui nạp :
              Đồng cảnh -> đồng ngũ -> đồng cảm
-> đồng chí
               Xa lạ -> quen nhau -> tri kỷ                                  
ở phần sau, chúng ta còn thấy những chữ đồng - cùng khác đã vun đắp cho tình đồng chí của họ. Cùng một nỗi bận lòng như nhau về hậu phương: Ruộng nương anh gửi bạn thân cày / Gian nhà không mặc kệ gió lung lay / Giếng nước gốc đa nhớ người ra lính. Cùng sẻ chia những nỗi cơ hàn: Tôi với anh biết từng cơn ớn lạnh / Sốt run người vầng trán ướt mồ hôi. Và đồng cam cộng khổ: Áo anh rách vai / Quần tôi có vài mảnh vá / Miệng cười buốt giá / Chân không giày. Cuối cùng, như quy nạp của mọi quy nạp, thi sĩ chỉ ra cái lõi của tình đồng chí chính là tình thương:
Thương nhau tay nắm lấy bàn tay
Tình thương là vị muối của tình người, là chất keo của mối gắn bó, là cội rễ của đức hy sinh. Thương nhau, con người có thể thuỷ chung với nhau. Thương nhau, con người có thể che chở nhau, hy sinh cho nhau. Đó là kết tinh sâu nặng nhất của quan hệ người với người. Không phải ngẫu nhiên, khi nhận thấy tình đồng chí của mình có cốt lõi là tình thương, họ không trầm mình trong hồi ức nữa, mà lập tức về ngay hiện tại. Bởi thế là đủ, tình đồng chí giữa mình và người bạn cùng chiến hào, đây đã thực sự là điểm tựa tin cậy rồi, nó hoàn toàn có thể giúp họ đối mặt với sự hà khắc của thiên nhiên và sự hiểm nguy của chiến sự:
Đêm nay rừng hoang sương muối
Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới
Đầu súng trăng treo.
Tin cậy cho họ thanh thản. Thanh thản khiến họ đón nhận được vẻ đẹp của vầng trăng lơ lửng treo trên đầu mũi súng. Khoảnh khắc ấy, người chiến sĩ bỗng thành thi sĩ.
Như vậy, theo những mảng lớn của thi phẩm, có thể thấy một ý tưởng trọn vẹn: tình đồng chí được nảy nở trong kháng chiến, được vun đắp trong gian lao, và thành điểm tựa tin cậy khi đối mặt với nguy hiểm, bởi tình thương chính là cốt lõi của mối tình ấy.
Tứ thơ là một khám phá, tình thơ là một tâm sự, mạch thơ là một hồi ức. Tất cả đã hoá thân vào nhau, nhất thể hoá trong một kiến trúc ngôn từ.
*        *
*
Làm nên kiến trúc ấy, phải kể cả thành công về chất liệu ngôn từ của Đồng chí. Có thể có những cách cảm nhận và định danh khác nhau về đặc sắc ngôn ngữ của thi phẩm này. Chẳng hạn, một ngôn ngữ giản dị. Một ngôn ngữ bám sát đời sống. Một ngôn ngữ khoẻ khoắn chắc nịch. Một ngôn ngữ rất gần với lời thường của người lính v.v… Đó đều là những vẻ đẹp thực sự. Tôi muốn nói đến một khía cạnh khác thuộc về cách tổ chức ngôn ngữ hết sức ăn nhập với ý tưởng toàn bài: tính cặp đôi. Bài thơ viết về tình đồng chí, nhân vật trung tâm là một cặp đồng chí, thì còn đặc tính nào ăn ý cho bằng tính cặp đôi?
Lớp từ diễn tả ý niệm cặp đôi chiếm vị thế ưu tiên. Cặp đại từ: anh - tôi luôn được dùng sóng đôi, rồi các hình ảnh, các vế câu thường song hành, song đôi để gợi ý niệm về sự bình đẳng gắn bó: quê hương anh - làng tôi, anh với tôi, tôi với anh, áo anh - quần tôi... Lớp từ diễn tả sự mật thiết, gắn kết của tình bằng hữu, tình đồng đội, tình tri kỷ: đôi, bên, sát, chung, nắm... Có những trường hợp mật độ đôi như thế rất dày, nhưng vẫn rất tự nhiên, nhuần nhuyễn :
Súng / bên súng // đầu / sát bên đầu
          Ta có thể thấy hai vế lớn của câu đi thành cặp đôi, đã đành, mà ngay trong từng vế lớn ấy, các vế nhỏ cũng cặp kè từng đôi gắn bó với nhau!
Từ “đôi” ở đây thật ý nhị, súc tích: đôi người xa lạ, đôi tri kỷ. Chẳng phải thế sao? Về số lượng, nó vẫn chỉ hai đối tượng, hai con người, như từ “hai”. Tuy nhiên, “hai” là trung tính, hai đối tượng được nói đến không nhất thiết phải chặt chẽ, mà thường nghiêng về ngẫu nhiên, rời rạc. Còn “đôi” vừa mang ý niệm số lượng, vừa bao hàm ý niệm quan hệ. Hai đối tượng phải có mối gắn bó khăng khít, hữu cơ, không thể tách rời thì mới là “đôi”. Trong đó, từng đối tượng lẻ chỉ được là mình khi đi thành đôi, xé lẻ ra, nó không còn thực là mình nữa. Ví như: “đôi mắt”, “đôi tay”, “đôi gò má”, “đôi gò bồng đảo”, “đôi đũa”, “đôi hoa tai” v.v… Ta hiểu vì sao, Chính Hữu không dùng “hai” khi họ là “tri kỷ”, đã đành, mà ngay khi họ hãy còn là người “xa lạ”, cũng không dùng “hai”, cứ nhất thiết phải “đôi”. Dường như trong cảm nhận đầy tin yêu về con người và cuộc sống, thì trong những cá thể ấy, dù lúc đương còn xa lạ đối với nhau, thì từng người đã sẵn mang tâm nguyện được gắn kết, nghĩa là sẵn mang những cái mầm để sau này thành “đôi” rồi vậy.
Nhưng đáng nói hơn cả vẫn là cách dùng thành ngữ và tổ chức ngôn từ theo phong cách thành ngữ. Tính chất điệu nói của lời thơ trong thi phẩm (qua giọng của những chàng trai làng ra lính) đã nhờ cậy rất nhiều vào điều này. Cụ thể là thành ngữ bốn tiếng. Thành ngữ bốn tiếng là một tổ hợp chặt chẽ gồm hai vế. Mỗi vế một đối tượng. Chúng thường thuộc về một trong hai kiểu quan hệ: tương đồng -“Mặt hoa da phấn”, “Gừng cay muối mặn”, “Một nắng hai sương”v.v…, hoặc tương phản - “Ông chẳng bà chuộc”, “Trống ngược kèn xuôi", “Bồ còn thóc hết”v.v… Trong một bài thơ không dài, Chính Hữu đã dùng khá nhiều thành ngữ và cụm từ theo lối thành ngữ: Nước mặn đồng chua, Giếng nước gốc đa, Rừng hoang sương muối, Đầu súng trăng treo…Trong bài thơ, ta đã thấy hệ thống sự vật thường đi thành cặp đôi khá phổ biến: anh - tôi, súng bên súng, đầu bên đầu, áo - quần, tay nắm bàn tay… Thì những cặp hình ảnh trong các cụm thành ngữ trên đây lại bổ sung thêm vào đội ngũ đông đảo những cặp đôi ấy, khiến cho tính cặp đôi nổi hẳn lên như một phong cách ngôn ngữ đặc thù của thi phẩm. Điều thú vị là, nhìn kĩ còn thấy, sự vật trong các thành ngữ này không chỉ luôn gắn với nhau thành cặp thành đôi. Mà quan hệ của chúng cũng nghiêng về mối tương đồng. Cho nên chúng gợi được rất nhiều về mối tương thân tương ái của những người đồng chí.
Ta không khỏi ngỡ ngàng về sự ý nhị khi thi sĩ dùng thành ngữ Giếng nước gốc đa. Cặp hình ảnh này vừa là biểu tượng của tình quê hương, vừa là biểu tượng của tình đôi lứa. Những người lính ra trận, không chỉ quê hương trông đợi mà người yêu cũng trông mong. Dùng thành ngữ ấy, tâm lý của những người nông dân mặc áo lính hiện lên thật tế nhị. Họ thường ngại ngần, ngượng ngập khi phải nói đến chuyện tình yêu của mình, dù đang trò chuyện với bạn thân đi nữa. Vì thế, với thành ngữ giếng nước gốc đa, họ đã tránh được cái pha “chết người” ấy - tình yêu đôi lứa của họ đã nép sau tình quê hương một cách an toàn!
Tuy nhiên, đặc sắc hơn cả, vẫn là câu kết hoàn toàn viết theo lề lối thành ngữ:
 Đầu súng trăng treo
          Câu thơ cũng gồm hai vế với hai hình ảnh. Ngoài sự chặt chẽ vốn có mà phong cách thành ngữ đem lại cho cụm từ này, tự nó cũng còn là một kiến trúc với một trật tự không thể đảo ngược, xét cả về hình ảnh lẫn âm thanh. Trước hết là trật tự hình ảnh. Một thành ngữ bốn tiếng, đôi khi hai vế có thể hoán đổi khá linh hoạt mà không ảnh hưởng lắm đến nghĩa của nó. Ví như Rồng bay phượng múa đảo thành Phượng múa rồng bay. Xem ra ở đây, chỉ có thể là Đầu súng trăng treo, súng trước trăng sau, mà không thể ngược lại. Vì sao ư? Là câu kết, nó đem lại cho mạch vận động của bài thơ một bất ngờ: toàn bài hầu như không có chi tiết sự vật nào thuộc về ánh sáng, khiến người đọc có cảm giác đang đi trong cõi âm u của dòng hồi ức về quá khứ của người lính, thì đến đây, ánh sáng đột hiện với vầng trăng treo. Vầng trăng càng ở vị trí chót cùng của bài thơ thì ý nghĩa càng giàu, bất ngờ càng lớn. Vầng trăng vừa là kết tinh sáng đẹp nhất của tình đồng chí, vừa toả sáng lên toàn bài, tô điểm cho thế giới của tình đồng chí ấy.
Nếu chót cùng là hình ảnh “đầu súng” thì sao ?
Thì … gay nhỉ ?
Song song với nó là trật tự âm thanh. Trong thành ngữ bốn tiếng, bao giờ cũng có sự đắp đổi về âm thanh giữa hai vế. Vế này bằng thì vế kia trắc. Và cũng thường hoán vị được cho nhau. Trường hợp câu kết này, thì khác. Xem chừng, trật tự ấy là tối ưu. Nhất thiết phải là Đầu súng trăng treo, trắc trước bằng sau. Bởi vì, có như vậy, bài thơ mới kết thúc bằng thanh bằng. Thanh bằng êm nhẹ, gợi được cảm giác nhẹ nhàng, êm ả. Nó mở ra một không gian đêm trăng thoáng sáng toả lan. Quan trọng hơn, nó gợi được sự thanh thản trong tâm hồn những người lính mà niềm tin cậy vào tình đồng chí sâu nặng và cao cả vừa đem đến cho họ.
Thử hình dung nếu nó kết thúc bằng thanh trắc?
Các cảm giác này sẽ lập tức tiêu tan.
Quan hệ hướng ngoại giữa câu kết với chỉnh thể như vậy đã là đáng kể. Nhưng sẽ còn đáng nói hơn chút nữa, khi xem xét cấu trúc nội tại của nó từ trật tự biểu tượng. Đọc câu kết, từ góc độ biểu tượng, có thể thấy những cặp tương ứng với các lớp nghĩa tượng trưng: đầu súng - trăng treo, chiến tranh - hoà bình, hiện tại - tương lai, hiện thực - lãng mạn, thực tại - mơ ước...
 Một trật tự trước sau như thế, liệu có thể đảo ngược được không?
Và, Đồng chí có thể thành một kiến trúc ngôn từ hoàn hảo không, nếu thi phẩm không được xây cất bằng một vật liệu như vậy?
Hoá ra, giữa cấu trúc và vật liệu cũng có mối quan hệ... đồng chí!

Nguồn :Chu Văn Sơn - Trường ĐHSP Hà Nội

thiên nhiên trong "Truyện Kiều" cũng là một nhân vật

Nhận xét về thiên nhiên trong "Truyện Kiều", Đặng Thanh Lê từng nói : "Có thể nói thiên nhiên trong "Truyện Kiều" cũng là một nhân vật, một nhân vật thường lặng lẽ, kín đáo nhưng không mấy khi không xuất hiện và luôn luôn thấm đượm tình người".

Thiên nhiên vốn không phải là chủ đề riêng của Nguyễn Du mà nó là chủ đề chung của thi sĩ muôn đời. Nhưng thiên nhiên đi vào "Truyện Kiều", đi vào tâm hồn đại thi hào Nguyễn Du lại có những nét rất riêng. Trong "Truyện Kiều", Nguyễn Du chỉ tạo cơ hội cho thiên nhiên xuất hiện khi cần tạo nền cảnh cho một cuộc gặp gỡ, hẹn hò hoặc khi bộc lộ giúp những cảm nhận tâm trạng của các nhân vật về thời gian, không gian, cảnh ngộ,...

Trong tiết thanh minh trong sáng, khắp nơi nô nức đi tảo mộ, du xuân, thiên nhiên ùa vào lòng người với những nét màu thật sáng đẹp và dồi dào sức sống :

"Cỏ non xanh tận chân trời,

Cành lê trắng điểm một vài bông hoa"

Một mùa xuân với màu xanh rợn ngợp của cỏ non, với một vài bông lê điểm xuyết. Chỉ với đôi nét chấm phá, qua ngòi bút tài hoa của nhà nghệ sĩ, cả một bức tranh xuân bừng sáng hiện lên. Trong cái không gian bát ngát màu xanh của cỏ mùa xuân, điểm vào một vài bông hoa lê trắng muốt, tinh khiết, đưa lòng người trong cảnh bay bay nhè nhẹ, lâng lâng.

Cảnh như đang nâng nhẹ bước chân ba chị em Thuý Kiều :

"Bước dần theo ngọn tiểu khê,

Lần xem phong cảnh có bề thanh thanh.

Nao nao dòng nước uốn quanh

Dịp cầu nho nhỏ cuối ghềnh bắc ngang"

Cảnh ở đây thật thơ mộng và thắm đượm tình người. Một dòng nước, một nhịp cầu nho nhỏ cũng đủ gợi lên những nét thanh thanh của phong cảnh.

Thiên nhiên càng trở nên hữu tình, thơ mộng khi Kiều chia tay với Kim Trọng :

"Dưới cầu nước chảy trong veo,

Bên cầu tơ liễu bóng chiều thướt tha"

Nguyễn Du không cần giá vẽ nhưng đã dựng nên một bức tranh thiên nhiên thật đẹp và hài hoà. Dưới cầu là dòng nước êm đềm chảy, bên cầu là hình ảnh "tơ liễu bóng chiều thướt tha". Cảnh vật gắn bó nhau, tôn nhau lên, chiếc cầu nhỏ như làm đẹp cho dòng nước và dòng nước làm cho chiếc cầu càng trở nên xinh xắn, đáng yêu hơn. Ở đây, Nguyễn Du có nói đến hình ảnh "bóng chiều"nhưng bóng chiều không gợi nỗi buồn mà đẹp một cách lạ thường. Phải chăng lúc này là lúc Kim Trọng chia tay với Thuý Kiều, tâm hồn Kiều hồn nhiên trong sáng nên cảnh cũng mang những nét hồn nhiên trong sáng của Kiều. Cảnh thiên nhiên thấm đượm hồn người, tình người, mang nỗi niềm của con người. Thiên nhiên còn trở thành nhân vật thứ ba chứng kiến buổi thề non hẹn biển giữa Kiều với chàng Kim :

"Vầng trăng vằng vặc giữa trời,

Đinh ninh hai mặt một lời song song"

"Vầng trăng vằng vặc giữa trời" kia như là một nhân chứng cho mối tình trong sáng, đẹp tươi của đôi trai tài, gái sắc. Trong "Truyện Kiều", đã hơn bốn mươi lanà Nguyễn Du nhắc đến ánh trăng nhưng có lẽ ánh trăng trong đêm thề nguyền này đã đi vào tiềm thức, đã trở nên gắn bó nhất với Thuý Kiều.

Trăng là người làm chứng cho mối tình của nàng với chàng Kim và cũng là người bạn gần gũi, gắn bó với nàng trong mọi hoàn cảnh :

"Trước lầu Ngưng Bích khoá xuân,

Vẻ non xa, tấm trăng gần ở chung"

Trước không gian rộng lớn, rợn ngợp của lầu Ngưng Bích, Kiều như một tấm thân bơ vơ, lạc lỏng. Nàng tìm đến với thiên nhiên, lấy thiên nhiên làm bầu bạn. Dường như Nguyễn Du đã kéo vầng trăng từ xa vời vợi kia gần nàng Kiều hơn. Trăng như người bạn tri âm tri kỷ đang san sẻ cùng tâm trạng của nàng :

"Buồn trông cửa bể chiều hôm,

Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa"

Môït cánh buồm nhỏ bé trước mặt biển bao la trong cảnh hoàng hôn cũng đủ gợi gợi lên trong lòng người đọc thấm thía nỗi buồn của nàng Kiều. Đó là nỗi buồn lẻ loi, cô đơn, lạc lỏng bơ vơ nơi chân trời góc bể của người con gái không biết bấu víu vào đâu :

"Buồn trông nội cỏ dầu dầu,

Chân mây mặt đất một màu xanh xanh

Buồn trông gió cuốn mặt duềnh,

Aàm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi"

Nếu trong Truyện Kiều, Nguyễn Du đã từng viết :

"Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu,

Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ"

thì quả là không sai. Nỗi buồn trong Kiều thật mênh mang, rợn ngợp, một nỗi buồn khiến cho lòng người khô héo. "Nội cỏ" ở đây cũng "dầu dầu" cũng mang tâm sự nỗi lòng của Kiều. Đó là nỗi buồn vì cuộc đời đang bị xô đâỷ, vùi dập. Nỗi buồn đó cứ dấy lên mãi, ứ đọng mãi, khơi gợi nỗi niềm tủi nhục đau thương đến ứa nước mắt. Aâm thanh của tiếng sóng hay cũng chính là những tai hoạ, những khó khăn đang rình rập, có nguy cơ ập xuống đầu Kiều, choáng ngợp khắp tâm trí Kiều. Cảnh ở đây vừa mênh mang, rợn ngợp vừa mang tâm sự u hoài của lòng người.

Có thể nói thiên nhiên luôn là hình ảnh thân gần, gắn bó với mỗi chúng ta, nó không chỉ là khung cảnh gần gũi trong cuộc sống đời thường mà đã đi vào văn học, cụ thể đi vào "Truyện Kiều". Nguyễn Du đã mượn thiên nhiên làm nền cho truyện và cũng biến thiên nhiên thành một nhân vật, mang tâm sự, nỗi lòng của con người. Ngòi bút thơ của Nguyễn Du tài hoa, điêu luyện khi dựng lên hình ảnh thiên nhiên .Thiên nhiên mãi là hình ảnh, là nhân vật không thể thiếu trong "Truyện Kiều" . "Truyện Kiều" mãi mãi là viên ngọc quý, là cuốn sách gối đầu giường của mõi chúng ta.

Nhà thơ Sông Lam, Núi Hồng đã ra đi, nhưng "Truyện Kiều" mãi mãi là dòng sông mát lành chảy qua tâm hồn chúng ta để lại một lớp phù sa màu mỡ. Trên lớp phù sa màu mỡ đó, ta luôn luôn gặp hình ảnh tươi đẹp, sốâng động, mang đậm tình người của thiên nhiên.

Hình ảnh người thanh niên thời kỳ chống Mỹ – Vẻ đẹp người thanh niên xung phong


Mở bài.
- Yêu biết mấy hình ảnh người thanh niên thời kỳ chống Mỹ : cần cù trong lao động, anh hùng trong chiến đấu. Văn thơ thời kỳ kháng chiến chống Mĩ đã dựng lại cả một thời kỳ máu lửa, đi sâu tìm tòi khám phá, ngợi ca vẻ đẹp của thế hệ thanh niên trong chiến đấu cũng như trong lao động. Tôi nhớ mãi mãi Thao, Nho, Phương Định trong "Những ngôi sao xa xôi" của Lê Minh Khuê ; Anh thanh niên, cô kĩ sư trong "Lặng lẽ Sa Pa" của Nguyễn Thành Long ; và những người lính lái xe dũng cảm trong "Bài thơ về tiểu đội xe không kính" của Phạm Tiến Duật. Họ là hiện thân của vẻ đẹp con người Việt Nam, của sức sống dân tộc.
- Năm tháng trôi đi và lịch sử đã bước sang trang mới nhưng những con người ấy vẫn sáng ngời lên nhắc nhở ta về một quãng đường đầy gian khổ, đau thương, lại rất đỗi anh hùng mà đất nước mình đã đi qua. Để rồi mỗi lần đọc lại tôi không khỏi ngỡ ngàng vì người dân mình đẹp quá, dũng cảm; và lòng tôi được như sống lại những ngày còn chiến tranh bom đạn ấy.
2. Thân bài.
a. Khái quát :
 "Những ngôi sao xa xôi" của Lê Minh Khuê ; "Lặng lẽ Sa Pa" của Nguyễn Thành Long ; "Bài thơ về tiểu đội xe không kính" của Phạm Tiến Duật hiện lên một tập thể anh hùng đang ngày đêm chiến đấu kẻ thù và xây dựng với để giữ từng tấc đất, ngôi nhà cho quê hương, đất nước và xây dựng quê hương đất nước ngày càng giàu đẹp hơn . Ba nhà văn đều không đi sâu vào miêu tả những đau thương mất mát , vất  vả khó khăn của dân mình, hay tội ác tày trời của giặc Mỹ mà đi vào khám phá, ca ngợi vẻ đẹp của con người Việt Nam trong chiến tranh cũng như trong lao động. Hình ảnh của Thao, Nho, Phương Định ; Anh thanh niên, cô kĩ sư và những người lính lái xe và còn biết bao con người nữa sáng lên mốt vẻ đẹp phẩm chất lạ thường. Họ là kết tinh của vẻ đẹp dân tộc, sức sống dân tộc. Những con người yêu nước thiết tha, quên mình vì tổ quốc ấy lại rất đỗi giản dị, sáng trong. Một tập thể anh hùng giữa hoàn cảnh chiến tranh khốc liệt, trong đó mỗi một nhân vật đều có một vẻ đẹp riêng, một tâm hồn, một cái "tôi' riêng hoà chung với cái "ta" rộng lớn.
b. Vẻ đẹp của thế hệ thanh niên thời kỳ chống Mỹ trong chiến đấu
"Bài thơ về tiểu đội xe không kính" của Phạm Tiến Duật và "Những ngôi sao xa xôi" của Lê Minh Khuê là những tác phẩm  xúc động, hào hùng về những người lính thanh niên xung phong trên tuyến đường Trường Sơn. Các tác giả đã đi sâu khám phá vẻ đẹp của những người lính trẻ, những con người ngày đêm ra tiền tuyến vì miền Nam ruột thịt. Con người hiện lên trong trang thơ , trang văn của Phạm Tiến Duật và Lê Minh Khuê là một tập thể anh hùng đấy hiên ngang khí phách hào hùng. đã lắng nghe họ sống để ghi lại cái nhịp sống hào hùng, ghị lại vẻ đẹp tâm hồn, bản chất anh hùng của những con người giản dị, mộc mạc mà ngang tàng bất khuất.
- Đường Trường Sơn – nơi vận chuyển vũ khí lương thực vào chi viện Miền Nam – những năm tháng này là “túi bom, chảo lửa”. Và trên nền hiện thực tàn khốc ấy đã xuất hiện hình ảnh đẹp đẽ, phi thường của người chiến sĩ .
+  Hình ảnh làm chủ những chiếc xe không kính. người chiến sĩ không hề nản chí hay run sợ mà trái lại, lại bình tĩnh đến lạ thường: “Ung dung buồng lái ta ngồi…..Như sa như ùa vào buồng lái.” ( Phân tích làm rõ )
+ Nhưng có thể nói đẹp nhất của người chiến sĩ lái xe là thái độ, tinh thần dũng cảm bất chấp gian khổ để chiến đấu và chiến thắng: “ Không có kính, ừ thì ướt áo…. Nhìn nhau mặt lấm cười ha ha.” ( Phân tích làm rõ )
+ Những nữ thanh niên xung phong – những cô gái “Ba sẵn sàng” trên tuyến đường Trường Sơn đóng quân trong một cái hang giữa trọng điểm “túi bom, chảo lửa” trên tuyến đường Trường Sơn. Công việc hàng ngày của họ là đếm bom, rồi lao ra trọng điểm sau những trận bom để đo khối lượng đất đá cần phải san lấp, đánh dấu vị trí bom rơi và phá những quả bom chưa nổ. Một khối lượng công việc vừa đồ sộ vừa nguy hiểm. Cái chết rình rập họ từng phút, từng giờ. ( Phân tích làm rõ )
- Các tác giả đã phát hiện vẻ đẹp anh dũng của con người Việt Nam nhưng chưa đủ, nhà văn còn tìm thấy ẩm sâu bên trong những cong người gan góc, quả cảm ấy là một trái tin đầy trẻ trung, nhiều khát vọng, tràn đấy tinh thần yêu thương
 + Đời sống chiến trường gian khổ là thế. Sự sống và cái chết ở đây chỉ là gang tấc. Thế nhưng tình yêu thương đồng chí, đồng đội vẫn tỏa sáng lạ thường:”Những chiếc xe từ trong bom rơi…Bắt tay qua cửa kính vỡ rồi.”( Phân tích làm rõ )
+ Người chiến sĩ lái xe làm nên những kỳ tích phi thường là nhờ “ Trái tim” chứa chan tình yêu Tổ quốc : “Xe vẫn chạy vì Miền Nam phía trước….Chỉ cần trong xe có một trái tim”. ( Phân tích làm rõ )
+ Trong chiến đấu họ gan dạ, dũng cảm, quyết đoán là thế, nhưng trong cuộc sống Những cô gái thanh niên xung phong  là những cô gái trẻ trung, yêu đời, dễ rung cảm, lắm ước mơ. Là phụ nữ, họ rất thích cái đẹp và thích làm đẹp cho cuộc sống: Nho “mát mẻ như một que kem trắng”, thích ăn kẹo như một đứa trẻ, giàu mơ ; Thao lại dạn dày, từng trải trong cuộc sống; thích thêu thùa; thích làm đẹp “tỉa đôi lông mày của mình, tỉa nhỏ như cái tăm” dù trong công việc thì “ai cũng gờm chị: cương quyết, táo bạo” (dũng cảm, táo bạo nhưng lại sợ nhìn thấy máu chảy); Phương Định  là con người hồn nhiên, nhạy cảm, lãng mạn và mơ mộng. ( Phân tích làm rõ )
c. Vẻ đẹp của thế hệ thanh niên thời kỳ chống Mỹ trong lao động
- Lặng lẽ Sa Pa " như một bài ca về vẻ đẹp trong cách sống và suy nghĩ của những con người lao động tưởng chừng như bình thường mà cao cả, luôn quan tâm và có trách nhiệm đối với quê hương , đất nước.  Trong cái lặng lẽ của Sa Pa , một nhịp sống sôi động , sáng tạo của tuổi trẻ đang trỗi dậy bên trong đó , hòa cùng với công việc của mọi người trong đất nước . Đó là những con người lặng lẽ , âm thầm , ngày đêm đang sống và cống hiến hết mình cho đất nước .
+ Họ là những con người nhiệt tình và hăng say trong lao động .Trong điều kiện khắc nghiệt nhưng những người lao động ấy vẫn nhiệt tình, hăng say, mang hết sức lực của mình để cống hiến cho Tổ quốc. Tiêu biểu là  Anh thanh niên với những suy nghĩ đúng đắn, sâu sắc về công việc. Anh hiểu việc mình làm có ý nghĩa quan trọng “ phục vụ sản xuất…”. Công việc tuy lặp lại đơn điệu song anh vẫn rất nhiệt tình, say mê, gắn bó với nó. ( Phân tích làm rõ )
+ Họ còn là những con người sống có lí tưởng và tràn đầy lạc quan. Họ thực sự tìm thấy niềm hạnh phúc trong công việc lao động đầy gian khổ.
    Lí tưởng sống của anh  thanh niên là vì nhân dân, vì đất nước. Chính từ suy nghĩ : “mình sinh ra…. vì ai mà làm việc?” mà anh đã vượt lên nỗi “thèm người” để gắn bó với đỉnh Yên Sơn trong công việc thầm lặng. ( Phân tích làm rõ )
      Trong cái lặng im của Sa Pa, không phải chỉ có anh thanh niên mà còn có cả thế giới những người “làm việc và lo nghĩ cho đất nước” qua lời anh kể như: ông kĩ sư vườn rau, đồng chí cán bộ nghiên cứu lập bản đồ sét… Họ thực sự tìm thấy niềm hạnh phúc trong lao động cống hiến. Cuộc sống của họ âm thầm, bình dị mà cao đẹp      
d. Đánh giá :
"Những ngôi sao xa xôi" của Lê Minh Khuê ; "Lặng lẽ Sa Pa" của Nguyễn Thành Long ; "Bài thơ về tiểu đội xe không kính" của Phạm Tiến Duật là những tượng đài lộng lẫy về vẻ đẹp của thế hệ thanh niên Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước đầy gian khổ thử thách mà rất đỗi anh hùng. Ba tác phẩm đi vào những khía cạnh khác nhau của đời sống thời kì chống Mỹ, nhân vật hiện lên từ những khung cảnh, hoàn cảnh khác nhau và bút pháp khắc hoạ cũng mang tính độc đáo, cá biệt nhưng đều góp phần vào tiếng nói chung của dân tộc, tiếng nói phám phá ngợi ca vẻ đẹp của con người Việt Nam trong thời kỳ kháng chiến chống Mĩ cứu nước.
3. Kết bài.
Năm tháng trôi đi và lịch sử không ngừng biết động, "Những ngôi sao xa xôi" của Lê Minh Khuê ; "Lặng lẽ Sa Pa" của Nguyễn Thành Long ; "Bài thơ về tiểu đội xe không kính" của Phạm Tiến Duật mãi là những bông hoa không tuổi tựa mùa xuân không ngày tháng, đã ghi lại cái quá khứ hào hùng, sôi động của đất nước mình một thuở. Vẻ đẹp của con người Việt Nam đã làm nên cái hồn của cả dân tộc và góp phần làm cho tác phẩm sống mãi với thời gian. Văn học thời kỳ kháng chiến chống Mĩ cứu nước đã bắt được cái nhịp sống của dân tộc, đã ngợi ca sức sống và vẻ đẹp của con người. Giờ lật lại, chúng ta không khỏi tự hào, xúc động về những năm tháng đất nước mình đã đi qua, về vẻ đẹp muôn đời của con người đất Việt. Và ta mãi cất lên những bài ca không bao giờ quên - bài ca viết về quê hương, viết về con người bởi tự hào biết mấy hai tiếng: Việt Nam.