Chủ Nhật, 2 tháng 6, 2013

VĂN HÓA VÀ CON NGƯỜI MIỀN NÚI QUA BÀI THƠ NÓI VỚI CON ( Mộc Nhân - Lê Đức Thịnh )



Y Phương là nhà thơ người dân tộc Tày. Thơ ông thể hiện tâm hồn chân thật, mạnh mẽ và trong sáng, cách tư duy giàu hình ảnh của con người miền núi. Bài thơ“Nói với con” được Y Phương viết ở những chặng đường đầu tiên trong hành trình sáng tác nhưng đã thể hiện rất rõ phong cách thơ ông. Tác giả không chỉ phác họa hình ảnh thơ một cách ngẫu hứng mà dồn nén, chất chứa ý nghĩ, cảm xức đằng sau lớp vỏ ngôn từ; qua đó giúp ta hiểu thêm về sức sống và vẻ đẹp tâm hồn của một dân tộc miền núi, gợi nhắc tình cảm gắn bó với quê hương và ý chí vươn lên trong cuộc sống.

          1. Mở đầu bài thơ, Y Phương nói đến cội nguồn sinh dưỡng, đấy là người cha, người mẹ đã tạo nên cuộc sống cho con trong không khí gia đình yên vui, đầm ấm, hạnh phúc; từng bước đi, từng tiếng nói, tiếng cười của con đều được cha mẹ chăm chút, vui mừng đón nhận: “Chân phải bước tới cha/ Chân trái bước tới mẹ? Một bước chạm tiếng nói/ Hai bước tới tiếng cười”.
Đoạn thơ nhiều hình ảnh, hoạt động, cử chỉ gợi lên âm thanh tràn ngập trong gia đình, cha mẹ vây quanh mừng vui theo mỗi bước đi của con. Đằng sau câu thơ ấy, tác giả muốn khái quát thành một điều lớn hơn, có tính chiêm nghiệm: hành trình và sự trưởng thành của người con chính là kết quả của sự nuôi dưỡng, dạy dỗ, vỗ về, nâng đón của cha mẹ ngay từ những bước đi đầu đời.
Bên cạnh tình cảm gia đình, nghĩa tình quê hương cũng là hành trang quí báu hình thành nên tâm hồn, tình cảm con người. Nhà thơ đã dùng hình ảnh “Người đồng mình” để nói về những người cùng sống trên một miền đất, cùng quê hương, cùng dân tộc. Khi tâm tình với con về “người đồng mình”, tác giả đã lựa chọn những hình ảnh:
          “Đan lờ cài nan hoa
Vách nhà ken câu hát”
          Những động từ đan, cài, ken vừa nói lên những công việc cụ thể của người lao động vừa gợi ra sự gắn bó quấn quýt. Hình ảnh “nan hoa” nói lên bàn tay lao động tài hoa, khéo léo. Vách  nhà  của  họ  không chỉ  được  ken bằng những vật liệu thông thường mà còn ken bằng“câu hát”  tràn ngập niềm vui, tinh thần lạc quan . Y Phương trong một bài thơ khác cũng đã viết về niềm vui ca hát và những gởi gắm của người Tày trong câu hát: “Câu hát này thiêng liêng lắm chứ/ Hát bây giờ còn để hát mai sau…”
          Chỉ hai câu thơ giản dị mà gói trọn ở đó hình ảnh tươi đẹp của cuộc sống con người dân tộc quê ông. Những công việc lao động thường ngày trở nên thơ mộng hơn, phong tục, thói quen sinh hoạt làm đời sống tinh thần người dân thêm phong phú.
          Từ mạch cảm xúc ấy, tác giả khắc họa hình ảnh “Rừng cho hoa/ Con đường cho những tấm lòng” mang đậm cảnh sắc thanh bình của quê hương miền núi. Hoa vừa mang vẻ đẹp thực vừa nói lên những gì đẹp đẽ, tinh hoa của dân tộc. Con đường quê hương đã rộng mở để đón con vào đời, đi vào cuộc sống tâm hồn con. Hành trình của đứa con khiến nhà thơ hồi tưởng “Cha mẹ mãi nhớ về ngày cưới/ Ngày đầu tiên đẹp nhất trên đời”; đó là ngày cha mẹ gặp nhau để rồi nhà thơ hiểu thêm và tri ân biết bao tấm lòng.
          Tác giả đã sử dụng lối diễn đạt của người miền núi để tạo ra những hình ảnh vừa cụ thể vừa mang tính khái quát cao mà vẫn giàu chất thơ bay bổng về vẻ đẹp trong cuộc sống của người dân tộc, đó là điểm tựa để cho con khôn lớn trưởng thành, có sức mạnh bay cao, bay xa.
          2. Từ tình cảm gia đình và nghĩa tình quê hương, nhà thơ đã trao gởi cho con những lời dặn dò, tâm tình. Cha đã nói với con về những phẩm chất của “người đồng mình” bằng những lời thơ đầy hình ảnh: “Cao đo nỗi buồn/  Xa nuôi chí lớn”. Nhà thơ đã lấy những tính từ cao, xa để nói về tâm hồn, tình cảm và ý chí của những con người miền núi. Từ đó cha khuyên con phải biết trân trọng, sống gắn bó với quê hương dù quê hương còn khó khăn nghèo đói.
“Sống trên đá không chê đá gập ghềnh
 Sống trong thung không chê thung nghèo đói.”
Những phẩm chất tốt đẹp của người đồng mình được nhà thơ tiếp tục nói đến qua các câu thơ đầy hình ảnh :
“ Sống như sông như suối
Lên thác xuống ghềnh.”
Những từ ngữ hình ảnh như: đá, thung, sông, suối, thác, ghềnh … vừa gợi lên không gian núi rừng vừa nói lên những gian khổ thử thách và cuộc sống cần cù, mạnh mẽ, lạc quan của người miền núi. Đoạn thơ mang âm hưởng buồn nhưng không hề mất niềm tin nhờ điệp từ “sống” đặt đầu câu thơ, nối tiếp nhau tạo cấu trúc lặp vừa tạo nên âm điệu thiết tha, nhấn mạnh trong lời răn dạy của người cha. Qua đó thể hiện thái độ trân trọng, yêu quí những con người sinh ra trong không gian văn hóa miền núi, lớn lên “đụng đầu với đá”, với những khó nhọc nhưng tâm hồn con người nơi miền quê ấy luôn rắn rỏi, kiên cường.
Đoạn thơ kết gói trọn tư tưởng toàn bài. Đấy là sự kiêu hãnh của con người miền núi trước những “va đập” với văn hóa miền xuôi mà họ vẫn giữ được bản sắc của dân tộc mình:
“Người đồng mình thô sơ da thịt
Chẳng mấy ai nhỏ bé đâu con
Người đồng mình tự đục đá kê cao quê hương
Còn quê hương thì làm phong tục
Con ơi tuy thô sơ da thịt”
Cụm từ “người đồng mình” một lần nữa được Y Phương lặp lại ở đầu dòng thơ đã tạo nên những nốt nhấn, làm cho lời thơ dịu dàng, tràn đầy yêu thương mà cha muốn nói với con có ý nhấn mạnh những phẩm chất của dân tộc mình. Cụm từ “Thô sơ da thịt” nói lên sự giản dị, mộc mạc, chất phác của người miền núi trong sự đối lập với tầm vóc tinh thần, không hề nhỏ bé về tâm hồn, ý chí. Hình ảnh“đục đá kê cao quê hương” bên cạnh ý nghĩa tả thực còn mang yếu tố tạo hình khoẻ khoắn mạnh mẽ nói lên tinh thần lao động cần cù, nhẫn nại để xây dựng, phát huy những truyền thống, phong tục tốt đẹp của quê hương.
Cách sử dụng động từ của bài thơ tạo nhiều ám ảnh. Từ đầu đến cuối bài thơ là một loạt những động từ như: bước, chạm, đo, nuôi, lên, xuống, đục, kê… với những âm hưởng khỏe khoắn, rắn rỏi như tính cách người miền núi với một niềm kiêu hãnh và tự hào.
Nói với con về những phẩm chất của người đồng mình, cha muốn khuyên con phải tiếp nối, phát huy truyền thống quê hương. Con phải biết tự hào về quê hương, sống có tình nghĩa với miền đất đã sinh ra con. Nhìn góc độ khác, ở đây có sự đấu tranh, trở mình để tiếp tục vươn lên nhưng đồng thời phải luôn bám víu vào cội nguồn văn hóa dân tộc. Bởi thế, bài thơ là lời nói với con nhưng cũng để nói với chính mình; nói với dân tộc Tày nhưng cũng là nói với đất nước Việt Nam còn khó khăn, phải biết giữ mình và vươn lên. Vì vậy có thể nói bài thơ đã truyền tải một thông điệp lớn lao, đó là một tuyên ngôn về ý thức, sự ứng xử của con người đối với văn hóa dân tộc mình.
Cuối cùng, điều mà cha muốn dặn dò con là con cần phải tự tin, có nghị lực, có ý chí, vững bước trên đường đời:
“Con ơi tuy thô sơ da thịt
 Lên đường
Không bao giờ nhỏ bé được
Nghe con.”
Những từ ngữ mang ngữ điệu cảm thán “Con ơi …nghe con” làm cho lời cha nói với con ở cuối bài thơ càng trở nên tha thiết hơn, lời cha nói cũng là tấm lòng của cha dành cho con.  Nói với con thể hiện một cái nhìn đầy yêu thương mà điềm tĩnh, chín chắn trước cuộc sống. Trong những thời khắc ngặt nghèo nhất, khó nhọc nhất, người cha vẫn kiên định một phương châm sống hết sức đáng trân trọng, bảo tồn những nét đẹp của văn hóa dân tộc, dù đi đến đâu vẫn một tâm niệm: “Không bao giờ nhỏ bé được/ Nghe con”
3. Bài thơ “Nói với con” viết theo thể thơ tự do phù hợp với mạch cảm xúc tự nhiên linh hoạt của bài thơ. Ấn tượng trước hết là nhịp điệu và cấu trúc bởi nó là sức mạnh là năng lượng cơ bản của bài thơ. Tính đăng đối, hài hòa mà vẫn hết sức linh hoạt, nhịp điệu bài thơ lúc thì bay bổng, nhẹ nhàng, lúc thì mạnh mẽ thể hiện những cung bậc tình cảm khác nhau trong lời cha tâm tình với con.
Bài thơ cũng giống như rất nhiều sáng tác của Y Phương ở đặc điểm giàu tính nhạc, mang đậm âm hưởng của núi rừng, là bản nhạc cất lên từ tình yêu quê hương, yêu cuộc sống.
Ngôn ngữ thơ giản dị, hình ảnh thơ mộc mạc, cô đọng, thiên về gợi  mà vẫn giàu chất trữ tình. Đặc biệt lời thơ rất gần với lời ăn tiếng nói chân thật, mộc mạc, cụ thể của người miền núi vừa mang tính khái quát cao mà vẫn đậm đà chất thơ. Điều đáng nói là ông dung hòa được chất hiện đại và truyền thống tạo nên vẻ đẹp riêng cho bài thơ.
Bài thơ “Nói với con” đi từ tình cảm gia đình mà mở rộng ra là tình yêu quê hương, nhà thơ đã nâng lên thành lẽ sống của mỗi con người. Bài thơ không chỉ giúp ta hiểu thêm về tâm hồn con người miền núi mà còn truyền cho ta tình yêu gia đình, quê hương, dân tộc.