Thứ Tư, 8 tháng 5, 2013

Bức chân dung giai nhân Thúy Kiều


Trong kho tàng văn học cổ Việt Nam, “Truyện Kiều” của Nguyễn Du là tác phẩm kiệt xuất nhất. Trải qua bao năm tháng “Truyền Kiều” của Nguyễn Du vẫn l­ưu dấu trong tâm khảm bạn đọc không chỉ bởi ngôn ngữ trong sáng ,các biện pháp tu từ điêu luyện mà còn bởi tác phẩm có những câu thơ  hay nhất,đẹp nhất,tiêu biểu cho bút pháp tả ng­ười của tác giả. Đặc biệt là mười hai câu  thơ tả  tài sắc Thúy Kiều trong đoạn trích “Chị em Thuý Kiều là một trong những hay nhất, đẹp nhất :
                              Kiều càng sắc sào mặn mà
                             .................
                             Một thiên bạc mệnh lại càng não nhân.
  Mười hai câu như những viên ngọc bằng ngôn ngữ toả sáng lấp lánh trong cả trang thơ. Sau chiêm ngưỡng dáng hình mảnh dẻ thanh tao và tâm hồn trắng trong như tuyết của hai người con gái đầu lòng nhà ông bà Vương viên ngoại, cũng như vẻ đẹp vẻ đẹp quý phái, phúc hậu của Thúy Vân người đọc chợt sững sờ trước bức chân dung giai nhân Thúy Kiều:
                              Kiều càng sắc sảo mặn mà 
                             So bề tài sắc lại là phần hơn .
Làn thu thuỷ nét xuân sơn 
Hoa ghen thua thắm liễu hờn kém xanh .
              Thúy Vân đã sắc nước hương trời, Thúy Kiều còn rực rỡ hơn thế nữa. Bằng thủ pháp đòn bẩy, Nguyễn Du đã mượn vẻ đẹp của Thúy Vân làm nền để nêu bật vẻ đẹp, tài năng của Thúy Kiều, giúp người đọc hình dung rõ hơn về bức chân dung của nàng bằng cái nhìn của riêng mình. Tả Thúy Kiều, Nguyễn Du rất ít tả mà chỉ gợi. Ông lại thêm một lần nữa chứng tỏ mình là  một nghệ sĩ bậc thầy. Sức gợi của vẻ đẹp Thúy Kiều toát lên từ đôi mắt: “Làn thu thủy, nét xuân sơn”. Nguyễn Du dường như chỉ nói về đôi mắt của nàng. Đôi mắt trong, sáng ngời, gợi tình như sóng nước mùa thu và đôi mày cong cong mềm mại, thanh tú như dáng núi mùa xuân. Cách miêu tả khiến khi đọc lên, ta như thấy có ánh sáng và làn sóng xao động bên trong. Chỉ vậy thôi mà bao ẩn ý. Đôi mắt nhìn đời, nhìn người sâu thẳm. Đôi mắt dạt dào, ẩn chứa bao tình cảm lai láng: biết yêu thương, căm hận, nhức nhối, sẻ chia,… Đôi mắt thể hiện một đời sống nội tâm phong phú. Đôi mắt “tinh đời” chứ không như đôi mắt đẹp mà vô hồn, vô cảm của Thúy Vân . Nhà thơ sử dụng tối đa nghệ thuật ẩn dụ và tiểu đối trong thơ cổ điển cũng với ý nghĩa tượng trưng để tô đậm, tạo ấn tượng về nhan sắc của Kiều nhưng không gây rườm rà, phức tạp mà trái lại giá trị diễn đạt vẫn hay và tự nhiên. Nhan sắc nàng tuyệt mĩ đến nỗi: “Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh”. Thiên nhiên vốn là vẻ đẹp vĩnh cửu vậy mà cũng phải “ghen”, “hờn” trước một nàng Kiều “sắc sảo mặn mà”. Hoa không tươi thắm bằng dung nhan của nàng, liễu kém phần tươi non so với sức sống, tuổi trẻ mơn mởn của Kiều. Nguyễn Du đã sử dụng biện pháp nhân hóa để thổi linh hồn vào câu thơ làm ý thơ thêm phần sống động và trước mắt ta hiện ra một náng Kiều trẻ trung với tuổi xuân tràn đầy như hoa vừa đang độ nở, liễu đến kì xanh tươi. Mà cũng vì thế mà ta càng thấp thỏm hơn khi nghĩ tới tương lai của đời Kiều. Liệu với vẻ đẹp “nghiêng nước nghiêng thành” ấy, Kiều sẽ phải sống thế nào trong bể đời vốn “Thiên địa phong trần, hồng nhan đa truân”. Nguyễn Du tài hoa ở chỗ ông không chỉ miêu tả ngoại hình để thể hiện tính cách, mà còn thông qua đó dự đoán số phận, cuộc đời nhân vật. Không phải ngẫu nhiên mà Nguyễn Du dùng cặp từ “thua, nhường” để miêu tả Thúy Vân và cặp từ “ghen, hờn” để miêu tả Thúy Kiều. Ảnh hưởng, tác động của nét đẹp hai Kiều với tạo hóa lại đi theo hai hướng khác nhau. Tả Vân, câu thơ Kiều thanh thản bao nhiêu thì khi tả Kiều, câu chữ Tố Như lại trăn trở bấy nhiêu. Như vậy đó, chỉ mới mươi câu Kiều mà đã giúp ta thấu hiểu tấm lòng ưu ái sâu sắc, bao la của nhà thơ nhân đạo Nguyễn Du: ông yêu thương, nâng niu tất cả. Có điều, với Thúy Kiều là cả một sự yêu thương, nâng niu đầy băn khoăn, lo lắng so với Thúy Vân.
          Miêu tả Thúy Kiều, Nguyễn Du còn đề cao trí tuệ và tài năng của nàng, cho thấy rằng Kiều không phải chỉ có nhan sắc tuyệt trần mà còn là người con gái vốn có thiên tư thông minh bẩm sinh và rất mực tài hoa.
Thông minh vốn sẵn tính trời
Pha nghề thi hoạ đủ mùi ca ngâm
Cung thương làu bậc ngũ âm
Nghề riêng ăn đức hồ cầm một chương
Khúc nhà tay lựa nên chương 
Một thiên bạc mệnh lại càng não nhân.
          Tài năng của Kiều đã đạt tới mức lí tưởng. Làm thơ, vẽ tranh, ca ngâm, âm nhac, mọi thứ Kiều đều tỏ ra thành thạo. Đặc biệt, nàng rất sành chơi Hồ cầm. Nguyễn Du một lần nữa lại rất công phu khi dành cho Kiều các chữ: “vốn sẵn tính trời”, “đủ mùi”, “làu bậc”, “ăn đứt” gợi lên sự hoàn mỹ của nàng. Quả là “Sắc đành đòi một tài đành họa hai”! Tất cả tài năng của Kiều đều ở mức tuyệt đỉnh , tuyệt đỉnh như chính nhan sắc mà tạo hoá đã kỳ công ban cho nàng. Mà“hồng nhan đa truân”, “chữ tài liền với chữ tai một vần ”. Triết lý đó đã được người học trò xuất sắc của đạo Khổng vận dụng để dự đoán trước cuộc đời của người con gái sắc nước hương trời ấy.
                             Khúc nhà tay lựa nên chương 
                             Một thiên bạc mệnh lại càng não nhân.
          Dường như số phận đã nhập vào điệu hồn riêng của nàng để hoá thân thành bản đàn “Bạc mệnh” mách bảo người nghe về một tương lai dâu bể sẽ xô cuốn đời nàng. Câu chữ, lời thơ chất chứa sự ngợi ca, ngưỡng mộ mà băn khoăn, lo lắng cứ xốn xang trên mỗi từ ngữ của Tố Như. Nhưng làm sao khác được, “Thiên bạc mệnh” ai oán đã vận vào Kiều mất rồi. Trái tim yêu thương mênh mông của Nguyễn Du cũng chẳng thể nào bảo vệ được Kiều trước vòng xoáy nghiệt ngã của định mệnh.
          Bút pháp miêu tả ước lệ tương trưng cộng với tâm hồn mẫn cảm tài hoa,và cách sử dụng ngôn từ chắt lọc, chau chuốt, Nguyễn Du đã khắc hoạ thật sinh động bức chân dung Thuý Kiều, một vẻ đẹp không dễ phai nhoà trong tâm hồn người đọc.
          Chỉ với mười hai câu thơ lục bát, chúng ta cũng đủ thấy tài năng, sáng tạo bậc thầy của đại thi hào dân tộc Nguyễn Du. Ngòi bút của ông linh hoạt vô cùng, khi vẽ chi tiết, khi chỉ lướt qua; khi tả, khi gợi, kết hợp nhuần nhuyễn tính ước lệ của sách vở và cách nói dân gian; vừa làm nghệ thuật, vừa gởi gắm tâm tư, tình cảm. Để người đời yêu mến Tố Như và nhân vật của ông khi đến với Truyên Kiều, đều cảm nhận được một ẩn ý sâu sắc: ẩn sau bức chân dung mĩ nữ là tiếng lòng chan chứa yêu thương của đại thi hào dân tộc Nguyễn Du.