Thứ Tư, 8 tháng 5, 2013

8 Câu cuối Kiều ở lầu Ngưng Bích




          Có một nhà thơ mà người dân Việt Nam không ai là không yêu mến, kính phục. Có một truyện thơ mà đã hơn hai thế kỉ qua, không mấy người dân Việt Nam là không thuộc vài đoạn hay nhiều câu. “Đoạn trường tân thanh” của đại thi hào Nguyễn Du đã trở thành niềm tự hào của dân tộc, đỉnh cao của nền văn học trung đại Việt Nam và nền văn học thế giới. Một trong những thành công của “Truyện Kiều” mà không ai có thể phủ nhận là nghệ thuật tả cảnh ngụ tình, thông qua cảnh thiên nhiên để miêu tả tâm lí nhân vật sắc sảo như Nguyễn Du.
Buồn trông cửa bể chiều hôm
Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa.
Buồn trông ngọn nước mới sa
Hoa trôi man mác biết là về đâu?
Buồn trong nội cỏ rầu rầu
Chân mây mặt đất một màu xanh xanh.
Buồn trông gió cuốn mặt duềnh
Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi.
     Ở tám câu thơ cuối trong đoạn trích “Kiều ở lầu Ngưng Bích”, nhà thơ đã dựng lên một bức tranh tâm trạng đầy xúc động của Thúy Kiều qua nhiều cung bậc khác nhau. Một mình giữa không gian mênh mông, Kiều thấy bơ vơ quá! Cảnh vật rợn ngợp bị xé lẻ, chia cắt đẩy nỗi cô đơn của Kiều lên đến đỉnh điểm. Cảnh vật đó được nhìn qua tâm trạng đau đớn, ê chề của nàng. Trong hoàn cảnh cô đơn tội nghiệp đó, nỗi nhớ nhà lại cồn cào mạnh mẽ.
Buồn trông cửa bể chiều hôm
Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa.
     Câu thơ tả cảnh biển khơi mênh mông. Trong ánh nắng đang dần lịm tắt, Một cánh buồm thấp thoáng, lẻ loi khi ẩn khi hiện nơi chân trời xa xôi trong buổi chiều hôm gợi lên cảnh xa vắng. Sự lẻ loi, đơn chiếc của cánh buồm cũng chính là thân phận bơ vơ của Kiều nơi “góc bể chân trời”. Nhìn cánh buồm thấp thoáng, khát khao được đoàn tụ với gia đình trỗi dậy trong nàng nhưng liền tắt ngấm ngay sau đó. Bởi cánh buồm chỉ “thấp thoáng” “xa xa”... mà thôi.
Chiều chiều ra đứng bờ sông
Muốn về quê mẹ mà không có đò.
          Kiều đang đứng trước biển nhìn về phương trời xa với một nỗi khao khát. “Buồn trông...” âm điệu lời thơ sao mà buồn và có cái gì thật rã rời! Nỗi buồn ấy như nhân lên khi Kiều nhìn cánh hoa trôi nổi, bập bềnh.
Buồn trông ngọn nước mới sa
Hoa trôi man mác biết là về đâu?
          Thuyền trôi trong vô định, đoá hoa cũng vậy, chẳng “biết là về đâu?” Nhìn cánh hoa lang thang trôi dạt, nàng càng buồn hơn cho thân phận của mình cũng bèo bọt lênh đênh, vô định, nhỏ nhoi và tội nghiệp không có nơi để về. ”? Một mình lạc lõng giữa chốn đất khách quê người, không biết đâu là quê nhà -  nơi những người thân ngày ngày ngóng trong, chờ đợi mình. Hình ảnh “hoa trôi man mác” gợi lên một nỗi buồn đau sao mà xót xa thế! Buồn cho đoá hoa xa cành, lìa cội trôi nổi bị sóng nước vùi dập. Buồn cho thân phận Kiều cũng đang bị dòng nước giữ xô đẩy, không biết là đến đâu, về đâu. Hoa lìa cành, hoa sẽ héo, sẽ tàn. Cuộc đời Kiều giờ đây cũng vậy, héo hắt và tàn tạ.
Buồn trông nội cỏ rầu rầu
Chân mây mặt đất một màu xanh xanh
          Hai câu thơ vẽ ra một bức tranh với màu xanh buồn héo, nhạt nhòa trải dài vô tận, gợi sự chán chường, tẻ nhạt. Xung quanh nàng, thiên nhiên, cảnh vật nhuốm màu tâm trạng – Một tâm trạng đau buồn, thương tiếc cho tuổi thanh xuân tàn úa. Nghĩ về cuộc sống vô vị, thê lương của mình lúc bấy giờ không biết sẽ kéo dài triền miên đến khi nào. Cuộc đời của nàng giờ đây không hề có một chút sức sống nào cả. Vẫn âm điệu thơ thật buồn bởi vần bằng dàn trải, tạo cho ta cảm giác được cái nhìn đã lấp đầy mệt mỏi, chán chường của nàng Kiều trước cảnh vật mênh mông. Cho dù có nhìn ra xa, xa bao nhiêu đi nữa cũng chỉ bao la một màu. Cỏ cây không còn nét tươi sáng như màu của “cỏ non xanh tận chân trời” trong buổi du xuân trước kia mà mang đậm một màu xanh dầu dầu” của đám cỏ “sè sè nắm đất bên đường” lúc gặp mộ Đạm Tiên. Một màu “xanh xanh” với vẻ “rầu rầu” càng làm cho sự sống thêm cạn kiệt, bức tranh phong cảnh càng héo tàn thêm. Và lúc này, Kiều chợt nghe, chợt thấy
Buồn trông gió cuốn mặt duềnh
Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi.
          Âm điệu lời thơ trở nên dữ dội với những từ ngữ gợi âm thanh: “ầm ầm”, “kêu”. Hình ảnh những đợt sóng cuộn trào, dâng lên, xô đẩy cùng với tiếng gào thét của gió, của sóng vang lên thật hãi hùng. Thấy “gió cuốn mặt duềnh”, nghe “tiếng sóng kêu”, Kiều cảm thấy sợ hãi vô cùng. Tâm trạng nàng lúc này rất hỗn loạn, kinh hoàng trước những sóng gió của cuộc đời. Nàng cảm nhận tất cả như sụp đổ, một điều gì đó sắp ập xuống thật khủng khiếp, tai họa rình rập khắp nơi. Kiều chới với như rơi xuống vực thẳm. Những âm thanh dữ dội, ghê sợ như mách bảo chặng đường tiếp theo của nàng Kiều sẽ tràn đầy chông gai, khó khăn.
     Đây được xem là một trong những đoạn thơ hay bậc nhất của “Truyện Kiều”. Bốn cặp câu thơ như bộ bức tứ bình bộc lộ rõ rệt tâm trạng của Kiều cô đơn, lẻ loi không ai chia sẻ; nơm nớp, hoảng sợ, lo lắng về những hiểm nguy tiếp theo sẽ giáng xuống. Với phép điệp ngữ liên hoàn “buồn trông...” không chỉ tạo cho các câu thơ âm điệu buồn mà còn bộc lộ diễn biến tâm trạng buồn đau, nhớ thương, lo sợ... của 1 con người xinh đẹp, tài năng mà bất hạnh. Đằng sau mỗi bức tranh thiên nhiên là thấp thoáng dáng bóng con người với những nỗi niềm, tâm tư thầm kính. Tâm trạng hoà với cảnh vật
Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ
     Những câu thơ lục bát tinh tế, sắc sảo đã trải qua bao năm tháng vẫn làm say đắm lòng người. Nguyễn Du không chỉ tài tình khi chọn được âm điệu thơ, lựa được những từ ngữ và hình ảnh phù hợp với tâm trạng nhân vật, nhà thơ còn thông cảm sâu sắc với tâm trạng, hoàn cảnh của Kiều và yêu thương nàng biết bao.
     Với ngòi bút thiên tài Nguyễn Du, qua nét nghệ thuật tả cảnh ngụ tình đặc sắc, nhà thơ đã bộc lộ phần nào tâm trạng của Kiều, đồng thời ông đã để lại cho người đời 1 bức tranh tâm lí tình cảm đầy xúc động, làm say lòng người đọc.
Tiếng thơ ai đọng đất trời
Nghe như non nước vọng lời ngàn thu
Nghìn năm sau nhớ Nguyễn Du
Tiếng thương như tiếng mẹ ru những ngày.
     Dường như ta nghe được cả sự đồng cảm lẫn tiếng lòng âm vang của Nguyễn Du đối với một  thiếu nữ tài sắc vẹn toàn nhưng bất hạnh từ những câu thơ ấy.
Tố Như ơi lệ chảy quanh thân Kiều.