Thứ Ba, 2 tháng 4, 2013

Đề: Tình yêu gia đình, quê hương đựơc thể hiện trong khổ thơ 1 bài thơ “Nói với con”



1.Mở bài:
Ngoài trời, mưa phùn bay, chợt nghe vang vọng đâu đây giai điệu bài thơ  Nói với con  của nhà thơ Y phương. Những lời thơ giản dị nhưng có sức ám ảnh lạ thường trong tâm trí độc giả. Những điều người cha nói với con trong bài thơ phải chăng cũng chính là lời căn dặn yêu thương mà biết bao nhiêu người cha muốn con mình thấu hiểu ? Mỗi lần đọc bài thơ là một lần ta cúi đầu thành kính trở về với cội nguồn, với những gì thân thương nhất. Mượn lơì cha tâm tình với con,nhà thơ nhắc nhở về cội nguồn của mỗi con người, qua đó bộc lộ niềm tự hào về sức sống mạnh mẽ, bền bỉ và phẩm chất tốt đẹp của dân tộc mình, quê hương mình.
Chân phải bước tới cha
Chân trái bước tới mẹ
Một bước chạm tiếng nói
Hai bước tới tiếng cười
Người đồng mình yêu lắm con ơi
Đan lờ cài nan hoa
Vách nhà ken câu hát
Rừng cho hoa
Con đường cho những tấm lòng
Cha mẹ mãi nhớ về ngày cưới
Ngày đầu tiên đẹp nhất trên đời.
2. Thân bài:
a. Giới thiệu chung
Đi từ đề tài quen thuộc tình cảm cha con ,phụ tử thiêng liêng nhưng với Y Phương trong làng thơ Việt Nam đã có thêm một lối đi, một giai điệu mới . Khác với “Chiếc lược ngà “,tình cha con được đặt trong hoàn cảnh éo le của chiến tranh ,tình cha con trong bài thơ được thể hiện qua lời tâm tình của người cha .Người cha đã bộc lộ lòng yêu thương con qua ước mong con sống xứng đáng ,phát huy truyền thống của, gia đình , quê hương.
b.  Phân tích
Tính yêu thương của cha me, sự đùm bọc của quê hương đối với con người là vô hạn. Các con lớn lên từng ngay trong tình cảm thiêng liêng ấy. Ơ bốn câu thơ đầu, bằng những hình ảnh giản dị, Y Phương đã phản ánh sinh động không khí gia đình đầm ấm, quấn quít:
“Chân phải bước tời cha
Chân trái bước tới mẹ
Một bước chạm tiếng nói
Hai bước tới tiếng cười.”
Ta cứ tưởng như đang được ngắm một bức tranh của một em bé đang chập chững tập đi, bi bô nói. Điệp ngữ “ bước tới” và động từ “ chạm” được dùng rất khéo, làm nổi bật cài hồn của bức tranh. Cách thể hiện cách nghĩ của nhà thơ thật độc đáo. Khi đứa con chập chững đi từng bước, từng tiếng nói cười của con đều được cha mẹ nâng niu, chăm chút, vui mừng đón nhận. Đó là một gia đình hạnh phút: đôi vợ chồng trẻ với đứa con thơ đầu lòng, căn nhà luôn rộn rã tiếng nói, tiếng cười. Tuy nhiên, đằng sau lời nói cụ thể đó, tác giả muốn khái quát một điều lớn hơn: con sinh ra trong hạnh phúc và lớn lên bằng tình yêu thương, trong sự nâng đón, vỗ về, mong chờ của cha mẹ.  Những hình ảnh ấm êm với cha và mẹ, những âm thanh sống động, vui tươi với tiếng nói tiếng cười là những biểu hiện của  một không khí gia đình đầm ấm, quấn quýt, hạnh phúc tràn đầy. Hình ảnh ấm lòng này muôn thuở vẫn là khát vọng hạnh phúc của con người. Đó sẽ là hành trang quý báu đối với cuộc đời, tâm hồn con.
Đứa con trường thành trong cuôc sống lao động cần củ của cha mẹ, trong khung cảnh thiên nhiện đẹp đẽ, thơ mộng của quê hương. Nhìn con lớn lên từng ngày, cha mẹ càng yêu quý thêm mãnh đất của tổ tiên, ông bà đã để lại. Câu thơ bật thốt lên từ trái tim chứa chan tình cảm sâu nặng :
“ Người đồng mình yêu lắm con ơi!”.
  Nhà thơ tự hào về những người cùng sống trên mãnh đất quê hương đã nuôi dưỡng cho con mình nên vóc nên hình. Cuộc sống lao động cần cù và tươi vui của đồng bào dân tộc được nhà thơ miêu tả như những hình ảnh trong thần thoại :
“ Đan lờ cài nan hoa
Vách nhà ken câu hát.”
Các động từ “cài”, “ken” vửa diễn tả động tác lao động cụ thể, vừa nói lên sự hoà hợp, gắn bó giữa hiện thực và lãng mạng trong đời sống vật chất, tình thần cùa người vùng cao. Đan lờ đánh cá, dưới bàn tay người Tày, những nan nứa, nan trúc, nan tre đều trở thành “ nan hoa”. Vách nhà không chỉ ken bằng gỗ mà được ken bằng “ câu hát”. Những động từ “đan, ken, cài” rất gợi cảm bên cạnh giúp cho người đọc hình dung  được những công việc cụ thể của con người trên quê hương còn gợi ra tính chất gắn bó, hoà quyện, quấn quýt của con người và của quê hương, xứ sở.
Cuộc sống lao động ấy, sinh hoạt gia đình đầy niềm vui ấy được đặt trong cả một quê hương giàu đẹp, nghĩa tình.Rừng núi quê hương đã che chở, nuôi đưỡng nhiều thế hệ trẻ về tâm hồn lẫn lối sống
“Rừng cho hoa
Con đường cho những tấm lòng”.
Rừng đâu chỉ cho chúng ta nhiều gỗ, lâm sản quý giá mà còn “ cho hoa”. Con đường đâu chỉ để đi ngược về xuôi, lên non xuống biển mà còn “ cho những tấm lòng” nhân hậu, bao dung, đó là con đường tình nghĩa. Với Y phương, con đường ấy là hình bóng thân thuộc của quê hương: con đường vào bản, con đường vào thung, ra rừng, ra sông, ra suối, là con đường đi học, con đường làm ăn hay cũng chính là con đường đi tới mọi chân trời, mọi miền đất nước. Điệp từ “cho” mang nặng nghĩa tình. Thiên nhiên đã che chở, nuôi dưỡng, bồi đắp tâm hồn cũng như lối sống của con người.
Sung sướng ôm con thơ vào lòng, nhìn con khôn lớn, suy ngẫm về tình nghĩa làng bản quê nhà, nhà thơ đã nghĩ về cuội nguồn hạnh phúc.
“ Cha me mãi nhớ về ngày cưới
Ngày đầu tiên đẹp nhất trên đời”
Người cha còn nhắc đến những kỷ niệm ngày cưới của mình với con để mong con luôn nhớ con lớn lên trong tình yêu trong sáng và hạnh phúc của cha mẹ. Ngày cưới cha mẹ - cái “ngày đầu tiên đẹp nhất trên đời” - ngày cha và mẹ được tác hợp bởi “duyên trời” - cũng ngày đó sự sống của con đã bắt đầu phôi thai. Người cha muốn con mình biết về ý nghĩa của ngày ấy - kỉ niệm thiêng liêng không bao giờ phai mờ đối với mẹ cha và giờ đây lại in dấu trong lòng con.Đó là điểm xuất phát mọi tình yêu thương trong con.Nói với con những điều đó, người cha muốn dạy dỗ con tình cảm cội nguồn bằng chính tình yêu và lòng tự hào về quê hương, về gia đình…Chính quê hương đã tạo cho cha mẹ cuộc sống hạnh phúc, mạnh mẽ, bền lâu.
Từ hiểu biết về cội nguồn quê hương, cha muốn nhắn nhủ con sống sao cho xứng đáng với những người đi trước, sống cho đẹp với nơi chôn rau, cắt rốn. Tạo hoá sinh ra và trao cho ta một thể xác, một linh hồn. Đừng bao giờ hèn hạ đánh mất mình. Người cha muốn con sống cao thượng vì đó là nguồn sức mạnh để  con trưởng thành. Quê hương là tấm gương lớn để con soi vào mỗi khi lạc bước. Con sẽ thấy mình đẹp hơn trong tấm gương cội nguồn thiêng liêng ấy.
3. Kết bài:
Đọc những vần thơ của Y Phương ta như đang gặp chính làng quê mình, tâm hồn mình như đang được soi chiếu. Con sinh ra từ mẹ cha, con lớn lên bằng tình thương yêu và con sẽ trưởng thành từ nhận thức về cội nguồn, về sức sống mãnh liệt của làng quê mình. Mỗi làng quê là một phần trong đất nước và mỗi làng quê cũng là một phần trong trái tim con người - trái tim cha và con.