Thứ Bảy, 6 tháng 4, 2013

Đề: Phân tích bài thơ “Sang thu” của Hữu Thỉnh ( Bài tham khảo)



Dẫu biết rằng thời gian bốn mùa luôn luân chuyển hết xuân đến hạ, thu sang rồi đông tới, thế nhưng ta vẫn cảm thấy ngỡ ngàng khi quên đi nhịp sống sôi động hàng ngày mà lắng nghe tiếng mùa thu đi để cảm nhận thời khắc đặc biệt bước chuyển mùa của thiên nhiên. Đọc Sang thu của Hữu Thỉnh giúp ta chiêm ngưỡng lại những giây phút giao mùa tinh tế đầy ý vị mà bấy lâu nay ta hững hờ. Đó là lúc hồn ta run lên những cảm nhận dung dị.
Mờ đầu bài thơ, người đọc có thể nhận ra ngay cảm nhận tinh tế của Hữu Thỉnh khi tiết thời sang thu:
“Bỗng nhận ra hương ổi
Phả vào trong gió se”
Từ “bỗng” được gieo lên trong niềm ngỡ ngàng, ngạc nhiên. Từ bao giờ nhỉ, thu về? Tất cả đến với tác giả nhẹ nhàng, mà đột ngột quá, thu về với đất trời quê hương, với lòng người mà không hề báo trước. Để rồi trong giây phút ngỡ ngàng ấy, nhà thơ mới chợt nhận ra hương ổi.  Vì sao lại là hương ổi mà không phải là các hương vị khác? Người ta có thể đưa vào bài thơ về mùa thu các hương vị ngọt ngào của ngô đồng, cốm xanh, hoa ngâu,… nhưng Hữu Thỉnh thì không. Giữa tiết trời cuối hạ đầu thu, ông nhận ra hương vị chua chua, ngòn ngọt của những quả ổi chín vàng ươm. Hương vị ấy đơn sơ, mộc mạc, đồng nội, rất quen thuộc của quê hương. Thế mà ít ai nhận ra sự hấp dẫn của nó. Bằng cảm nhận tinh tế, bằng khứu giác, thị giác, nhà thơ đã chợt nhận ra dấu hiệu của thiên nhiên khi mùa thu lại về. Chúng ta thật sự rung động trước cái “bỗng nhận ra” ấy của tác giả. Chắc hẳn nhà thơ phải gắn bó với thiên nhiên, với quê hương lắm nên mới có được sự cảm nhận tinh ết và nhạy cảm như thế!
Dấu hiệu của sự chuyển mùa còn được thể hiện qua ngọn gió se mang theo hương ổi chín. Gió se là một làn gió nhẹ, mang chút hơi lạnh, còn được gọi là gió heo mây. Ngọn gió se se lạnh, se se thổi, thổi vào cảnh vật. thổi vào lòng người một cảm giác mơn man, xao xuyến. Từ “phả” được dùng trong câu thơ “Phả vào trong gió se” mới độc đáo làm sao! Nó diễn tả được tốc độ của gió, vừa góp phần thể hiện sự bất chợt trong cảm nhận: hương ổi có sẵn mà chẳng ai nhận ra, thế mà Hữu Thỉnh đã bất chợt nhận ra và xao xuyến trước cái hương đồng gió nội ấy.
Không chỉ có “hương ổi’ trong “gió se” mà tiết trời sang thu còn có hình ảnh:
“Sương chùng chình qua ngõ”
Từ chùng chình gợi lên nhiều liên tưởng. Tác giả nhân hó làn sương nhằm diễn ta sự cố ý đi chậm chạp của nó khi chuyển động. Nó bay qua ngõ, giăng giắc và giậu rào, vào hàng cây khô trước ngõ đầu thôn. Nó có cái vẻ duyên dáng, yểu điệu của một làn sương, một hình bóng của thiếu nữ hay của một người con gái nào đấy. Đâu chỉ có thế, cái hay của từ láy “chùng chình” còn là gợi tâm trạng. Sương dềnh dàng hay lòng người đang tư lự, hay tâm trạng của tác giả cũng “chùng chình”?.
Khổ thơ thứ nhất khép lại bằng câu thơ “Hình như thu đã về”. Từ  “hình như” không có nghĩa là không chắc chắn, mà là thể hiện cái ngỡ ngàng, ngạc nhiên và có chút bâng khuâng. Từ ngọn gió se mang theo hương ổi thơm chín, vàng ươm đến cái duyên dáng, yểu điệu của một làn sương cứ chùng chình không vội vàng trước ngõ, tác giả đã nhận dần nhận ra sự chuyển mình nhẹ nhàng nhưng khá rõ rệt của tiết trời và thiên nhiên trong khoảnh khắc giao mùa bằng đôi mắt tinh tế và tâm hồn nhạy cảm của một thi sĩ yêu thiên nhiên, gắn bó với cuộc sống nơi làng quê.
Nếu ở khổ thơ đầu trạng thái của tác giả mới chỉ là “bỗng”, “hình như” thì ở khổ thứ hai, sự vận động của mùa thu đã được cụ thể hóa bằng những sắc thái đổi thay của tạo vật:
“Sông được lúc dềnh dàng
Chim bắt đầu vội vã”
Vì sao sông “dềnh dàng” còn chim lại “vội vã”? Đây là những cảm nhận rất tinh tế và có cơ sở khoa học nhưng vẫn rất giàu sức biểu cảm. Cái “dềnh dàng” của dòng sông là phút hiếm hoi sau lúc gập ghềnh leo thác nhọc nhằn rồi lại ồ ạc xối xả dưới những cơn mưa rào mùa hạ. Từ “được lúc” diễn tả cái hiếm hoi, thưa thớt. Từ láy “dềnh dàng” chỉ sự chuyển động chậm chạp, đã lâu lắm rồi con sông mới có dịp nghỉ ngơi thanh thản như thế. Dòng sông trở nên chậm chạp hơn khi sang thu, không đồng nghĩa với sự vật nào cũng vậy. Trái ngược với cái sự “dềnh dàng” của dòng sông, lúc bấy giờ, đàn chim đã vội vã hơn vì cơn gió heo mây lạnh lẽo đầu mùa tràn về khiến đàn chim phải bắt đầu vội vã bay về phương nam tránh rét. Phép nối và phép tương phản giữ hai câu thơ: dềnh dàng -  vội, vã đã được tác giả gửi gắm vào đó một triết lý: cuộc đời không có giây phút nào phẳng lặng, êm đềm, cuộc sống vẫn chuyển động không ngừng, chính vì thế con người phải biết cách chuẩn bị đầy đủ đề ứng phó và theo kịp mạch chảy của cuộc đời
Và hai câu thơ tiếp theo, không gian đất trời lại tiếp tục được mở thêm một tầng mới
“Có đám mây mùa hạ
Vắt nửa mình sang thu”
Đây là sự liên tưởng sáng tạo, thú vị. Mây mùa hạ thường xám xịt, đen kịt, tạo cảm giác nặng nề. Mây mùa thu trong vắt, xanh ngắt. Sự thật, không có đám mây nào như thế. Vì sao có sự phân chia rạch ròi, mắt nhìn thấy được trên bầu trời. Đó là đám mây trong liên tưởng, tưởng tượng của tác giả. Nhưng chính cái hình ảnh mùa hạ nối với mùa thu bởi nửa đám mây lững lờ, cũng dềnh dàng, chùng chình, bảng lãng trên tầng không làm người đọc cảm thấy khong gian và thời gian chuyển mùa mới đẹp làm sao! Có thể nói đây là hai câu thơ đẹp nhất của tiết trời sang thu.
Nhà thơ cảm nhận những biểu hiện nào khác của tiết trời khi chuyển hạ qua thu?
“Vẫn còn bao nhiêu nắng
Đã vơi dần cơn mưa
Sấm cũng bớt bất ngờ
Trên hàng cây đứng tuổi”
Nắng – hình ảnh cụ thể của mùa hạ đã trở thành quá khứ. Trạng thái này của thời tiết lại một lần nữa khẳng định sự ngập ngừng đầy chủ động của vạn vật trước thời gian. Song, dẫu có ngập ngừng thì thời gian vẫn bước những bước đi vô tình của nó, và ngay cả hàng cây cũng bớt bất ngờ nên thường ngày nó có mùa xanh thế mà bây giờ trở thành hàng cây đứng tuổi . Hàng cây đứng tuổi – hình ảnh gợi lên cho người đọc nhiều liên tưởng về tuổi tác và tâm trạng của con người. Thời gian trôi nhanh qua cửa cuộc đời mỗi con người là một chứng nhân nhìn mùa thu đi qua nên nuối tiếc là cảm xúc của con người trước thời gian. Hai dòng thơ cuối có thể hiểu theo hai nghĩa: thực và tượng trưng. Lúc sang thu, bớt đi những tiếng sấm, hàng cây không không còn bị giật mình vì những tiếng sấm, hoặc hàng cây đứng tuổi như những con người từng trải không còn thấy bất ngờ trước những vang động bất thường của cuộc sống.
Xưa nay, mùa thu thường gắn liền với hình ảnh lá vàng, lá khô xào xạc và ta cứ ngỡ như chỉ những sự vật ấy mới là đặc điểm của mùa thu. Nhưng đến với Sang thu của Hữu Thỉnh, người đọc mới chợt nhận ra: một làn hương ổi, một màn sương, một dòng sông, một đám mây, một tia nắng,… những sự vật gân gũi thế mà cũng làm nên sức hấp dẫn của Sang thu.
Bài thơ được sáng tác bằng thể thơ năm chữ quen thuộc của thơ ca truyền thống, ngắn gọn, hàm súc. Chất hiện thưc kết hợp với chất trữ tình sâu lắng. Đằng sau những hình ảnh thi vị , mùa thu là nhịp của trái tim nhà thơ lúc trầm tư, lúc rộn rã da diết âm vang. Hình ảnh thơ thân thuộc, gần gũi thể hiện sự cảm nhận vô cùng tinh tế của một ngòi bút tài hoa.
Sang thu của đất trời, sang thu của người viết, sang thu của mỗi đời người gặp nhau ở đây. Bài thơ là sự hòa hợp giữa con người với thiên nhiên, vũ trụ nhỏ của vũ trụ lớn, vấn đề của cá nhân với vấn đề tổng quát của toàn nhân loại. Nó hòa hợp một cách rất tự nhiên trong chính ngòi bút của Hữu Thỉnh “thu đang đẹp độ hết mình.